TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Người về từ tâm dịch

23:16 18/06/2020
Logo header Những thành công bước đầu trong phòng, chống đại dịch Covid - 19 của Việt Nam đã làm thế giới kinh ngạc và thán phục. Không những thế, rất nhiều người con dân đất Việt từ khắp nơi trên thế giới đã “trốn dịch” trở về, bình an trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào và quê hương.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tha hương trong cừu hận

Mấy hôm nay thấy trong người ngây ngấy sốt, cựu trung tá Biệt động Quân lực Việt Nam Cộng hòa Trần Bửu Kiếm thấy hơi lo lắng, không biết có phải bị nhiễm virruts Corona của căn bệnh viêm phổi khủng khiếp khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) không. Bởi hiện tại trên khắp nước Mỹ và cả cái thành phố San Jose, quận Santa Clara, tiểu bang California này, nơi có đông người Việt sinh sống nhất nước Mỹ, đang bắt đầu chao đảo trong cơn đại dịch thế kỷ. Nước Mỹ đã có hàng chục ngàn người nhiễm dịch và hàng ngàn người chết. Chỉ ngay trong khu an dưỡng mà vị cựu Trung tá đang tá túc, cũng đã có ít nhất gần hai chục người phải đưa đi chữa bệnh và cách ly, bao gồm cả cựu đại tá lực lượng Mũ Nồi xanh Quân lực Việt Nam Cộng hòa Lê Ái, một người bạn thân thiết của Bửu Kiếm. Một số người trong đó đã chết vì dịch bệnh…

Nằm trong phòng nhìn qua cửa sổ, vị cựu trung tá đưa mắt lơ đãng nhìn cả khu an dưỡng đang chìm trong thứ im lặng chết chóc. Bình thường cứ giờ này, các cặp đôi già, bao gồm cả các cặp nam nữ và đồng tính sẽ kéo nhau ra ngồi trên ghế đá các khuôn viên để tâm sự, theo cách sao cho người ngoài thấy họ vẫn còn rất trẻ trung và đang bận bịu yêu đương. Vào cái tuổi này, ở Mỹ người ta sợ nhất là sự già nua và cô đơn. Vị cựu Trung tá biết rõ thứ cô đơn hiện hữu và không thể trốn tránh đó, ông không kìm được tiếng thở dài....

May thay vừa lúc đó có cô cháu gái đến chơi. Thu Hà là một sinh viên, cô sang Mỹ để theo học tại ngành năng lượng, với khóa học bổng 6 năm được tài trợ bởi Đại học Stanford, thuộc tiểu bang California. Mối quan hệ giữa vị cựu Trung tá Sài Gòn với cô sinh viên vốn bắt nguồn từ mạng internet. Do trường học cách khu an dưỡng chưa đến hai giờ xe buýt, nên có những ngày nghỉ, Thu Hà dành thời gian đến thăm vị cựu Trung tá và tình cảm giữa một người già cô đơn xa xứ và một cô sinh viên trẻ xa quê hương ngày càng thân thiết hơn. Đặc biệt khi họ cùng là đồng hương tại một tỉnh miền Tây Nam bộ... Sau khi thăm hỏi nhau về sức khỏe, cả hai cùng trao đổi tin tức về mối quan tâm lớn nhất hiện tại, cơn “đại hồng thủy” đang gieo róc bệnh tật và cái chết trên khắp thế giới từ đầu tháng 1 năm 2020, mà ở Mỹ nhiều người gọi là dịch viêm phổi Trung Quốc. Tại Mỹ đã có rất nhiều người chết và Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng về những ngày đen tối đang chờ nước Mỹ phía trước. Thu Hà cho biết nhiều sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã về nước tránh dịch, sắp tới cô cũng sẽ về, chuyến đi chưa hẹn ngày trở lại. Một nỗi buồn sâu thẳm chợt đến xâm chiếm tâm hồn người lính già với tiếng thở dài cố nén. Nhưng Thu Hà rất thông minh đã nghe thấy, chợt cô buột miệng hỏi: “Hay là bác cùng đi với cháu về nước tránh dịch đợt này, bác thấy sao?”. Vị cựu Trung tá lắc đầu với nụ cười buồn bã: “ Không đâu, bác thì về Việt Nam làm sao được”. “Được chứ, bác là người Mỹ gốc Việt, bác muốn về Việt Nam thì chắc không khó. Với lại từng ấy năm sang đây, bác cũng chưa lần nào về thăm lại quê hương. Nhân dịp này bác về vừa tránh dịch vừa thăm quê thì còn gì bằng...” – Thu Hà vô tư nói. Suốt cả buổi chiều hôm đó, Thu Hà hăng hái thuyết phục vị cựu Trung tá rằng thủ tục về nước rất dễ dàng, cô sinh viên ngây thơ nào biết được tâm sự của vị cựu Trung tá, ông đâu lo về vấn đề thủ tục…

