TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Nghi Lộc - Nghệ An: Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái (?)

19:05 02/07/2020
Logo header Năm 2013, cơn bão lịch sử ập về tàn phá miền Trung đẩy các vùng quê chìm đắm trong đói nghèo thiếu thốn. Sự khắc nghiệt của thời tiết không dừng lại ở đó mà 2 năm tiếp theo (2014 đến 2015) hạn hán kéo dài thiêu cháy tất cả hoa màu, lúa nước. Bà con khắp hai miền Bắc Nam, kiều bào ở nước ngoài đều rưng rưng rơi lệ chung tay góp nhặt từng đồng gửi về những mong đồng bào mình bớt đói khổ hơn.

Tuy nhiên số tiền này khi về đến địa phương đã bị cán bộ xã biển thủ 80% chi quà Tết cho cán bộ và làm kinh phí đi du lịch. Khủng khiếp hơn, 20% còn lại khi giao cho cán bộ trực tiếp đi phát hỗ trợ cho dân thì bị biển thủ tiếp… 10%. Điều đáng nói là, vi phạm nghiêm trọng này 7 năm sau bị các cựu chiến binh phanh phui thì cán bộ “Xin trả lại” và lập tức được cơ cấu vào cán bộ khóa mới trong Đại hội Đảng bộ ngày 26/06/2020 vừa qua.

Vợ chồng ông Lê Phạm Luy cùng những CCB và bà con lối xóm bên những thành tích của ông trong chiến đấu ở chiến trường

Từ thực trạng “con giun xéo lắm phải quằn”

Cụ Nguyễn Thị Biên (SN 1916), định cư trên thửa đất số 202 diện tích 2.000m2 tại xóm 3, xã Nghi Tiến từ năm 1929, chồng mất, cụ một mình nuôi 5 người con. Năm 1968, con trai cả Lê Biên lên đường bảo vệ tổ quốc và hy sinh năm 1977 khi đang làm nhiệm vụ; Con gái thứ 2 đi công nhân, cô út đi thanh niên xung phong (TNXP); Con trai thứ 3 Lê Phạm Luy (SN 1950) xung phong lên đường đánh Mỹ vào năm 1970 khi anh trai cả đang ở chiến trường. Năm 1975, sau khi tham gia giải phóng miền Nam, anh cùng đơn vị E761 đóng tại Vũng Tàu Côn Đảo, năm 1977 vào án ngữ cửa ngõ Tây Ninh biên giới phía Nam, năm 1979 tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1982 đơn vị chuyển sang thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế quân đội tại Đắc Lắc thuộc đơn vị 715 sư 33 quân khu 5 và vào năm 1983 chuyển thành nông trường 715. Tại đây, Thiếu tá Lê Phạm Luy gặp Thiếu úy Nguyễn Thị Hạnh, trợ lý quân nhu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc và họ nên duyên vợ chồng và sinh được 5 người con. Trong khi đó, tại quê nhà không hiểu vì sao, mảnh đất cụ Biên bị cắt ra 720m2 cấp GCNQSD đất cho ông Hoàng Văn Nông và lạ lùng hơn là trong GCNQSD đất cấp cho cụ Biên lại chỉ có đất nông nghiệp mà không có đất ở(?). Mặc dù giai đoạn từ năm 2005 đến 2007, khi có chủ trương đo đạc lại ruộng đất thì mảnh đất cụ Biên vẫn còn lại 702m2, nhưng hiện nay đất của ông Nông lên đến 1034m2 mà đất của cụ Biên chỉ còn lại diện tích có 394m2, và số diện tích đất còn lại bị các hộ lấn chiếm.     

