TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Một số vấn đề xã hội nổi bật 6 tháng đầu năm

22:57 02/09/2021
Logo header Kỳ 2: Mất cân bằng giới tính khi sinh tại việt nam xu hướng và những khác biệt Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân của Việt Nam vào tháng 4/2019 là 96 triệu người trong đó dân số nam chiếm 49,8% và dân số nữ chiếm 50,2%. Sau gần 50 năm thực hiện chính sách dân số chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên tình trạng mất cân bằng sinh, gồm mất cân bằng giới tính khi sinh và mất cân bằng mức sinh giữa các vùng, đối tượng đang là vấn đề cần lưu tâm.

Trong vòng 15 năm qua, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) đã tăng ở một số quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước ở khu vực Đông  u và châu Á, trong đó có Việt Nam. TSGTKS được tính bằng số trẻ em trai sinh sống trên 100 trẻ em gái sinh sống. TSGTKS ở mức “tự nhiên” hay TSGTKS bình thường là từ 105 đến 106 bé trai trên 100 bé gái được sinh ra. Phần lớn các nước trên thế giới có TSGTKS ở mức bình thường. Bất kỳ sai lệch nào so với TSGTKS tự nhiên này có thể phản ánh sự tồn tại của thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Mất cân bằng TSGTKS thường do ba yếu tố sau chi phối: (1) Tâm lý ưa thích có con trai khiến lựa chọn giới tính thiên lệch về giới là sự mong muốn; (2) Quy mô gia đình nhỏ và mức sinh giảm dẫn đến việc lựa chọn giới tính dựa trên định kiến giới trở nên cần thiết; và (3) Công nghệ mới cho biết giới tính thai nhi khiến lựa chọn giới tính trở nên khả thi.

1. Mức độ và xu hướng

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, TSGTKS của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra, cho thấy mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao. Trên thế giới, TSGTKS cao nhất hiện nay là 114,6 tại Azerbaijan trong khi TSGTKS của Trung Quốc là 111,9. TSGTKS của Việt Nam cao thứ ba châu Á, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

So sánh với TSGTKS mức bình thường, thực trạng hiện nay tại Việt Nam cho thấy mức thiếu hụt hàng năm khoảng 45.900 trẻ em gái vào năm 2019, và đó là bằng chứng vững chắc cho thấy sự hiện hữu của tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Số lượng trẻ em gái thiếu hụt trên chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra.

 So sánh TSGTKS hiện nay với số liệu trong 15 năm qua cho thấy TSGTKS hiện tại của Việt Nam có thể đã, đạt mức bình ổn. TSGTKS bắt đầu tăng tại Việt Nam vào khoảng năm 2004 và có thể đã đạt đỉnh ở mức 112 vào năm 2010. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã lan rộng trên cả nước, xuất hiện ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Trong những năm gần đây, TSGTKS hàng năm dao động nhẹ quanh ở mức 111-112.

Khác biệt về TSGTKS theo vùng địa lý và các nhóm dân số

TSGTKS có sự khác biệt đáng kể trên cả nước, thể hiện sự đa dạng về giới và hệ thống gia đình tại Việt Nam. TSGTKS tại các vùng nông thôn Đồng bằng sông Hồng là 115,2, cao hơn so với khu vực thành thị (112,8). Vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng ghi nhận TSGTKS cao hơn mức trung bình. Ngược lại, TSGTKS thấp hơn ở miền Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng nông thôn khu vực Tây Nguyên.

Sự khác biệt về TSGTKS theo tình trạng kinh tế - xã hội của hộ dân cư.

TSGTKS cao hơn trong các gia đình khá giả hơn. Ví dụ, TSGTKS trong nhóm nghèo nhất là 108,2 so với 112,9 ở nhóm giàu nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi phân tích với số liệu của cuộc tổng điều tra trước đó, kết quả cho thấy trong 10 năm qua, TSGTKS đã gia tăng ở những nhóm nghèo nhất. Bên cạnh đó, TSGTKS cũng cao hơn ở nhóm có trình độ học vấn và tình trạng kinh tế-xã hội cao, cũng như ở một số nhóm dân tộc thiểu số cụ thể.

Khác biệt về TSGTKS theo số lần sinh - tâm lý ưa thích có con trai

Số liệu cho thấy tại Việt Nam, TSGTKS ở lần sinh đầu tiên là tương đối cao (ở mức 110) và tiếp tục gia tăng ở những lần sinh sau. Ngoài ra, TSGTKS cao hơn ở các gia đình chưa sinh được con trai, lên đến 140 nếu trước đó đã sinh liên tiếp hai hoặc nhiều hơn hai con gái (lần sinh 3 và 4+). Tỷ số này thậm chí còn đạt 180 bé trai trên 100 bé gái ở các vùng phía Bắc hoặc ở các nhóm giàu nhất.

Tỷ số giới tính của lần sinh cuối cùng minh họa sự khác biệt về mức độ ưa thích có con trai giữa các tỉnh thành, với kết quả dao động từ 109 cho đến 219 bé trai trên 100 bé gái ở lần sinh cuối cùng. Hai vùng phía Bắc thậm chí ghi nhận tỷ số giới tính hơn 204 bé trai trên 100 bé gái ở lần sinh cuối, trong khi đó ở miền Nam con số này thấp hơn (125).

