TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình

19:49 18/06/2021
Logo header Để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trước hết cần xây dựng được bộ máy nhà nước, đặc biệt là bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Bài viết nhằm phân tích các yêu cầu đặt ra đối với công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

1. Yêu cầu gắn vấn đề công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước với việc kiểm soát quyền lực nhà nước. 

Bối cảnh thực tế hiện nay ở Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu cho việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước như sau:

Xã hội pháp quyền thể hiện ở việc hạn chế sự tùy tiện trong việc sử dụng quyền lực nhà nước, mà điều này đòi hỏi phải “ràng buộc quyền lực vào các đạo luật được xây dựng rõ ràng và chặt chẽ”. Bất kỳ nhà nước hiện đại nào cũng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Hoạt động của nhà nước mang tính quyền lực trong phạm vi, giới hạn của pháp luật. Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình chính là yếu tố bảo đảm sự giới hạn các hoạt động của cơ quan nhà nước trong khuôn khổ pháp luật; là yêu cầu nội tại, xuất phát từ nguyên tắc của nhà nước dân chủ, là một chuẩn mực đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình có vai trò tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước, qua đó hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước có thể được kiểm soát, được giám sát chặt chẽ.

Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ có thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình mới có thể kiểm soát được việc sử dụng quyền lực nhà nước một cách hiệu quả nhất, phòng chống sự lạm quyền, lộng quyền từ phía quyền lực Nhà nước, góp phần đấu tranh có hiệu quả với phòng chống tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, công chức. Vì thế, cần phải xem công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình như là một yếu tố cấu thành cốt lõi trong mọi chiến lược, kế hoạch, chính sách, pháp luật về kiểm soát quyền lực của bộ máy cơ quan hành chính nhà nước. 

2. Yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhất và tiếp cận thông tin.

Một trong những yêu cầu cơ bản của nhà nước pháp quyền là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Phải tăng cường công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện yêu cầu đó. Quyền tiếp cận thông tin là công cụ cốt yếu giúp tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Việc ban hành và bảo đảm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin sẽ giúp các chủ thể được biết về tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, từ đó đảm bảo sự minh bạch hoạt động quản lý hành chính nhà nước, tăng cường trách nhiệm của công chức hành chính và giúp công dân tham gia hiệu quả vào công việc quản lý hành chính nhà nước.

Vì vậy, cần xem bảo đảm quyền tiếp cận thông tin như một điều kiện cơ bản để thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Để đảm bảo quyền này cần tuân thủ các nguyên tắc: Một là, các cơ quan hành chính nhà nước có nghĩa vụ chủ động cung cấp thông tin cho các chủ thể, để có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và chủ động. Hai là, các chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp những thông tin mà họ quan tâm, miễn là không thuộc bí mật Nhà nước. 

3. Yêu cầu bảo đảm công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật

Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng chính sách, pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Để bảo đảm vấn đề này, cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tham vấn ý kiến người dân và doanh nghiệp về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kết hợp với việc minh bạch hóa quá trình chuẩn bị, soạn thảo, trình, ban hành các chính sách, pháp luật của nhà nước. Đồng thời, cần chú trọng rà soát, hệ thống hóa, công bố danh mục tài liệu bí mật nhà nước để ngăn ngừa, hạn chế việc lợi dụng bí mật nhà nước theo nguyên tắc: Công khai là tối đa, bí mật là tối thiểu.

Quản lý nhà nước không tách rời thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quyết định đối với các chủ thể quản lý. Vì vậy, kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh giữa quy định và thực hiện quy định còn có một khoảng cách khá lớn. Vì vậy, cần hoàn thiện khung khổ pháp luật để tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính, cũng như các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của các ngành, các cơ quan, đơn vị hành chính nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

4. Yêu cầu về việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện công khai, minh bạch, giải trình

Các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động, có trách nhiệm giải trình rõ những ý kiến, kiến nghị của người dân về các vấn đề liên quan, đem lại hiệu quả cao nhất trong vấn đề này. Đồng thời, nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa để tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu giải quyết công việc; tạo điều kiện đề người dân có thể giám sát và kiểm soát được hoạt động của cơ quan công quyền với phương châm lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo của hiệu quả hành chính công.

Các cơ quan nhà nước cần đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân, công dân, nhất là 14 loại thông tin mà công dân được công khai tiếp cận theo Điều 17 Luật tiếp cận thông tin năm 2016, qua đó phát huy quyền dân chủ của người dân và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước.

5. Yêu cầu về nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức hành chính trong thực thi công vụ

Việc này đòi hỏi phải tổ chức thực hiện tốt quy định của Luật cán bộ, công chức; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức công việc theo vị trí việc làm gắn với phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cán bộ, công chức hành chính. Việc đảm bảo công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong đánh giá cán bộ, công chức hành chính và sự minh bạch trong quản trị nhà nước sẽ tạo thuận lợi cho người dân giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó, việc xây dựng, thực hiện định mức theo vị trí việc làm và trách nhiệm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính liêm chính, kỷ cương, trách nhiệm.

