TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp (Kỳ 1)

03:02 08/01/2021
Logo header Kỳ 1: Kinh nghiệm quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Malaysia

1. Quan điểm, nguyên tắc và các yếu tố đặc thù trong quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Malaysia

Liên bang Malaysia là một quốc gia quân chủ tuyển cử lập hiến liên bang với Quốc vương là lãnh đạo tối cao. Mô hình tổ chức nhà nước gần với hệ thống nghị viện Westminster và việc phân chia tam quyền phân lập ở Malaysia khá rõ ràng. Quốc hội là nơi xây dựng và thông qua hệ thống pháp luật thống nhất trong cả nước, trong đó có hành hành lang pháp lý về quản lý các vấn đề xã hội. Quyền hành pháp được trao cho Chính phủ liên bang do thủ tướng lãnh đạo. Malaysia là một nước theo hệ thống liên bang với 13 bang hợp thành. Chính phủ liên bang và Chính phủ bang là những cơ quan đại diện nhà nước trong việc điều chỉnh, quản lý các mối quan hệ xã hội nói chung và quản lý các vấn đề xã hội tại khu công nghiệp nói riêng.

Ban chủ nhiệm Đề tài tọa đàm với Bộ Nguồn nhân lực Malaysia và Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia

Hệ thống Toà án ở Malaysia bao gồm: Toà án liên bang, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm, Toà án xét xử theo phiên, và Toà án địa hạt. Ngoài các Toà án theo thứ bậc tố tụng trên đây, còn có Toà án đặc biệt, Toà án hồi giáo, Toà án của những người bản xứ và Toà án vị thành niên, Toà gia đình[1]. Trong đó, một đặc điểm nổi bật là do Hiến pháp Malaysia tuyên bố Hồi giáo là quốc giáo nên hệ thống tòa án ở nước này cũng có nhiều đặc thù với các tòa án Hồi giáo (Syariah) tách biệt khỏi các tòa án dân sự, các tòa này áp dụng luật Sharia trong các vụ án liên quan đến người Hồi giáo Malaysia và vận hành song song với hệ thống tòa án thế tục. Tòa án có vai trò quan trọng trong hệ thống thiết chế quan hệ lao động ở Malaysia, đặc biệt là quan hệ lao động tại các khu công nghiệp trong bối cảnh pháp luật lao động của quốc gia này ngày càng nghiêm khắc.

Sắc tộc cũng ảnh hưởng lớn trong chính trị và quản lý xã hội ở Malaysia, nhiều chính đảng dựa trên nền tảng dân tộc. Điều này tạo ra sự khác biệt đáng kể về cách thức và các chính sách của chính phủ đối với quản lý xã hội nói chung và quản lý các vấn đề xã hội tại khu công nghiệp nói riêng đối với các dân tộc. Trong đó, điển hình là các kế hoạch quốc gia như Chính sách Kinh tế mới và thay thế nó là Chính sách Phát triển Quốc gia, được thực hiện nhằm thúc đẩy địa vị của bumiputera (bao gồm người Mã Lai và các bộ lạc bản địa), trước những người phi bumiputera (như người Malaysia gốc Hoa và người Malaysia gốc Ấn). Các chính sách này quy định ưu đãi hơn về việc làm, giáo dục, học bổng, kinh doanh, tiếp cận nhà giá rẻ hơn và hỗ trợ tiết kiệm cho bumiputera. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự bình đẳng giữa các dân tộc tại quốc gia này.

Về kinh tế, Malaysia theo mô hình kinh tế thị trường từ khá sớm, đến nay tương đối hoàn thiện; năng suất lao động tính theo sức mua tương đương năm 2011 cao gấp 5 lần Việt Nam, tỷ lệ lao động đã qua đaof tạo là 36%, cao gấp đôi việt nam. Trong đó, một trong những đặc điểm nổi bật khác biệt với Việt Nam và tác động lớn đến quan hệ lao động và đời sống xã hội người lao động tại các khu công nghiệp là Malaysia không quy định lương tối thiểu; người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận theo cơ chế thị trường.

Hoạt động công nghiệp được quy hoạch cụ thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đến nay, trên toàn lãnh thổ Malaysia có khoảng 595 khu công nghiệp. Phần lớn các khu công nghiệp của Malaysia do các cơ quan nhà nước đầu tư như: các Công ty phát triển kinh tế Bang, Cơ quan phát triển vùng, Hội đồng hành lang vùng và một số công ty tư nhân đầu tư. Khác với Việt Nam, Malaysia không có cơ quan quản lý nhà nước về khu công nghiệp, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào khu công nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm đầu tư của Bang, các Sở: công trình công cộng, phòng cháy và cứu trợ, môi trường, đất đai, cơ quan phát triển đầu tư (MIDA) để đăng ký thành lập doanh nghiệp và xin giấy phép đối với dự án thuộc lĩnh vực sản xuất.

