TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Người về từ tâm dịch

19:49 25/06/2020
Logo header Những thành công bước đầu trong phòng, chống đại dịch Covid - 19 của Việt Nam đã làm thế giới kinh ngạc và thán phục. Không những thế, rất nhiều người con dân đất Việt từ khắp nơi trên thế giới đã “trốn dịch” trở về, bình an trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào và quê hương.

Nhãn

(Tiếp theo số trước)

Day dứt và cảm nhận

Có tiếng gõ cửa khiến vị cựu Trung tá dứt dòng hồi tưởng. Người ngoài cửa là Christopher, một “hàng xóm” phòng kế bên. Vốn là một cựu cảnh sát Mỹ, Christopher thích chửi đổng, kể chuyện gái gú và uống rượu. Tuy đã say mềm, Christopher vẫn mang theo một chai whisky sang phòng Bửu Kiếm để gây sòng. Vào lúc khác thì Bửu Kiếm sẵn lòng cùng vị cựu cảnh sát California chén tạc chén thù và nói chuyện về phụ nữ, nhất là hùa theo Christopher chê bai nước Mỹ. Nhưng bây giờ thì ông không có chút hứng thú nào nên từ chối, để mặc Christopher cắp chai rượu đi về phòng và lảm nhảm một mình… Bửu Kiếm sực nhớ lại đề nghị của Thu Hà, nhưng ông không mấy hy vọng sẽ làm theo, bởi định kiến đã hằn sâu trong đầu: Với một lý lịch như vậy, không đời nào cộng sản Việt Nam để ông trở về. Nhất là có lần gần đây, khi có một vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông đã cùng cựu Đại tá Mũ nồi xanh Lê Ái và một nhóm chiến hữu Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức biểu tình, giương “cờ vàng” (một cách gọi lá cờ của chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa) phản đối om xòm trước tòa thị chính…

Ngày hôm sau, Thu Hà lại đến, hỏi về việc đã bàn, Bửu Kiếm cho biết mình sẽ không về. Trước ánh mắt thất vọng của cô sinh viên, Bửu Kiếm rất buồn. Ông bèn trải hết nỗi lòng, tâm sự cho cô nghe. Khi đã hiểu chuyện, Thu Hà vỡ lẽ: “Ôi, hóa ra bác không muốn về vì sợ bị kỳ thị. Nhưng bác đừng lo, hiện nay đất nước mình luôn mở rộng vòng tay đón những người xa xứ trở về, kể cả người của chế độ cũ. Ngay Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ còn về được huống gì là bác. Mà cháu nghe trong đợt dịch này, người Việt Nam ở đâu về nước cũng được đón tiếp, khám chữa bệnh và chăm sóc chu đáo. Bác nên cùng về Việt Nam với cháu, bởi ở Mỹ mặc dù có mạng lưới y tế rất tốt, nhưng họ không phát huy được hiệu quả chống dịch, nên hàng chục ngàn người đã nhiễm dịch và số người chết ngày càng tăng. Với tuổi của bác, nếu nhiễm virus covid 19 là rất nguy hiểm…”

- Bác biết, nhưng… trước kia đã vậy, gần đây bác vẫn đi biểu tình chống Cộng sản. Chính quyền Cộng sản họ ghê lắm, từ xa họ vẫn theo dõi và biết hết…

- Ôi bác khỏi lo đi. Trước đây chính quyền Sài Gòn có cả một quân đội như thế còn thua trận, bây giờ một nhúm người biểu tình thì làm được gì, chẳng ai buồn quan tâm đến đâu bác ạ… Có điều cháu muốn hỏi, ở quê bác còn ai thân thích không?

- Bác còn… một người em trai nhưng đã mất, chỉ còn đứa cháu gái gọi bác là bác ruột, tên nó là Mai. Nghe đâu nó làm lãnh đạo phụ nữ gì đó…

Thu Hà nhoẻn cười: “Thế thì tốt quá rồi, để mai cháu sẽ tìm cách liên lạc với chị ấy. Thời buổi này liên lạc dễ mà, vậy ta quyết định cùng về, không thay đổi nữa bác nhé. Nghe cháu bác sẽ không phải hối hận đâu…”

