Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội
Trong năm 2015, thiên tai tuy xảy ra ít về số lượng nhưng cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, có 5 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông, trong đó có hai cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao kéo dài kỉ lục (60 năm) cũng xảy ra trên diện rộng từ Bắc Bộ đến các tỉnh Nam Trung Bộ. Bước sang năm 2016, thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng. Điển hình như: Rét hại, băng giá ở các tỉnh Bắc Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã đạt mức lịch sử; 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp đến đất liền, mưa lũ đặc biệt lớn, bất thường, liên tục và kéo dài trên toàn bộ khu vực miền Trung. Đến năm 2020, ghi nhận tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong năm đã tạo ra mốc lịch sử mới, khốc liệt hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016 cả về thời gian và độ xâm nhập mặn, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp, khó lường.
Thiên tai gây ra thiệt hại lớn đến quá trình phát triển ngành, kinh tế - xã hội
Vào ngày 06/6/2016, Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội được ban hành đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc phòng chống thiên tai ngay khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Tăng thêm tính liên thông, kết nối giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ phòng chống thiên tai; hình thành các biện pháp phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Đồng thời, định hướng huy động được các nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai khi đã lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Thông tư có một số bất cập, vướng mắc như lúng túng trong việc lựa chọn các biện pháp lồng ghép; không yêu cầu các bộ, ngành phải thiết lập quan điểm, định hướng lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và Kế hoạch; không hướng dẫn cách thức lựa chọn các biện pháp phòng chống thiên tai để sử dụng lồng ghép; không hướng dẫn cụ thể cách thức đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép; không chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị.
Quán triệt chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 24/3/2020 về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và nhiệm vụ được giao tại Luật Phòng chống thiên tai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06/6/2016 về hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, để khắc phục những hạn chế và bất cập trong quá trình thực hiện, triển khai Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT thì việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư này là cần thiết.
Để có cơ sở hoàn thiện Thông tư, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT. Mọi ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo trước ngày 15/7/2021 đều được Bộ tiếp nhận tại số 6B Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội. Dự thảo Thông tư được ban hành sẽ hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia (gọi chung là Quy hoạch) và các kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội (gọi chung là Kế hoạch) được quy định tại Điều 16, Luật Phòng, chống thiên tai; áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch.
Quy định việc thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai là một phần nội dung của Quy hoạch nên việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch. Đồng thời cũng đưa ra quy trình thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch gồm 4 bước sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương không bị nhầm lẫn giữa việc phải tự xây dựng các biện pháp phòng, chống thiên tai hay chỉ lựa chọn trong Kế hoạch phòng, chống thiên tai cùng cấp đã có. Trong đó yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải thiết lập quan điểm, định hướng thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, định hướng lựa chọn biện pháp phòng, chống thiên tai để lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội ngay trong các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm; trong Quyết định của các ngành, địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm. Dự thảo cũng hướng dẫn cụ thể cách thức lựa chọn các biện pháp phòng chống thiên tai để sử dụng lồng ghép giúp các bộ, ngành và địa phương không bị lúng túng trong việc lựa chọn các biện pháp lồng ghép. Hướng dẫn cụ thể cách thức và vị trí lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào các nội dung của kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Quy định chi tiết hơn trách nhiệm thi hành Thông tư đến các đơn vị trong Bộ, các Bộ, ngành và địa phương. Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 12 điều và đang được lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể theo dự thảo, các biện pháp phòng, chống thiên tai được lựa chọn để lồng ghép gồm: Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; biện pháp xây dựng hệ thống hạ tầng kết hợp mục tiêu phòng, chống thiên tai. Dự thảo cũng nêu rõ việc lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch được thực hiện như sau: Bố trí, sắp xếp lại dân cư nhằm tránh những vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai lồng ghép vào định hướng, nhiệm vụ phát triển không gian kinh tế - xã hội; định hướng, nhiệm vụ phát triển hệ thống đô thị và nông thôn. Điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai lồng ghép vào định hướng, nhiệm vụ sử dụng đất. Đầu tư, nâng cấp và điều chỉnh công trình xây dựng có xem xét đến phòng, chống thiên tai lồng ghép vào định hướng, nhiệm vụ phát triển đô thị và nông thôn. Đầu tư, nâng cấp các công trình phục vụ sản xuất và đời sống như giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, đê điều, nơi neo đậu tàu thuyền có xem xét đến phòng chống, thiên tai lồng ghép vào định hướng, nhiệm vụ phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Đầu tư, nâng cấp các công trình chuyên dùng cho mục đích phòng, chống thiên tai.
Về lồng ghép vốn thực hiện, dự thảo quy định xác định rõ tổng nhu cầu vốn thực hiện các nội dung, khối lượng công việc của từng biện pháp được lồng ghép. Phân bổ tổng nhu cầu vốn và bố trí nguồn vốn để thực hiện từng biện pháp phòng, chống thiên tai được lồng ghép. Nhóm biện pháp công trình khi lồng ghép vào Kế hoạch có sử dụng ngân sách Nhà nước được lập thành danh mục dự án đầu tư theo quy trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Nguồn vốn cho lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa Huy
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 68 -21
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)