TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Mối quan hệ giữa kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam

11:46 03/03/2022
Logo header Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020. Còn theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” của Google, Temasek và Bain & Company (10/11/2021), quy mô của nền kinh tế số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á năm 2021 tương đương với Malaysia (đứng sau Indonesia, Thái Lan), dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 57 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Indonesia).

1. Hiểu đúng về kinh tế số và chuyển đổi số

Nền kinh tế số Việt Nam đang trên đà bùng nổ và trở thành thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai tại Đông Nam Á sau In-đô-nê-si-a. Giá trị nền kinh tế số đã đạt 12 tỷ đô la Mỹ năm 2019 với mức tăng trưởng trung bình đạt 38% một năm kể từ năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 43 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Với tổng giá trị thương mại điện tử qua Internet tại Việt Nam đạt 5% GDP trong năm 2019. Năm 2019, ước tính khoảng 61 triệu người Việt online và thời gian sử dụng Internet trên thiết bị thông minh trung bình khoảng 3 tiếng 12 phút mỗi ngày. Việt Nam hướng tới mở rộng nền kinh tế số, đạt khoảng 20% giá trị GDP vào năm 2025, đặc biệt đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký mở ra các kỳ vọng và sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế cũng như vào việc hình thành khung pháp lý cho chuyển đổi số. Vậy hiểu như thế nào về kinh tế số và chuyển đổi số?

“Kinh tế số” đôi khi được định nghĩa hẹp là các nền tảng trực tuyến và hoạt động hiện hữu trên các nền tảng này, tuy nhiên, theo nghĩa rộng thì nền kinh tế số là tất cả các hoạt động sử dụng dữ liệu số, trong nền kinh tế hiện tại là toàn bộ nền kinh tế. Được nhấn mạnh trong báo cáo của UNCTAD, nền kinh tế số có thể được gắn với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như robot, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), và in ba chiều (3D)

Trong một báo cáo có tiêu đề “ Việt Nam ngày nay: Báo cáo đầu tiên của Dự án Tương lai Nền Kinh tế số Việt Nam” được thực hiện dưới sự hợp tác của Bộ Khoa học Công nghệ và Chính phủ Úc, kinh tế số  được hiểu là tất cả các doanh nghiệp và dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua, bán sản phẩm, dịch vụ số, thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng hỗ trợ

“Số hóa” được định nghĩa là một quá trình mà các công nghệ số, dịch vụ, sản phẩm, kỹ thuật và kỹ năng số đang được phổ biến rộng khắp trong các nền kinh tế và các doanh nghiệp sử dụng các yếu tố này.

Chuyển đổi số được định nghĩa là “một quá trình nhằm mục đích cải thiện một thực thể bằng cách tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của nó thông qua sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối”.

Chuyển đổi số là cần thiết đối với tất cả các doanh nghiệp bất kế quy mô và ngành nghề. Chuyển đổi số mô tả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tối ưu quy trình hiện tại của họ và tăng trải nghiệm của khách hàng nhằm duy trì tính cạnh tranh và phù hợp trong nền kinh tế mới lấy khách hàng làm trung tâm.

Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là cài đặt một phần mềm mới, hoặc chuyển sang sử dụng điện toán đám mây, mà cốt lõi của chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh đòi hỏi cả về chuyên môn kinh doanh kết hợp với tất cả các yếu tố liên quan tới doanh nghiệp. Mặc dù chuyển đổi số được thúc đẩy bởi các thay đổi từ kì vọng của khách hàng trong bối cảnh kinh doanh có tính kết nối cao với các hiểu biết số, việc thực hiện chuyển đổi đơn thuần bằng việc thay đổi công nghệ là không đủ. Chuyển đổi số đòi hỏi kết hợp kinh doanh với yếu tố chuyên môn và hiểu biết số một cách thích hợp để đảm bảo thành công.