Đến năm 2005, sau 34 năm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, vợ chồng ông Luy đưa các con về lại quê hương và thấy có nhà ông Nông đang nằm trên trên thửa đất của cụ Biên mẹ mình, ông Luy đã yêu cầu ông Nông trả lại đất (lúc này ông Nông đang ở tại một mảnh đất khác ở xóm 2 nhưng không trả đất mà chuyển mẹ già xuống ở).  Sau khi cụ Biên mất, ông Luy tiếp tục có đơn thư đòi đất thì bị chính quyền lúc đó khép vào “Thành phần chống phá” không cho nhập hộ khẩu, không cho ông chuyển sinh hoạt Đảng, không cho các con ông được nhập học và đưa lên loa truyền thanh xã thông báo ông Luy là: “Thành phần Phun-rô chống phá chính quyền, khiếu kiện sai, quấy rối làm mất an ninh trật tự” buộc ông làm bản tự kiểm điểm. Vậy là từ một gia đình có công, họ trở thành lạc lõng, bị tẩy chay khiến không ai dám quan hệ vì sợ bị quy vào thành phần “Phản động”. Cực chẳng đã, ông đành gửi các con vào lại miền Nam nhập hộ khẩu để bảo đảm học hành, còn vợ chồng ông Luy đã trụ lại ở quê nhà và bắt đầu hành trình đi tìm công lý. Đến khi UBND xã báo cáo Công an huyện về một “thành phần Phun-rô” có mặt tại địa phương đề nghị bắt giam, Trung tá Nguyễn Viết Nhi - Phó Trưởng Công an huyện đã cử Thượng úy Nguyễn Trung Kiên về điều tra vụ việc, lúc này, nhưng giọt nước mắt mới rơi trên khuôn mặt người cựu chiến binh đã đi qua những cuộc chiến tranh giữ nước, còn ông Kiên thì sững sờ trước một loạt Huân, Huy chương, Giấy chứng nhận thương tật của vợ chồng ông Luy và lặng người trước di ảnh người bộ đội Cụ Hồ trên bàn thờ. Ông Luy được minh oan, nhập hộ khẩu tại chính nơi sinh ra và lớn lên. Nhưng hơn 15 năm gửi đơn đi đòi đất của mẹ để lại, UBND xã mỗi thời kỳ trả lời một khác và ông vẫn bị chèn ép, bài xích coi như một phần tử chống phá mà mảnh đất cha mẹ để lại cho ông vẫn bị người khác chiếm dụng.

Nhưng với bản lĩnh của một người lính, ông thấy ở miền quê này, một số cán bộ xã chẳng khác gì “Ma làng” với những cách làm thiếu dân chủ, không minh bạch. Các sự vụ bất bình ở quê hương ông diễn ra triền miên nhưng không ai dám nói, nên ông đã cùng các cựu chiến binh khác như ông Nguyễn Đình Khai, Trần Đình Thành âm thầm tìm tòi, tổng hợp tư liệu để rồi tháng 3/2020, các ông đã có Đơn tố cáo 9 nội dung gồm: Cán bộ xây nhà lên đất công; Để dân lấn chiếm xây dựng lên đất nông nghiệp; Giao đất sai quy định; Ăn chặn tiền bão lũ; Cấp phát bò, gà dự án xóa nghèo bền vững sai đối tượng; Thu tiền đất thừa trái quy định để chi ngoài ngân sách… gửi lên UBND huyện Nghi Lộc - Đây là một việc mà từ trước tới nay không ai dám làm.

Đến lộ bài dấu hiệu tham nhũng của “quan xã”

