TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Một số mô hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài ứng dụng cho Việt Nam

22:16 02/09/2021
Logo header Kỳ 2: Hoạt động logistics thế giới năm 2020 và xu hướng những năm tiếp theo Năm 2020, lĩnh vực logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Mặc dù Chính phủ các nước nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và đặc biệt ưu tiên lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu, nhưng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và nhiều lao động trong lĩnh vực này phải ở nhà, có những thời điểm, toàn bộ hoạt động bị tê liệt...

1. Tình hình chung

Trong khi một số nơi các hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn hàng giao hàng tại nhà tăng đột biến. Trong cả hai trường hợp, nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp dịch vụ logistics và các khách hàng (chủ hàng của họ) sẽ gặp khó khăn rất lớn để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Thị trường logistics toàn cầu nửa cuối năm 2020 chủ yếu được thúc đẩy bởi việc khôi phục dòng chảy thương mại quốc tế sau dịch bệnh. Hơn nữa, các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 được thực hiện bởi Chính phủ cũng đang hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường. Các động lực chính của thị trường này trong nửa cuối năm 2020 chính là nỗ lực lớn từ cả phía các Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp để giúp ổn định chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Bị thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trong năm 2020 là vận tải hàng hóa đường hàng không. So với vận tải hành khách, tác động của COVID-19 đối với vận tải hàng hóa tương đối nhẹ vì các hạn chế về quy định ít nghiêm ngặt hơn. Ví dụ, gần như tất cả các chuyến bay chở khách đã bị hủy trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã công bố triển vọng tài chính cho ngành vận tải hàng không toàn cầu cho thấy các hãng hàng không dự kiến sẽ mất 84,3 tỷ USD vào năm 2020 với tỷ suất lợi nhuận ròng là -20,1%. Doanh thu toàn ngành (gồm cả hành khách và hàng hóa) sẽ giảm 50% xuống còn 419 tỷ USD từ 838 tỷ USD vào năm 2019. Tổng số lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến sẽ giảm 10,3 triệu tấn so với năm 2019 xuống còn 51 triệu tấn trong năm 2020. Sự thiếu hụt nghiêm trọng về năng lực vận tải hàng hóa đẩy giá cước tăng trong năm 2020.

Vận tải hàng hóa bằng đường bộ là phân khúc lớn nhất trong thị trường vận tải trên thế giới. So với đường hàng không và đường thủy thì đường bộ ít chịu tác động của COVID-19 hơn. Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, đường bộ tiếp tục được lựa chọn như là phương thức vận chuyển phù hợp cho các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ cho việc phân phối thực phẩm, thuốc men và các sản phẩm thiết yếu khác. Vận tải hàng hóa đường sắt ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn do có phạm vi vận chuyển riêng.

Tác động của COVID-19 đối với vận tải hàng hóa bằng đường biển và cảng biển trở nên rõ ràng hơn vào quý II/2020. Khó khăn với ngành vận tải đường biển và cảng biển trong nửa đầu năm 2020 không chỉ do khối lượng thương mại giảm mà còn bởi tình trạng thiếu nhân công và không thể đổi thủy thủ đoàn như thường lệ, bởi các quy định hạn chế và cách ly đối với người nhập khẩu tại các nước. Các yêu cầu về giao thức y tế mới trong bối cảnh dịch bệnh và ngay cả khi đã chuyển sang giai đoạn “bình thường mới” dẫn đến nhiều quy trình hơn tại các cảng biển, làm ảnh hưởng đến lộ trình chung của các đội tàu. Theo số liệu của Diễn đàn Vận tải toàn cầu công bố vào tháng 10/2020, tại EU, khối lượng vận chuyển đường biển đã ổn định và cao hơn mức trước khủng hoảng 2008 trong giai đoạn từ giữa năm 2014 đến tháng 3 năm 2020. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của EU27 đã giảm 4% và của Hoa Kỳ giảm 11% so với tháng 6 năm 2008. Vào tháng 5 năm 2020, xuất khẩu bằng đường biển từ EU27 sang khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) chỉ bằng 79% so với đỉnh trước khủng hoảng 2008 và xuất khẩu sang Châu Á chỉ bằng 90%.

Theo quan sát của Global Maritime Hub , sau khi công suất cung cấp trên thị trường vận tải biển giảm khoảng 3% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, trong quý III/2020 các mạng lưới vận tải biển đã tăng cường chào hàng với công suất cao hơn thời điểm này năm 2019. Dựa trên báo cáo về số lượng tàu theo đơn đặt hàng, và báo cáo về số lượt tàu ghé của các cảng lớn, có thể thấy sự sẵn sàng tăng năng lực cung ứng trên thị trường vận tải container. Ước tính tổng công suất đội tàu trên thế giới tính theo TEU sẽ tăng hơn 6% vào cuối năm 2021 và tăng thêm khoảng 2% vào năm 2022. Tỷ lệ các tàu có tải trọng từ 15.000 TEU sẽ đạt 21,8% tổng đội tàu vào năm 2021.