Với các yếu tố đặc trưng đó, việc quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Malaysia được thẹc hiện như sau:

2. Mô hình, chủ thể, nội dung quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Malaysia

a) Về mô hình quản lý:

Việc vận hành các khu công nghiệp ở Malaysia do Ban quản lý của từng khu công nghiệp chịu trách nhiệm, với sự giám sát và điều hành của Chính quyền Bang. Malaysia không có cơ quan quản lý nhà nước về khu công nghiệp nên việc quản lý các vấn đề xã hội chủ yếu dựa vào hệ thống quan hệ lao động trong khu công nghiệp với các thiết chế ba bên và quản lý các vấn đề xã hội xã hội phát sinh ngoài ranh giới khu công nghiệp với thiết chế đảm bảo cư trú, an sinh xã hội và tiếp cận thông tin.

Các vấn đề xã hội xảy ra trong các khu công nghiệp được điều tiết bởi các chính quyền Bang, thành phố phù hợp với hướng dẫn của các bộ, ban ngành của chính phủ, với sự tham gia của các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động. Chính phủ cũng xem các tổ chức xã hội dân sự CSO là những đối tác được nhà nước khuyến khích và phối hợp hoạt động cả về tổ chức lẫn tài chính. Việc quản lý và phát triển các vấn đề xã hội tại khu công nghiệp được thực hiện thông qua các chương trình, chiến lược cụ thể.

Do phần lớn các khu công nghiệp với mô hình cổ điển[2] không có chức năng của khu dân sinh, do đó, các vấn đề xã hội xảy ra bên trong khu công nghiệp chủ yếu liên quan đến quan hệ công nghiệp và được quy định trong Luật Quan hệ Công nghiệp với đầy đủ các vai trò của các thiết chế đại diện (Công đoàn, hiệp hội doanh nghiệp), thiết chế quản lý (các cơ quan quản lý nhà nước), thiết chế tham vấn, thiết chế hỗ trợ (các cơ quan hỗ trợ quan hệ lao động và hoà giải lao động), và các thiết chế phán xét (cơ quan trọng tài, xét xử về quan hệ lao động). Còn các vấn đề xã hội, và thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương và chính quyền Bang. Các vấn đề xã hội như đảm bảo cư trú, an sinh xã hội, như hôn nhân, gia đình, quyền trẻ em và tiếp cận thông tin chủ yếu xảy ra bên ngoài địa giới của khu công nghiệp nơi các công nhân sinh sống, được quản lý tương tự như các khu đô thị, dân cư với trách nhiệm chính thuộc về chính quyền Bang và địa phương.

Hiện nay, Chính phủ Malaysia chủ trương đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghệ cao mà tiêu biểu nhất là khu công nghệ Malaysia TPM ở Bukit Jalil, Kuala Lumpur và Khu công nghệ cao Kulim ở phía bắc bang Kedah, phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). Các khu này tích hợp đầy đủ các yếu tố cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển, cũng như xây dựng các khu dân cư với các hạ tầng đầy đủ như trung tâm mua sắm, bệnh viện, cơ sở giáo dục và cơ sở giải trí, cung cấp các điều kiện và môi trường sống tốt nhất cho người lao động.

b) Về chủ thể và nội dung quản lý:

Việc quản lý các vấn đề xã hội tại khu công nghiệp ở Malaysia được phân biệt khá rõ ràng với hệ thống quản lý quan hệ lao động trong khu công nghiệp và quản lý các vấn đề xã hội xã hội phát sinh ngoài ranh giới khu công nghiệp với thiết chế đảm bảo cư trú, an sinh xã hội và tiếp cận thông tin. Trong đó:

Các thiết chế về quan hệ lao động tại các khu công nghiệp của Malaysia được xây dựng theo một mô hình riêng, với một triết lý là có sự tham gia khá sâu rộng của Nhà nước vào các cơ chế ba bên. Bao gồm:

