TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

MTTQVN giám sát việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo - Một số kết quả bước đầu qua hơn 2 năm thực hiện

16:12 17/09/2020
Logo header Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2016, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Thực hiện quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, vừa qua Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành giám sát việc thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo của cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương.

Ảnh minh hoạ: Chùa Trấn Quốc - Hà Nội

Qua báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo và làm việc trực tiếp, nghe giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan trong báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) cho thấy, qua hơn 2 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã thu được những kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, qua đó tăng cường đoàn kết đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm rõ vấn đề này, bài viết tập trung làm rõ những kết quả tích cực cũng như những hạn chế qua hơn 2 năm thực hiện Luật trên một số khía cạnh cụ thể đồng thời đề xuất một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Ảnh minh hoạ: Chùa Trấn Quốc - Hà Nội
Ảnh minh hoạ: Chùa Trấn Quốc - Hà Nội

Những kết quả đạt được

Đối với hoạt động tín ngưỡng: Qua 02 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy, hoạt động tín ngưỡng thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân ta tham gia sinh hoạt đã cơ bản ổn định, các cơ sở tín ngưỡng thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền các cấp và ngành văn hóa, thể thao, du lịch; sinh hoạt tín ngưỡng, các lễ hội tín ngưỡng truyền thống nhằm tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân được phát huy, không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng mà còn bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Thông qua các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh mang tính cộng đồng đã thúc đẩy sự đoàn kết, gắn bó những người có chung tín ngưỡng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu của đồng bào dân tộc Kinh có nhiều hoạt động thực hành tại các đền, phủ, các chương trình liên hoan giao lưu văn hóa ngày càng đa dạng; một số tín ngưỡng có nhu cầu đăng ký về tổ chức theo xu hướng như các tổ chức tôn giáo. Trong đồng bào dân tộc thiểu số, các hoạt động tín ngưỡng truyền thống, lễ hội văn hóa dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy yếu tố tích cực, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi một bước. Công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng được tăng cường với việc ngày 06/12/2019, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng.

Trong quá trình thực hiện Luật: Quá trình thực hiện luật cho thấy những điểm mới trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo như việc: Mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; sinh hoạt tôn giáo tập trung; loại bỏ, bổ sung một số từ ngữ được sử dụng trong Luật; giảm thời gian công nhận một tổ chức là tổ chức tôn giáo; quy định về pháp nhân phi thương mại đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; tách phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc thành phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; quy định cụ thể về điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; đăng ký hoạt động tín ngưỡng, thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; gia nhập tổ chức nước ngoài, hội nghị liên tôn giáo; bổ sung theo hướng tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam... đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. 

Trong hơn 2 năm tổ chức thực hiện Luật, hầu hết chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo đã được thông tin, chia sẻ, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến Luật và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành, qua đó góp phần tăng cường đồng thuận xã hội. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo đón nhận, yên tâm, phấn khởi trong hành đạo, xây dựng nếp sống đạo lành mạnh, tiến bộ, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đối với việc công nhận tổ chức tôn giáo: Qua 02 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo ở trung ương đã công nhận tổ chức tôn giáo đối với Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 03 tổ chức gồm: Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam; Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam và Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ki tô Việt Nam.

Việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành: Các hệ phái Tin Lành đã tiếp nhận 127 trên tổng số 133 mục sư thông báo phong phẩm theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam: Tòa Thánh Vatican phong giám mục chính tòa, giám mục phó, giám mục phụ tá được thực hiện theo đúng thỏa thuận giữa Vatican và Việt Nam. Việc phong linh mục cho các tu sĩ: Luật đã có những quy định mới tạo thuận lợi hơn cho giáo hội và thẩm quyền tiếp nhận thông báo thuộc cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh. Thực tế cho thấy, đa số các trường hợp phong linh mục đều được các giáo phận thông báo với chính quyền địa phương. Trường hợp chưa thực hiện kịp thời đều được các tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện. 

Việc đăng ký người được bầu giữ các chức vụ trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, bề trên các dòng tu: Việc bầu chức việc hoàn toàn khách quan trong đại hội, không có sự dự kiến trước nên đối với thủ tục đăng ký người dự kiến được bầu không thực hiện được trong Công giáo. Tuy nhiên sau khi bầu, Giáo hội Công giáo đã thực hiện nghiêm túc việc đăng ký người đã được bầu làm chức việc. Từ ngày 01/01/2018 đến nay, có 20 dòng tu đã thực hiện đăng ký người được bầu làm bề trên các dòng. Việc thông báo thuyên chuyển địa bàn hoạt động của chức sắc, chức việc được Giáo hội hưởng ứng và thực hiện theo quy định của Luật.

Cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo, hoạt động xuất bản tôn giáo: Kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành, cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo ở Trung ương đã chấp thuận cho Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) thành lập Viện Thánh kinh thần học; Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) thành lập Trường Thánh kinh thần học; Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập cơ sở II Đại chủng viện Xuân Lộc. Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thành lập Trường Trung cấp giáo lý... Theo quy định của Luật, các tổ chức tôn giáo được thực hiện hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo. Thực hiện quyền này, 02 năm qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo đăng ký xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo.

Hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo: Đây là những lĩnh vực hoạt động mà các tôn giáo có sở trường và đã tham gia tích cực trong nhiều năm qua. Từ khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đã tạo thêm cơ sở pháp lý giúp các tôn giáo tiếp tục tham gia các hoạt động này tốt hơn:

Về giáo dục: Các cơ sở giáo dục do tôn giáo thành lập chủ yếu tham gia giáo dục mầm non và dạy nghề. Tính đến nay, cả nước có khoảng 300 trường mầm non và gần 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 cấp độ 2. Cả nước hiện có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo bao gồm: 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp nghề và 9 trung tâm dạy nghề, tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp và dạy nghề ngắn hạn. Hàng năm, các cơ sở dạy nghề tuyển sinh đào tạo nghề và hướng nghiệp cho hàng nghìn người là con em các gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số. Sau khi tốt nghiệp ra trường đa số các học viên đều có việc làm ổn định, mức thu nhập khá, người lao động học từ các cơ sở dạy nghề của tổ chức tôn giáo được chủ sử dụng lao động đánh giá cao về kỹ năng lao động, trách nhiệm và kỷ luật lao động tốt... 

Ngoài ra nhiều tổ chức tôn giáo có quỹ học bổng để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; vận động học sinh đến trường nên tình trạng bỏ học ở nhiều nơi đã giảm hoặc chấm dứt. Điển hình như: Đạo Cao Đài, Công giáo; Phật giáo... Việc học hành của con, em các tín đồ được các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc quan tâm, động viên, do đó tỷ lệ học sinh tiên tiến, học sinh giỏi trong đồng bào các tôn giáo ngày càng tăng. Với tham gia xã hội hóa giáo dục, dạy nghề của các tôn giáo đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, khẳng định đường hướng gắn bó đồng hành cùng dân tộc của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Đây cũng là việc làm quan trọng thể hiện giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Về tham gia hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Hoạt động xã hội hóa về y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và từ thiện nhân đạo được các tổ chức tôn giáo triển khai theo hai hình thức chủ yếu là hoạt động thường xuyên và hoạt động không thường xuyên.

Những hoạt động thường xuyên: Theo thống kê hiện nay trên địa bàn cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức như: Tuệ Tĩnh Đường, trạm xá, phòng khám đa khoa, phòng chẩn trị đông y, phòng thuốc nam, tủ thuốc... Mỗi năm các cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh của các tôn giáo đã khám và bốc thuốc cho hàng vạn lượt bệnh nhân, trong đó ưu tiên khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt là bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với tổng kinh phí mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, đã góp phần cùng với chính quyền các cấp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn. 

Những hoạt động không thường xuyên: Hàng năm các tổ chức tôn giáo còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Y học cổ truyền và đoàn thể các cấp trong việc hỗ trợ các chuyến xe chuyển bệnh nhân, bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, cấp thuốc miễn phí,... như Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam. Nhiều quý vị chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đã đăng ký tham gia hiến giác mạc và đăng ký hiến tạng, hiến giác mạc. Kết quả này đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế, Ngân hàng Mắt Việt Nam đánh giá cao. Tại các bệnh viện như Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ - Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, các tuyến bệnh viện ở Trung ương và địa phương... hàng ngày những nồi cháo tình thương, những bữa cơm miễn phí do các chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo đảm nhiệm vẫn được duy trì đều đặn, nhằm chia sẻ, động viên, giúp đỡ bệnh nhân nghèo yên tâm điều trị.

Tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội; từ thiện nhân đạo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai, dịch bệnh

Hiện nay, cả nước hiện có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài... (trong đó hơn 120 cơ sở đã có quyết định thành lập) đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn góp phần chia sẻ với Nhà nước trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội. Nhiều cơ sở tôn giáo là địa chỉ từ thiện xã hội giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống và tổ chức các lớp học tình thương bậc tiểu học, hỗ trợ sách, vở, xe đạp, học bổng cho học sinh; thành lập các tủ thuốc nhân dân, tặng xe lăn cho người khuyết tật, phối hợp với các y, bác sỹ tổ chức các đoàn khám, phát thuốc, chữa bệnh miễn phí; tặng nhà, tặng bể nước, tặng bảo hiểm y tế, chăn, áo ấm...

Trong tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo đã ký kết Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 5 năm (2015-2020), đến nay trong cả nước đã xây dựng được hơn 1014 mô hình của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu... Trong tham gia phòng chống thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... các tôn giáo đều tham gia tích cực. Tất cả 43 tổ chức tôn giáo và các tổ chức tôn giáo trực thuộc đều có văn bản hưởng ứng, tham gia tích cực phòng chống dịch bệnh Covid-19, ủng hộ tiền, hàng hóa, thiết bị y tế cho các cơ quan phòng, chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng, riêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt trên 20 tỷ đồng... Kinh phí chi cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội, dạy nghề và các hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo mỗi năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Những việc làm thiện nguyện, nhân văn tốt đẹp ấy thể hiện vai trò của tổ chức tôn giáo trong phát huy truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, khẳng định chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.

Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

Về hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo: Trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi triển khai Luật, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú cả về cấp độ, số lượng và phạm vi hoạt động. Nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo đi nước ngoài để tham dự các khóa đào tạo về tôn giáo, hội nghị, hội thảo, giao lưu, hợp tác với nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo, giảng đạo,… Các tổ chức tôn giáo về cơ bản hài lòng với cách giải quyết của các cơ quan chức năng đối với hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo. Hiện nay, người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, sinh sống, học tập, công tác ngày càng nhiều, trong số đó có bộ phận không nhỏ là người theo tín ngưỡng, tôn giáo có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, mời chức sắc hướng dẫn đạo, thực hành nghi lễ tôn giáo,… Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho họ được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, mời chức sắc nước ngoài hoặc chức sắc Việt Nam giảng đạo theo quy định của pháp luật.

Thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài: Trong 2 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ thì đã có 80 đoàn ra với số lượng là 312 người và cho phép 139 đoàn với số lượng là 992 người nước ngoài vào hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã cử các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham dự nhiều hội nghị, hội thảo, các diễn đàn ở khu vực và thế giới. Nhiều hoạt động quốc tế lớn đã được các tổ chức tôn giáo Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công ở Việt Nam, được dư luận quốc tế đánh giá cao. 

Về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện đúng theo các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo điều kiện cho tín đồ là người nước ngoài được sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo. 

Những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những ưu điểm và những kết quả tích cực, qua hơn 2 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng bộc lộ những mặt còn hạn chế, bất cập. Cụ thể như:

Thứ nhất: Việc triển khai, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật nhiều nơi chưa sâu rộng nên nhận thức, hiểu biết về Luật của một bộ phận cán bộ, các cơ quan liên quan và một bộ phận chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo còn chưa đầy đủ và sâu sắc; còn phó mặc cho cơ quan chuyên môn; các vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo còn xảy ra ở một số địa phương với nhiều hình thức khác nhau. Còn những cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất về một số từ ngữ mới trong Luật như cách hiểu về hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng còn khác nhau, cách hiểu về chức sắc, chức việc, địa điểm hợp pháp, tổ chức tôn giáo trực thuộc...

