TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Một năng lượng bất tận

16:07 15/10/2020
Logo header Giới nghệ sĩ đàn dân tộc đang sung sức hiện nay đều rất biết chị bởi tiếng đàn bầu của chị thật ngọt ngào, sâu lắng, chạm được vào đáy sâu nhất của trái tim người nghe. Người ta còn biết chị bởi chị có cái tên thật độc đáo, dễ thương, ấn tượng, rất phù hợp với tính cách, bộ dạng của chị. Nguyễn Nương Chiều - Tên này nếu vang lên cả 3 tiếng thì không thể có người thứ hai trùng lặp. Chuyện kể rằng, hầu như ở đâu, lúc đầu, người ta đều viết tên chị là “Triều” chứ không đâu viết “Chiều” khiến chị phải mất thời gian đính chính. Khi biết rõ tên chị là “Ch” chứ không phải “Tr”, có chỗ còn hiểu là Nuông Chiều khiến chị phải kêu lên: “Khổ! Ai lại đặt tên kỳ như thế”.

Nghệ sĩ đàn bầu Nương Chiều

Không ít người muốn biết đầu đuôi thế nào mà lại có cái tên quá hay như vậy, chị cho biết mình có người cha thời trai trẻ rất thích bài hát “Nương Chiều” của cố nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. (“Chiều ơi! Lúc chiều về nhuộm nắng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, hỡi chiều!...”). Người cha của chị có giọng hát hay. Khi chưa lấy vợ, gặp cô nào xinh đẹp và thích nghe ông hát, ông bèn hát bài này. Thế là họ… “đổ”. Trong số những bóng hồng đó, có một người cứ luôn muốn nghe đi nghe lại. Thế là ông đã kết tóc và người đó chính là mẹ chị. Có người quanh năm ngày tháng chỉ sống ở thành phố, không bao giờ biết đến nông thôn và miền núi hỏi chị: “Nương Chiều nghĩa là thế nào?” Chị phải giải thích: Thứ nhất, là buổi chiều ở trên nương rẫy. Phải lên miền núi mới biết nương rẫy. Bà con người dân tộc ngày trước phát rừng, đốt thành nương để trồng ngô, trồng lúa. Buổi chiều trên nương qua sự miêu tả của Phạm Duy thì rất đẹp, nên thơ. Thứ hai: Cha tôi muốn giành sự nương nhẹ, vỗ về, chiều chuộng tôi nên đặt tên như vậy và người muốn nhắc tôi khi lớn lên hãy luôn xứng đáng với cái tên ấy: Nữ tính, nhẹ nhàng, e ấp. Ông rất dị ứng với những ai là nữ mà có tính cách đàn ông.

Quả là nghệ sĩ đàn bầu Nương Chiều có nhiều cái độc đáo mà không nhiều người biết. Năm lên 7 tuổi, chị được cha cho theo học đàn bầu NSND Thanh Tâm - giảng viên Nhạc viện Hà Nội (tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay). Sau đó chị thi đỗ vào trung tâm đào tạo nghệ sĩ âm nhạc lớn nhất nước này. Sau 10 năm theo học, chị tốt nghiệp xuất sắc với tất cả các môn đều đạt điểm tối đa. Cũng năm chị lên 8 tuổi, một lần cố nhạc sĩ Lê Yên đến chơi nhà bỗng nghe được mấy bài hát viết cho tuổi mầm non do chị sáng tác. Lúc này cha chị đi công tác dài ngày ở xa. Nhạc sĩ tác giả “Bộ đội về làng” rất thú vị bèn giới thiệu chị trên báo Hà Nội Mới và Đài TNVN. Khi người cha về, nghe Lê Yên nói lại đã không tin con mình có thể sáng tác được như vậy và nghĩ vị nhạc sĩ nổi tiếng đã chỉnh sửa, nâng cao vì thấy có giai điệu hay, kết cấu bài hát rất gọn gàng, hợp lý nhưng Lê Yên khẳng định là không sửa một chi tiết nhỏ nào. Lúc này, Nương Chiều đã vào học năm thứ nhất đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội. Cô bé 8 tuổi phát triển năng khiếu rất nhanh, đã đánh được nhiều bài mà phải năm thứ 2, thứ 3 mới vượt qua được. Ngày ấy, người ta đã chú ý đến một bé gái vừa đánh đàn bầu hay lại vừa sáng tác được ca khúc. Thế là chương trình phát thanh “Gửi đồng bào ở xa Tổ quốc” của Đài TNVN đã giới thiệu bé một chương trình 30 phút gây hiệu ứng tốt cho thính giả Việt kiều. Nhưng vừa học đàn bầu, vừa học văn hóa, lại phải giúp mẹ chăm sóc hai em nhỏ trong khi người cha luôn phải đi công tác xa nên Nương Chiều đã không thể tiếp tục sáng tác mà chỉ có thể tập trung cho việc học đàn bầu. Và cô đã không trở thành nhạc sĩ sáng tác mà chỉ thành nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu như chúng ta biết.