+ Hội đồng cố vấn lao động quốc gia (National Labour Advisory Council). Đây là cơ quan mang tính chất ba bên cấp cao nhất, đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia. Hội đồng này họp 6 tháng 1 lần để thảo luận và quyết định những vấn đề theo yêu cầu của các đối tác xã hội (công đoàn và đại diện cho người sử dụng lao động);

+ Ban Phát triển nhân lực (Manpower Development Board);

+ Ban An sinh xã hội (Social Security Board) thuộc Tổ chức an sinh xã hội Malaysia (SOCSO) đảm bảo phúc lợi cho người lao động bị tai nạn lao động;

+ Ban Khiếu nại về vấn đề an sinh xã hội;

+ Quỹ Phát triển nguồn lực;

+ Hội đồng Tiền lương

+ Hội đồng Cố vấn quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động;

Chức năng quản lý Nhà nước về quan hệ lao động được giao cho Cục Quan hệ lao động, thuộc Bộ Nguồn nhân lực (Bộ Lao động) Malaysia.

Công đoàn: Hiến pháp Malaysia đảm bảo quyền tự do thành lập và tham gia công đoàn, việc tổ chức và hoạt đông phải tuân theo Đạo luật Công đoàn năm 1959 và Đạo luật Quan hệ Công nghiệp năm 1967. Đến nay, Malaysia có 4 liên minh công đoàn lớn; trong đó, người lao động tại các khu công nghiệp chủ yếu là thành viên các tổ chức công đoàn thuộc Đại hội công đoàn Malaysia (MTUC với khoảng 500.000 thành viên); Hội đồng quốc gia của các công đoàn thuộc nhóm công nhân chính phủ có thu nhập thấp và công nghiệp (MKTR với khoảng 200.000 thành viên). Trong đó, MTUC là liên minh lớn nhất của công nhân các khu công nghiệp khi tập trung đến 73 tổ chức công đoàn ngành sản xuất trong các khu công nghiệp như: Công đoàn ngành xi măng, Liên minh Công nhân Hóa chất, Công đoàn ngành điện, Công đoàn ngành dệt may… Đạo luật Công đoàn hạn chế không cho phép các công đoàn chung cho người lao động. Bên cạnh đó, tỷ lệ người lao động ở Malaysia tham gia công đoàn thấp vì sợ rằng hợp đồng của họ có thể không được gia hạn hoặc giấy phép lao động bị hủy bỏ. Đạo luật Công đoàn thương mại bảo vệ người lao động không bị chủ lao động làm nạn nhân khi tham gia công đoàn. Tuy nhiên, phần khác của đạo luật lại quy định rõ ràng rằng người sử dụng lao động có thể sa thải, cách chức, thuyên chuyển hoặc từ chối thăng chức một người lao động vì lý do khác. Chính sách của chính phủ về việc tách biệt các tổ chức công đoàn và thúc đẩy các công đoàn xí nghiệp hơn các công đoàn quốc gia và công nghiệp đã kìm hãm phong trào công đoàn. Chỉ có 3% lao động trong khu vực tư nhân là đoàn viên công đoàn và dưới 2% có thỏa ước tập thể. Bên cạnh đó, pháp luật Malaysia quy định lao động nước ngoài không được tham gia công đoàn. Nhìn chung, thiết chế công đoàn và thỏa ước tập thể tại Malaysia không có nhiều điều kiện phát triển; sức lao động được xem như một loại hàng hóa đặc biệt; quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động tuân theo cơ chế thị trường.

Các thiết chế đảm bảo cư trú, an sinh xã hội và tiếp cận thông tin cho đời sống người lao động tại các khu công nghiệp:

Chính phủ Malaysia giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cư trú, an sinh xã hội và quản lý các vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến đời sống người lao động tại các khu công nghiệp. Ở cấp trung ương, Văn phòng Chính phủ có các cơ quan chuyên trách để xây dựng chiến lược và điều hành chung liên quan đến các vấn đề xã hội; bên cạnh đó là các bộ quản lý như: Bộ Nguồn nhân lực,  Bộ Lao động Bộ Nhà ở và Chính quyền Địa phương, Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển Cộng đồng,... và Cảnh sát Hoàng gia Malaysia. Trong đó, Bộ Nguồn nhân lực là cơ quan quản lý chủ chốt, chịu trách nhiệm phát triển kỹ năng, việc làm, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, công đoàn, quan hệ doanh nghiệp, thông tin và phân tích thị trường lao động và an sinh xã hội.

