TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Nâng cao ý thức phòng cháy trong dịp đầu hè

15:34 15/04/2021
Logo header Từ xa xưa, cha ông ta đã có câu “nhất thủy, nhì hỏa” để thấy rõ sự nguy hiểm của hỏa hoạn. Bởi lẽ, chỉ cần một chút bất cẩn, sơ xảy, thiếu ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) là “bà hỏa” có thể ập đến bất kỳ và gây ra những hậu quả hết sức khôn lường. “Nước xa không cứu được lửa gần” là câu thành ngữ đúc kết rõ ràng nhất trong các trường hợp hỏa hoạn, điều đó khẳng định dù lực lượng cứu hỏa có tinh nhuệ, có hiện đại thế nào thì cũng không thể trở tay kịp với những ngọn lửa xuất hiện do bất cẩn. Thời gian gần đây, các vụ cháy nổ xảy ra nhiều hơn, chứng tỏ rằng ý thức phòng cháy nói chung còn rất kém.

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi khi hỏa hoạn xảy ra thì tính mạng, tài sản của người dân có nguy cơ mất trong giây lát. Thực hiện tốt công tác PCCC là bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội. Đứng trước nhận thức về sự nguy hiểm của hỏa hoạn, chính quyền các cấp, các ngành luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo công tác PCCC và trong thời gian gần đây đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhưng chương trình diễn tập PCCC được tổ chức thường xuyên cho các đối tượng như lực lượng vũ trang, công chức, viên chức và công nhân các cum, khu công nghiệp. Nhất là vào dịp 04/10 hàng năm (là Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy) thì nhiều địa phương, đơn vi, doanh nghiệp đã tổ chức các chương trình hoạt động sôi nổi, thiết thực, góp phần chuyển biến tích cực nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội là tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mọc ra nhưng thiếu đồng bộ về các quy định nên nguy cơ về cháy, nổ xảy ra cao. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra không ít các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng

Nội quy PCCC tại khu dân cư

Hàng năm, số vụ cháy nổ trong các khu dân cư luôn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng điện, gas tại nhiều gia đình không đảm bảo kỹ thuật an toàn. Người dân thắp hương, nến, đốt vàng mã chỉ cần lơ là trong việc giám sát ngọn lửa… các thiết bị điện quá tải cộng thêm việc đấu nối điện và thiết bị điện không an toàn cũng có thể gây cháy nổ…  Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong 03 tháng đầu năm 2021, tình hình cháy đã giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020. Tình hình cháy, nổ và sự cố tập trung ở địa bàn thành thị (xảy ra 960 vụ, chiếm 55,65%) và xảy ra ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh. Số vụ cháy và sự cố tập trung vào loại hình nhà dân (627 vụ chiếm 36,34%). Các vụ cháy cơ sở sản xuất, kho hàng hóa tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Về các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra 10 vụ (chiếm 1,81% tổng số vụ cháy) làm thiệt hại về tài sản khoảng 29,930 tỷ đồng, tương đương 18,36% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra và chủ yếu xảy ra ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp. Các vụ cháy lớn này thường tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như: cơ sở sản xuất chế biến gỗ (04 vụ), cơ sở sản xuất giấy, chợ, kho tàng, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh (mỗi loại hình 01 vụ) và xảy ra chủ yếu vào thời điểm ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc (08/10 vụ). Bên cạnh những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng nêu trên thì các vụ cháy tại khu vực dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh với đặc điểm chủ yếu của các công trình là dạng nhà ống liền kế có thể kết hợp vừa để ở, vừa sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các vụ cháy này, thiệt hại về tài sản không lớn nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng về người; điển hình như vụ cháy nhà dân ngày 30/3/2021 tại số nhà 899, đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh làm chết 06 người và 01 người bị thương; vụ cháy ngày 25/3/2021 tại hẻm 45, đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8 TP. Hồ Chí Minh làm chết 03 người. Đặc biệt mới đây vụ cháy tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội dẫn đến hậu quả thương tâm vì đây là một cơ sở kinh doanh đồ cho mẹ và bé. Cơ quan chức năng xác định, gia đình nạn nhân sinh sống và kinh doanh đồ sơ sinh cho trẻ em, các mặt hàng được bày bán trên tầng 1 của ngôi nhà. Hậu quả là đã có 4 người tử vong. Những thiệt hại về cháy nổ trên cả nước thường xuyên được các cơ quan truyền thông, báo chí đưa tin, những quy định về pháp luật liên quan đến PCCC cũng đã được quy định rất rõ ràng. Tuy nhiên còn một bộ phận người dân với tâm lý chủ quan nên tình trạng cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn diễn ra và luôn rình dập đến sụ an nguy của người dân.

PCCC luôn là  một vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết để giúp giảm thiểu những thiệt hại do cháy nổ gây ra đặc biệt là trong khu dân cư, nơi tập trung nhiều người sinh sống. Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã đưa các các quy định  điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của khu dân cư. Cụ thể, khu dân cư là  nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp. bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương được gọi chung là thôn. Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, tại khu dân cư cần phải có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ…

Để người dân có thể thực hiện được những quy định về PCCC, Bộ Công an đã ban hành 06 Thông tư quy định những vấn đề nổi lên liên quan đến công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ trong đó Thông tư số 139/2020/TT-BCA quy định về công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân. Đáng chú ý, hoạt động thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo nguyên tắc tập trung mang tính chất của lực lượng vũ trang, tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời. Thời gian thường trực của Công an các đơn vị, địa phương thực hiện theo chế độ 24/24 giờ hằng ngày để bảo đảm sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống. Công tác kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ trong đánh giá tình hình, kết quả công tác tại đơn vị được kiểm tra. Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để trục lợi, cản trở, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm tra. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân, Thông tư số 141/2020/TT-BCA quy định rõ việc ban hành kế hoạch kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc kiểm tra đột xuất được thực hiện trong các trường hợp vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ theo quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP hoặc khi có dấu hiệu vi phạm điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 41 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP hoặc lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý…

Thông qua những quy định chi tiết của pháp luật cũng như tinh thần luôn sẵn sàng ứng cứu của lực lượng cán bộ chiến sĩ PCCC, cùng với ý thức cảnh giác, luôn phòng cháy và khả năng tự chữa cháy khi phát hiện sớm của người dân, hy vọng mùa hè đến sẽ hạn chế tối đa nhưng vụ cháy, nổ.

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 57-21

Bình luận: 0