TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Ký ức người chiến sĩ bắn rơi máy bay địch năm xưa

17:10 18/03/2021
Logo header “Hồi ấy chúng tôi đơn giản lắm, khi được giao nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu là cây cầu Sơn Dương, chúng tôi chỉ biết tập trung phối hợp với nhau để làm tròn nhiệm vụ. Thấy tín hiệu báo máy bay địch tấn công từ xa, chúng tôi vừa phòng thủ, vừa chờ lệnh chỉ huy là bắn. Khi chiếc máy bay địch bị bắn rơi, chúng tôi chẳng nghĩ được gì nhiều, một phần thấy mừng vì bảo toàn được mục tiêu nhưng rồi lại thấy đau đớn, xót xa khi thấy đồng đội của mình đã hy sinh không ít. Thương lắm…”

Điều cao quý và mãi tỏa sáng trong lòng người dân Việt là hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ đang ngày đêm thầm lặng, hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, dù đầm mình trong mưa bão giúp dân hay trắm đêm canh gác trên chiến hào giá lạnh, người chiến sĩ vẫn luôn sẵn sàng hy sinh bản thân mình trong mưa bom bão đạn để bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân. Đó là phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ mãi tỏa sáng trong lòng nhân dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đã gần 80 năm kể từ ngày 34 chiến sĩ “quần nâu áo vải” mang trong tim mình danh hiệu “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, sau này trưởng thành thành những người “lính” Cụ Hồ, dù khoác áo không quân, hải quân, lục quân, biên phòng hay các binh chủng khác như tăng thiết giáp, pháo binh, đặc công…, hay ngay nhưng những người dân yêu nước từ thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền núi đều mang trong mình lòng quả cảm, anh dũng khi đất nước bị xâm lăng. Bởi nhiệm vụ các anh đã chiến đấu, bởi công việc các anh làm chính là sự hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho bình yên Tổ quốc. Dẫu sự hy sinh ấy nhọc nhằn, gian khổ, thậm chí trong thầm lặng đã toát lên tình yêu nước thương dân nồng nàn mà không thể tả xiết. Đó chính là niềm kiêu hãnh, là sứ mệnh thiêng liêng những người “lính” Cụ Hồ đối với Tổ quốc và Nhân dân, là bài ca hùng tráng mãi vang vọng với non sông, những bản hùng ca ấy đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của cả dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau. 

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nhượng tự hào về những năm tháng hào hùng

Những ngày giáp tết Tân Sửu, nhóm phóng viên Tri thức Xanh được trở về miền ký ức một thời ôm súng bảo vệ đất nước của người cựu chiến binh, năm nay đã 85 tuổi, ông là Nguyễn Hữu Nhượng. Cả tuổi trẻ và thanh xuân của mình cống hiến cho sự bình yên đất nước, sau khi kết thúc chiến tranh, ông trở về với cuộc sống yên bình tại quê hương bản xứ thuộc xã Hùng Lô, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ - vùng đất giàu truyền thống văn hóa của người Việt cổ xưa, nơi còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa là những ngôi nhà cổ có niên đại khoảng trên 100 năm đang được bảo tồn nhằm phát triển du lịch. Ngôi nhà mà hiện ông Nhượng và vợ mình đang ở cũng là một ngôi nhà cổ với chiếc cổng vòm khá nhiều tuổi. Ông Nhượng cũng cho biết: “Ngôi nhà này, sở dĩ đến giờ các cột kèo, mái vẩy vẫn còn nguyên trạng như mới là do gia đình ông luôn chăm chút, giữ gìn và trân trọng như một kỷ vật vô giá thời ông cha để lại; Bên trong ngôi nhà, phần nhiều được treo những hình ảnh gia đình và thành tích công tác của con cháu - ông nhấn mạnh - tôi đã đi qua hai cuộc chiến tranh, bằng khen, giấy khen cái gì cũng có, giờ nhiều tuổi rồi, tôi phải để chỗ vinh danh cho con cháu, thấy con cháu phấn đấu công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ, được khen thưởng là tôi vui. Ở thời bình thế này, hoàn thành tốt công tác cũng được coi như đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước rồi”.