Tổ chức An sinh Xã hội (SOCSO) cũng có vai trò quan trọng bảo vệ an sinh xã hội cho Người được bảo hiểm và những người phụ thuộc của họ thông qua các chương trình an sinh xã hội, và nâng cao nhận thức về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nhằm cải thiện phúc lợi xã hội của Người được bảo hiểm tại nơi họ sinh sống. SOCSO cung cấp bảo vệ an sinh xã hội cho tất cả người được bảo hiểm và người phụ thuộc thông qua các chương trình an sinh xã hội dựa trên khái niệm xã hội quan tâm phù hợp với Chính sách phát triển quốc gia và Tầm nhìn 2020.

Ở cấp độ địa phương, chính quyền địa phương cấp huyện, thành phố thuộc các bang là cơ quan quản lý trực tiếp đối với các vấn đề xã hội phát sinh trong đời sống công nhân xung quanh các khu công nghiệp. Trong đó, chính quyền địa phương là cơ quan kiểm soát chương trình phát triển về xây dựng ở địa phương, bao gồm có nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp. Chính quyền địa phương cũng chịu trách nhiệm kiểm soát việc xây dựng, phát triển hạ tầng, giao thông, bảo đảm giữ gìn sức khỏe nhân dân, cung cấp phương tiện giao thông công cộng trong địa hạt, phát triển, nâng cao dân trí thúc đẩy phát triển văn hóa, thể dục thể thao, phối hợp với các cơ quan của chính phủ Bang và chính phủ Liên Bang, điều hành cung cấp điện, nước sinh hoạt.

3. Hành lang pháp lý và thực trạng quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp

Kết quả khảo sát của Đề tài năm 2019 tại Malaysia, đặc biệt là kết quả tọa đàm với Bộ Nguồn nhân lực, Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển CĐ Malaysia cho thấy, Malaysia không có các đạo luật đặc thù để quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp. Hành lang pháp lý để quản lý được áp dụng chung cho tất cả các loại hình sản xuất, không kể khu công nghiệp hay dịch vụ, thương mại. Tuy nhiên, Với lịch sử phát triển công nghiệp từ những năm 1960, và mạng lưới các khu công nghiệp rộng khắp trên cả nước, Malaysia hiện nay đã trở thành một quốc gia công nghiệp, và do đó áp dụng chính sách pháp luật cơ bản đồng nhất. Các điều luật điều chỉnh hoạt động xã hội của các khu công nghiệp là các bộ luật chung điều hành xã hội như Luật Lao động, Luật Quan hệ Công nghiệp, Luật Đầu tư, Luật nhập cư, Luật phụ nữ, trẻ em và hôn nhân. Trong đó, một số đạo luật có ảnh hưởng quan trọng nhất là:

- Đạo luật Việc làm (1955) - EA là luật quan trọng nhất, quy định các tiêu chuẩn tối thiểu liên quan đến quan hệ lao động: tiền lương, giờ làm việc, nghỉ phép, chấm dứt và nghỉ việc; tập trung vào những người thu nhập dưới 1.500 RM và những người tham gia lao động chân tay bất kể tiền lương của họ.

- Đạo luật quan hệ công nghiệp (Industrial Relations Act 1967), quy định khung pháp lý cho quan hệ lao động như: bảo vệ quyền của người lao động và người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ, công nhận và phạm vi đại diện của các liên đoàn (tổ chức) đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động, thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể, hoạt động hòa giải, đại diện của các bên tại các vụ xử về sa thải (cho nghỉ việc), tổ chức và hoạt động của Tòa lao động, các hoạt động điều tra về các tranh chấp lao động, quy trình thủ tục tiến hành tranh chấp lao động, đình công, bế xưởng và các phát sinh từ các hành động này. IRA 1967 quy định rất cụ thể về (i) Chủ thể trong quan hệ lao động (người lao động và người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ; (ii) Sự tương tác giữa các chủ thể này (thương lượng, thỏa ước, tranh chấp, đình công, bế xưởng); và (iii) Các hoạt động quản lý, hỗ trợ sự tương tác này (công nhận các tổ chức đại diện, hòa giải, tòa án, điều tra).

- Đạo luật Công đoàn, 1959 (TUA), cho phép người lao động tại các khu công nghiệp ở Malaysia quyền gia nhập công đoàn, tham gia vào các hoạt động của công đoàn; thực thi, điều hành và thi hành Đạo luật, trong đó đưa ra hai chương trình bảo vệ, là Chương tình bảo vệ việc làm và Chương trình Trợ cấp tai lạn lao động.