Sau bữa ăn đơn giản chỉ gồm bánh Hamburger kèm nước sốt cà chua tráng miệng bằng cofee, Thu Hà tạm biệt Bửu Kiếm khi nghe ông hứa sẽ quan tâm đến đề nghị của cô. Còn lại một mình, vị cựu Trung tá ngả lưng trên giường suy nghĩ, bao hình ảnh của ngày xưa cũ lại ùa về trước mắt ông…

Sinh ra ở ấp Xẻo Đông, một vùng quê miệt vườn Hậu Giang gạo trắng nước trong, cha mẹ Bửu Kiếm là những người yêu thích đàn ca tài tử, rất say mê điệu “Dạ cổ hoài lang” với những ca từ đẹp lung linh: “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng...”. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân để họ đặt tên con là Trần Bửu Kiếm. Bửu Kiếm lớn lên trong chiếc nôi đầy ắp thơ ca. Đến tuổi thanh xuân mộng mơ, gã trai làng lần đầu rung động con tim cùng thôn nữ mặn mà tên gọi Tư Dịu. Họ từng có những đêm mặn nồng trên con thuyền dập dềnh sóng nước. Một đêm nào đó trên đò trăng huyền diệu, Tư Dịu đã thẹn thùng thì thầm vào tai Bửu Kiếm việc nàng có chuyện muốn nói… nhưng Bửu Kiếm còn thả hồn suy tư, mơ tưởng về viễn cảnh trở thành sinh viên Văn khoa Sài Gòn. Nhưng “thân trai thời loạn” đâu có nhiều chọn lựa, Bửu Kiếm rốt cuộc phải theo nghề “binh nghiệp”. Do đã đậu tú tài, gã trai được vào học tại Trường Võ bị Đà Lạt. Tốt nghiệp loại ưu, vị Trung úy trẻ được giữ lại làm sỹ quan huấn luyện tại Quân trường Thủ Đức, sau đó vì không có tiền đút lót, Bửu Kiếm bị điều động giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 2, thuộc Tiểu đoàn 83, Liên đoàn 33 Biệt động quân Sài Gòn khét tiếng. Đây là lực lượng chuyên độc lập tác chiến với nhiệm vụ chủ yếu sử dụng lối đánh du kích chống du kích, có hỗ trợ của thiết xa vận, giang thuyền vận và trực thăng vận. Là “quân nhân phải theo lệnh trên”. Bửu Kiếm đã tham gia nhiều trận đánh gây thương vong cho đối phương. 