Mặc dù tốt nghiệp đàn bầu loại xuất xắc, là niềm hy vọng lớn của các giảng viên đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được Đài TNVN mời về làm việc tại Đoàn ca nhạc dân tộc nhưng Nương Chiều đã gặp rắc rối. Số là lúc này tại Đoàn lại đã có một người nữa cũng học cây đàn này ra. Thế là cô phải chấp nhận đánh đàn khác. Và cô nhanh chóng sử dụng đàn tứ bát mặc dù không được học một giờ nào. Sự đời tế nhị, có những điều tuy vô lý nhưng xem ra lại có vẻ thuận tình. Người giỏi không được chơi nhạc cụ được học chỉ vì về đoàn sau. Và cái nhẽ “trước, sau” ở đây đã phải được ưu tiên hàng đầu, đặt lên trên hiệu quả, công việc. Nhưng cũng có lúc thấy cô độc tấu hay, người ta đã thi thoảng để cô thu thanh. Vậy là đã xảy xa cái điều thông thường vẫn xảy xa mà con người không dễ vượt lên được sự đố kỵ tầm thường. Cô nghệ sĩ ngơ ngác trước những điều mà khi ấy còn quá non trẻ đã không sao tự lý giải được. Cô nghĩ 2 cộng 2 phải là 4 chứ không thể là con số khác. Nhưng cuộc đời nhiều khi lại chấp nhận sự vô lý chứ không chấp nhận có lý. Cô mang sự dằn vặt, buồn phiền vào từng giấc ngủ, bữa ăn khi nghĩ về nhân tình thế thái. Định chuyển cơ quan, về một đơn vị nghệ thuật khác để được đánh cây đàn sở trường nhưng Nương Chiều đã vì nể, không nỡ phụ lòng người lấy mình về làm việc mà cuối cùng đã thôi. Thế là từ đó, cô chỉ đánh đàn bầu theo lời mời biểu diễn ở các nơi, cho những chương trình khác của Đài mà ngồi trong dàn nhạc, cô chỉ đánh đàn tứ bát. Tất nhiên là cô không thể thỏa được niềm đam mê vì đàn này chỉ để đệm, không phải là nhạc cụ chính trong dàn nhạc dân tộc.

