TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Một số chính sách mới có hiệu lực 2/2022

13:42 03/03/2022
Logo header Dùng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn điện tử đi làm thủ tục hành chính; Quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH; Chính sách về nhà ở đối với người có công với cách mạng, Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng; Quy định về công tác y tế trường học, trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; … là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2022.

Dùng giấy khai sinh, đăng ký kết hôn điện tử đi làm thủ tục hành chính.

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/2/2022.

Công dân khi đi làm các thủ tục hành chính không cần mang giấy khai sinh, đăng ký kết hôn bản giấy mà dùng dữ liệu điện tử, có mã QR. Bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị pháp lý như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến. Bản điện tử còn có giá trị thay thế giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Theo Thông tư, có thể sử dụng bản điện tử giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn… để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho bản giấy.

Ban hành kèm theo Thông tư có: Nội dung bản điện tử giấy tờ hộ tịch; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; Giấy báo tử (Phụ lục 1); Nội dung các biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác tích hợp, phục vụ đăng ký hộ tịch trực tuyến (Phụ lục 2).

Thông tư nêu rõ, giá trị pháp lý của bản điện tử giấy tờ hộ tịch được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 87/2020/NĐ-CP và hướng dẫn sau:

a) Bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

b) Mã QRcode trên bản điện tử giấy tờ hộ tịch là địa chỉ Internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh của giấy tờ hộ tịch tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, có giá trị cung cấp thông tin về tính chính xác, hợp lệ, các thông tin chi tiết của giấy tờ hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

c) Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch do người yêu cầu đăng ký hộ tịch nộp, xuất trình có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật của bản điện tử giấy tờ hộ tịch thông qua mã QRCode trên bản điện tử của giấy tờ đó.

Để có được bản điện tử này người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh đăng ký tài khoản và xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật…

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được nhận kết quả đăng ký hộ tịch theo một trong các phương thức sau đây: Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua thư điện tử, kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó; Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin…

Mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH

Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/02/2022 và thay thế Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH. Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH từ năm 2022 đối với các đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 36/2021 được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm  x   Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo Bảng 1 kèm theo Thông tư 36/2021, đơn cử như:

- Mức điều chỉnh năm 2018 là 1,08;

- Mức điều chỉnh năm 2019 là 1,05;

- Mức điều chỉnh năm 2020 là 1,02;

- Mức điều chỉnh năm 2021 là 1,00;

- Mức điều chỉnh năm 2022 là 1,00;...

Đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 36/2021.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng

Theo Nghị định 131/2021NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, những người có công với cách mạng như thương binh, bệnh binh… sẽ được hỗ trợ về nhà ở bằng các hình thức:

- Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.

- Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất).

- Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng.

- Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

- Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng. Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng khi được mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng. Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng.

Theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.Trước đây, theo Điều 52 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng hoặc hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác mà không có kết luận về hành vi tham nhũng.

Nghị định số 134/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, chỉ quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Đồng thời được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định. Cũng theo Nghị định này, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình). Nghị định 134/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

Quy định về công tác y tế trường học, trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ngày 31-12-2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BYT quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thông tư quy định rõ việc chăm sóc sức khỏe người học như sau:

- Thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho người học theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở giáo dục.

- Tổ chức khám sức khỏe cho người học khi mới nhập học và định kỳ ít nhất một năm một lần trong mỗi năm học. Thực hiện theo dõi, kiểm tra sức khỏe người học, phát hiện các yếu tố nguy cơ sức khỏe, bệnh tật để dự phòng, điều trị hoặc chuyển tuyến điều trị theo quy định của pháp luật.

- Triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục.

- Tư vấn cho người học về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, yếu tố nguy cơ sức khỏe, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, phát triển thể chất, tinh thần và hoạt động thể lực.

- Hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống tai nạn, thương tích trong quá trình học tập, thực hành.

Ngoài ra, Thông tư cũng yêu cầu triển khai các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục gồm tư vấn cho người học về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích; tăng cường hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh; bệnh, tật học đường; phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, ma túy, các chất gây nghiện và các nội dung khác về y tế.

Thông tư số 33/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15-2-2022.

Đàm Thủy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh, số 158 - 02/2022

Bình luận: 0