Nhận được đơn tố cáo, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đã lập tức tìm hiểu và trực tiếp nghe ông Lê Phạm Luy trình bày rồi cử Thanh tra vào cuộc. Ngày 02/06/2020, UBND huyện có Thông báo số 185 về Kết quả giải quyết đơn tố cáo với những nội dung làm bàng hoàng dư luận. Nội dung Thông báo Kết luận được tóm tắt như sau: “Năm 2014, tổng số tiền UBND xã Nghi Tiến được hỗ trợ bão lũ thiên tai cho 33 hộ dân là 210.000.000 đồng, xã giữ lại 180.250.600 đồng, chỉ giao cho ông Nguyễn Văn Hồng cán bộ địa chính 59.449.400 đồng đi phát cho 14 hộ dân, ông này lại biển thủ mất một nửa, chỉ phát cho dân 29.749.400 đồng. Năm 2015: Cấp trên hỗ trợ hạn hán cho 33 hộ dân 300.000.000 đồng, UBND xã chi trả cho 21 hộ dân 218.740.000 đồng, còn 81.260.000 đồng giữ lại chi riêng”. Tuy nhiên khi Đoàn kiểm tra tiến hành đối chiếu chữ ký của các hộ dân và các xóm trưởng mới biết là chữ ký giả mạo và dân không nhận được tiền. 

Thông báo 185 có đoạn nêu: “Tổng số tiền UBND xã giữ lại là 471.510.600 đồng được chi dùng ngoài ngân sách cho đi tham quan du lịch, chi quà Tết phục vụ cán bộ xã xóm, trách nhiệm thuộc về Thường vụ Đảng ủy mà đứng đầu là Bí thư Đảng ủy. Giao Chủ tịch UBND xã: Thu hồi tiền nộp kho bạc, lập danh sách các hộ dân thiệt hại trả bổ sung, chấm dứt hợp đồng cho 4 hộ dân thuê đất nuôi trồng thủy sản trái quy định, tháo dỡ công trình đã xây dựng, trả lại nguyên hiện trạng bảo đảm môi sinh môi trường. Xử lý vi phạm buộc tháo dỡ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đối với 3 hộ dân, điều chỉnh bản đồ thể hiện phần diện tích đường đúng hiện trạng đối với 2 hộ dân, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Thường vụ Đảng ủy xã và các cá nhân liên quan kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm”.

Gặp chúng tôi, nhiều cựu chiến binh đã sát cánh cùng ông Luy cho biết: “Kết quả thanh tra của Huyện đã chỉ rõ phần sai phạm, vậy nhưng các cán bộ này chỉ bị khiển trách, phê bình và lại tiếp tục cơ cấu vào Cấp ủy mới. Nhiều vấn đề cho rằng chúng tôi “tố cáo sai” nhưng lại buộc xã sửa sai, nhiều việc đã có kết luận nhưng người sai phạm chưa thực hiện kết luận mà xã bất lực, nhiều gia đình chưa nhận được tiền đền bù. Dự án bò, gà xóa nghèo bền vững lại trao cho các hộ 70 tuổi, 80 tuổi mất sức lao động, Xã thu trái quy định tiền đất thổ cư của 193 hộ dân 210.000.000 đồng bỏ vào đâu?, Liên tục từ năm 2014 đến 2019 xã được hỗ trợ thiên tai về nông nghiệp cho 180ha đất, 900 hộ dân, 2900 nhân khẩu nhưng phần chi trả không được công khai, khi có đơn khiếu kiện xã in sẵn phiếu “Tự nguyện” gọi dân lên tuyên bố: Không ký tự nguyện sẽ gọi đoàn về thu hồi hết… tất cả đều có dấu hiệu hình sự, là tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” sao lại chỉ… cảnh cáo? Chúng tôi đã có đơn tiếp tục gửi Chủ tịch UBND huyện, nếu không xử lý sẽ tố cáo sang công an hoặc cấp cao hơn”. 

Kết luận 185 của UBND huyện Nghi Lộc

Qua sự việc trên, cho thấy một thực trạng về tình hình hiện nay đúng như Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra là nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu… Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước… Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. 

Với trách nhiệm người làm báo và trách nhiệm thực hiện Nghi Quyết Trung ương 4 Khóa XII, Tri thức Xanh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tìm hiểu và làm rõ sự việc nhằm kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nguyễn Hân - Đình Lộc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 17 - 20

Bình luận: 0