TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Nghề phụ đã tạo diện mạo mới của một làng quê

13:11 30/04/2020
Logo header Sau đám cưới, vợ chồng tôi đưa nhau về quê ngoại đi chào bà con cô bác, theo phong tục bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Ngồi trò chuyện với các bác, các chú, các cô trong họ, tôi cứ thuận miệng hỏi về sản xuất nông nghiệp của địa phương: “Quê mình năm nay làm vụ đông có khá không ạ?”; và tôi thật bất ngờ khi nhận được câu trả lời gần như đồng loạt: “Không, cái vụ đông này, chúng tôi chẳng trồng gì sất”. Ông chú họ của vợ tôi còn giải thích thêm: “Ở đây, bà con làm bán “lông”, anh ạ”. Trong khi tôi còn đang bối rối, chưa hiểu ra sao, thì cô vợ tôi đã ghé tai, thì thầm: “Ý chú nói là bà con làm bán nông, một nửa thời gian làm nghề nông, một nửa thời gian làm nghề phụ”. Cũng như khá nhiều miền quê khác ở đồng bằng Bắc bộ, người Cầu Giẽ, quê vợ tôi cũng có cách nói ngọng dễ thương như vậy.

Nghề đóng giầy da ở Cầu Giẽ

Cầu Giẽ là một địa danh thuộc huyện Phú Xuyên, nằm bên Quốc lộ 1A, cách Trung tâm Hà Nội chừng 40 cây số. Nơi đây, trong kháng chiến, từng được mệnh danh là “vọng gác của Thủ đô”, đã đi vào câu ca nổi tiếng về các “cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”... Về nông nghiệp, ở đây chủ yếu thâm canh cây lúa, một năm hai vụ, nhưng bình quân mỗi nhân khẩu chỉ được chưa đầy 2 sào Bắc bộ để cấy hái. Giá nông sản lại thường có xu hướng hạ trong tương quan với giá vật tư nông nghiệp, vì thế, với khoản thu nhập sau khi đã trừ chi phí sản xuất đi, các gia đình phải tằn tiện lắm mới đủ cái ăn cho no, cái mặc cho ấm. Các khoản chi khác như cho con cái đi học, ốm đau, hiếu hỉ v.v... nếu cũng chỉ trông vào hạt lúa, thì cuộc sống làm sao tránh khỏi khó khăn, vất vả. Nghĩ vậy, người dân Cầu Giẽ quyết tâm làm các nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Cầu Giẽ có ưu thế cơ bản là nằm bên đường quốc lộ chính của cả nước, thuận tiện giao thông vào Nam ra Bắc, gần kề thị trường lớn Hà Nội, người Cầu Giẽ lại cần cù, sáng tạo, vậy mà việc tìm ra nghề mới phù hợp cũng gặp không ít chật vật, thử thách. Họ đã mày mò làm thử nhiều nghề, nhưng đến nay chỉ có hai nghề còn trụ lại bền vững, đó là nghề giày và nghề gia công quần áo, chủ yếu là quần áo comple.