Bằng khen ghi nhận thành tích chiến đấu dũng cảm góp phần cùng đơn vị bắn rơi máy bay

Hồi ức về quãng thời gian đi bộ đội của mình, ông Nhượng cất giọng sang sảng: “Tôi trước đây làm việc tại Xí nghiệp Dược phẩm Tuyên Quang. Tôi vẫn nhớ như in vào tháng 02/1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, tôi đã tham gia vào hàng ngũ chiến sĩ ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Trước khi tham gia trực tiếp chiến đấu, tôi đã được đào tạo lớp trinh sát 06 tháng tại Đại đội 2 Tiểu đoàn 119 pháo cao xạ Quân khu Việt Bắc (Bây giờ là Quân khu 1). Sau khi kết thúc quá trình đào tạo, tôi và các đồng đội của mình hợp đồng tác chiến để bảo vệ cầu Sơn Dương, Tuyên Quang. Vào ngày 26/9/1966 một tốp máy bay gồm 03 chiếc, tôi và các đồng đội của mình đã bắn rơi một chiếc máy bay thứ hai là máy bay F105 và bắt sống được một viên phi công Mỹ. Trận chiến đó diễn ra vô cùng ác liệt. Đại đội trưởng của chúng tôi là một trong những chiến sĩ khi đó đã hy sinh, còn tôi thì bị thương bả vai bên phải và đã may mắn được trở về với gia đình”. Khi nhắc đến sự hy sinh của những đồng đội xung quanh gắn bó với ông tại chiến trường, giọng của người lính già trùng xuống: “Trong loạt tấn công đầu tiên của máy bay, đại đội trưởng và đồng chí phụ trách máy đo xa của chúng tôi dính đạn gục ngay trong hầm ẩn nấp, tôi thì bị thương vào bả vai bên phải nhưng lúc ấy chưa thấy cảm giác gì cả. Đang trong lúc hăng máu, chả còn ai chỉ huy nữa, nhưng do trước đó tôi đã được học lớp trinh sát để tính toán độ bay của máy bay, mà tôi lại được phân công giúp cho đại đội trưởng nên lúc đó như rơi vào tình thế bắt buộc, tôi thấy máy bay địch đến gần nên hô “bắn”, thế là máy bay địch rơi. Trận đánh này chúng tôi bị chết mất 03 người là đại đội trưởng, tay đo xa, tay khẩu độ chủng 1 (tức lính thiện xạ binh chủng 1 - theo PV), còn tôi bị thương. Chúng tôi được đưa về trạm xá Sơn Dương, Tuyên Quang… Cho đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được khi phải chứng kiến đồng đội của mình đã ngã xuống như vậy và tôi cảm thấy mình còn may mắn khi được trở về với một viên chì nay vẫn nằm trong bả vai mà mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại đau khiến tôi lại nhớ đến những đồng đội của mình”

Ông luôn là điểm tựa cho thế hệ mai sau tự hào để rồi trong tư duy lớp trẻ chứa chan biết bao khát vọng xây dựng đất nước lên tầm cao mới.

Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nhượng vẫn cố gắng tham gia những buổi họp mặt những người lính chiến năm xưa. Ông bảo: “Tham dự là để gặp lại đồng đội, để hàn huyên tâm sự về một thời gian khó nhưng cũng hào hùng đã qua, chất lính nên sức còn khỏe là còn đi”. Tết cổ truyền Tân Sửu mang đến mùa xuân mới, mùa xuân của sự thành công sau hơn 35 năm đất nước đổi mới với nhiều thách thức mới, nhưng với người lính trinh sát năm nào thì cứ mỗi độ xuân về, ký ức hào hùng của ông như vẫn còn nguyên ý nghĩa, vẫn là điểm tựa cho thế hệ các con cháu tự hào và đặt bao khát vọng cho mùa xuân của một đất nước đã hàng ngày, hàng giờ vươn lên tầm cao mới. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tự hào, tin cậy, yêu mến lớp lớp Bộ đội Cụ Hồ. Những người lính đương nhiệm cũng như những người lính đã trở về với đời thường, cùng tâm nguyện góp sức giữ gìn vẹn nguyên tình cảm cao đẹp dành cho “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 53 - 21

Bình luận: 0