Lại một đêm dài đối diện với sự cô đơn thường trực. Nhưng đêm nay Bửu Kiếm không đắm mình suy tư về sự mông lung của vũ trụ huyền bí, sư cô đơn của các hành tinh lang thang trong không gian vô định, sự vô thường của đời người hữu hạn... Đêm nay Bửu Kiếm chỉ trăn trở một điều: “Về hay không về Việt Nam”. Cựu Trung tá biệt động gọi điện trao đổi cùng vợ. Với giọng nói vẫn rất trẻ trung, bà vợ tỏ ra quan tâm và cho biết tôn trọng quyết định của ông. Nhưng nếu Bửu Kiếm không về Việt Nam, bà và bạn trai sẵn lòng mời ông tới chơi dinh thự của họ và ông có thể nương náu ở đó cho qua cơn dịch. Dĩ nhiên không đời nào Bửu Kiếm làm theo đề nghị đó. Con trai của ông cũng có ý kiến tương tự. Còn cô con gái thương cha, khóc ròng trong máy điện thoại, lo lắng về những mối hiểm nguy khi cha về Việt Nam. Cô muốn mời cha về ở với cô, nhưng qua giọng nói của con gái, Bửu Kiếm phát hiện nỗi ngại ngần về người chồng gốc Mễ (Mexico) khó tính. Thương con, ông bèn trấn an rằng ông vẫn chưa quyết định; còn nếu có về Việt Nam, ông sẽ hết sức cẩn trọng và sẽ báo tin ngay cho con gái khi thu xếp xong mọi việc.

Bửu Kiếm cũng không quên điện thoại hỏi ý kiến cựu Đại tá Lê Ái, người bạn thân thiết đang được cách ly và chữa bệnh do nhiễm virus covid - 19 tại bệnh viện của hạt. Điều ngạc nhiên là vị cựu Đại lại không gay gắt phản đối. Ông cho biết sức khỏe hiện rất yếu và không biết có qua nổi không. Ông cũng trao đổi hiện tình hình dịch bệnh rất nguy cấp. Ngay cả đến hệ thống nhà tù được cách ly nghiêm ngặt, mà chính quyền bang California còn đang phải xét cấp phép để có thể thả hàng ngàn người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch. Với trường hợp Bửu Kiếm, vị cựu Đại tá phân tích: ở Mỹ hiện nay người già đã nhiễm virus corona thì khả năng sống, chết gần như bằng nhau. Còn ở Việt Nam, các cơ quan truyền thông quốc tế cho biết việc phòng chống dịch là rất hiệu quả, hiện nay chưa có ai tử vong. Do đó về Việt Nam trốn dịch có thể là một ý kiến hay. Tuy nhiên một sỹ quan chế độ cũ như Bửu Kiếm về Việt Nam lúc này như đánh bạc với số phận, có thể bị bắt bỏ tù. Nhưng dù đi tù vẫn hơn là chết vì dịch... Vị cựu Đại tá chỉ phân tích vậy, còn về hay ở do Bửu Kiếm quyết định. Ý kiến của Lê Ái đã góp phần làm Bửu Kiến nghiêng về việc nên về Việt Nam. Tuy nhiên, khi hỏi thêm ý kiến của cựu Thiếu tá biệt kích Đại Hùng, một chiến hữu cùng nhóm “cờ vàng” hiện sống khá giả tại quận Cam, Bửu Kiếm nhận được lời khuyên tuyệt đối không nên về Việt Nam, vì sẽ bị Cộng sản bắt giam ngay và sẽ phải trả giá đắt cho những việc làm trước đây. Nghe vậy Bửu Kiếm lại phân vân chưa quyết. Trằn trọc suốt đêm, gần sáng ông mới thiếp đi trong mộng mị…

Sớm tinh mơ, Bửu Kiếm đã bị đánh thức vì tiếng ồn ào ở phòng bên. Ông mở cửa và nhìn thấy một cảnh tượng lạ mắt: Mấy nhân viên y tế đang xốc nách Christopher lôi từ phòng ra chiếc xe màu trắng có dòng chữ “Ambulance” giữa sân. Còn viên cựu cảnh sát người nồng nặc mùi rượu, tay vẫn khư khư chai Whisky uống dở, đang la hét ầm ĩ, ra sức kháng cự: “ Chúng mày làm gì tao thế này, lôi tao đến bệnh viện hay trại tập trung? Tao đã nói là không chưa hả? nhất quyết là không, nếu phải chết vì dịch, tao sẽ chết ở đây. Muốn tao gọi các chiến hữu đến hả? bỏ tay khỏi người tao ngay. Tao bắn tan nát hết bây giờ. Tao sẽ đếm đến ba. Một, hai ba, bốn, năm… các chiến hữu ơi, cứu tôi với…”. Té ra nhân viên y tế đã phát hiện ra vị cựu cảnh sát bị nhiễm virus covid -19 và đến đưa ông ta đi. Còn bao lâu nữa sẽ đến lượt mình đây? Bửu Kiếm vội quay vào chốt lại cánh cửa thật chặt. “Cơ sự này chắc phải đi thôi” - vị cựu Trung tá thầm nghĩ.

