TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Nhiều dấu hiệu sai phạm tại Dự án SONASEA Vân Đồn (Kỳ 2)

15:46 12/08/2021
Logo header Bất chấp pháp luật và nguy cơ tai biến thiên nhiên, các dự án lấn biển đang từng bước hủy hoại giá trị môi trường sinh thái, cảnh quan và địa chất Vịnh Bái Tử Long.

Như Tri thức Xanh đã thông tin tại kỳ trước, các giá trị sinh thái cảnh quan, địa mạo, địa chất của Vịnh Bái Tử Long đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi các dự án lấn biển quy mô lớn. Trong đó điển hình là dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng SONASEA Vân Đồn. Bên cạnh giá trị kinh tế mang lại cho chủ đầu tư, thì hoạt động lấn biển đã làm thay đổi hoàn toàn điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; ảnh hưởng, làm thay đổi chế độ thủy động lực của khu vực, làm thay đổi dòng chảy ven bờ, gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận và gây xói lở bờ, nguy cơ mất an toàn cho chính các công trình và tính mạng nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động lấn biển cũng gây tác động lớn đến các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các nguồn lợi thủy sản của cộng đồng dân cư ven biển.

Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (tiền thân là Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Bái Tử Long) thuộc địa phận xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Vào ngày 21/01/2002, UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ là chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Bái Tử Long. Năm 2007, Dự án được chuyển nhượng sang Công ty CP Đầu tư Phát triển Bảo Nguyên. Sau hơn 15 năm chậm triển khai, ngày 04/8/2017, Dự án lại được cho phép chuyển nhượng sang Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (thuộc tập đoàn C.E.O).

Để đạt lợi nhuận tối đa, Chủ đầu tư thuộc tập đoàn C.E.O đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh mục tiêu dự án, đề nghị san lấp hàng chục héc ta mặt Vịnh Bái Tử Long để tận thu. Trên cơ sở đó, ngày 08/8/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City với tổng vốn đầu tư là trên 2.600 tỷ đồng và diện tích lên đến 67ha, bao gồm đất khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng, đất ở biệt thự không hình thành đơn vị ở, đất ở liền kề, đất cây xanh công viên, giao thông. Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại các Quyết định: Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 08/8/2018; Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 09/1/2019; Quyết định số 2857/QĐ-UBND ngày 15/7/2019; Quyết định số 1861/QĐ-UBND ngày 02/5/2019.

Bên cạnh những bất cập như đã phân tích ở kỳ trước, Dự án còn tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, bảo vệ môi trường. Cụ thể:

Bất chấp quy định của pháp luật về thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

Theo Khoản 1, Điều 14 và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với “Dự án có lấn biển từ 20 ha trở lên”.

Tuy nhiên, Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường tại các Quyết định số 4513/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 và Quyết định số 4999/QĐ-UBND ngày 3/12/2018. Theo khảo sát, điều tra hiện trạng Dự án và các dữ liệu vệ tinh (chụp năm 1985, 2009, 2014, 2021) cho thấy, diện tích lấn biển (đất mặt nước, bãi triều) của Dự án là hơn 48ha, không phải 9,67ha như Văn bản số 4855/TNMT-BVMT ngày 09/8/2019 của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh và Văn bản số 1081/UBND ngày 25/6/2018 của UBND huyện Vân Đồn đã khẳng định.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã cố tình báo cáo sai sự thật với UBND Tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông để bao che cho hành vi vượt thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án.

Việc UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của một Dự án có diện tích lấn biển trên 20ha là trái với quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở Vịnh Bái Tử Long, tính chất môi trường tự nhiên biển, làm thay đổi các yếu tố chất lượng môi trường nước, môi trường trầm tích khu vực lấn biển.

Nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng

Điểm b, Điều 8 Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 về Nguyên tắc kiểm soát phát triển quy định:“Không gian mở, khu vực nông nghiệp và khu vực bảo vệ môi trường (đồi núi, rừng cây, bãi triều…) cần duy trì phần lớn mảng xanh. Các khu vực này không phù hợp cho phát triển đô thị và chỉ cho phép tối đa 5% diện tích để xây dựng các công trình phục vụ quản lý, bảo tồn”.

Khoản 2, Điều 8 Quyết định số 2667/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/200 Khu đô thị Cái Rồng, Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh quy định: Nguyên tắc thiết kế Chuẩn bị kỹ thuật: Tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, quỹ đất chưa sử dụng, tôn tạo thiên nhiên, giữ gìn môi trường xanh; Tận dụng quỹ đất phía Bắc để phát triển xây dựng, hạn chế lấn biển.

Theo nguyên tắc lập quy hoạch, quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên. Tuy nhiên, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quyết định chủ trương đầu tư dự án, không hiểu vì động cơ, mục đích nào mà UBND tỉnh Quảng Ninh đã bất chấp quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chuyển đổi quy hoạch và cho phép lấn biển hơn 48ha diện tích đất mặt nước, bãi triều.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật về giao đất, cho thuê đất?

Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định: Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, bao gồm: (1) Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (2) Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, hàng chục héc ta đất bị thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo các Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 08/8/2018; Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 09/1/2019; Quyết định số 2857/QĐ-UBND ngày 15/7/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh lại không có trong Danh mục dự án cần thu hồi đất được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt trong giai đoạn 2017-2019. Liệu những Quyết định giao đất (mà chính xác hơn là giao khu vực biển kết hợp chuyển mục đích sử dụng đất) của UBND tỉnh Quảng Ninh có vi phạm quy định pháp luật về đất đai?

Dấu hiệu rõ ràng vi phạm pháp luật về lựa chọn chủ đầu tư thực hiện Dự án

Điều 118 Luật Đất đai 2013, Điều 22 Luật Nhà ở 2014, Điều 1 Luật Đấu thầu 2013, Khoản 1, Điều 1, Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định: Các dự án xây dựng nhà ở thương mại bắt buộc phải lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, trừ trường hợp chủ đầu tư đã có quyền sử dụng đất ở hợp pháp.

Tại thời điểm UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3028/QĐ-UBND ngày 08/8/2018, Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Tuy nhiên UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chỉ định Công ty làm chủ đầu tư Dự án mà không tổ chức đấu thầu thực hiện dự án hay đấu giá quyền sử dụng đất, làm trái quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, đấu thầu.

Dự án SONASEA đa phần là sử dụng đất công, đất mặt nước ven biển, là tài sản công do xã Hạ Long quản lý. Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh lại không tổ chức đấu giá mà thu hồi và giao cho doanh nghiệp tư nhân không thông qua đấu giá, đấu thầu. Đây là nguy cơ hiện hữu gây thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng.

Không thực hiện quy định về phát triển nhà ở xã hội.

Khoản 2, Điều 16 Luật Nhà ở 2014 và Điều 5, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị quy định: Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%... Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị đã lựa chọn chủ đầu tư trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, nhưng chưa bố trí quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội mà sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, dự án đó bị thu hồi theo quy định của pháp luật để giao cho chủ đầu tư khác thì chủ đầu tư dự án đó có trách nhiệm tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch để bố trí bổ sung quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã không xem xét quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực SONASEA vào năm 2018; Tại Quyết định chủ trương đầu tư dự án năm 2018, UBND Tỉnh cũng không quy định trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội hay nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội.

Thay vào đó, UBND tỉnh Quảng Ninh lại bố trí diện tích nhà ở xã hội của Dự án này vào một khu đất khác, đi ngược lại quy định pháp luật về nhà ở.

Chưa có quy định về việc giao đất thông qua việc lấn biển để thực hiện Dự án.

Việc giao đất thông qua việc lấn biển để thực hiện Dự án là một quy trình phức tạp, liên quan đến hàng loạt quy trình về giao khu vực biển, cho phép lấn biển, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, hình thức giao đất, cho thuê đất cũng như nghĩa vụ tài chính.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Thế nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh lại quyết định chủ trương đầu tư, thu hồi đất, giao đất, biến hàng chục héc ta mặt nước ven biển thành khu đô thị. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch của các quyết định hành chính.

   Hiện trạng khu vực thực hiện Dự án qua từng thời kỳ

Đề xuất, kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Với những nội dung nêu trên, Tạp chí Tri thức Xanh đã có văn bản kiến nghị gửi Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cùng các cá nhân, tổ chức theo thẩm quyền để nghiên cứu, xử lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và nguồn thu ngân sách Nhà nước, đình chỉ hoạt động xây dựng tại Dự án cũng như bãi bỏ văn bản trái pháp luật, trái thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Tỉnh về về quy hoạch, đầu tư, đất đai, nhà ở, đấu thầu, bảo vệ môi trường.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, đặc biệt là địa phương phải hạn chế những tác động bất lợi tới tài nguyên, môi trường biển trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định phải “Kiểm soát chặt chẽ các dự án quai đê, lấn biển”. Tuy nhiên, những dấu hiệu sai phạm tại Dự án SONASEA lại khiến dư luận đặt ra câu hỏi về sự minh bạch của những quyết định hành chính và nguy cơ của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính như Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ ra.

Trong khuôn khổ chuyên đề “Pháp luật và thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư, xây dựng và đất đai ở Việt Nam”, Tri thức Xanh sẽ tiếp tục làm rõ một số vấn đề nêu trên, để tiếp tục kiến nghị kịp thời đến các cơ quan chức năng, bảo vệ sự nghiêm minh và thượng tôn pháp luật.

                                                                                            Phúc Nguyên và nhóm PVĐT

                                                                   Theo Tri thức Xanh Số 74-21

Bình luận: 0