Đó là những ngày tháng cô rất buồn. Lại càng như rơi vào ngõ cụt khi cuộc sống gia đình xảy ra những điều không ai mong muốn nhưng không thể lường trước. Có người vừa mới hôm qua là bạn thân tưởng không thể rời xa nhau, vậy mà đã lại trở thành người bên kia của hố sâu ngăn cách không gì có thể san lấp. Cả công việc lần gia đình đều dần hằn trong tâm chí có những vết rạn nứt có vẻ như rất khó hàn gắn. Giữa những ngày tháng tưởng như bế tắc ấy, cô tìm đến Thiền, đến việc tập Yoga và dần lấy lại được sự cân bằng. Nhưng ngọn lửa yêu nghề, yêu cây đàn bầu thì vẫn luôn cháy trong cô, chưa một phút nguội lạnh. Rồi một ngày kia, sau khi đi đánh đàn ở các nơi có rất nhiều người hỏi cô: “Đánh đàn bầu có khó không, người không biết gì về nhạc có thể học được không?”, cô bỗng nhận ra một điều là có rất nhiều người yêu thích đàn bầu, có nhu cầu muốn chơi. Và cô trỗi dậy ý nghĩ sẽ mở lớp dạy đàn bầu cho những ai yêu thích thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội. Nghĩ là làm. Lúc đầu cô dạy không thu học phí, chỉ muốn quảng bá cây đàn dân tộc vô cùng độc đáo để mọi người cùng yêu thích. Chỉ sau một thời gian ngắn mở lớp đã có rất nhiều người đăng ký học, từ những bé mới 6 đến 7 tuổi đến các cụ già ngoài 70. Nhưng cô thấy nhiều người lúc đầu háo hức, sau nản dần rồi bỏ giữa chừng, nguyên nhân bởi học không mất tiền, họ đã không ý thức được giá trị của mỗi buổi học, mỗi bài tập cô ra. Thế là cô tiến hành thu phí với mức để người nghèo cũng có thể tham dự. Quả nhiên, tình hình khác hẳn. Không ai bỏ dở và đến học rất đúng giờ, trả bài chu đáo.

Nếu bạn mở YouTube hoặc trang Web có tên “Bài ca đi cùng năm tháng”, gõ tên Vô Thanh sẽ thấy rất nhiều hoạt động âm nhạc của Nương Chiều gồm biểu diễn đàn bầu, dạy đàn bầu và hát. Vô Thanh là nghệ danh của chị. Cái tên này cũng thật độc đáo. Chị nói rằng mọi người - nhất là giới nghệ sĩ - ai cũng cầu mong nổi tiếng. Tất nhiên tài giỏi, được công chúng mến mộ thì tự nhiên sẽ nổi tiếng. Đó là điều tốt đẹp. Nhưng lại có không ít người tìm mọi cách để đạt được điều này trong khi tài năng của mình bất cập. Chị sẽ chỉ là người vô thanh (không có tiếng). Nhưng thật thú vị, nếu ai yêu cây đàn độc huyền, yêu ca hát sẽ rất biết Vô Thanh. Chị không học thanh nhạc ra nhưng có giọng hát rất truyền cảm và cách xử lý ca khúc thông minh, đã đến được tận cùng cảm xúc. Nhưng chị rất kén bài, không dễ cất lời hát bất cứ bài nào dẫu tác giả có trả thù lao hậu hĩnh.

Dáng người mảnh mai, nhẹ nhõm mà chị có sức làm việc phi thường: Biểu diễn, dạy đàn, dạy hát dân ca, thu thanh ca khúc, đi nói chuyện khắp nơi về đàn bầu, về thiền (bên cạnh việc nội trợ của một phụ nữ trong gia đình). Thời gian làm việc của chị dày đặc nội dung suốt từ sáng sớm đến 23 giờ đêm. Vậy mà vẫn tràn đầy sinh khí, nội lực. Đó là nhờ mỗi ngày chị để ra 30 phút ngồi Thiền và chạy 2 vòng hồ 7 mẫu (tổng cộng 5km). Mỗi tuần 1 lần chạy quanh Hồ Tây (16km). Cứ đều đặn như thế, nạp năng lượng vào người để lao động không biết mệt. Tiếp xúc với Nương Chiều, ai cũng thấy nhẹ nhõm, thanh thản, dễ chịu như cái tên của chị và được truyền năng lượng, cảm thấy cuộc đời không có điều gì phải nặng nề, phiền muộn dẫu có khó khăn ngập đầu và sự thiệt thòi nhiều hơn may mắn.

Minh Châu

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20

Bình luận: 0