Có tiếng chuông điện thoại reo vang, đầu giây bên kia, giọng Thu Hà vui mừng cho ông biết cô đã liên lạc được với Mai, cháu gái ruột của Bửu Kiếm. Hiện Mai đang làm việc tại Hội Phụ nữ huyện. Mai rất vui mừng khi biết tin về người bác ruột bấy lâu nay lưu lạc xứ người và mong được đón bác về thăm gia đình. Thu Hà cũng nhấn mạnh, hai bác cháu cần khởi hành ngay vì Việt Nam sắp tạm dừng các chuyến bay từ nước ngoài về nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Cô cũng giục ông nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cho chuyến đi sắp tới. Đây quả thực là một tin tốt, đã làm cho Bửu Kiếm đi đến quyết định sẽ về Việt Nam tránh dịch… Vốn sẵn có “Thẻ Xanh” vĩnh viễn (Green card) - loại thẻ xác nhận “thường trú nhân” của công dân nước ngoài tại Hoa Kỳ - nên Bửu Kiếm chỉ cần xin visa của Việt Nam là có thể lên đường. Ông không mấy lo về chuyện trở lại Hoa Kỳ. Còn đối với Thu Hà, cô là sinh viên quốc tế, có thẻ xanh hai năm nên cũng khá thuận lợi trong việc đi lại giữa hai nước. Vào một buổi sáng ngày đầu tháng 4 năm 2020, hai bác cháu đáp chuyến bay của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, bay từ sân bay San Francisco đến quá cảnh tại sân bay quốc tế Seoul - Hàn Quốc hết 22 giờ 40 phút. Rồi bay từ Seoul về sân bay Tân Sơn nhất, Thành phố Hồ chí Minh hết 5 giờ nữa. Suốt chuyến bay, Thu Hà tươi cười hớn hở, còn Bửu Kiếm phấp phỏng vừa mừng vừa lo. Ông vừa vui vì trốn được đại dịch, lại sắp được gặp gỡ cô cháu ruột, bởi bao năm nay bên Mỹ, gia đình ông chẳng có người thân máu mủ nào, khái niệm họ hàng đã trở nên lạ lẫm. Nhưng ông cũng rất lo lắng, không biết Nhà nước Việt Nam sẽ đối xử với ông ra sao. Họ có bắt giam ông không? Tuy nhiên đã ở thế cưỡi lên lưng hổ, thôi thì một liều, ba bẩy cũng liều. “Cũng đành nhắm mắt đưa chân, mà xem con tạo xoay vần đến đâu” - Bửu Kiếm mỉm cười buồn bã khi nhớ lại câu thơ Kiều…

Chiếc phi cơ hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất vào lúc nửa đêm. Toàn bộ hành khách được các cơ quan hữu quan Việt Nam đón tiếp và đưa vào một khu cách ly gần đó 14 ngày. Trên đường xe đi, Bửu Kiếm nhận ra Sài Gòn đã có rất nhiều đổi thay, với những đại lộ đường thênh thang, những tòa nhà hiện đại cao vút khang trang, đẹp hơn hẳn so với những gì mà “Sài Thành hoa lệ” xưa cũ từng có. Trong những ngày cách ly, hành khách được phục vụ chu đáo, ăn ở miễn phí. Sau khi test kiểm tra, vị cựu Trung tá và một số người được phát hiện đã nhiễm virrus covid - 19. Họ lập tức được đưa vào một bệnh viện trong thành phố để chữa trị. Thu Hà không bị nhiễm, trước khi chia tay về quê, cô ra sức an ủi Bửu Kiếm rằng, bị nhiễm dịch ở Việt Nam không có gì đáng lo, ông sẽ được chữa trị chu đáo và nhanh chóng khỏi bệnh.