Việc xây dựng và áp dụng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của bộ máy hành chính nhằm tạo ra khuôn mẫu hành vi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức hành chính, qua đó, người dân, doanh nghiệp và đồng nghiệp có thể giám sát hoạt động của họ. Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp cần đưa ra những yêu cầu về thái độ, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức hành chính khi thi hành công vụ. Đồng thời, các hình thức xử lý trách nhiệm cũng cần được quy định rõ và tương xứng nhằm đảm bảo thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trên thực tế. Mặt khác, cần giáo dục, nâng cao ý thức của cán bộ, công chức hành chính về thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự liêm chính. Mỗi cán bộ, công chức hành chính phải coi công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thi hành công vụ là trách nhiệm của mình. Tính liêm chính thể hiện phẩm chất của mỗi người và cần được coi như một yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, công chức - những người công bộc của nhân dân và phải gương mẫu trước nhân dân.

6. Yêu cầu đảm bảo sự giám sát của người dân và quyền giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội .

Để tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạch định chính sách, pháp luật, cần thực hiện tốt Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật này. Các cơ quan dân cử cần phát huy tốt vai trò truyền tải và giải quyết các vấn đề cử tri, công dân quan tâm về hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Công dân phải được tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chí đánh giá và được đánh giá kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng, nhất là các báo cáo tổng kết thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Về mặt phương pháp, ngoài việc đa dạng hóa các hình thức phản hồi của các tổ chức và công dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc các dịch vụ công do nhà nước cung cấp, cần đảm bảo sự giám sát của cơ quan dân biểu, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với tư cách là các tổ chức đại diện của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.

Về mặt kỹ thuật, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, như Cổng thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan nhà nước địa phương, đường dây nóng qua Internet,... phục vụ việc tra cứu, truy cập thông tin, trao đổi, giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân.

Cuối cùng, cần phát huy vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng, tạo diễn đàn tranh luận cho công chúng và tạo dư luận để thúc đẩy tiến trình, nội dung minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm Luật Báo chí, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Báo chí của các cơ quan, cán bộ, công chức.

7. Yêu cầu về việc hoàn thiện và công khai danh mục bí mật Nhà nước và cải cách hành chính

Việc công khai danh mục bí mật Nhà nước sẽ tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt hơn vai trò giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Đó cũng là cơ sở pháp lý để ngăn chặn tình trạng lạm dụng hay lách quy định để từ chối các quyền chính đáng của công dân được giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, để tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng cần xác định rõ danh mục bí mật của các bộ, ngành, địa phương. Việc này trước mắt sẽ giúp ngăn ngừa, hạn chế tình trạng cơ quan, đơn vị lấy lý do tài liệu bí mật Nhà nước để từ chối công khai và cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp.

Về cải cách hành chính, một trong các mục tiêu là tạo thuận lợi, giảm bớt phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc với các cơ quan nhà nước, qua đó giúp loại bỏ những lực cản, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình cải cách hành chính gắn liền với việc đơn giản hóa các thủ tục và quy trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp cũng như xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính nhà nước. Tăng cường cải cách hành chính chính là thực hiện công khai, minh bạch hoạt động hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ các quyền, nghĩa vụ của mình, cũng như về quy trình giải quyết công việc với cơ quan nhà nước, qua đó xoá bỏ tình trạng “đặc quyền về thông tin”. Cải cách hành chính là tiền đề thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

8. Yêu cầu về phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng

Các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin tới người dân và các chủ thể khác trong xã hội, qua đó, tạo diễn đàn tranh luận, thúc đẩy sự kết nối giữa các cá nhân và nhóm xã hội khác nhau. Các phương tiện thông tin đại chúng hiện cũng là phương tiện quan trọng bậc nhất để người dân có thể tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, với vai trò là “quyền lực thứ tư” sau lập pháp, hành pháp và tư pháp, các phương tiện truyền thông có thể gây áp lực thông qua dư luận để thúc đẩy tiến trình công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.

Kết luận: Những yêu cầu đặt ra đối với công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bao gồm: (1) Gắn vấn đề công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước với việc kiểm soát quyền lực nhà nước, (2) Bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhất và tiếp cận thông tin, (3) Bảo đảm công khai, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật, (4) Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện công khai, minh bạch, giải trình, (5) Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức hành chính trong thực thi công vụ, (6) Đảm bảo sự giám sát của người dân và quyền giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, (7) Hoàn thiện và công khai danh mục bí mật nhà nước và cải cách hành chính, (8) Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

PGS.TS. Nguyễn Đức Bách

Viện Khoa học Môi trường và Xã hội

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 66 - 21

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&NC trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.

Bình luận: 0