Có một trận đánh mà vị cựu Trung tá không thể nào quên, đó là trận càn quét đánh tan một trung đội du kích ngay trên mảnh đất Xẻo Đông. Trận đánh thật ác liệt, Bửu Kiếm còn nhớ mãi hình ảnh chiến địa mịt mù lửa khói. Đoàn giang thuyền rẽ nước cuồn cuộn trên sông, tưới đạn đại liên lên hai bên bờ. Đám trực thăng UH1A bay khắp trời, nhả hỏa tiễn liên tục yểm trợ cho tiểu đoàn biệt động quân tiến lên trước sự cố thủ lì lợm của đối phương… Sau khi toán du kích bị đánh tan, người đội trưởng của họ ném khẩu súng hết đạn, toan lao xuống sông. Vị cựu Trung tá đã vẩy một phát súng từ khẩu colt, bắn gãy chân anh ta, thét lính trói lại và đưa đến trước mặt mình. Hai người đối diện nhau, Bửu Kiếm đã nhìn thẳng vào mắt người tù binh và sững sờ. Tuyệt nhiên không chút sợ hãi, cũng không có nhiều hận thù, nhưng ánh mắt người du kích toát lên điều gì đó thật đặc biệt, làm Bửu Kiếm không tài nào quên cho dù đã từng ấy năm trôi qua và thời gian đã bôi xóa đi bao kỷ niệm trong đời ông… Sau trận đánh đó, Bửu Kiếm được thăng cấp lên trung tá, chuyển về đô thành, công tác tại Bộ Tư lệnh Biệt động quân đặt tại Trại Đào Bá Phước. Thời gian này được sống gần vợ con, lại có vài cô bồ trẻ đẹp, cuộc đời của vị cựu Trung tá tưởng như đã an bài trong sung sướng. Nhưng thời cuộc nhanh chóng thay đổi. Đầu năm 1975, quân lực Việt Nam Cộng hòa bị tiến công liên tiếp, vấp nhiều sai lầm chiến thuật và suy yếu nhanh chóng. Những ngày trước 30 tháng Tư, Quân đội Sài Gòn gần như tan rã, tướng tá thi nhau di tản. Ngày 30/4 năm 1975, Quân giải phóng từ bốn phía tràn vào Sài Gòn. Bộ tư lệnh Biệt động quân Sài Gòn là đơn vị chống trả và buông súng cuối cùng. Ngày 30/4/1975 trở thành “Ngày Quốc hận” của chính thể Việt Nam Cộng hòa, khi mà những chiếc xe tăng của Quân giải phóng húc đổ cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập và những lá cở đỏ sao vàng bay phấp phới khắp Sài thành. 

Trước đó cựu Trung tá Bửu Kiếm đã tưởng mình và cả gia đình bị kẹt lại giữa đám loạn quân đang tranh nhau di tản bằng đủ loại phương tiện. Luồn lách chạy về được đến nhà, vị Trung tá thấy vợ và hai đứa con đang chờ ông một cách tuyệt vọng bên những gói đồ buộc sẵn. Nhìn ánh mắt của vợ, Bảo Kiếm ngao ngán lắc đầu. May thay giây phút cuối cùng, gia đình Bửu Kiếm được cựu Đại tá Lê Ái lái chiếc xe bọc thép quân vụ tới đón, đưa ra bãi biển rồi kịp thời lên thuyền ra Khu Trục Hạm Kirk 1087, thuộc Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ đang neo đợi ngoài khơi, di tản sang Mỹ cùng với nhiều gia đình quân nhân khác. Sang đến Mỹ, gia đình vị cựu trung tá ban đầu tạm cư tại quận Orange, sau chuyển đến định cư tại thành phố San Jose, thủ phủ của Quận Santa Clara, tiểu bang California. Nước Mỹ có tư tưởng tự do, có hệ thống pháp luật chặt chẽ. Có hệ thống an sinh xã hội rất tốt, dù còn kém xa so với một số quốc gia châu Âu như Hà Lan, Thuy Điển, Pháp, Đức… vì thế cuộc sống của gia đình cựu Trung tá ban đầu khá thuận lợi. Do có kiến thức trong ngành tài chính, vợ Bửu Kiếm xin được việc làm tại một ngân hàng địa phương, các con theo học ở các trường học sở tại. Riêng Bửu Kiếm làm chân bảo vệ của một công ty, thu nhập đủ ăn và vẫn còn chút dư dật. Thời gian này, Bửu Kiếm và cựu Đại tá Lê Ái có tham gia một số nhóm người Việt hải ngoại, thường tổ chức các hoạt động chống nhà nước Việt Nam. Sau vì nền kinh tế suy thoái, gia đình Bửu Kiếm lâm dần vào cảnh khó khăn. Cạnh đó do hòa nhập quá nhanh với lối sống Mỹ, quan hệ giữa mọi người trong nhà bắt đầu có sự rạn nứt. Vợ Bửu Kiếm sau khi có bạn trai là một giám đốc người Mỹ giàu có, đã xa cách dần với chồng. Các con trai con gái đều có gia đình và có những mối quan tâm riêng. Còn Bửu Kiếm mất việc và trở nên ngày càng cô đơn. Ông hay uống rượu và chỉ còn duy trì mối quan hệ gần gũi với người bạn chiến đấu thân thiết từ hồi Đệ nhị Cộng hòa, cựu Đại Tá Lê Ái. Đôi khi cả hai cũng đàn đúm tiệc tùng với đám chiến hữu cùng di tản sang Mỹ…

(còn nữa)

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 15 - 20

Bình luận: 0