2. Cơ hội và thách thức cho chuyển đổi số của Việt Nam

Cơ hội phát triển

Việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số là những yếu tố góp phần quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Để thực hiện tốt điều đó cần khai thác, tận dụng tốt các cơ hội phát triển, những điều kiện thuận lợi như:

- Tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng kinh tế cao trong những thập kỷ gần đây đã và đang tạo ra môi trường tốt hơn cho chuyển đổi số. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh nhất Đông Nam Á, hứa hẹn tiềm năng lớn cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm.

- Nguồn nhân lực về công nghệ: Có nhiều trường đào tạo ngành CNTT, đây là nguồn cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, trong đó có chuyên ngành công nghệ và khoa học dữ liệu.

- Nền tảng cho số hóa: Dịch vụ Internet tốc độ cao, thiết bị thông minh và điện thoại di động ở Việt Nam đang trở nên phổ biến. Tại thời điểm tháng 1 năm 2020, có khoảng 68,17 triệu người sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam trên tổng dân số Việt Nam hiện đang ở mức 70% tính đến tháng 1 năm 2020. Trong tổng dân số Việt Nam, có 65 triệu người hiện đang sử dụng mạng xã hội để giải trí, liên lạc với bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, tìm kiếm các mẹo trong cuộc sống hoặc thậm chí bán hàng hoặc quảng cáo online tính tới tháng 1 năm 202021. Việt Nam là một trong những nước có số lượng tên miền đăng ký cao nhất trong khu vực ASEAN. Theo Báo cáo của VNNIC, tính đến ngày 31/10/2019, số lượng tên miền tại Việt Nam đạt trên 500.000 tên miền. Tên miền “.vn” là tên miền quốc gia có số lượng người đăng ký sử dụng lớn nhất ASEAN và top 10 Châu Á Thái Bình Dương. Có 145,8 triệu kết nối di động tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2020. Số lượng kết nối di động tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2020 tương đương 150% tổng dân số.

Mạng 5G – Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm mạng 5G, dự kiến sẽ bắt đầu thương mại hóa vào năm 2020. Tại Việt Nam, phí sử dụng Internet ở mức trung bình thấp. Mạng Internet băng thông rộng cố định tại Việt Nam có mức phí thấp nhất Khu vực Châu Á Thái Bình Dương theo sức mua tương đương.

Thách thức

- Thiếu vốn và thông tin được cho là những rào cản chính để thúc đẩy số hóa ở mức độ doanh nghiệp tại khu vực công nghiệp sản xuất và nông nghiệp của Việt Nam.

- Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển đổi số như thiếu nhận thức về vai trò của chuyển đổi số. Báo cáo của VCCI cho thấy DNNVV mặc dù chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng có trình độ đổi mới và công nghệ thấp. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, có tới 16 trong 17 ngành nghề được khảo sát có mức độ sẵn sàng để tham gia vào chuyển đổi số thấp. Đáng chú ý, hơn 80% doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu về chuyển đổi số. Gần đây, các khái niệm về “kinh tế số” và “chuyển đổi số” đã được đề cập rất nhiều, nhưng nhiều DNNVV vẫn chưa thực sự hiểu và áp dụng vào thực tiễn

- Thiếu hụt lao động có kỹ năng cho chuyển đổi số cũng là thách thức chính đối với Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, tỷ lệ các trường đại học và cao đẳng trên cả nước có chương trình đào tạo công nghệ thông tin (IT) chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên ngành IT tốt nghiệp. Chỉ có khoảng 27% nhân viên IT có khả năng đáp ứng các yêu cầu công việc, còn lại 72% cần đào tạo bổ sung ít nhất 3 tháng.

Theo TopDev, trong năm 2019, Việt Nam thiếu 90.000 lao động IT, và năm 2020, con số này tăng lên hơn 400.000 và ước tính năm 2030 là 500.000.

- Thiếu sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan ban, ngành nhà nước trong việc thực hiện các chiến lược quốc gia về kinh tế số.

