TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Kinh doanh kỳ lạ

15:26 17/09/2020
Logo header Việc kinh doanh này diễn ra từ rất lâu. Có lần, tôi đã trực tiếp nói với người của ngành Bưu điện để họ có ý kiến lên trên. Nhưng đến nay vẫn không được khắc phục, khiến khách hàng rất bất bình. Tôi hỏi lại thì được biết họ đã phản ánh đúng những gì tôi góp ý. Nhưng cấp trên không để tâm (?)

Sự việc như sau: Nếu gửi bưu phẩm từ địa phương này đến địa phương khác trong nước sẽ có mấy hình thức: Chuyển phát thường, Chuyển phát nhanh, Chuyển phát hỏa tốc. Gửi thư cũng như vậy: Thường, nhanh, bảo đảm. Tất nhiên, tiền phí rẻ, đắt sẽ tùy thuộc ở từng hình thức. Càng nhanh, càng “bảo đảm” sẽ hàng hết nhiều tiền. 

Ảnh minh họa

Mới nghe, có vẻ như có lý, không có vấn đề gì đáng nói. Nhưng nghĩ kỹ, thấy cực kỳ vô lý. Đó là: Người ta đã chi tiền mua tem (phí) để thuê Bưu điện chuyển thư (hoặc mọi vật phẩm) thì đương nhiên là phải bảo đảm đến tay người nhận. Đây là quan hệ mua bán của thị trường. Như vậy có nghĩa chỉ “bảo đảm” mới đến nơi, còn thường (tức không bảo đảm) thì không đến? Cũng như vậy, khách gửi bưu phẩm thì đương nhiên Bưu điện phải có trách nhiệm chuyển đến nơi nhận trong thời gian ngắn nhất. Không thể vì anh trả tôi ít tiền thì tôi ỳ ra, chuyển chậm, còn trả nhiều tiền thì tôi mới chuyển nhanh. Tôi nói với nhân viên ngành Bưu điện điều bất hợp lý trên thì họ nói chỉ biết thực hiện theo lệnh cấp trên. Tôi hỏi lại họ: “Vậy các bạn có thấy điều vô lý như tôi vừa góp không?”. Họ trả lời tỉnh queo: “Thú thực, chúng em chưa bao giờ nghĩ đến điều này, chỉ biết phục vụ theo yêu cầu của khách là gửi theo hình thức nào rồi cân hàng hoặc thư, xong, tính tiền”.Tôi quay sang hỏi mấy người khách đang đợi đến lượt mình thì họ gật gù: “Anh nói rất đúng. Quả là chúng em lâu nay chưa bao giờ nghĩ đến sự vô lý này”. Họ nói thêm: “Đúng là nhiều lần chúng em gửi thư chỉ dán tem bình thường rồi bỏ vào hộp thư thì không đến tay người nhận. Về sau gửi “bảo đảm” thì mới đến”. Tôi nói: “Vậy những lần thư không đến tay người nhận đã giống như “tiền trao” mà không “cháo múc”. Khách mất tiền, nhưng không được việc”. Một khách khác nói: “Chuyển phát nhanh mất tiền gấp mấy lần nhưng thời gian cũng chỉ nhanh hơn vài ngày, chứ không mấy lần. Ví dụ: gửi thư hình thức bình thường hết 4000đ/thư (giá 1 chiếc tem) thì từ Bắc vào Nam phải mất 2 tuần. Gửi “chuyển phát nhanh” mất 13.000đ/thư thì thời gian cũng mất 1 tuần”. Về điều này, ngành Bưu điện đã phục vụ với cung cách thật khó chấp nhận. Thời chiến tranh ngày trước (chống Mỹ), tôi gửi thư từ nơi sơ tán về Hà Nội (cách trên 100km) chỉ mất có 3 đến 5 ngày là cùng. Vậy mà nay giữa thời bình, gửi thư (hình thức dán tem bình thường) từ Hà Nội vào TP. HCM phải 2 tuần mới tới nơi. Ngày trước không có máy bay, phương tiện giao thông khác khó khăn hơn bây giờ nhiều, bom đạn đì đùng suốt ngày đêm. Còn bây giờ mọi thứ đều cực kỳ thuận lợi. Vậy mà sự nhanh chậm của những cánh thư đã ngược hẳn nhau. Phải chăng, bây giờ ngành Bưu điện đã không còn giữ được truyền thống tốt đẹp của mình để làm ăn trây ỳ, tắc trách?. Ấy là tôi chưa nói ở Hà Nội, cứ đến cuối năm, tôi và nhiều bạn bè, người quen thường không nhận được giấy mời dự gặp mặt cuối năm của các nơi gửi qua đường Bưu điện. Về sau, rút kinh nghiệm, họ đã mời qua email rồi gọi điện thoại. Tôi đã từng phản ánh việc này trên báo. Người của Bưu điện gần nhà tôi đã tìm đến xin lỗi tôi. Nhưng các năm sau, tình hình vẫn không được khắc phục.

Thật là không còn gì để nói với kiểu kinh doanh kỳ lạ của ngành Bưu điện. Giữa thời buổi hiện nay, có nhiều sự cạnh tranh. Không biết ngành này sẽ tồn tại thế nào khi rất nhiều người thay vì gửi thư qua đường Bưu điện đã thay bằng thư điện tử, vừa cực nhanh, vừa không mất phí. Và cũng còn nhiều nguồn nhận chuyển vật phẩm khác chứ không chỉ có ngành Bưu điện, như Viettel và nhiều Công ty chuyển phát tư nhân chẳng hạn?

Sơn Nữ

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 28 - 20

Bình luận: 0