Với những cha mẹ đã có hai con nhưng chưa có con trai, xác suất sinh thêm con lên đến 48% sau 10 năm. Nhưng đối với cha mẹ đã có hai con trai, hoặc đã “đủ nếp đủ tẻ”, tỷ lệ này chỉ chiếm lần lượt là 22% và 23%. Như vậy, cha mẹ không có con trai có tỷ lệ sinh thêm con cao gấp đôi. Nhu cầu sinh con trai đặc biệt cao tại các vùng phía Bắc và trong các nhóm dân số có điều kiện kinh tế và học thức tốt hơn.

TSGTKS mất cân bằng ở lần sinh đầu tiên là nguyên nhân gây thiếu hụt khoảng 30% trẻ em gái tại Việt Nam, một tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Dự báo TSGTKS và dân số

Sự mất cân bằng TSGTKS ở Việt Nam sẽ để lại những tác động lâu dài đến cấu trúc dân số của đất nước. Số bé trai được sinh ra nhiều hơn mức bình thường sẽ dần dần dẫn đến dư thừa trẻ em trai và nam giới nếu tỷ lệ trẻ em trai sinh ra không giảm trong tương lai. Dự báo dân số cho thấy tình trạng mất cân bằng về số người trưởng thành sẽ khó có thể cải thiện vào những thập kỷ tới do hầu hết số người trưởng thành trong tương lai đều đã ra đời.

* Nếu TSGTKS luôn duy trì ở mức 111, tỷ lệ dư thừa nam thanh niên sẽ tăng đều từ 3,5% vào năm 2019 lên gần 10% vào năm 2059. Ngay cả nếu TSGTKS giảm mạnh trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ nam thanh niên dư thừa vẫn sẽ tăng trong 30 năm lên đến ngưỡng 8% và chỉ giảm sau năm 2049.

* Đối với người trưởng thành từ 15-49 tuổi, sẽ có 1,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034 và con số này có thể tiếp tục tăng lên đến gần 2,5 triệu người vào năm 2059 (tương ứng với 9,5% dân số nam) nếu TSGTKS không giảm. Theo kịch bản khả quan nhất của TSGTKS, số lượng nam giới dư thừa sẽ duy trì ở mức 1,8 triệu người vào năm 2059.

2. Khuyến nghị chính sách:

Các khuyến nghị chính sách đề xuất dưới đây được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và tài liệu quốc tế:

Dữ liệu giám sát TSGTKS

- Tiếp tục tăng cường năng lực của chuyên gia trong nước về phân tích TSGTKS.

- Chia sẻ dữ liệu vi mô của Tổng điều tra để có thể phân tích sâu hơn tình trạng mất cân bằng TSGTKS.

- Tăng cường các nỗ lực để nâng cao chất lượng hệ thống đăng ký hộ tịch, đặc biệt là đăng ký khai sinh, nhằm cung cấp đủ dữ liệu cho công tác phân tích.

- Bổ sung một câu hỏi về giới tính con cái trong lần sinh gần đây nhất vào các cuộc điều tra kinh tế xã hội thực hiện trong tương lai với đối tượng hỏi là phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi để ước tính và phân tích TSGTKS.

Các can thiệp nhằm cải thiện tình trạng mất cân bằng TSGTKS

- Phát động các chiến dịch giáo dục nhằm đề cao giá trị của trẻ em gái đối với tâm lý thích có con trai.

- Đảm bảo thực hiện đầy đủ các khung pháp lý và chính sách hiện hành nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cấm lựa chọn giới tính trước khi sinh, ngăn chặn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và sử dụng hợp lý công nghệ hỗ trợ sinh sản.

- Giải quyết tất cả các hình thức phân biệt đối xử về giới, bao gồm các các vấn đề liên quan đến đăng ký đất đai, bạo lực giới, hôn nhân và lựa chọn sinh sản, và thừa kế.

- Ban hành các chính sách liên quan đến mức sinh một cách linh hoạt, phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), theo đó các cá nhân và các cặp vợ chồng có thể lựa chọn một cách tự do và có trách nhiệm về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.

- Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá nhằm đánh giá các can thiệp về TSGTKS và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Nâng cao nhận thức và giáo dục

-  Phổ biến rộng rãi các phát hiện trong báo cáo chuyên khảo Tổng điều tra về TSGTKS nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

- Khuyến khích học hỏi kinh nghiệm giải quyết trình trạng mất cân bằng TSGTKS của các quốc gia khác và thúc đẩy thảo luận công khai.

-  Củng cố quan hệ đối tác giữa các tổ chức trong nước và các cơ quan liên quan của Chính phủ nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế tại châu Á và các khu vực khác trong hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách và đối thoại về chủ đề này.

Võ Huyền

(Tổng hợp từ  Báo cáo “Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam” do UNFPA thực hiện)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 77 - 21

Bình luận: 0