TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Nhận diện hiện trạng năng lực cạnh tranh Việt Nam từ chỉ số GCI 4.0

22:20 29/07/2021
Logo header Trải qua 10 năm, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam cải thiện được 13 bậc, từ thứ hạng 68/121 năm 2007 đã lên 55/137 năm 2017 và chuyển từ nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu lên nhóm nửa trên. Năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0) của Việt Nam đã được nâng hạng, tăng 10 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 67/141 nền kinh tế. Đánh giá chi tiết của WEF về 12 trụ cột cho thấy, có 8/12 trụ cột của Việt Nam tăng điểm và tăng nhiều bậc.

Hiện trạng năng lực cạnh tranh qua chỉ số GCI 4.0.

Chỉ số GCI 4.0 (Global Competitiveness Index - Năng lực cạnh tranh toàn cầu) được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) sử dụng như một công cụ để đo lường các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và đưa ra những điểm mạnh, điểm yếu của các nền kinh tế. Từ năm 2018, WEF chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 với việc đánh giá và xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0).

Theo cách tiếp cận mới, chỉ số GCI 4.0 được xác định dựa trên một tập hợp mới các nhân tố ảnh hưởng tới năng suất trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ số này đánh giá các yếu tố quyết định mức độ năng suất của một quốc gia - động lực quan trọng nhất để cải thiện mức sống trong dài hạn, theo 12 trụ cột quan trọng tác động đến năng suất với tổng cộng 98 chỉ tiêu cụ thể, trong đó 64 chỉ tiêu là những chỉ tiêu mới so với trước năm 2018. Do cách tiếp cận khác nhau nên xếp hạng GCI 4.0 không so sánh được với xếp hạng GCI trước đây. Để có một cái nhìn xuyên suốt về năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian qua, GCI 4.0 sẽ được phân tích và bình luận theo xu hướng ghi nhận từ kết quả của chỉ số GCI 4.0 thử nghiệm từ 2017.

Bên cạnh những đánh giá từ phỏng vấn doanh nghiệp, báo cáo GCI 4.0 năm 2019 cũng sử dụng một số kết quả từ báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế  giới (WB). Trong năm 2020, các đánh giá và báo cáo xếp hạng GCI và Doing Business  không được công bố chi tiết như các năm trước đây, do đại dịch COVID-19. Theo đó, một số phân tích dưới đây sẽ tham chiếu đến kết quả của báo cáo GCI 2019 được WEF công bố ngày 08 tháng 10 năm 2019 và báo cáo Doing Business 2020 được WB công bố ngày 24 tháng 10 năm 2019.

Hình 1. So sánh xếp hạng năng lực cạnh  tranh GCI 4.0 của Việt Nam với các nước ASEAN

Nguồn: Báo cáo GCI 4.0 2019

Hình 1 cho thấy GCI 4.0 năm 2019 xếp hạng Việt Nam ở vị trí 67/141 quốc gia trên thế giới, và đứng ở vị trí 7/9 quốc gia ASEAN (tương tự như 2018, Việt Nam vẫn chỉ đứng trên Lào và Campuchia). So với 2018, Việt Nam đã tăng 3,5 điểm tổng thể (từ 58 điểm lên 61,5 điểm), cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67).

Điều đáng ghi nhận là Việt Nam là quốc gia có điểm số và thứ hạng tăng nhiều nhất trên bảng xếp hạng GCI 4.0 2019. Sự thăng hạng này cho thấy năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã được đánh giá là cải thiện vượt trội so với những lần đánh giá   trước đó.

Nhìn từ các trụ cột cấu thành nên chỉ số GCI 4.0, Việt Nam có 5/12 chỉ số nằm trong top ASEAN 4, bao gồm trụ cột 2: Hạ tầng, trụ cột 3: Ứng dụng Công nghệ thông tin, trụ cột 5: Y tế, trụ cột 7: Y tế, và trụ cột 10: Quy mô thị trường. 7/12 số trụ cột còn lại thấp hơn nhóm ASEAN 4 là: trụ cột 1: Thể chế; trụ cột 4: Ổn định kinh tế vĩ mô; trụ cột 6: Kỹ năng; trụ cột 8: Thị trường lao động; trụ cột 9: Hệ thống tài chính; trụ cột 11: Mức độ năng động trong kinh doanh; trụ cột 12: Năng lực đổi mới sáng tạo.

