TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Khu du lịch Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay: Có hay không việc bao che, tiếp tay cho sai phạm kéo dài?

22:15 10/06/2021
Logo header Bất chấp các quy định pháp luật, hàng loạt các công trình xây dựng vẫn được chủ đầu tư triển khai trên đất nông nghiệp và khu vực hành lang thoát lũ.

Hà Nội là một trong những thành phố có hệ thống sông, ngòi, đê điều chằng chịt, với rất nhiều sông lớn chảy qua như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Cà Lồ. Để kịp thời ứng phó với thiên tai, bão lũ và chống ngập úng, Hà Nội đã được quy hoạch rất chi tiết hệ thống đê điều và không gian thoát lũ với tổng số chiều dài các tuyến đê lên đến 626,5km. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ đê điều, quản lý và chống lấn chiếm trong hành lang thoát lũ là một việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, không ít khu vực hành lang thoát lũ trên địa bàn Hà Nội vẫn bị xâm hại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố đê điều, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân, điển hình là Khu du lịch Vườn sinh thái Phúc Thọ- Hoa Bay đã và đang gây ra những bất cập về đất đai, xây dựng, thủy lợi, đê điều.

Theo tài liệu Tri thức Xanh thu thập được, Khu du lịch Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay do Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay làm chủ đầu tư, thuộc địa phận thôn Bốt Đá, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ; nằm ở bãi sông Đáy, tương ứng K2+200 đê hữu Đáy, cách chân đê khoảng 100m và sát bờ sông. Dự án được xây dựng với quy mô khoảng 40.000m2, theo hình thức mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng. Năm 2019, chủ đầu tư Dự án triển khai nhiều công trình, bao gồm khu nhà điều hành, tổng diện tích 200m2, kết cấu nhà khung 2 tầng, tường gạch chỉ, sàn bê tông cốt thép, mái lợp tôn), kè bờ sông, xây dựng khu vực nhà tạm bằng gỗ với diện tích 300m2; một dãy nhà hàng được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn có thể chứa hàng trăm thực khách cùng lúc ngay sát bờ sông và đổ cọc đua hẳn ra phía bờ sông Đáy lấn chiếm phía hành lang đê sông cùng các công trình khác.

Theo quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 07/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy: Khu Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay nằm trong hành lang thoát lũ tuyến sông Đáy (phạm vi 500m bao gồm hai bên bãi và lòng sông); thuộc khu vực không xây dựng mới nhà cửa, công trình; đối với nhà cửa hiện có xây dựng kế hoạch từng bước rời đi. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là tình trạng này diễn ra hết sức công khai nhiều năm nay mà không có sự quản lý, can thiệp của chính quyền địa phương. Thậm chí, khi Tri thức Xanh đề nghị cung cấp thông tin về sự việc này, chính quyền và người đứng đầu vẫn bao che cho sai phạm, cố tình né tránh cung cấp thông tin báo chí.

Du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng trên... đất nông nghiệp

Điều 14 Luật đất đai 2013 quy định: “Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”. Khoản 2 Điều 59 Luật đất đai 2013 khẳng định: “Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định”.

Vậy, các công trình xây dựng trong khu vực thực hiện Dự án được xây dựng trên đất nông nghiệp hay đất phi nông nghiệp? Đã có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất hay chưa? Có hay không việc buông lỏng quản lý, hay “tiếp tay”, “bao che” cho việc sử dụng đất không đúng mục đích này?

“Thản nhiên” xâm phạm “vùng cấm”- khu vực hành lang thoát lũ

Điều 26 Luật đê điều 2006 quy định về việc sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng, theo đó, các công trình được xây dựng bao gồm: (1) Công trình phân lũ, làm chậm lũ, kè bảo vệ đê, cột chỉ giới, các loại biển báo đê điều, cột thủy chí, trạm quan trắc các thông số kỹ thuật về đê điều, bãi chứa vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê; (2) Công trình quốc phòng, an ninh, công trình giao thông, thủy lợi, công trình ngầm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống giếng khai thác nước ngầm, trạm bơm, âu thuyền; (3) Công trình theo dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại khoản 4 Điều này. Bên cạnh đó, đối với các Dự án sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng các công trình quy định tại khoản 3 Điều này trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, nếu Dự án chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì chưa được phép triển khai. Việc ngang nhiên xây dựng công trình trong phạm vi hành lang đê có thể hiện sự coi thường, khinh nhờn pháp luật của chủ đầu tư Dự án? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc bảo vệ người dân trong mọi tình huống thiên tai có khả năng đe dọa tới tính mạng và tài sản của họ? Có hay không việc các cấp chính quyền và chủ đầu tư coi thường pháp luật về phòng chống thiên tai, coi thường sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi đưa dân cư ra hành lang thoát lũ?

Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều đã nêu rõ: “Phải kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn”. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tại Phúc Thọ cần sớm vào cuộc để làm rõ các dấu hiệu sai phạm kể trên, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật về đất đai, thủy lợi, đê điều. Trong khuôn khổ chương trình “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, Tri thức Xanh đã có văn bản gửi chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ để làm sáng tỏ những dấu hiệu sai phạm kể trên. UBND huyện Phúc Thọ cũng đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, kiểm tra theo kiến nghị của Tri thức Xanh. Trên cơ sở phản hồi của UBND huyện Phúc Thọ, nhóm tác giả sẽ tiếp tục làm rõ vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.

Phúc Nguyên và Nhóm PVĐT

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0