TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Nam Định: Các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp ngăn chặn ngay hoạt động dịch vụ hỏa táng nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm

23:53 09/07/2020
Logo header Liên quan đến tranh chấp cổ phần gây mất đoàn kết nội bộ của Công ty cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long (gọi tắt là Công ty Hoàng Long), trụ sở tại Công viên nghĩa trang Thanh Bình, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Tri thức Xanh đã có loạt bài viết phản ánh tình hình thực tế, đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có biện pháp để ổn định hoạt động của Công ty vì đây là loại hình dịch vụ phát sinh theo chính sách và chủ trương của Nhà nước nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và an sinh xã hội.

Việc hiện nay Công ty Hoàng Long đang tồn tại “02 con dấu” của Công ty (một con dấu do bà Quy đang giữ; 01 mẫu dấu do ông Long đang giữ). Hai con dấu này cùng tồn tại và hiện cũng đang được sử dụng công khai là điều bất cập đối với hoạt động Công ty. Hơn nữa đang trong khi các cổ đông có tranh chấp mà Công ty Hoàng Long vẫn hoạt động khi không có pháp nhân thể hiện sự hoạt động này bởi bà Quy đang giữ con dấu thì các hợp đồng dịch vụ tang lễ đang diễn ra liệu có đúng quy định của pháp luật?.

Việc tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng rộng rãi hình thức hỏa táng trong việc tang là góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại các khu dân cư. Chính sách khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng tiên tiến, hiện đại trong việc tang nhằm góp phần bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, tiết kiệm đất đai và hướng tới phát triển bền vững. Chính từ đó Chính phủ và nhiều địa phương đã đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng cũng như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp các thiết bị hỏa táng hiện đại, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành hình thức táng phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. 

Việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng bao gồm: Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí hỏa táng, chi phí vận chuyển thi hài đi hỏa táng và các chi phí khác (bình đựng tro cốt, lưu giữ tro cốt. Mức hỗ trợ tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương và do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định. Và tại Nam Định thì mới đây nhất vào ngày 25/10/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND về việc Quy định về quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến các hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Tuy nhiên trong quy định này cũng nêu rõ: “Các nội dung khác về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang không quy định tại Quy định này thì thực hiện theo Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng và các văn bản pháp luật có liên quan”. Cũng theo Quy định này, tại Chương II về việc tổ chức thực hiện thì có nêu rõ trách nhiệm của các Sở ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Trong đó Mục 2 Điều 16 về trách nhiệm của Sở Tài chính nêu rõ: “Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc lập giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng; việc quản lý sử dụng các nguồn kinh phí và công tác thanh quyết toán các nguồn kinh phí theo quy định. Xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về tài chính trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang theo quy định”. Tuy nhiên việc tranh chấp của các cổ đông trong Công ty Dịch vụ tang lễ Hoàng Long diễn ra nhiều năm qua thì gần như không hề có dẫn đến việc xác định phần vốn vẫn đang gây tranh cãi. Nhưng khi sự vụ tranh chấp lên đến đỉnh điểm thì người không được đại diện theo pháp luật lại đứng ra tổ chức, điều hành hoạt động dịch vụ khi không nắm giữ con dấu pháp nhân Công ty trong tay. Vậy câu hỏi được đặt ra là: Hoạt động ký kết các dịch vụ kể từ khi xảy ra tranh chấp khiến các cán bộ, công nhân viên ở đây phải nghỉ việc có hợp pháp hay không? Giá cả dịch vụ hiện nay dựa trên cơ sở nào? Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động này?

Còn về chuyện con dấu Công ty thì tại Điều 12, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định rõ: “Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm: a) Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu. b) Số lượng con dấu. c) Quy định về quản lý và sử dụng con dấu”. Và Điều 15 quy định về việc Quản lý và sử dụng con dấu cũng nêu rõ: “1. Các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp cho doanh nghiệp mà không phải thực hiện thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp. 2. Trường hợp doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 làm con dấu mới theo quy định tại Nghị định này thì phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Cơ quan công an cấp giấy biên nhận đã nhận lại con dấu tại thời điểm tiếp nhận lại con dấu của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, theo bà Quy – Người đại diện theo pháp luật của Công ty Hoàng Long cho biết: “Công ty chỉ có 01 con dấu duy nhất mà bà là người đang quản lý, sử dụng”. Và bà đã có Đơn gửi cơ quan Công an tỉnh Nam Định về việc Công ty Hoàng Long đã xuất hiện thêm một con dấu không đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hơn nữa, theo Quy định về quản lý nghĩa trang và cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Nam Định của UBND tỉnh Nam Định thì việc tổ chức thực hiện ghi rõ: “1. Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện Quy định này; 2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, phát sinh các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Nam Định, các tổ chức, cá nhân có liên phản ánh kịp thời với UBND tỉnh Nam Định (qua Sở Xây dựng) để xem xét quyết định”. Vậy hoạt động dịch vụ tang lễ và hỏa táng cũng như nội bộ cổ đông Công ty Hoàng long đang có tranh chấp dẫn đến nhiều hệ lụy như quyền lợi của các cổ đông; quyền lợi của người lao động; trách nhiệm kỹ thuật khi nhân viên mới tiếp cận để duy trì hoạt động dịch vụ này có đảm bảo các yêu cầu về trách nhiệm, kỹ thuật? 

Từ những dẫn chứng các quy định, phân tích nêu trên, một lần nữa, với trách nhiệm của người làm báo và trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững, nhất là trong lĩnh vực đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành hình thức táng phổ biến tại các địa phương theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. Phóng viên Tri thức Xanh kính chuyển toàn bộ nội dung bài viết này tới tới UBND tỉnh Nam Định, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở Xây Dựng, UBND huyện Mỹ Lộc xem xét, giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên để tránh những rủi ro không đáng có xảy ra.

Nguyễn Hân – Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 18 - 20

Bình luận: 0