TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Nhanh, nhạy biến nguy thành cơ

19:21 30/04/2020
Logo header Trong tình hình hiện nay, để chống đỡ với các khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xoay chuyển tình thế để “biến nguy thành cơ”. Ví thử như ở một số doanh nghiệp sản xuất may mặc, dù không chuyên về y tế nhưng sẵn dây chuyền máy móc, nguyên vật liệu và nhân công phù hợp nên đã chuyển sang may khẩu trang để kịp thời cung ứng cho thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp may mặc đã nhanh chóng chuyển đổi sản xuất khẩu trang để phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng trong tháng 3/2020, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với những tháng trước đó. Cụ thể như: hàng dệt may giảm 19,4%; giày dép giảm 19,1%. So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm 29%. Nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài thì nhu cầu về may mặc của con người cũng sẽ giảm mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ cho nền công nghiệp may mặc. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dịch bệnh bùng nổ tại Mỹ và EU đã khiến nhu cầu nhập hàng của hai thị trường trọng điểm này sụt giảm đột ngột. Kéo theo đó là khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến số doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 4, tháng 5 sẽ tăng lên kéo theo nhiều hệ lụy không tốt nếu tình hình dịch bệnh trong những tháng tới không khả quan hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, người lao động và cả nền kinh tế đất nước. 

Đứng trước thực trạng khó khăn đó, một số doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực dệt may nước ta đã nhanh nhạy,tìm kiếm cơ hội nhằm phần nào giảm bớt những khó khăn bất khả kháng đem lại. Nhận thấy các quốc gia tuyên truyền, bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường cũng sẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng mặt hàng này sẽ tăng cao, các doanh nghiệp dệt may đã coi đây là một sản phẩm cứu cánh trong thời điểm khó khăn. Phát huy những lợi thế sẵn có, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời chuyển đổi dây chuyền sản xuất để làm ra các sản phẩm khẩu trang phù hợp với tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Điển hình như Công ty May 10, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Dệt Kim Đông Xuân… Trao đổi với Ông Trần Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt Kim Đông Xuân, được biết: “Với nguồn sợi từ trong nước, chúng tôi chủ động từ khâu dệt, đến khâu tẩy gia công kháng khuẩn để làm ra thành phẩm là chiếc khẩu trang vừa có giá thành rẻ, vừa có thể tái sử dụng để tiết kiệm cho người tiêu dùng”. Cũng theo ông Việt, doanh nghiệp của ông có thể sản xuất trên 200.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày, đảm bảo đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân; Ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng chia sẻ: “Việc đẩy mạnh sản xuất khẩu trang không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khẩu trang phòng, chống dịch trong diễn biến hiện nay, mà còn giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về xuất khẩu, giúp doanh nghiệp bù đắp lại một phần doanh thu. Tình hình này cũng là cơ hội để làm thước đo sức khỏe cho doanh nghiệp may tự sắp xếp lại chuỗi cung ứng khi chúng ta bị phụ thuộc quá nhiều vào nơi cung ứng nguyên phụ liệu, nếu có vấn đề thì chủ động ứng phó thế nào, tìm sản phẩm, hướng đi mới phù hợp với năng lực nội tại của mình”.

Hình ảnh giới thiệu sản phẩm khẩu trang vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Khi thị trường trong nước bão hòa, nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đã tìm “lối ra” bằng cách xuất khẩu ra thị trường Châu Âu và Châu Mỹ. Để phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu thông tin đã làm việc với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tìm kiếm đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài nhằm giúp tiêu thụ khẩu trang vải. Mới đây, ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thu tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ phòng, chống Covid-19, theo đó Chính phủ xuất khẩu khẩu trang y tế, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch theo nguyên tắc đảm bảo đủ cho nhu cầu trong nước (gồm cả dự trữ). Theo Nghị quyết 20 về chế độ cấp giấy phép xuất khẩu với mặt hàng khẩu trang y tế phòng, chống dịch Covid-19, khẩu trang y tế, đồ phòng hộ bị khống chế tỷ lệ xuất khẩu 25%. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi quy định này, tạo điều kiện cho xuất khẩu các mặt hàng trên, không để lỡ thời cơ khi nhu cầu khẩu trang y tế, các thiết bị phòng dịch tại một số quốc gia, khu vực rất lớn.

Tuy nhiên, do việc sản xuất mặt hàng khẩu trang chỉ mang tính thời vụ, không ổn định về lâu dài, vì thế Bộ Công Thương cũng đã khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng cần cẩn trọng khi có ý định đầu tư quy mô lớn. Các doanh nghiệp vẫn phải ưu tiên tập trung để phục vụ cho công tác phòng chống dịch trong nước và chỉ được khuyến khích xuất khẩu loại khẩu trang vải kháng khuẩn. Riêng ở Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 40 đơn vị sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế phòng dịch, trong đó có 4 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, 29 đơn vị sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, 8 đơn vị sản xuất khẩu trang vải thông thường và 7 đơn vị sản xuất chế phẩm diệt khuẩn. Với tổng năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của các đơn vị trên địa bàn là 1.286.500 chiếc/ngày. Theo Bộ Công Thương, toàn ngành dệt may có thể cung ứng ra thị trường khoảng 200 triệu sản phẩm mỗi tháng, cùng với đó là nhiều đơn hàng xuất khẩu lên tới 25% nguồn sản phẩm có thể sản xuất được. Đây được coi là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế toàn quốc trong giai đoạn nửa đầu năm 2020, đồng thời là một bài học quý cho các lĩnh vực khác thực hiện mục tiêu “kép”: vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Phạm Đức

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 08 - 20

Bình luận: 0