Phần còn lại của pháp luật quy định về phúc lợi của người lao động, chủ yếu tuân theo các Công ước và Khuyến nghị của ILO mặc dù Malaysia không phải là nước phê duyệt tất cả các quy định của Công ước. Có thể kể đến như: Đạo luật An sinh Xã hội của Nhân viên (1969), Đạo luật Bồi thường Lao động (1952), Đạo luật quỹ tiết kiệm nhân viên (1951), Đạo luật Hội đồng tiền lương (1947), Đạo luật Tiêu chuẩn Nhà ở và Tiện nghi Tối thiểu cho Công nhân (1990), Đạo luật Sức khỏe và An toàn Lao động (1994),

Về quyền bình đẳng của công nhân trong các khu công nghiệp, Khoản 1, Điều 8, Hiến pháp Liên bang quy định, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được bảo vệ bình đẳng đối với luật pháp. Khoản 2 cũng quy định sẽ không có sự phân biệt đối xử đối với công dân trên cơ sở tôn giáo, chủng tộc, dòng dõi hoặc nơi sinh trong bất kỳ luật nào hoặc trong các hoạt động liên quan đến thương mại, kinh doanh, nghề nghiệp, nghề nghiệp hoặc việc làm... Tuy nhiên, do Hiến pháp Malaysia có quy định những đặc quyền đối với việc phát triển cộng đồng người Mã Lai và những người Hồi giáo để bù đắp cho sự lạc hậu về kinh tế của cộng đồng bản địa này từ khi độc lập. Nên người lao động Mã Lai và Hồi giáo tại các khu công nghiệp có cơ hội cao hơn trong việc tiếp cận cơ hội giáo dục và tài chính, đặc biệt là ở cấp đại học (ví dụ và trung học, cũng như các cơ hội việc làm và thăng tiến trong khu vực công.

Đối với người lao động di cư quốc tế tại các khu công nghiệp, Malaysia đã phê chuẩn Công ước Bình đẳng đối xử (Bồi thường do tai nạn). Đạo luật An sinh Xã hội cho người lao động (ESSA) gần như không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào giữa người lao động trong nước và ngoài quốc gia về phạm vi bảo hiểm và quyền được hưởng trợ cấp thương tật liên quan đến công việc. Việc mở rộng ESSS cho người lao động nước ngoài cho thấy sự sẵn sàng của Chính phủ để hành động theo các khuyến nghị của CAS (Ủy ban về việc áp dụng các tiêu chuẩn của Hội nghị Lao động Quốc tế - ILC). 

Các chương trình nâng cao hiệu quả quản lý các vấn đề xã hội tại khu công nghiệp đã được áp dụng hiệu quả ở Malaysia thời gian qua bao gồm: Đảm bảo tiếp cận nhà ở chất lượng và giá cả phải chăng (nổi bật là chương trình nhà ở công cộng giá rẻ (Penyenggaraan Perumahan) và chương trình nhà ở tư nhân giá rẻ và trung bình (Tabung Perumahan 1Malaysia); Tăng cường an toàn cộng đồng cho khu vực sống của công nhân (xây dựng các khu vực giảm tội phạm NKRA để tăng cường hiệu quả của các biện pháp phòng chống tội phạm tại khu vực ảnh hưởng quanh các khu công nghiệp); Các chương trình tăng cường gắn kết xã hội (thúc đẩy sự hòa nhập xã hội cho người lao động di cư, đồng thời thúc đẩy tinh thần bao dung và đoàn kết hơn giữa người lao động bản địa và lao động di cư tại các khu công nghiệp); các chương trình thúc đẩy văn hóa thể thao cho người lao động tại các khu công nghiệp (xây dựng các thiết chế thể thao và văn hóa); các chương trình phát triển giáo dục (hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ phát triển giáo dục cho con cái của người lao động tại các khu công nghiệp); Các chương trình nâng cao sinh kế của các hộ gia đình B40 (số lượng 40% các hộ gia đình dưới cùng của phân phối thu nhập); Tăng cường thể chế gia đình...

ThS. Nguyễn Đình Phúc, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 44 - 21

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước: Quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam. Mã số: KX.01.45/16-20


[1] Hoàng Văn Tú, Trần Văn Thuân (2002), Tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp ở Malaysia, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, truy cập ngày 10/10/2020 tại http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208745
[2] Mô hình khu công nghiệp này được thành lập trong các giai đoạn trước, từ những năm 1960 đến sau năm 1990, một số đến nay vẫn tiếp tục được thành lập nhưng không khuyến khích.
Bình luận: 0