Thứ hai: Việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng còn nhiều mặt hạn chế. Việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng (trừ các lễ hội tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử của địa phương) ở cấp trung ương được quy định thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ (Điều 22 Nghị định số 162). Tuy nhiên, hiện nay ở cấp tỉnh, cấp huyện vẫn chưa có văn bản pháp luật nào giao nhiệm vụ này cho cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp. Điều này dẫn đến khó khăn cho việc tham mưu thực hiện quản lý về các hoạt động tín ngưỡng và các cơ sở tín ngưỡng ở địa phương. Một số hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo trái với điều 5 của Luật nhưng chưa có sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước, việc phân định trách nhiệm khi xảy ra sự việc cũng chưa rõ. Một số địa phương khác đề nghị không nhất thiết cơ sở tín ngưỡng nào cũng cần có người đại diện hoặc ban quản lý. Một số địa phương còn lúng túng trước các loại hình tín ngưỡng, như loại hình tín ngưỡng “thờ mẫu hầu đồng”. Chưa có hướng dẫn cụ thể việc cá nhân đứng đơn xin đăng ký hoạt động tín ngưỡng tại nơi chưa được công nhận là cơ sở tín ngưỡng (tại gia). Một số địa phương cho rằng Luật chưa có quy định cụ thể việc thành lập cơ sở tín ngưỡng.

Bên cạnh đó vẫn còn diễn ra một số hoạt động phản cảm, phản văn hóa trong thực hành tín ngưỡng và lễ hội văn hóa như: Tranh cướp “lộc” thái quá, rải tiền lẻ, mê tín dị đoan, đốt vàng mã quá nhiều tại cơ sở tín ngưỡng…

Thứ ba: Quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là nội dung hiện nay các tổ chức tôn giáo đang lúng túng, chưa tách bạch được tài sản nào là thuộc quyền quản lý của trung ương, tài sản nào thuộc quyền quản lý của các tổ chức tôn giáo trực thuộc mặc dù trong hiến chương, quy định của các giáo hội đều có nội dung này nhưng lại rất chung chung dẫn đến khó thực hiện. Việc không tách bạch được tài sản dẫn đến những khó khăn cho các tổ chức tôn giáo khi đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc (một trong những điều kiện để đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc).
 
Việc quy định các tổ chức tôn giáo có tài sản là quyền sử dụng đất nhưng các tổ chức tôn giáo chỉ có quyền sử dụng nhưng không có quyền định đoạt. Theo quy định của Luật đất đai, các tổ chức tôn giáo không được mua, bán, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Quy định này phần nào hạn chế quyền của các tổ chức tôn giáo. 

Thứ tư: Một số Bộ, ban, ngành chậm tham mưu ban hành chính sách, pháp luật có liên quan và các giải pháp để thực hiện đồng bộ giữa Luật tín ngưỡng, tôn giáo với các luật khác để khắc phục những hạn chế, bất cập như: Phương án phù hợp giải quyết các tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo hiện nay; biện pháp khắc phục việc biến nhà ở cá nhân thành cơ sở thờ tự đang gây nên những tranh chấp và mâu thuẫn; việc hoàn thiện các tiêu chí để cấp giấy phép hành nghề đối với 2/3 cơ sở khám chữa bệnh của tôn giáo; việc hướng dẫn cách thức quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý giam, giữ tại cơ sở quản lý giam, giữ.

Thứ năm: Quản lý Nhà nước về tôn giáo trên một số mặt còn hạn chế: Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được quy định trong Luật đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của nhiều chủ thể. Tuy nhiên, hiện nay liên quan đến nội dung này còn một số điểm chưa rõ ràng trong nhận thức và thống nhất thực hiện. Nhiều địa phương chưa thống nhất nhận thức về tổ chức tôn giáo trực thuộc. Một số địa phương đề nghị hướng dẫn ban hộ tự, ban quản trị chùa của Phật giáo; họ đạo của Cao Đài; giáo họ của Công giáo có phải là tổ chức tôn giáo trực thuộc; hiện nhiều địa phương còn nhầm lẫn giữa tổ chức tôn giáo trực thuộc với cơ sở tôn giáo (đặc biệt là nhầm tổ chức tôn giáo trực thuộc với chùa). Tại Điều 28 của Luật quy định một trong các điều kiện để được đề nghị chấp thuận thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc là trong hiến chương của tổ chức phải có quy định về vấn đề này. Đối với giáo hội Công giáo không có hiến chương thì căn cứ vào quy định nào để xem xét?

Một số địa phương cho rằng Luật có quy định về tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân phi thương mại. Tuy nhiên để cho việc thực hiện thuận lợi, Luật cần bổ sung giải thích về cụm từ pháp nhân phi thương mại. Đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có tư cách pháp nhân phi thương mại không? 