Thời gian chữa bệnh, Bửu Kiếm được các y, bác sỹ tận tình chăm sóc. Nhưng vì sức yếu, ông đổ bệnh nặng, lúc tỉnh lúc mê. Các bác sỹ phải cho ông thở máy, lọc máu, thay nhau túc trực bên giường bệnh, quyết tâm cứu sống ông. Trong đó Bác sỹ Tâm - Phó Giám đốc bệnh viện là người luôn theo sát trường hợp bệnh nhân nặng nhất này, không quản đêm ngày tìm những phương cách hiệu quả nhất để cứu chữa cho ông. Thời gian này nước Mỹ đã trở thành trung tâm của bệnh dịch Covid-19 trên toàn thế giới, với hàng trăm ngàn ca nhiễm bệnh và hàng chục ngàn người chết. Truyền hình Mỹ phát đi cảnh người Mỹ phải dùng đến hố chôn tập thể vì không kịp mai táng. Cũng trong thời gian chữa bệnh, Bửu Kiếm nhận được tin rất buồn làm ông suy sụp: Người bạn, chiến hữu thân thiết của ông, cựu Đại tá Lê Ái đã không vượt qua được dịch bệnh. Biết chuyện này, bác sỹ Tâm đã động viên, an ủi ông rất nhiều...

Niềm vui nối tiếp niềm vui

Với cách chữa bệnh hiệu quả, chăm sóc tận tình của các y bác sỹ, một sáng giữa tháng tư, Bửu Kiếm sau ba lần kiểm tra cho kết quả âm tính, đã hoàn toàn khỏi bệnh và được ra viện. Khi chia tay các y bác sỹ, ông nhận được lời chúc mừng nồng nhiệt. Cầm tay bác sỹ Tâm, Bửu Kiếm cho biết ông vô cùng biết ơn các y bác sỹ đã sinh ra ông lần thứ hai; bởi nếu vẫn ở Mỹ, chắc chắn ông đã không còn có mặt trên đời. Những giọt nước mắt bất giác lăn dài trên khuôn mặt người lính già đã chai sạn với đời và bao nhiêu năm nay không còn biết khóc...

Một niềm vui vô bờ đang chờ đón Bửu Kiếm, ngoài sân bay, bên chiếc xe taxi, là Thu Hà và người cháu gái tên Mai đang đợi ông. Vừa thấy Bửu Kiếm, cô cháu Mai đã bước lại ôm chầm lấy người bác ruột không chút xa lạ. Sau phút gặp gỡ đầy cảm động, cả ba cùng chuyện trò ríu rít trên đường về quê. Hai bên đường cây trái xum xuê, cảnh vật đẹp mắt làm cho Bửu Kiếm ngắm mãi không chán... Thời gian làm vật đổi sao dời, vùng quê ấp Xẻo đông quạnh vắng xưa giờ đây đã có nhiều đổi thay, trở nên sầm uất hơn. Cơn đại dịch covid -19 ghê gớm là thế nhưng dường như chẳng mấy tác động được đến nơi đây. Nhà nhà vẫn yên ổn làm ăn. Gia đình cô cháu Mai của Bửu Kiếm cũng khá sung túc. Chồng làm công ty, vợ làm Nhà nước, các con học hành ngoan ngoãn. Cả nhà đều yêu quý vị cựu Trung tá bởi ba của Mai đã mất, nay có người bác ruột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống, chẳng khác nào vẫn còn ba. Mai có lần nửa đùa nửa thật rằng, thôi bác đừng sang Mỹ nữa. Nhà con còn mảnh đất rộng bên cạnh, con sẽ xây cái nhà cho bác ở, xem trong xóm làng có ai thương thì đưa về ở cùng cho vui cửa vui nhà. Câu nói làm vị cựu Trung tá chạnh lòng, buồn mất mấy ngày... Có một nối lo mà Bửu Kiếm vẫn thấy canh cánh bên lòng, luôn thấp thỏm chờ đợi. Đó là dù không thấy ai mảy may đả động đến chuyện quá khứ, nhưng vốn là sỹ quan của chế độ cũ đi di tản nay lại đùng đùng về nước, ông chắc chắn chính quyền này sẽ không để mình yên. Và điều đó đã xảy ra. Một buổi trưa đang ngồi uống nước, ông được cháu gái cho biết có vị Phó Chủ tịch mặt trận huyện - một chức vụ khá lạ lẫm với Bửu Kiếm, nhưng chắc hẳn là một vị trí lãnh đạo quan trọng - muốn gặp ông. Bửu Kiếm vội sửa lại quần áo, trong ngực như có ai đánh trống làng, hồi hộp ra gặp. Vị Phó chủ tịch đã đứng tuổi, ăn mặc chỉnh tề, nét mặt nghiêm nghị, nhưng sao nhìn có vẻ quen quen. Đối diện nhau, Bửu Kiếm chợt đứng sững như trời trồng. Ông nhận ra ngay lập tức, vẫn là ánh mắt đó, giờ pha thêm chút hóm hỉnh. Ánh mắt người Đội trưởng du kích mà bao nhiêu năm qua, vẫn hằn sâu trong tâm trí khiến ông không thể nào quên. Bửu Kiếm chợt lạnh người, tự hỏi có phải đây là giờ phút ông sẽ phải trả giá... Nhưng không hề có gì xảy ra. Khi chủ, khách cùng vào nhà uống nước trà, vị Chủ tịch chỉ ân cần thăm hỏi sức khỏe và chuyện trò thân mật với Bửu Kiếm, hỏi chuyện bên Mỹ và giới thiệu qua về những đổi thay của quê hương, không chút đề cập đến chuyện cũ. Cuối cùng, chính Bửu Kiếm phải lên tiếng: “Thưa, ông có phải là người Đội trưởng du kích chống càn trong trận Tiểu đoàn biệt động quân đánh ấp xẻo Đông năm 1972 không?”