Mặc dù có sự đột phá về điểm số và thăng hạng trong GCI 4.0 2019, Việt Nam vẫn tiếp tục cần phải nỗ lực để cải thiện tất cả 12 trụ cột trong dài hạn. Về ngắn hạn, Việt Nam cần tập trung nguồn lực vào một số chỉ số như phân tích ở Phần 2 dưới đây.

Hình 2. Điểm số các trụ cột của GCI 4.0 của Việt Nam so với các nước trong khu vực

Theo thứ hạng và điểm số tại GCI 4.0, kết quả của 12 trụ cột có thể được nhóm theo 05 nhóm từ rất tốt (từ thứ hạng 1-27) cho đến thấp (xếp hạng dưới 112) như Hình 3 dưới đây.

Hình 3. Những trụ cột Việt Nam cần cải thiện trong GCI 4.0

Việt Nam không có trụ cột nào thuộc nhóm thấp, 12 trụ cột của Việt Nam được phân theo 04 nhóm từ rất tốt cho đến trung bình.

Ở nhóm Rất Tốt (xếp hạng từ 1-27): Việt Nam có 01 trụ cột là Quy mô thị trường ở vị trí 26/141 và ở vị trí thứ 3 trong ASEAN 4 (sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia). So với GCI 2018, chỉ số này đã tăng 0,9 điểm và 3 bậc;

Ở nhóm Tốt (xếp hạng từ 28-55): Việt Nam có 01 trụ cột là Ứng dụng Công nghệ thông tin ở vị trí 41/141 và ở vị trí thứ 3 trong ASEAN 4 (sau Singapore, Malaysia, và Brunei);

Ở nhóm Khá (xếp hạng từ 56-83): đây là nhóm cần phải được ưu tiên để cải thiện trong thời gian tới Việt Nam với 07 trụ cột, trong đó:

- 03 trụ cột tăng điểm và thứ hạng: Thị trường sản phẩm ở vị trí 79/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9. Thị trường lao động ở vị trí 83/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9. Năng lực đổi mới sáng tạo ở vị trí 76/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9;

- 01 trụ cột không thay đổi điểm số và thứ hạng: Ổn định kinh tế vĩ mô giữ ở mức 75 điểm và thứ hạng 64 và vị trí thứ 6 trong ASEAN 9;

- 03 trụ cột giảm thứ hạng: Hệ thống tài chính ở vị trí 60/141 và vị trí thứ 6 trong ASEAN 9. So với GCI 2018, chỉ số này đã giảm 1 bậc mặc dù tăng 6 điểm. Cơ sở hạ tầng ở vị trí 77/141 và vị trí thứ 6 trong ASEAN 9. So với GCI 2018, chỉ số này đã giảm 5 bậc mặc dù tăng 0,5 điểm. Y tế ở vị trí 71/141 và vị trí thứ 5 trong ASEAN 9.

Ở nhóm Trung bình (xếp hạng từ 84-111): mặc dù 03 trụ cột ở nhóm này đều tăng điểm và tăng thứ hạng, song mức tăng vẫn chưa đủ để đưa 03 trụ cột lên vị trí cao hơn. Do vậy, các trụ cột thuộc nhóm Trung bình này cần phải được ưu tiên để cải thiện trong thời gian tới. Thể chế ở vị trí 89/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9. Mức độ năng động trong kinh doanh ở vị trí 89/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9. Kỹ năng ở vị trí 93/141 và vị trí thứ 7 trong ASEAN 9.

Mặc dù Việt Nam có đến 5/12 trụ cột nằm trong top ASEAN 4, song cùng với Lào và Campuchia, Việt Nam vẫn đứng cuối bảng ASEAN và cùng có 8/12 trụ cột có điểm số và thứ hạng giảm (Hình 4). Trong khi đó, Philippines là quốc gia có nhiều trụ cột tăng hạng nhất (7 trụ cột), tiếp theo đó là Thái Lan, Indonesia và Malaysia (6 trụ cột). Đáng chú ý là Singapore là quốc gia ASEAN duy nhất có hai trụ cột là Hạ tầng và Thị trường sản phẩm đứng đầu trên thế giới. Như vậy, trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đều vận động theo chiều tích cực thì sự tăng hạng ở 3/12 trụ cột của Việt Nam chưa thực sự đủ để có sự đột phá trong năng lực cạnh tranh.

