TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Nhà nước với quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp (kỳ 1)

16:57 24/03/2022
Logo header Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập với tư cách là một dịch vụ công hiện đang đối mặt với vô vàn thách thức. Điển hình là việc các ngành ít có nhu cầu lao động mới nhưng lại có nhu cầu ngày một gia tăng đối với việc nâng cao trình độ đội ngũ hiện có; nhu cầu đào tạo của thanh niên ngày càng cao; ngày càng có nhiều nhu cầu về việc quản lý khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế đối với các hoạt động đào tạo và tạo thu nhập. Để giáo dục nghề nghiệp đạt được hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách quản lý hiệu quả, linh hoạt.

Kỳ 1: Vai trò của nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp

1. Chức năng của GDNN

Ở nhiều quốc gia, hệ thống GDNN công không phát huy năng lực của mình do không có đủ kỹ năng tổ chức và quản lý. Nhiều hệ thống GDNN thiếu năng lực thể chế, cơ sở hạ tầng và luật pháp cần thiết về đào tạo, và chúng có xu hướng tạo ra các bộ máy tổ chức song song và quá tập trung. Các nhà quản lý GDNN thường thiếu kỹ năng trong việc xác định các ưu tiên một cách thỏa đáng, vận dụng các khái niệm quản lý chiến lược vào hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân, cũng như áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong việc xây dựng kế hoạch, lập ngân sách và cơ chế tài chính.

Một số nước phát triển gần đây đã trải qua những cải cách quản lý thiết yếu, và điều này đã có tác động đến các dịch vụ công và hệ thống GDNN nói riêng. Những thay đổi lớn bao gồm việc thành lập các cơ quan hành chính và cố vấn với sự tham gia của chính phủ, các đối tác xã hội và các bên liên quan khác; quy hoạch GDNN chiến lược trên quy mô quốc gia; tăng cường trách nhiệm của các nhà quản lý thông qua việc áp dụng cơ chế thị trường vào các dịch vụ công cũng như thông qua việc thể chế hóa công tác đo lường hiệu quả hoạt động; phân cấp trách nhiệm quản lý và tài chính cho các nhà cung ứng dịch vụ; đồng thời chuyển đổi các tổ chức GDNN truyền thống của chính phủ thành các công ty hoạt động theo luật doanh nghiệp. Những nỗ lực mới đã được thực hiện nhằm cải thiện khả năng tiếp cận bình đẳng của các nhóm xã hội đối với hoạt động giáo dục, đào tạo và tạo thu nhập, cũng như quản lý chênh lệch giữa cung đào tạo và cầu trên TTLĐ đối với các dịch vụ GDNN.

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có sứ mệnh rất đa dạng.

Thứ nhất, hệ thống GDNN cần cung cấp cả kỹ năng nền tảng và kỹ năng chuyên môn cho các cá nhân, giúp họ tìm được việc làm hoặc tự thành lập doanh nghiệp của riêng mình, làm việc có hiệu quả và thích ứng với các công nghệ, nhiệm vụ và điều kiện khác nhau. Mục tiêu kinh tế cuối cùng của giáo dục và đào tạo là nâng cao năng suất cá nhân và xã hội (lập luận về tính hiệu quả).

Thứ hai, đào tạo kỹ năng thường là một công cụ để thay đổi mang tính cấu trúc. Một số lượng lớn người lao động có thể phải rời bỏ công việc không còn nhu cầu, chuyển sang công việc mới sẽ được tạo ra hoặc học cách thực hiện công việc cũ theo những cách mới với các công nghệ khác nhau. Hệ thống đào tạo, cùng với các cơ quan khác cung cấp mạng lưới an toàn và hỗ trợ tìm việc làm mới, đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo lại lao động dôi dư và giúp giảm chi phí xã hội của sự thay đổi. Hệ thống giáo dục và đào tạo cũng tham gia ngày một nhiều hơn vào các chương trình đào tạo lại và nâng cao trình độ liên tục cho nhân viên ở mọi cấp độ từ kỹ sư đến công nhân bán lành nghề.

Thứ ba, trên thực tế luôn tồn tại nhu cầu về sự bình đẳng cơ hội của mọi người để kiếm sống thông qua việc lĩnh hội kỹ năng (lập luận về sự công bằng). Giáo dục và đào tạo dường như là những yếu tố quan trọng góp phần vào sự chênh lệch thu nhập.

Thứ tư, giáo dục và đào tạo có thể được coi là công cụ để đạt được các mục tiêu kinh tế và xã hội quốc gia, như khuyến khích phát triển vùng và hỗ trợ các ngành ưu tiên, mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao tiền lương. Chính sách này nhằm thay đổi tình hình kinh tế và xã hội thông qua đào tạo, với các phương tiện khác được sử dụng làm đòn bẩy cho sự thay đổi này.

