TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Ngành hàng không: Tranh thủ cơ hội để hồi phục, phát triển

15:26 08/10/2020
Logo header Đứng trước những thách thức to lớn trong thời gian qua, với nhiều doanh nghiệp đã và đang rơi vào tình trạng khó khăn, người lao động mất thu nhập, việc làm,.. nhưng với những chủ trương và hành động đúng đắn của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc. Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - theo dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings.

Trước khi các chuyến bay quốc tế được nối lại, các hãng hàng không đã có những ưu đãi đặc biệt cho thị trường trong nước

Trong bối cảnh hiện nay, việc thành công trong việc khống chế dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế, Việt Nam đang có một mức tăng trưởng khá với tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước (Tổng cục Thống kê). Đây là mức tăng trưởng khá khi so sánh  không chỉ với các nước trong khu vực mà còn với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Điều đặc biệt hơn là trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 1,81%, nhưng những khó khăn đó đã không cản được đà tiến của đất nước, tính chung cả 9 tháng năm nay, kinh tế nước ta đã đạt mức tăng trưởng 2,12%. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Tình hình kinh tế quý III khả quan hơn quý II một phần nhờ tín hiệu phục hồi của một số ngành quan trọng, trong đó có hàng không. Trong nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế việc mở lại các đường bay quốc tế, khôi phục lại xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai hoạt động hợp tác sản xuất, kinh doanh, cùng với đó là các hoạt động du lịch... là một việc quan trọng. Điều này cũng mang ý nghĩa là một sự bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi hơn về thủ tục tại các thị trường nhập khẩu. Thời gian qua, không ngoại lệ, ngành hàng không nước ta thực sự đã đứng trước thách thức vô cùng to lớn. Mặc dù đã có nhiều biện pháp cần thiết như cắt giảm chi phí, cắt giảm lương cán bộ công nhân viên, giảm giá vé, song toàn ngành vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã dự tính doanh thu cả năm 2020 giảm một nửa, còn 50.000 tỷ đồng và lỗ khoảng trên 13.000 tỷ đồng, hãng Vietjet Air trong quý II cũng đã giảm 80% doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Còn theo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng trên 4 tỷ USD trong năm 2020. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 27/8, Thủ tướng đã giao các đơn vị, Bộ ngành tổ chức điều phối các chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước và tạo thuận lợi đưa các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh. Mỗi chuyến bay đều phải có phương án cụ thể bảo đảm an toàn, kể cả phương án cách ly phù hợp đối với từng đối tượng nhập cảnh, rà soát thủ tục, giảm bớt khâu trung gian, thời gian. Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ có trách nhiệm xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao. Trước hết, chỉ đạo thực hiện chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đó, ngay từ đầu tháng 9, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thiện phương án khôi phục các đường bay quốc tế trong tháng 9 và đã trình Bộ Giao thông vận tải. Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất nối lại đường bay Hà Nội - Tokyo, TP.HCM - Tokyo, TP.HCM - Quảng Châu, cùng với đó là đề xuất đối với các đường bay khác như đến Hàn Quốc, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Lào, và Campuchia. Để có thể triển khai kế hoạch khai thác thường lệ nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách. Ngày 08/9/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về việc nối lại một số đường bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam và một số đối tác đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Theo đó, đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, cùng với đó là các quy định rất cụ thể về đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại được cho phép. Sau nhiều sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 19/9, chuyến bay VN310 có hành trình Hà Nội - Tokyo (Nhật Bản) của hãng hàng không Vietnam Airline đã cất cánh từ Nội Bài với điểm đến là sân bay Narita (Nhật Bản), đánh dấu chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên của hãng sau một thời gian tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch. Sau đó, vào ngày 25/9, chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về nước của ngành hàng không Việt Nam mang số hiệu VN417 của Vietnam Airlines khởi hành từ Seoul (Hàn Quốc) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Tất cả hành khách đều phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp realtime PCR của cơ quan y tế có thẩm quyền trong vòng 03 ngày trước khởi hành, đồng thời đáp ứng nhiều thủ tục nghiêm ngặt khác về phòng, chống dịch bệnh, xác nhận về địa điểm cách ly tại Việt Nam, khai báo y tế bắt buộc cũng như cài đặt ứng dụng theo dõi tiếp xúc,… Bên cạnh chở hành khách, các chuyến bay còn kết hợp chở hàng hóa nhằm phục vụ giao thương, sản xuất. Trong tháng 10, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã có kế hoạch khai thác một số chuyến bay quốc tế, phục vụ đưa công dân Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài hồi hương và những hành khách có nhu cầu đi nước ngoài để làm việc. Theo đó, từ ngày 01/10/2020 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Nga, Mỹ, Úc, Anh, Angola có thể mua vé máy bay trực tuyến và đón các chuyến bay hồi hương từ hãng hàng không Vietnam Airlines. Đồng thời hãng cũng phục vụ một số chuyến bay từ Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh đi một số thành phố ở Pháp, Đức, Nhật Bản để kết nối lại công việc, lao động tại nước ngoài của người lao động. Theo một số chuyên gia, việc Chính phủ cho phép nối lại một số đường bay quốc tế thường lệ đến châu Á trước mắt sẽ chưa thể mang lại dòng tiền đáng kể cho các hãng hàng không trong nước nhưng cũng giúp các hãng có thêm cơ hội bù lại một phần chi phí biến đổi. Đồng thời, mở cửa lại một số đường bay quốc tế không chỉ giúp các hãng hàng không dần phục hồi sản xuất kinh doanh mà còn tạo cơ hội phục hồi cho nhiều ngành kinh tế khác như du lịch, lưu trú, ăn uống, tiêu dùng… và đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực. Hy vọng rằng. với đà tăng trưởng của cả thị trường nội địa và quốc tế - dù còn hạn chế, trong thời gian tới ngành hàng không Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đóng góp kịp thời trong nhiệm vụ đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0