- Vâng tôi đây.
- Vậy chắc ông không nhận ra tôi, tôi chính là...
- Tôi biết, ông là vị Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Biệt động quân, người đã bắn tôi bằng khẩu ru lô...
- Dạ... thưa... hóa ra ông cũng đã biết. Thế vết thương giờ ra sao?...

Vị Chủ tịch thong thả kéo ống quần lên cao, làm lộ ra ống chân gỗ được lắp từ đầu gối. Bửu Kiếm thấy gai người, bất giác ông chắp tay, quỳ xuống trước mặt vị Chủ tịch: “Ôi lúc đó tôi đã làm gì vậy... tôi đã làm ông thành người tàn tật bấy nhiêu năm mà không biết. Tôi thật đắc tội với ông...”. Vị Chủ tịch vội cúi xuống đỡ ông dậy: “Thôi ông ạ, chuyện đã qua lâu rồi. Nhắc lại làm gì những ngày nồi da xáo thịt. Ta hãy bỏ qua hết những hận thù cũ, cùng nhau xây dựng quê hương. Đến người Mỹ mà ngày nay cũng còn trở thành bạn của ta kia mà...”. “Vâng. Tôi đội ơn ông, tôi xin nghe ông” - giọng Bửu Kiếm run run. Vị Chủ tịch mỉm cười pha trò: “Mà cái chân gỗ này nhiều khi cũng có lợi. Đó là những lúc tôi đi làm đồng, dẫm phải rắn, bị nó mổ lia lịa vào chân, tôi cũng kệ mà chẳng hề hấn gì”. Chủ và khách cùng cười, đúng lúc đó cô cháu Mai vừa mang chai rượu đế và đĩa khô nướng lên, cũng cười theo và hỏi thật to: “Ôi hai bác nói chuyện gì mà cười vui vẻ thế ạ...”

Nhưng chuyện vui vẫn chưa kết thúc với Bửu Kiếm. Một buổi tối, có người phụ nữ nhìn khoảng trên 60 tuổi bế bé gái đến, được cô cháu Mai đưa vào gặp ông. Bửu Kiếm vừa đi ra thì người phụ nữ vụt bước tới, nhìn ông chằm chằm, rồi lao vào ôm chầm lấy ông, khóc như mưa như gió: “Ôi! đúng là anh rồi, anh Trần Bửu Kiếm... Anh đi những đâu không bóng chim tăm cá, bỏ mẹ con em lại bao nhiêu năm nay hả anh...”. Sau phút ngỡ ngàng, như trong giấc chiêm bao, ông bàng hoàng nhận ra đó chính là Tư Dịu, người yêu thủa thiếu thời... “Chàng ơi dù bể dâu biến đổi, Gái Hậu Giang yêu chỉ một lần”... Sau khi ông đi lính, người gái trẻ đã một mình sinh đứa con gái, giọt máu của ông, đặt tên là Hiền bởi là con mẹ Dịu. Bà đã cam chịu bao điều tiếng thị phi, ở vậy để nuôi nấng nó nên người. Bà cũng có nhiều lần nhờ người tìm ông, nhưng thời buổi tao loạn nên chỉ tìm trong vô vọng. Sau đó ông sang Mỹ càng ngàn trùng xa cách. Gần đây bà bỗng nghe tin ông về nước tránh dịch, nên thử đến xem sao và nào ngờ lại gặp... 