Thứ năm, bên cạnh những lợi ích kinh tế, giáo dục và đào tạo có thể tạo ra những lợi ích xã hội to lớn (ảnh hưởng ngoại lai), chẳng hạn như giảm tỷ lệ tội phạm, cải thiện sức khỏe và gắn kết xã hội tốt hơn, những lợi ích này tích lũy cho toàn xã hội hơn là cho cá nhân.

Thứ sáu, đào tạo có thể có những lợi ích không liên quan trực tiếp đến việc làm. Kỹ năng và kiến thức nghề cho phép mọi người cung cấp các dịch vụ khác nhau, chẳng hạn như chăm sóc y tế hoặc bảo dưỡng xe hơi và nhà cửa, cho gia đình và hàng xóm của họ, đồng thời giảm chi tiêu của họ cho các dịch vụ đó. Những chương trình đào tạo dẫn tới trình đó hữu ích đó, vốn giúp giảm chi phí sinh hoạt, đang trở nên rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Đối với nhiều nghề, chẳng hạn như điều dưỡng hoặc bảo trì ô tô, số lượng học viên có thể vượt xa số lượng công việc hiện có và sắp tới với những yêu cầu về trình độ kỹ năng liên quan.

2. Các hình thức can thiệp của Nhà nước

Công tác đào tạo do các tác nhân thị trường

Công tác đào tạo do các tác nhân thị trường điều tiết. Rất nhiều dịch vụ giáo dục và đào tạo được thực hiện thành công bởi thị trường đào tạo tư nhân. Ở một số quốc gia, các cá nhân tự tham gia giáo dục và đào tạo nghề với sự tài trợ tương đối ít từ phía Nhà nước. Trường hợp này xảy ra khi, các chương trình GDNN không được Nhà nước tài trợ và đồng thời, các lợi ích cá nhân phát sinh từ đầu tư vào công tác đào tạo có vẻ đủ hấp dẫn. Đối với những cá nhân tự bỏ tiền cho việc giáo dục và đào tạo của mình, họ làm vậy là để hướng tới mục tiêu tối đa hóa thu nhập suốt đời hoặc đáp ứng nhu cầu giáo dục của họ. Họ cũng có thể có thông tin cần thiết về TTLĐ và thị trường đào tạo cũng như khả năng hiểu và so sánh lợi ích từ đầu tư giáo dục với lợi nhuận từ các khoản đầu tư khác. Nếu quy trình này phát huy tác dụng, thì các cơ quan chức năng của chính phủ sẽ không cần trả lời câu hỏi một quốc gia cần bao nhiêu người có trình độ kỹ năng ngay bây giờ hoặc sẽ cần trong tương lai. Và chính phủ cũng không cần phải can thiệp vào quá trình thu nhận kỹ năng ngoại trừ việc đào tạo cho các nhóm đối tượng không có khả năng chi trả cho các khóa học hoặc không có khả năng tiếp cận các cơ sở đào tạo.

Những thị trường GDNN chín muồi, nơi cung ứng dịch vụ cho những người vừa có nhu cầu vừa có khả năng chi trả, sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với hình thức cung ứng dịch vụ trực tiếp của chính phủ. Song, số lượng quốc gia có thị trường GDNN chín muồi trên thực tế còn quá ít ỏi.

Chừng nào có đủ người mua và nhà cung ứng dịch vụ đào tạo, chừng đó thị trường có thể được coi là đã được xác lập. Trong các thị trường hoàn hảo, việc cung dịch vụ thường tuân theo sự phát triển của cầu. Nếu tất cả những người có mong muốn được đào tạo đều có thể mua dịch vụ đào tạo bao nhiêu tùy thích thì “dư địa” cho vai trò của Nhà nước đối với GDNN sẽ không còn. Tuy nhiên, điều này không bao giờ xảy ra vì một số nhóm đối tượng nhất định hoặc không có khả năng mua các dịch vụ giáo dục và đào tạo hoặc không thể tiếp cận trực tiếp các cơ sở hoặc chương trình đào tạo. Hơn nữa, các điều kiện/giả định của thị trường đào tạo hoàn hảo không bao giờ thành hiện thực). Ở nhiều nền kinh tế, thị trường đào tạo còn chưa xuất hiện hoặc còn rất sơ khai.

Khuyến khích thị trường đào tạo.

Các hình thức can thiệp chính của Nhà nước gồm:

+ Tạo cơ chế ưu đãi cho các cơ sở đào tạo tư thục;

+ Đưa ra các biện pháp bắt buộc;

+ Khuyến khích các tác nhân thị trường trong đào tạo công lập; và

+ Cải thiện thông tin về thị trường lao động và thị trường đào tạo.

