Khẩn trương hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia để tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Việt Nam hiện có 3.450 sông, suối với tổng chiều dài từ 10km trở lên nằm trong 108 lưu vực, trong đó có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km2 và 7 là lưu vực sông liên quốc gia; tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168 nghìn km2. Trong đó 837 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, ở phần đầu nguồn; chỉ có 331 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 28,3%) là nằm trong lãnh thổ Việt Nam; tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830 - 840 tỷ m3. Việt Nam có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tính khoảng 70 tỷ m3. Nguồn nước ngầm có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm (tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940 - 1.960mm (tương đương với khoảng 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Hiện tại, tổng lượng nước được khai thác, sử dụng hàng năm của Việt Nam là 80,6 tỷ m3/ 830 tỉ m3 (10% tổng lượng nước của cả nước), trong đó hơn 80% (khoảng 65 tỉ m3/năm) sử dụng cho nông nghiệp. Hệ thống tưới tiêu mới đủ cung cấp nước cho 4,2/11 triệu ha canh tác. Có đến 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch với khoảng 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế. Ngoài ra, tài nguyên nước cũng phân bố không đều theo không gian và thời gian: phần lãnh thổ thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc đến Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước, 60% lượng nước còn lại là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú nhưng nguồn nước mặt bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Tình trạng sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí; các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững… Do đó, việc khẩn trương hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm mô tả bức tranh tổng thể, toàn diện về tài nguyên nước Việt Nam. Việc xây dựng Đề án sẽ góp phần chỉ ra được những nguyên nhân khách quan, chủ quan; đồng thời, đánh giá được các tồn tại, thách thức và dự báo được những vấn đề về tài nguyên nước trong tương lai. Từ đó, đặt ra các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, chính sách lớn, các giải pháp để giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước.
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo tình hình xây dựng Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Cục đã phối hợp với các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước của Bộ để xây dựng nội dung Đề án dựa trên nền tảng cơ sở là báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, báo cáo đánh giá quản trị nước của Ngân hàng Thế giới và những nội dung tài nguyên nước được Cục tổng hợp, rà soát trong thời gian qua. Để triển khai những nội dung chi tiết, Cục cũng đã trình Lãnh đạo Bộ ký văn bản gửi các Bộ liên quan đề nghị cung cấp các thông tin liên quan về hiện trạng, tồn tại và thách thức liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước trong lĩnh vực của các bộ, ngành quản lý bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đây là các Bộ có sử dụng nước chính trong thời điểm hiện nay và cũng được pháp luật quy định. Bên cạnh đó, Cục cũng làm việc trực tiếp với các cơ quan tham mưu của các Bộ nêu trên để có những thông tin cũng như hoàn thiện dự thảo báo cáo.
Liên quan đến nội dung Đề án, về quan điểm xây dựng, hiện nay có nhiều quan điểm về đảm bảo an ninh tài nguyên nước. Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổng hợp các nội dung phù hợp với điều kiện thể chế cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay. Theo đó, dự kiến Đề án giải quyết 6 vấn đề chính theo xu thế chung của an ninh nguồn nước: Đảm bảo nguồn nước cho cấp nước sinh hoạt; đảm bảo cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng và giao thông; chủ động ứng phó với tác động của hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm, biến đổi khí hậu; tác động từ nước ngoài đối với nguồn nước xuyên biên giới và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước cho môi trường, thoát nước xử lý nước thải đô thị và giao thông thủy và các hoạt động liên quan.
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã có báo cáo cụ thể về nội dung chính của Đề án với 6 quan điểm, 12 mục tiêu và 12 giải pháp để thực hiện Đề án.
Theo đó, Đề án nhằm hướng đến mục tiêu chung là chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu của người dân và các ngành kinh tế trong mọi tình huống; giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do nước gây ra; tăng cường chuyển đổi số phục vụ điều hoà, phân bổ nguồn nước và hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch, an toàn và được quản trị trên nền tảng công nghệ số.
Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 là giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; khắc phục có hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo; Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Kiểm soát trên 90% các nguồn thải vào nguồn nước có vai trò quan trọng trong cấp nước được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái ngập nước quan trọng; Cải thiện việc cung cấp dịch vụ cấp nước đô thị, nông thôn, nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt khoảng 95 - 100%, nông thôn đạt khoảng 93 - 95%; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc vận hành hiệu quả các công trình thuỷ lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu; cấp đủ nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong công nghiệp; đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc điều hòa phân bổ hợp lý nguồn nước khai thác cho thủy điện, nhiệt điện; đẩy mạnh sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao khả năng tích trữ, an toàn hạ du; từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào diễn biến nguồn nước; 90% hồ chứa thủy điện được bổ sung nhiệm vụ tham gia phòng lũ, cấp nước cho hạ du và điều tiết vận hành theo thời gian thực; …
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị tham dự cuộc họp đã phát biểu ý kiến về cấu trúc, nội dung, tên gọi của Đề án. Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng thủy văn cho rằng, dự thảo Đề án đã nêu được khá toàn diện về các nội dung liên quan đến an ninh tài nguyên nước ở Việt Nam. Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, cần bổ sung các nhóm giải pháp thực hiện mang tính tạo ra tính đột phá trong công tác quản lý tài nguyên nước của Bộ TN&MT trong khoảng 5 năm tới như đẩy mạnh việc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trực tuyến, xây dựng chỉ số chung về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, số hóa dữ liệu quản lý chất lượng nước, số lượng nước làm cơ sở cho công tác điều tiết, phân bổ nguồn nước;…. Đại diện Vụ Pháp chế đề nghị, Đề án cần chọn ra các dự án trọng điểm, ưu tiên, rà soát lại các con số, chỉ tiêu được nêu trong báo cáo; đồng thời, cần có sự phân công rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trên cơ sở bám sát các mục tiêu tổng quan, mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm tạo ra sự thống nhất, xuyên suốt.
Huy Thịnh
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 68 -21
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)