TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: “Quản trị thông minh trong môi trường phức hợp toàn cầu: Lý luận và thực tiễn”

15:51 18/03/2021
Logo header Sáng ngày 21/01/2021 Trường Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Quản trị thông minh trong môi trường phức hợp toàn cầu: Lý luận và thực tiễn”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học quản trị thông minh trong môi trường phức hợp toàn cầu giúp cho các doanh nghiệp rút ngắn quá trình chuyển đổi và hòa nhập cùng xu thế phát triển của kinh doanh hiện đại.

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Phạm Vũ Luận - Nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Mai Xuân Thái - Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ; ông Bùi Thái Quang - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan Bộ Tài chính; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế. PGS.TS Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh Chủ trì Hội thảo cùng các tham luận, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp và sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Toàn cảnh Hội thảo.

Quản trị hẳn không phải khái niệm lạ lẫm với nhiều doanh nghiệp. Bất kỳ một công ty, tổ chức, doanh nghiệp hay một quốc gia thì đều cần đến quản trị. Quản trị là yếu tố tạo nên sự thành công của tổ chức. Thuật ngữ quản trị được giải thích bằng nhiều cách khác nhau. Theo mỗi cách lý giải khác nhau ta lại có một khái niệm riêng về quản trị. Với một số quan điểm quản trị là việc thiết lập và duy trì một môi trường mà các cá nhân làm việc với nhau trong từng nhóm có thể hoạt động hữu hiệu và có kết quả. Có thể hiểu là một quá trình kỹ thuật và xã hội nhằm sử dụng các nguồn, tác động tới hoạt động của con người và tạo điều kiện thay đổi để đạt được mục tiêu của tổ chức. Hoặc có thể quản trị là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Có nhiều cách hiểu, nhưng nhìn chung có thể thấy được quản trị là phối hợp hiệu quả các hoạt động của người cùng chung trong tổ chức. Đây là quá trình nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra bằng việc phối hợp nguồn lực của tổ chức. Mục tiêu của quản trị là tạo ra giá trị thặng dư tức tìm ra phương thức thích hợp để thực hiện công việc nhằm đạt hiệu quả cao nhất với chi phí các nguồn lực ít nhất. Nói chung, quản trị là một quá trình phức tạp mà các nhà quản trị phải tiến hành nhiều hoạt động từ khâu đầu đến khâu cuối của một chu kỳ sản xuất, kinh doanh, phân phối, lưu thông sản phẩm của doanh nghiệp, thực chất của quản trị là quản lý các yếu tố đầu vào, quá trình sản xuất và các yếu tố đầu ra theo chu trình quá trình hoạt động của một tổ chức, một doanh nghiệp.

Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Ngay từ những năm 1840 - 1890 khi những cơ sở sản xuất nhỏ cùng những công trường thủ công và xưởng thợ ra đời kèm theo nó là sự xuất hiện của những quản trị viên. Họ là chủ sở hữu những cơ sở sản xuất nhỏ của mình và đồng thời là nhà quản trị. Đến năm 1910, nhiều công ty, nhiều tập đoàn sản xuất lớn được hình thành, nhiều ngân hàng xuất hiện nhằm phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn. Các chức danh Giám đốc, Tổng Giám đốc ra đời. Vấn đề quản trị doanh nghiệp càng được đặt ra cụ thể, chặt chẽ dưới các điều luật cụ thể. Từ chỗ chấp nhận từ từ, xã hội đã chấp nhận hẳn vai trò của quản trị doanh nghiệp, mà gắn liền với nó là các quản trị viên có nghiệp vụ và các cố vấn có năng lực vận dụng những kiến thức lý luận quản trị doanh nghiệp vào thực tiễn. Dưới tác động của cuộc Cách mạng Công Nghiệp lần thứ 4, sự xuất hiện của công nghệ số đã giúp con người thay đổi các thức giao tiếp và làm việc. Từ đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống như logistics, dịch vụ, giáo dục... buộc các nhà quản trị cần có những bước đi mới, những giải pháp thông minh,... giúp tổ chức, doanh nghiệp có thể thay đổi kịp thời trước những thách thức mà thực tiễn đề ra. 

            PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu
 
GS.TS Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện QTKD Trường ĐHKT, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu tại Hội  thảo.

Quản trị thông minh theo chuyên gia quốc tế là việc thiết kế lại quản trị, trong khi duy trì các nguyên tắc phát triển trong quy luật tự nhiên và quy luật nền kinh tế thị trường. Quản trị thông minh trong môi trường phức hợp toàn cầu như hiện nay lại càng đặt ra nhiều thách thức. Do khác với môi trường “phức tạp”, nơi mà các doanh nghiệp vẫn có thể nắm được quy luật vận hành từ đó đưa ra cách ứng phó phù hợp, môi trường phức hợp không tuân theo bất cứ quy luật nào và sẽ tạo ra các tác động không thể dự báo trước. Theo PGS.TS. Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh cho rằng: “Môi trường phức hợp là một môi trường không đoán định được. Chính vì thế cần sự linh hoạt và thích ứng, nhưng để làm được điều đó cần phải thông minh. Vì vậy, quản trị thông minh sẽ là xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam. Việc cần thích ứng nhanh chóng với những sự thay đổi của nền kinh tế là điều rất cần thiết. Việt Nam là quốc gia có nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo và được Chính phủ quan tâm, theo dõi sát sao, đồng thời có những hoạch định chính sách kịp thời đảm bảo cho sự phát triển cân bằng của nền kinh tế nước nhà. Đây là những yếu quan trọng giúp cho việc chuyển dịch từ quản trị truyền thống sang quản trị thông minh có một số lợi thế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình sự chủ động nhằm chuyển mình cũng như đẩy nhanh tiến độ, cập nhật trước xu thế đó.”