Để củng cố thị trường đào tạo tư nhân, chính phủ có thể cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp để họ xây dựng các trung tâm đào tạo. Chi phí đào tạo của doanh nghiệp có thể được khấu trừ từ các hóa đơn thuế và các chương trình đào tạo của họ có thể được đồng tài trợ từ các nguồn công. Sự tham gia của người sử dụng lao động trong việc đào tạo cũng có thể được mở rộng thông qua các chiến dịch truyền thông xã hội và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Chính phủ có thể đảm bảo hình ảnh và sự công khai tích cực cho những người sử dụng lao động nào mở rộng sự tham gia của họ vào công tác phát triển nguồn nhân lực (PTNNL)

Nhu cầu đào tạo cũng có thể được tạo ra thông qua các biện pháp bắt buộc. Chính phủ có thể đưa ra các chính sách tài khóa và hành chính yêu cầu các doanh nghiệp duy trì mức chi tiêu cho đào tạo hoặc mức độ cung ứng dịch vụ đào tạo theo mong muốn của xã hội.

Một cách phổ biến khác để khuyến khích các hoạt động đào tạo từ phía tư nhân là thành lập quỹ việc làm quốc gia và giới thiệu hệ thống bảo hiểm thất nghiệp. Các quỹ việc làm đã ra đời ở nhiều quốc gia và huy động kinh phí từ doanh nghiệp, người lao động và ngân sách nhà nước (NSNN) để đào tạo lại người thất nghiệp và nâng cao trình độ kỹ năng nguồn nhân lực.

Một loạt biện pháp đã được đưa ra để tạo ra các cơ chế tựa thị trường trong giáo dục và đào tạo của Nhà nước. Ở một số quốc gia, chính phủ yêu cầu các cơ sở dạy nghề công lập phải gánh vác một phần chi ngân sách của họ bằng cách bán dịch vụ trên thị trường.

3. Khung chính sách quốc gia về GDNN

Những ưu tiên đã được thiết lập cho sự tham gia của chính phủ chính là cơ sở cho một khung chính sách GDNN quốc gia, trong đó bao gồm một tập hợp các giả định và quyết định chính về vai trò của Nhà nước, theo thỏa thuận của chính phủ, các đối tác xã hội, các chuyên gia đào tạo và các nhóm chủ thể khác. Hầu hết các quyết định chính sách được xác nhận và tăng cường thông qua luật giáo dục và bộ luật lao động quốc gia, trong khi những quyết định khác có thể thay đổi theo thời gian. Các cơ quan chính phủ liên quan đến GDNN và các hội đồng hay ủy ban quốc gia thường điều phối quá trình xây dựng chính sách và cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan. Còn những quyết định chiến lược và hoạt động được giao cho các nhà quản lý GDNN cần phải dựa trên khung chính sách quốc gia.

Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến sự điều hành của hệ thống chính phủ, bao gồm bộ máy tổ chức và phân cấp, ngân sách và tài chính, lập kế hoạch, giám sát và biên chế. Mặc dù những vấn đề này liên quan đến hệ thống GDNN, nhưng chúng không thực sự là những vấn đề về chính sách đào tạo, mà thay vào đó là những vấn đề gắn với việc cung ứng dịch vụ công, bất luận lĩnh vực dịch vụ đó là gì. Sự tách biệt giữa chính sách GDNN và quản lý GDNN chính là cơ sở để phân công trách nhiệm cho các cơ quan, cấp hành chính và cán bộ chuyên gia cho phù hợp. Trách nhiệm đối với các quyết định quản lý về phân cấp hệ thống đào tạo, đo lường hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo hoặc lập kế hoạch chiến lược nên được trao cho những người có đủ trình độ và năng lực trong cả lĩnh vực hành chính công lẫn giáo dục/đào tạo. Chính phủ các nước đang ngày càng nỗ lực để phát triển đội ngũ các nhà làm chuyên môn có khả năng giải quyết những vấn đề này.

Danh mục dưới đây có thể được coi là các vấn đề chính sách GDNN quốc gia:

+ Sứ mệnh của hệ thống (GDNN để làm gì?);

+ Quyền của công dân đối với các dịch vụ GDNN công lập;

+ Trách nhiệm của chính phủ và các đối tác xã hội đối với GDNN;

+ Phân phối dịch vụ đào tạo công lập (gồm các tiêu chí và điều kiện về tư cách hợp lệ);

+ Các ưu tiên quốc gia về cung ứng dịch vụ đào tạo (bao gồm các nhóm đối tượng hưởng lợi mục tiêu) và phát triển hệ thống;

+ Các phân luồng giáo dục và đào tạo và các nguyên tắc giảng dạy;

+ Các loại hình cơ sở đào tạo và tình trạng giáo viên;

+ Tiêu chuẩn kỹ năng và trình độ nghề;

+ Khung chương trình quốc gia cho các cơ sở đào tạo và khung chương trình dạy nghề cho GDPT;

+ Đánh giá và chứng nhận trình độ kỹ năng; và

+ SGK quốc gia.

  • Việt Quang
  • Theo Tạp chí Tri thức Xanh, số 158 - 02/2022
Bình luận: 0