Mừng mừng tủi tủi, hai người nói mãi không hết chuyện. Chứng kiến câu chuyện từ đầu, cô cháu Mai hết sức sung sướng, cười tít mắt nói: “Đấy nhé, con đã nói rồi mà. Bây giờ thì người yêu đã tìm được người yêu. Hai người về ở với nhau đi thôi. Còn con thì lại như có ba ở bên rồi. Ba ơi, ba không được sang Mỹ nữa nhé...”. Tư Dịu chỉ con bé khoảng 6 tuổi mà bà đem theo: “Con Hiền đấy, ông xem nó có giống ông lắm không?”. Bửu Kiếm ngỡ ngàng: “Con gái mình đây thật sao, bà đùa tôi à”

“Con Hiền đấy chứ còn ai, ngày còn bé, nó giống hệt đứa này. Nó cũng định đi cùng tôi, nhưng tôi ngại nếu nhận nhầm thì thêm bẽ bàng cho con. Đây là cháu ngoại của ông đấy, ra với ngoại đi con...”. Bé gái sà vào lòng Bửu Kiếm, đôi tay bé nhỏ vòng ôm cổ ông, nũng nịu: “Ngoại ơi, ngoại đi Mỹ làm gì lâu thế. Bên Mỹ có vui không hả ngoại...”. Vị cựu Trung tá rùng mình, chưa bao giờ ông được nghe một giọng nói nào thân thương đến vậy. Ông lén chùi nước mắt, nghẹn ngào: “ Ừ ngoại đi Mỹ vì ... ngoại ở Mỹ. Bên Mỹ... không mấy vui con ạ”. Cô gái nhỏ cười khanh khách: “Ngoại ơi, bên Mỹ không vui thì ngoại đừng đi Mỹ nữa nhé. Ngoại ở nhà với con. Các bạn con có ngoại mà lâu nay con không có... nay thì con có ngoại đây rồi nè... con vui lắm ngoại ơi...”

Lại một đêm nữa Trần Bửu Kiếm mất ngủ, nhưng lần này sự cô đơn thường trực đã biến mất. Ông chỉ thấy lâng lâng trong lòng một niềm vui ấm áp. Ngày mai ông sẽ gọi điện cho con gái bên Mỹ, nói cho nó biết mọi việc đều ổn. Hơn nữa nó còn có một người chị ở Việt Nam tên Hiền, ngày gần đây ông sẽ đón nó về thăm người chị và ngày đó sẽ vui lắm. Còn khi nào hết cơn đại dịch, ông sẽ tiễn cô cháu Thu Hà lên đường sang Mỹ. Nhưng ông sẽ không đi Mỹ nữa. Bạn hữu không còn, ở Mỹ đâu còn ai mong đợi ông? Nước Mỹ có thể là thiên đường với người khác, nhưng không phải của ông. 

Hồi tưởng những ngày vừa qua, Trần Bửu Kiếm chợt có suy nghĩ hài hước: cũng may có trận đại dịch để ông đi trốn từ Mỹ về và tìm lại được bao nhiêu niềm vui cho cuộc đời mình. Ông cũng tự hỏi: Tại sao một nước Mỹ giàu có, tiên tiến và có quá nhiều lĩnh vực đáng để các nước khác học tập, nhưng lại “thất thủ” trước dịch bệnh. Và Việt Nam, đất nước còn nghèo khó của ông - phải, từ nay đất nước này cũng là của ông - lại có thể cưu mang, đùm bọc và chữa khỏi bệnh cho tất cả mọi người con dân nước Việt, dù ở trong nước, hay từ nước ngoài trở về? 

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 16 - 20

Bình luận: 0