Hình 4. Thứ hạng của 12 trụ cột trong GCI 4.0 của các nước ASEAN

Khác với các chỉ số khác chỉ tập trung đánh giá một yếu tố cụ thể như hạ tầng hoặc công nghệ, GCI 4.0 đánh giá toàn diện các yếu tố của nền kinh tế để đo lường năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, một trụ cột có hiệu quả tốt không thể bù đắp cho sự yếu kém của một trụ cột khác. Chẳng hạn, đầu tư vào công nghệ mà không đầu tư vào các kỹ năng số hay thiếu một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sẽ không mang lại hiệu quả năng suất cao. Một hệ thống tài chính lành mạnh không thể bù đắp cho cơ sở hạ tầng yếu kém. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các quốc gia không thể bỏ qua một lĩnh vực nào mà phải theo đuổi tất cả 12 trụ cột với một chiến lược riêng để cân bằng nguồn lực nội tại và tận dụng các nguồn vốn và công nghệ phù hợp với quốc gia mình.

Nhận diện vấn đề của Việt Nam nhìn từ chỉ số GCI 4.0 của WEF

Năng lực năng cạnh tranh không phải là một “trò chơi” có tổng bằng không giữa các quốc gia mà tất cả các nền kinh tế đều có thể cùng cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cải thiện tiêu chuẩn giáo dục ở quốc gia A không hạ thấp tiêu chuẩn ở quốc gia B. Xử lý tham nhũng ở quốc gia A không làm cho quốc gia B tham nhũng hơn. Điều này có nghĩa là tất cả các nền kinh tế đều cùng lúc có thể trở nên cạnh tranh hơn, năng suất hơn nhưng những quốc gia có nhiều nỗ lực cải thiện hơn thì có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư hơn trong cuộc đua nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư. Việc theo đuổi năng lực cạnh tranh quốc gia không  làm suy yếu sự hợp tác toàn cầu, mà ngược lại, nỗ lực của các quốc gia còn góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia, đưa mặt bằng về năng lực cạnh tranh toàn cầu lên mức cao hơn, đòi hỏi từng quốc gia phải nỗ lực hơn qua mỗi năm.

Thực tiễn cho thấy những quốc gia có cách tiếp cận toàn diện đối với các thách thức kinh tế xã hội có tiềm năng vượt lên trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh. Chỉ số GCI 4.0 thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa năng lực cạnh tranh và hai khía cạnh khác của phát triển bền vững là sự gắn kết xã hội và tính bền vững về môi trường. Các phân tích chỉ ra rằng không có sự đánh đổi cố hữu giữa năng lực cạnh tranh và tính bền vững, và giữa khả năng cạnh tranh và sự gắn kết xã hội. Như vậy, một không gian cho các chính sách “win-win” có thể tạo ra một nền kinh tế năng suất, ít carbon, và toàn diện; đó chính là lựa chọn khả thi duy nhất trong tương lai.

Để cải thiện chỉ số GCI 4.0, các nền kinh tế cần phải có một cách tiếp cận toàn diện và tổng thể hướng tới việc cải thiện tất cả các trụ cột, đặc biệt là các trụ cột có kết quả chưa tốt. Với Việt Nam, đó chính là các trụ cột được phân nhóm vào Trung bình và Khá như đã phân tích ở trên. Khi một trụ cột có hiệu quả tốt không thể bù đắp cho sự yếu kém của một trụ cột  khác, thì Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn trong việc hoạch định chính sách để ưu tiên cải thiện các trụ cột, nắm bắt những nguy cơ tiềm ẩn của hội nhập công nghệ và thực hiện các chính sách xã hội hỗ trợ người dân thông qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá không còn là mục tiêu duy nhất của các chính phủ trên thế giới, Nghị quyết 50-NQ/TW đã đưa ra yêu cầu về Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Với ý chí chính trị và định hướng thu hút đầu tư góp phần phát triển kinh tế thể hiện quyết tâm và quan tâm tới việc thu hút nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân nói chung và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng thông qua việc cải cách thể chế, với chính sách tốt và thực thi những chính sách tốt đó một cách hiệu quả.

Kết quả đánh giá GCI 4.0 2019 và định hướng của Đảng, Nhà nước đưa ra những ưu tiên trong ngắn hạn mà Việt Nam cần tập trung cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tiếp tục duy trì và thu hút các nhà đầu tư những trụ cột theo thứ tự ưu tiên gợi ý sau:

Hình 5. Những trụ cột cần cải thiện trong GCI 4.0 đối với Việt Nam

Võ Huyền

(Tổng lược từ Báo cáo “Năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài và Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới”)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 72 - 21

Bình luận: 0