TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Một nguyên nhân

14:41 15/04/2021
Logo header Một hiện trạng xã hội dễ dàng được nhiều người thừa nhận là trẻ em thời nay không ngoan bằng thời trước. Dĩ nhiên là nhìn nhận trên phương diện phổ quát. Ra đường, hiếm thấy chúng lễ phép chào hỏi người lớn. Càng ít hơn từ “thưa” khi bắt đầu đối thoại với bề trên. Hãy nghe chúng - nhất là con trai - đối thoại với nhau, thấy việc văng tục, chửi thề không còn là chuyện ít thấy. Đây đó đã diễn ra việc trò hỗn hào, đánh giáo viên mà điều này ngày trước không có. Rồi tình trạng bạo lực học đường xảy ra giữa học sinh với nhau có xu hướng gia tăng. Rất đáng buồn là những trẻ khác chứng kiến không hề can ngăn, còn đứng xem như một trò giải trí thú vị. Và phổ biến nhất là lười học, ham chơi, có biểu hiện vô cảm với mọi chuyện xảy ra xung quanh.

Mọi hiện tượng đều có nguyên nhân. Không khó tìm điều này đối với vấn đề đang bàn. Có thể cắt nghĩa bởi rất nhiều lý do. Nhưng có một nguyên nhân lớn, góp phần đáng kể tạo nên sự xuống cấp của đạo đức trẻ em thời nay chính là sự quá nuông chiều của cha mẹ và gia đình. Thay vì nhận ra những khuyết điểm, mặt yếu kém của con mình, nhiều bậc phụ huynh đã tỏ ra chủ quan khi ngộ nhận về chúng. Sự việc một cô giáo ở Nam Định cắt tóc học trò của mình đang được dư luận bàn tán nhiều suốt thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc gia đình chẳng những không ghi nhận trách nhiệm của cô giáo mà còn phản ứng, trách cứ khiến cô ít nhiều bị phiền lụy. Chuyện rằng một nam học sinh để tóc khó coi, không phù hợp trong nhà trường. Cô giáo chủ nhiệm thấy có mấy sợi dài lòng thòng rủ xuống mặt cậu, lại được nhuộm. Nhìn chẳng khác gì đầu tóc của đám “xã hội đen” kém lịch sự, vô văn hóa, cô đã nhiều lần nhắc cậu cắt đi, xử lý lại mái tóc. Nhưng cậu nhất định không nghe. Thấy quá chướng, cô đã cắt phăng đi mấy sợ lòng thòng đó. Bản chất của sự việc là cô giáo đã có trách nhiệm, coi cậu học trò như con, em, người nhà của mình mà khuyên bảo. Không được, cô đã đích thân khắc phục mái tóc chướng mắt kia. Vậy hành vi của cô là đáng quý hay phải lên án? Người cha của cậu trò này đã phản ứng, cho rằng cô giáo tự ý cắt tóc con mình mà không trao đổi với gia đình là việc anh ta không thể chấp nhận. Lãnh đạo Nhà trường rồi trên nữa đã phải “vào cuộc”. Tất nhiên là cô bị nhắc nhở, bị “rút kinh nghiệm” khá phiền hà. Vụ việc không lớn nhưng cho ta thấy tình trạng quá “bảo vệ” học sinh mà dẫn tới sự thiếu công bằng đối với các nhà giáo, khiến họ phải chùn tay trong việc dạy dỗ học trò của mình. Chủ trương không kỷ luật học sinh, không nêu tên những trò mắc lỗi trước toàn trường, toàn lớp; giáo viên nào không tuân thủ bị coi như vi phạm kỷ luật đã khiến họ cảm thấy bất lực trước vấn nạn hư hỏng, chây lười của chúng. Ngày trước, việc thày dùng thước vụt vào tay, vào đầu rồi véo tai học sinh hoặc đuổi khỏi tiết học khi chúng mắc lỗi nặng là việc quá bình thường. Người viết bài này từng bị ăn đòn như thế không ít lần. Nhưng vẫn thấy vô cùng kính yêu, biết ơn thày. Bây giờ, hơi một chút là phụ huynh kiện tụng, làm ầm ĩ, quy kết thày đủ điều. Và cấp trên của nhà trường cũng rất hăng hái xử lý các thày bị phụ huynh kiện như thế. Giáo viên thì nhụt ý chí, thui chột nhiệt tình dạy dỗ  học trò. Còn học sinh thì vô hình chung mà có thêm sự “hỗ trợ” cho sự vô kỷ luật, hỗn hào, lười biếng từ phía gia đình và nhiều phía khác. Cứ tưởng như thế là bảo vệ học sinh, là đề cao tính nhân văn, là văn minh tiến bộ nhưng sự thực lại là sự tiếp tay cho thói xấu của tuổi nhỏ, tuổi “teen” vốn dĩ còn rất bản năng, chưa tự ý thức được nhiều điều. Ngày xưa, có những người con đã trưởng thành, thậm chí làm nên, thành ông nọ, bà kia mà vẫn bị ông cha nọc ra, cho ăn roi nếu vi phạm điều gì thuộc chuẩn mực đạo đức. Và họ răm rắp vâng lời, không dám phản ứng, chỉ biết xin lỗi và ăn năn. Phải chăng ông cha ta không nhân văn? Thảo nào mà cái “nếp nhà” ngày trước được coi trọng như một thứ vô cùng thiêng liêng vậy. Và thảo nào mà đạo đức, lễ nghĩa, sự tử tế ngày nay xuống cấp, bắt đầu từ tuổi nhỏ - cái tuổi lẽ ra phải được chăm chút để có sự trong sáng, đẹp đẽ nhất về nhân cách, đạo đức. Đó chính là một nguyên nhân lớn - nếu không nói là chính - dẫn đến sự không ngoan của nhiều trẻ em hiện nay.

Sơn Nữ

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 57-21

Bình luận: 0