Theo các bậc phụ lão ở đây cho biết, thì thực tế nghề giày đã có từ cách nay ngót một thế kỷ, do cụ Nguyễn Mạc, người thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên học của người Tây về truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Nhưng nghề này chỉ thực sự thăng hoa trong khoảng mươi năm gần đây, khi mà cơ chế thị trường thôi thúc con người ta trở nên năng động hơn, đồng thời nó cũng tạo cho các gia đình khoản thu nhập khá lên để có thể chi tiêu rộng rãi hơn. Mọi người đã chú ý tới cái ăn sao cho ngon hơn, cái mặc sao cho đẹp hơn. Thế là làng nghề ở Cầu Giẽ có chỗ đứng vững chãi. Cả ba xã quanh khu vực Cầu Giẽ, là Phú Yên, Đại Xuyên và Châu Can, có cả thảy trên dưới 3.000 hộ thì ước tính đã có suýt soát 500 hộ làm giày, tập trung chủ yếu ở các thôn Giẽ Hạ, Giẽ Thượng của xã Phú Yên. Mỗi hộ trung bình có từ 5 đến 6 thợ, nhưng cũng có những hộ thuê cả vài chục thợ làm việc tại nhà. Thợ chính đa phần là người địa phương, vì có là người địa phương mới biết nghề, thạo nghề, chỉ có thợ phụ mới là người nơi khác đến đây làm thuê. Những người làm thợ là người mới vào nghề, phải đi làm thêm vài năm để kiếm thêm kinh nghiệm, hoặc cũng có khi là người đã cứng tay nghề nhưng không có vốn kinh doanh, hay tự thấy mình không có khả năng quản lý nên đi làm thợ cho người khác. Âu cũng là sự phân công tự nhiên của cuộc sống nên cả thầy, cả thợ phải làm việc miệt mài mỗi ngày mười mấy tiếng đồng hồ, từ 7 giờ sáng đến cỡ 12 giờ khuya, có khi đến 2, 3 giờ sáng nếu hôm sau phải giao hàng cho khách. Mỗi ngày làm việc như vậy, 6 người cả chủ và thợ làm được khoảng 50 đôi giày, mỗi người phụ trách một công đoạn, người làm đế, người làm mũ giày. Thăm một gia đình làm giày ngay kế bên nhà nhạc phụ, tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến thợ giày ở đây đang tạo ra những đôi giày bóng và đẹp không kém những đôi giày có mác châu Âu đang được bày bán ở Hà Nội với giá vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng một đôi. Chủ nhà cho biết giá giao buôn mỗi đôi vào khoảng từ 300 đến 500 ngàn đồng, trừ nguyên liệu đầu vào và chi phí đi cũng thu được bình quân khoảng 70 đến 100 ngàn đồng. Khoản thu nhập này cũng dao động theo chất lượng, mẫu mã và tình hình thị trường. Nguyên liệu làm giày, chủ yếu là da động vật đã qua thuộc và chế biến, mua từ phía Nam chở ra, một phần được sản xuất trong nước với công nghệ cao, số còn lại được nhập từ Indonesia, Đài Loan... Keo gián giày cũng là keo loại tốt của các hãng có uy tín. Còn phần thiết kế, do thợ ở đây tự đảm trách, họ vừa làm theo mẫu có sẵn trong các ca-ta-lô của nước ngoài, vừa mày mò sáng tạo thêm, làm ra các mẫu mới theo ý mình hoặc theo gợi ý của khách... Giày làm ra được giao cho khách từ Hà Nội và các tỉnh khác đến lấy tận nơi. Ông bác bên vợ tôi, là cán bộ xã đã hưu trí, thấy tôi tỏ ra quan tâm đến nghề giày của địa phương, thì kéo tôi ra một góc thủ thỉ: “Nghề giày tưởng là phụ, nhưng có lúc lại hoá ra nghề chính đấy anh ạ. Nó đã làm cho bộ mặt quê ta đổi thay, khang trang lên rất nhiều. Thanh niên cũng vì thế mà tu chí làm ăn, không lang thang, hư hỏng... Nhưng nó cũng có mặt trái đấy anh ạ”. Tôi chưa hiểu, ông giải thích thêm: “Này nhé, thứ nhất là mải làm giày, có khi bà con chểnh mảng sản xuất nông nghiệp, phải thuê người nơi khác đến làm. Lại nữa, thuê thợ ở nhà mà không khai báo kịp thời, làm cho khâu quản lý tạm trú, tạm vắng gặp nhiều khó khăn. Mà thuê người làm như thế là bóc lột giá trị thặng dư rồi còn gì?”. Quả thật, làm nghề giày cho thu nhập gấp mấy lần trồng lúa, thế nên cũng dễ thông cảm và lý giải tại sao trong vụ giày, bà con ở đây phải thuê người nơi khác đến thu hoạch lúa và không thực sự chú ý đến sản xuất vụ đông. Còn ngày nay đất nước đã đổi thay, mọi người được tự do làm giàu cho gia đình mình và cho xã hội, việc mạnh dạn bỏ vốn, tạo thêm công ăn việc làm cho cộng đồng đang được nhà nước ta khuyến khích. Ông bác tôi, có lẽ nghỉ hưu đã lâu, nên cụ mới có những băn khoăn như vậy...

Mẫu mã giày da gia công ngày nay cũng khá đa dạng và phong phú

Nhìn đôi giày cưới tôi đang đi dưới chân, có gắn nhãn hiệu Italia bằng kim loại, mà trước khi cưới, vợ chồng tôi phải đi cả buổi sáng mới mua được tại một hiệu giày có tiếng ở Hà nội, với giá khiêm tốn là 900 ngàn đồng, Linh (hay còn gọi là Cu Tí) - người anh em đồng hao với tôi thực thà bảo: “Giày này của anh, bọn em ở đây giao buôn chỉ đến giá 300 ngàn. Lần sau anh về, em sẽ đóng biếu anh một đôi khác đẹp hơn”. Tôi hỏi: “Thế cái mác Italia này thì sao?”. Linh cười nói: “Cái này chỉ vài ngàn đồng một chiếc, bọn em mua cả ký lô”.

Khi chào tạm biệt mọi người để lên đường về Hà Nội, tôi bất giác nhận thấy có nhiều nhà mới, đẹp mọc lên san sát, ẩn mình sau những lùm tre xanh ngát ở quê nhà. Dòng sông Nhuệ xanh trong đang uốn mình ôm lấy mảnh đất Cầu Giẽ anh hùng năm xưa, nay lại sáng tạo, năng động trong đời sống mới. Phía xa là cả một thảm màu xanh mơn mởn của mạ non đầu vụ. Cầu Giẽ quê mình đang ngời lên một màu xanh no ấm.

Huy Thịnh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 08 - 20

Bình luận: 0