Thị trường kho bãi trong năm 2020 có động lực chính từ phân khúc kho hàng thương mại điện tử và kho lạnh. Đặc biệt, nhu cầu ngày càng cao đối với kho lạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của thị trường này trong thời gian tới.

2. Triển vọng, xu hướng phát triển

Theo báo cáo “Tác động của COVID-19 đến thị trường chuỗi cung ứng và logistics theo ngành dọc (ô tô, sản phẩm tiêu dùng nhanh, y tế, năng lượng và tiện ích, máy móc và thiết bị công nghiệp), phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải), khu vực - Dự báo toàn cầu đến năm 2021” của ResearchAndMmarket.com , quy mô thị trường logistics toàn cầu được ước đạt 2.734 tỷ USD vào năm 2020 sau đó tăng 17,6% lên 3.215 tỷ USD vào năm 2021.

Theo nghiên cứu thị trường của Technavio6, thị trường dịch vụ logistics 3PL của thế giới sẽ tăng khoảng 76,28 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2024, với mức tăng trưởng trung bình 6%/ năm. Đóng góp 37% cho sự tăng trưởng là từ khu vực Bắc Mỹ. Động lực chính cho tăng trưởng là nhu cầu đối với vận tải đa phương thức. Thị trường vận tải hàng hóa đa phương thức sẽ tăng trưởng trung bình 7%/năm trong giai đoạn 2020-2024, đạt quy mô khoảng 49,84 tỷ USD.

Các xu hướng chính

Thương mại thế giới bị ảnh hưởng và có nguy cơ gián đoạn bất ngờ do dịch bệnh COVID-19, thiên tai (lũ lụt tại Châu Á) và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các xu hướng logistics toàn cầu trong thời gian tới. Ngoài ra, những tác động lớn khác cũng có thể đến từ Brexit, vai trò của WTO đối với thương mại toàn cầu, cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ hoặc việc làm thế nào để thu thuế đối với các sản phẩm và dịch vụ số.

Các thách thức từ dịch bệnh COVID-19 đang thúc đẩy quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics (từ vận chuyển, dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải…) và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới. Các tác nhân trong toàn bộ chuỗi giá trị sẽ ưu tiên nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách đầu tư vào công nghệ.

Thương mại điện tử nở rộ trong bối cảnh người dân tăng cường mua hàng trực tuyến vì COVID-19 cũng là một yếu tố đáng chú ý giúp thị trường phục vụ thương mại điện tử phát triển mạnh. Hành vi mua hàng và kỳ vọng của người tiêu dùng thay đổi với những yêu cầu cao hơn về hàng nhanh, miễn phí giao hàng với cước ngắn, giá cả cạnh tranh và “logistics thu hồi” thuận tiện. Lịch trình giao hàng khắt khe thách thức các mô hình chuỗi cung ứng và logisitcs truyền thống, buộc các công ty hiện phải điều chỉnh chiến lược của mình để cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu với chi phí thấp. Thị phần của thương mại điện tử trong thị trường bán lẻ ngày càng tăng, thậm chí là theo cấp số nhân.

- Các giải pháp trực tuyến sáng tạo, tùy chỉnh, đáp ứng yêu cầu đặc thù của khách hàng... sẽ hình thành phân khúc dịch vụ logistics cao cấp.

Ngành kho bãi dự kiến sẽ chuyển đổi đáng kể với quá trình tự động hóa để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới và nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp chuỗi cung ứng tích hợp.

- Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành đổi mới bắt kịp xu hướng chung, thị trường phát triển và ứng dụng các phần mềm logistics sẽ là một trong những điểm sáng của lĩnh vực logistics toàn cầu trong thời gian tới.

Đặc biệt, xu hướng logistics “xanh” tiếp tục là điểm nhấn quan trọng. Thiên tai và dịch bệnh trong những năm gần đây và đặc biệt là năm 2020 không chỉ còn là hồi chuông cảnh báo mà như sự khẳng định cho việc thế giới phải quyết tâm hơn nữa trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm lớn (bên cạnh sản xuất công nghiệp), ngành logistics nói chung và vận tải nói riêng sẽ bị siết chặt hơn các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn lao động trong thời gian tới. Với các xu hướng nêu trên, để tận dụng tối đa các cơ hội, các nhà cung cấp dịch vụ logistics nên tập trung nhiều hơn vào các phân khúc tăng trưởng nhanh như vận tải đa phương thức, logistics trong thương mại điện tử, logistics chuỗi lạnh..., đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu về “xanh hóa” theo các quy định, cam kết quốc tế cũng như vì sự phát triển bền vững của chính mình.

Anh Quân

(Tổng hợp từ Báo cáo Logistics Việt Nam 2020)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 77 - 21

Bình luận: 0