Cùng với đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có khả năng thích ứng một cách linh hoạt trong môi trường phức hợp. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số để thích nghi với sự biến đổi của môi trường. Các nhà quản trị doanh nghiệp hiện cũng đang tích cực áp dụng các phần mềm quản trị thông minh, sử dụng mạng xã hội để tham gia vào thương mại điện tử, xây dựng mạng thông tin nội bộ và ứng dụng AI và Big Data để phân tích nhu cầu thị trường… Chính vì vậy, thay vì sử dụng các mô hình quản trị truyền thống, các doanh nghiệp cần chuyển đổi sang một mô hình quản trị mới. Mô hình này sẽ tạo điều kiện phát triển bứt phá cho các doanh nghiệp Việt Nam, vốn có xuất phát điểm chậm hơn so với các doanh nghiệp ở các nền kinh tế phát triển.

Nội dung Hội thảo thu hút được nhiều nhà khoa học, lãnh đạo.

PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật, ĐHQGHN phát biểu tham luận

Có rất nhiều trao đổi về đề tài quản trị thông minh

Thu Thảo - Sinh viên Đại học Kinh tế London tham gia đặt câu hỏi

Với mục tiêu làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn của quản trị thông minh nhằm giúp các doanh nghiệp và tổ chức có thể làm chủ sự phức hợp bằng cách chuyển đổi mô hình quản trị truyền thống sang mô hình quản trị hiện đại, dựa trên các công cụ thông minh. Hội thảo xoay quanh 5 nội dung chính: Xu hướng chuyển dịch từ quản trị truyền thống sang quản trị hiện đại; Ứng dụng các công cụ thông minh (AI, Big Data, IoT,…) trong quản trị; Quản trị thông minh để tận hưởng cuộc sống; Quản trị bằng sự kết hợp khoa học hệ thống, điều khiển học và mô phỏng sinh học; Tác động của môi trường phức hợp toàn cầu đến hoạt động của các doanh nghiệp - tổ chức. Trao đổi tại Hội thảo, Diễn giả Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ về 4 phép toán đời thường và các công cụ điều hành tại Tập đoàn hiện nay như: Luật tam định; Cặp đôi không hoàn hảo; Nguyên tắc quản lý vườn thú… Diễn giả TS. Lưu Thị Minh Ngọc - Viện Quản trị Kinh doanh chia sẻ: “Đổi mới công nghệ quản trị trong ngân hàng thương mại”. Trong đó, tiến sĩ đã tập trung chỉ rõ công nghệ lõi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam như công nghệ ERP - Quản trị tài chính; công nghệ VOR - sử dụng tối đa tài nguyên; công nghệ DFA - chống xâm phạm và tấn công”. Ngoài ra, tại phần trao đổi của mình, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Misa đã lý giải các vấn đề xung quanh xu hướng hội tụ dữ liệu ứng dụng trong mô hình tài chính doanh nghiệp. Từ đó, dẫn dắt sang các câu hỏi lớn như: “Tài chính linh hoạt cần năng lực gì?”; “Tại sao doanh nghiệp phải hội tụ dữ liệu?”; “Thế nào là hệ thống quản trị hội tụ dữ liệu?” và “Hội tụ dữ liệu có phải xu hướng tương lai?”. Trong hơn 4 tiếng diễn ra hội thảo cùng với sự chia sẻ và đóng góp nhiệt tình của các diễn giả và đại biểu. Hội thảo đã chỉ ra những vấn đề liên quan đến quản trị thông minh trong môi trường phức hợp toàn cầu. Bên cạnh đó, với đơn vị đào tạo nghiên cứu cần phải tiên phong trong việc nghiên cứu thực tiễn để đưa ra các mô hình quản trị thông minh, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước, từ đó giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn quá trình chuyển đổi và hòa nhập cùng xu thế phát triển của kinh doanh hiện đại. 

Thực tiễn luôn xuất phát từ phía doanh nghiệp nhưng để tổng kết và đúc rút thành lý luận lại đòi hỏi sự tham gia của các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu. Mọi đơn vị, mọi tổ chức cần phải tiên phong trong việc nghiên cứu thực tiễn để đưa ra các mô hình quản trị thông minh, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước, từ đó giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn quá trình chuyển đổi và hòa nhập cùng xu thế phát triển của kinh doanh hiện đại.

Xuân Linh (Ảnh: Lê Dũng)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 53 - 21

Bình luận: 0