TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

10:48 10/06/2021
Logo header Cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình 30 năm tìm ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Năm 1960, khi viết bài thơ “Người đi tìm hình của Nước”, nhân kỷ niệm 49 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Nhà thơ Chế Lan Viên đã mở đầu bằng những câu thơ giàu cảm xúc:

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre…

Đã 110 năm trôi qua, sự kiện lịch sử vào ngày 5/6/1911 khi con tàu Amiral Latouche Tréville nhổ neo, rời bến cảng Sài Gòn đi Marseille, mang theo người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, lấy tên gọi Văn Ba, với tấm lòng yêu nước, thương dân và khát vọng cháy bỏng giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý. Đó là lúc Tất Thành ở vào tuổi 20, nhưng ý tưởng ra đi xuất hiện từ thuở thiếu thời, khi mới 13 tuổi và lần đầu tiên được đọc những chữ Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Nguyễn Tất Thành đã dấn thân vào con đường đầy thách thức ở phía trước mà trong hành trang của mình chỉ có hai bàn tay trắng và ý chí tìm hiểu bản chất cội nguồn của thế giới tư bản. Năm 1923, khi trả lời báo chí, Bác đã nói: “Tôi được nghe ba chữ ở Pháp là Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy... Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Bắt đầu hành trình tìm ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Cùng khoảng thời gian này, không chỉ có Nguyễn Tất Thành muốn đi tìm hiểu và học hỏi nguồn sức mạnh làm nên văn hóa, văn minh của phương Tây, mà còn có các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là những người chủ trương như vậy. Nhưng cách tiếp cận cái mới giữa hai cụ Phan và Nguyễn Tất Thành lại khác nhau. Các cụ tìm hiểu để lấy đó làm chỗ dựa, làm cứu cánh, còn Nguyễn Tất Thành thì muốn tìm hiểu tận nơi, tận gốc rễ và xem cho rõ cách làm. Người có tầm nhìn độc lập, sáng tạo so với các bậc tiền bối. Sự thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén giúp Bác nhận thấy, trong các phong trào cứu nước của ông cha đều có những hạn chế. Phong trào Đông Du tan rã, chứng tỏ không thể dựa vào Nhật để đánh Pháp, điều đó chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Thất bại của phong trào Duy Tân cũng cho thấy việc trông chờ vào thiện chí của người Pháp để được trao trả nền độc lập cũng chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”. Khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám tuy có phần thực tế hơn, “nhưng vẫn mang nặng cốt cách phong kiến”. Chính vì thế, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước của ông cha, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi theo con đường của họ, mà quyết tâm tìm ra một con đường mới, mà trước mắt là tìm con đường xem xét thực tế, học hỏi.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5, họp từ 17/6 - 8/7/1924 ở Moskva với tư cách là đại biểu của Bộ thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Qua nhiều năm ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã trải qua cuộc hành trình vĩ đại đến với các dân tộc, chủng tộc ở các châu lục, đặc biệt là trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nhiều nước, thực tiễn ấy đã nâng cao trí tuệ, làm giàu văn hóa và mở rộng thế giới quan cho Người - từ tầm mức dân tộc đến nhân loại. Người đã nhận thấy nguồn gốc trực tiếp nỗi khổ đau của các dân tộc thuộc địa, những người lao động và vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người không chỉ là của riêng dân tộc Việt Nam, mà còn là của các dân tộc bị áp bức và nhân dân cần lao trên thế giới. Mặt khác, với trí tuệ trác tuyệt của mình, Bác đã phát hiện trong các cuộc cách mạng của ba nước Anh, Pháp, Mỹ và đặc biệt là trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp có những “lời bất hủ” mang giá trị chung của nhân loại về quyền dân tộc và quyền con người, nhưng Người cũng thấy rõ hạn chế giữa lý thuyết và thực tế mà nổi bật là tính chất “không đến nơi” của các cuộc cách mạng này. Đây là những kết luận quan trọng để Người tìm lời giải đáp những vấn đề đang được đặt ra trong lịch sử tiến hóa của loài người và tiến tới năng lực phát hiện, nắm bắt được xu thế của thời đại bằng thế giới quan khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi tiếp cận bản Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Tất Thành đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Bác đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây là sự phát triển căn bản về nhận thức của Nguyễn Tất Thành từ chủ nghĩa yêu nước, sang chủ nghĩa cộng sản và từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin bắt đầu định hướng cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Với việc tiếp cận tác phẩm Sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê Nin đã mang đến cho Bác con đường cách mạng vô sản, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” là mong ước lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã dành trọn cả cuộc đời mình để thực hiện mong ước đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, độc lập dân tộc phải đưa tới tự do, hạnh phúc cho con người và đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây là nội dung căn bản nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, là khát vọng của Người và của cả dân tộc ta. Lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Người, trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là suốt 35 năm đổi mới cho thấy những đúc rút của Nguyễn Ái Quốc từ hành trình ấy đến nay vẫn là “kim chỉ nam” dẫn đường cho đất nước phát triển. Nhận xét về Bác Hồ, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, vua Thành Thái (một vị vua yêu nước của nhà Nguyễn. Nhà vua có tư tưởng chống Pháp nên đã bí mật chiêu nạp được 4 đội nữ binh (mỗi đội 50 người) để mưu tính nổi dậy chống Pháp) đã nói: “Tôi già rồi, tôi không có ý định trở lại cuộc đời chính trị. Vả lại cụ Hồ Chí Minh đã là người tiêu biểu của phong trào cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, cụ Hồ Chí Minh không phải là người xa lạ. Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Réunion. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”.

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ngày 05/6 vừa qua, nhiều sự kiện đã được đồng loạt tổ chức. Năm nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng), Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021). Tham dự buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, là dịp để nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân TP Hồ Chí Minh nói chung, thế hệ trẻ nói riêng rằng: Bác Hồ và các thế hệ đi trước đã dâng hiến cuộc đời và xương máu của mình để hoàn thành nhiệm vụ giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, các thế hệ đi sau phải tiếp tục thực hiện quyết tâm xây dựng, bảo vệ đất nước sao cho xứng đáng”. Trước đó, vào sáng 4/6, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Triển lãm và Hội sách trực tuyến kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội). Triển lãm sách trực tuyến (từ ngày 04/6 - 15/6) và Hội sách trực tuyến (ngày 04/6 - 30/6) trên sàn Book365.vn. Triển lãm được thiết kế trang trọng, rộng mở với nhiều nội dung đan xen về Bác Hồ. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ trực quan sinh động, triển lãm đã tái hiện lại hành trình 30 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước, từ ngày 5/6/1911 đến ngày 28/01/1941. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định…

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị chỉ đạo thực tiễn và nghiên cứu lý luận của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội, trở thành cơ sở rất quan trọng để Đảng đổi mới tư duy lý luận, nắm bắt thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, hoạch định đường lối đổi mới và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới để Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Thời gian càng lùi xa thì tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện ấy càng sáng rõ hơn, càng làm chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn rất nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Tuổi trẻ Đất nước ngày nay càng phải tiếp tục xây dựng cho mình một tinh thần yêu nước nồng nàn, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm tự giác, thường xuyên.

Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0