3. Các chính sách, quá trình thực hiện chuyển đổi số của Việt Nam

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ 38% một năm. Theo đó, khu vực số được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30% GDP vào năm 2030. Kinh tế số Việt Nam năm 2019 đạt giá trị 12 tỷ đô la Mỹ, đóng góp 5% GDP của đất nước, cao gấp 4 lần năm 2015, theo báo cáo “e-Conomy SEA 2019.

Chính phủ Việt Nam coi việc chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế là rất quan trọng để tiếp tục tăng trưởng và thịnh vượng. Do đó nhiều chính sách về chuyển đổi số đã được thực hiện, triển khai dựa trên cơ sở, nhân tố chính là công nghiệp thông tin và truyền thông. Theo báo cáo tổng kết năm 2019 và định hướng 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu ngành CNTT-TT năm 2019 ước tính đạt 112.350 tỷ USD, bao gồm 81,5% cho xuất khẩu CNTT-TT. Doanh thu ngành phần mềm đạt 5 tỷ USD, tăng 500 triệu USD so với năm 2018. Tổng giá trị ngành CNTT-TT nộp ngân sách Nhà nước năm 2019 là 54.000 tỷ đồng, tăng 2000 tỷ đồng so với năm 2018. Tuy nhiên, doanh thu của ngành công nghệ số chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu ngành CNTT (chiếm 0,76% doanh thu của ngành CNTT). Ngành viễn thông tăng trưởng gần 19% với sự đóng góp của 50.000 doanh nghiệp công nghệ. Ngành CNTT duy trì tốc độ tăng trưởng 10%. Tính đến giữa năm 2018, Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT-TT. Trong đó, khoảng 9.500 doanh nghiệp đang thực hiện phát triển phần mềm số cho lĩnh vực tài chính, viễn thông, nông nghiệp thông minh và chính phủ điện tử.

Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp

Thương mại điện tử: Theo Cơ quan Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Việt Nam (VECITA), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng 35% mỗi năm - nhanh hơn 2,5 lần so với Nhật Bản. Doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam đạt 6,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2017, cao hơn gấp đôi so với năm 20149. Hiện số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng đều và đạt mốc 40 triệu người. Điều này có nghĩa là cứ 2 người thì có 1 người tham gia mua hàng qua mạng. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu từ lĩnh vực này so với mặt bằng bán lẻ cả nước chỉ đạt 4,2%. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục hoạt động với hiệu quả kém hơn so với các nhà cung cấp trực tuyến toàn cầu và mức tăng của người tiêu dùng Việt Mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam với sự hỗ trợ của sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người sở hữu thiết bị di động. Có 240 trang mạng xã hội và 63 trang tin tức số được tích hợp tại Việt Nam. Facebook Việt Nam đứng thứ 7 Facebook thế giới về lượng người sử dụng với ước tính khoảng 58 triệu người dùng. Ngành quảng cáo trực tuyến của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đạt doanh thu 390 triệu đô la Mỹ vào năm 2016 và dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2020.

Công nghiệp sản xuất và nông nghiệp:

+ Công nghiệp sản xuất:  là một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam chiếm 16,49% GDP của đất nước (dữ liệu năm 2019, theo Ngân hàng thế giới). Đây là một trong những ngành công nghiệp chủ chốt đã sẵn sàng tham gia và chuyển đổi số. Theo khảo sát do CSIRO thực hiện (2019), phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất của mình. Các ứng dụng chính bao gồm quản lý kinh doanh hàng ngày cũng như liên hệ với khách hàng và nhà cung cấp thông qua email và trang web.

+ Nông nghiệp: Vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp diễn ra khá chậm đặc biệt ở quy mô hộ gia đình. Cứ 5 hộ nông nghiệp thì chỉ có một hộ được tiếp cận với công nghệ số, so với khoảng 70% đối với doanh nghiệp nông nghiệp và 85% đối với doanh nghiệp sản xuất.