Vấn đề phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành theo quy định của Luật. Trong quá trình thực hiện, nhiều chức sắc, chức việc chưa tuân thủ, xảy ra tình trạng nợ phiếu lý lịch tư pháp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Mặt khác, Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật hiện nay không có quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp, do đó khi phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc phải làm lại lý lịch tư pháp, việc này sẽ gây ra khó khăn, bất tiện đối với chức sắc, chức việc và  công tác quản lý.

Thứ sáu: Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị nói chung còn nhiều mặt bất cập. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện đặt trong ngành Nội vụ cần xem xét, cân nhắc và có nghiên cứu đánh giá tổng thể những mặt được và chưa được từ thực tiễn công tác quản lý. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, nhất là cấp cơ sở còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, ít kinh nghiệm thực tiễn, nhiều cán bộ, công chức trẻ nên việc tham mưu giải quyết các công việc hiệu quả chưa cao.

Thứ bảy: Hiện nay ở Việt Nam có 43 tổ chức được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Mỗi tổ chức tôn giáo có giáo lý, giáo luật, hệ thống cơ cấu tổ chức, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử,… khác nhau. Luật và Nghị định số 162 được ban hành trên cơ sở mẫu số chung, áp dụng cho tất cả các tổ chức tôn giáo không loại trừ, cũng không ưu ái cho tổ chức tôn giáo nào. Vì vậy, khi áp dụng vào thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo sẽ có khó khăn nhất định. Một số vấn đề qua thực tiễn thực hiện Luật các tỉnh, thành phố còn băn khoăn như: Trụ trì chùa có phải là chức việc? thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định của Luật và Nghị định có tính cả thứ 7, chủ nhật không ? việc thông báo kết quả phong phẩm linh mục sẽ thông báo cho cơ quan nào; vấn đề thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; sự khác nhau giữa người đại diện và người lãnh đạo tổ chức;… cần có nghiên cứu, trao đổi giữa các cơ quan liên quan để thống nhất giải thích, hướng dẫn thực hiện.

Các tổ chức tôn giáo bước đầu nắm bắt và có phần hiểu chưa hết về một số nội dung mới của Luật, vẫn thực hiện theo thói quen kinh nghiệm từ trước dẫn đến trong quá trình thực hiện sẽ khó khăn, chưa đúng với quy định của Luật. Một số tổ chức tôn giáo chưa điều chỉnh kịp thời và thích ứng với các quy định mới của Luật nên còn lúng túng khi thực hiện. 

Một số kiến nghị

Từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian qua, xin đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là: Đảng, Nhà nước ta cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các Luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, của con người; hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các văn bản luật liên quan (Luật Đất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược...) nhằm phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo tham gia khám chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, nhân đạo, từ thiện, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hai là: Chính phủ sớm tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất có liên quan đến tôn giáo; sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập, những qui định chưa rõ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo. 

Ba là: Cấp có thẩm quyền chỉ đạo việc nghiên cứu mô hình, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, tín ngưỡng của hệ thống chính trị các cấp nói chung và tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng đáp ứng yêu cầu đặt ra (sau Đại hội XIII của Đảng). Cần có bộ máy làm công tác tôn giáo phù hợp từ trung ương đến địa phương, tạo sự thuận lợi, đồng bộ cho công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các chủ trương, chính sách về tôn giáo.

Bốn là: Quan tâm hỗ trợ cơ chế, chính sách về tài chính, thuế đối với cơ sở từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Chỉ đạo khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo sau 2 năm thực hiện.

Năm là: Các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; có kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Có cơ chế hỗ trợ công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo; kịp thời xử lý các vi phạm; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện tốt điều 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Sáu là: Các tổ chức tôn giáo tiếp tục tham gia tuyên truyền nội dung của Luật và Nghị định số 162 cho chức sắc, chức việc, tín đồ của tổ chức mình. Không vi phạm Điều 5 của Luật (các hành vi bị nghiêm cấm); rà soát bổ sung vào hiến chương, điều lệ nội dung về rèn luyện phẩm chất, đạo hạnh của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành theo phương châm đức cao, đạo sáng; tích cực hưởng ứng thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn kết trong từng tôn giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo.

Tiếp tục phối hợp cùng Mặt trận, các cơ quan Nhà nước liên quan và các địa phương hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc và cá nhân tôn giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật khi tham gia xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề...

ThS. Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 28 - 20

Bình luận: 0