 Ngân hàng và bảo hiểm:

Rất nhiều công đoạn ngành bảo hiểm và ngân hàng thủ công hiện nay có thể được tối ưu và tự động hóa bằng việc tận dụng công nghệ, bao gồm:

- Tiếp cận khách hàng mới, mở tài khoản ngân hàng và hợp đồng bảo hiểm thông qua thị trường di động     

- Tự động hóa nhiều tác vụ như kiểm tra Biết khách hàng của bạn (KYC), Chống rửa tiền (AML) và xác minh ID bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như Tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA) và Trí tuệ nhân tạo.

- Nhận thông tin chi tiết ẩn thông qua phân tích dữ liệu nâng cao

-  Cải thiện việc kiểm tra gian lận bằng máy học (machine learning).

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt ở Việt Nam là 4,9 bình quân đầu người so với 59,7 ở Thái Lan, 89 ở Malaysia và 26,1 ở Trung Quốc.

+ Một số ngành khác

+ Ngành giao thông- vận tải: Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp giao vận đã tăng trưởng trung bình 14-16% (doanh thu trung bình khoảng 40-42 tỷ đô la Mỹ) một nămTheo số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp giao nhận Việt Nam, số lượng công ty ứng dụng công nghệ trong vận hành tăng từ 15-20% lên 40-50% trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số những doanh nghiệp này chưa áp dụng công nghệ đáng kể.

+ Ngành du lịch: Theo khảo sát được thực hiện bởi Tổng cục Du lịch Việt Nam, 71% du khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2017 sử dụng các nguồn trực tuyến để xác định điểm đến. Thêm vào đó, 64% du khách quốc tế đặt tour du lịch tới Việt Nam trực tuyến. Gần 100% doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực du lịch sử dụng trang web để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, nhưng chỉ hơn 50% doanh nghiệp nội địa thành công với việc bán tour và sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến.

Chuyển đổi số tại các cơ quan Nhà nước

Mặc dù Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp tuy nhiên tuy nhiên, chỉ số về Phát triển chính phủ điện tử (EGDI) năm 2020 là 0,6667 được xem là cao trên bảng xếp hạng của Liên hợp quốc trong

Khảo sát chính phủ điện tử năm 2020, trong đó Chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) là 0,6529 và Chỉ số con người HCI là 0,6779. Chỉ số phát triển chính phủ điện tử EGDI được tính toán dựa trên trọng số trung bình của ba chỉ số thành phần, cụ thể là: Chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI), Chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông (TII) và Chỉ số vốn con người (HCI). Với mức EGDI cao như vậy, Việt Nam, được xếp ở nhóm H3, đứng thứ 6 ở Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Philippines. Việt Nam cũng đứng thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên LHQ, với chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) là 0,6694. Năm nay, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông, tăng 31 bậc lên thứ 69 (0,6694 điểm) trong khi chỉ số vốn con người đứng thứ 117 (0,6779 điểm), tăng 3 bậc so với EGDI năm 2018. Tuy nhiên, chỉ số dịch vụ trực tuyến của Việt Nam giảm 22 bậc xuống thứ 81 (0,6529 điểm), theo khảo sát. Để xây dựng Chỉ số Hạ tầng Viễn thông, Việt Nam có 120 thuê bao điện thoại di động trên 100 người dân, tỷ lệ cá nhân sử dụng Internet là 70,35%, thuê bao băng thông rộng cố định (có dây) trên 100 dân là 13,6 và số thuê bao băng thông rộng di động đang hoạt động trên 100 dân là 71,89. Sự gia tăng mạnh mẽ của chỉ số TII cho thấy Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong phát triển chính phủ điện tử, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật số trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Cơ quan thuế Việt Nam đã triển khai các sáng kiến khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hải quan điện tử giúp cải thiện công tác thu, quản lý thuế và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.

Theo chương trình, Việt Nam cũng có kế hoạch phổ cập Internet băng thông rộng và dịch vụ 5G, mục tiêu 80% dân số sử dụng thanh toán điện tử và trở thành một trong 30 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số An ninh mạng toàn cầu.

Bùi Hơn – Vũ Huyền

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 158 - 02/2022

Bình luận: 0