TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Nhu cầu văn hóa giải trí của công nhân tại các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay

14:52 21/06/2022
Logo header Nhu cầu giải trí là một trong những nhu cầu chính đáng và cấp thiết của con người nói chung và người công nhân, lao động nói riêng. Đây là cơ sở để người lao động cân bằng cuộc sống, tái tạo sức lao động. Việc đáp ứng các nhu cầu đó của người lao động là một trong những nhiệm vụ đặt ra của các chính sách an sinh xã hội cơ bản.

Văn hóa giải trí là một bộ phận của đời sống văn hóa xã hội, bao gồm toàn bộ những hoạt động giải trí của các cá nhân, cộng đồng diễn ra một cách tích cực, chủ động, lành mạnh và tiến bộ. Thông qua những hoạt động văn hóa giải trí sẽ tạo nên cho các cá nhân và cộng đồng một đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh, hoàn thiện và phát triển.

Hoạt động văn hóa giải trí là một hoạt động thiết yếu của xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển về tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ và thể chất của con người. Hiện nay có rất nhiều loại hình văn hóa giải trí đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung (không chỉ giải trí bằng đọc sách, báo mà còn tham gia vào quá trình sáng tạo, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao). Hoạt động văn hóa, giải trí không chỉ dừng ở trạng thái thụ động tiếp nhận, mà phát triển đến trạng thái chủ động tham gia hoạt động sáng tạo. Hoạt động văn hóa giải trí không chỉ ở trạng thái tĩnh (đọc, xem, nghe, nhìn) mà cả ở trạng thái vận động: vận động cơ thể (thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật) hay du lịch, tham quan.

Hoạt động văn hóa giải trí của công nhân lao động là một trong những hoạt động thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển về tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ và thể chất của con người. Hoạt động văn hóa giải trí của công nhân lao động diễn ra xung quanh một không gian địa lý nhất định gắn liền với các thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất dành cho các hoạt động văn hóa giải trí thường xuyên, ổn định. Hoạt động văn hóa giải trí của công nhân lao động không chỉ bao gồm các sinh hoạt văn hóa mà bao gồm cả cơ sở vật chất kỹ thuật và các thiết chế như: hệ thống bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, sân thể thao,... Xây dựng đời sống văn hóa giải trí cho công nhân lao động là một trong những vấn đề quan trọng nhằm nâng cao các giá trị văn hóa, góp phần tăng giá trị sản xuất, tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp và người lao động xích lại gần nhau. Thông qua các hoạt động văn hóa giải trí, đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Thực trạng đời sống văn hóa giải trí của công nhân trong các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp trong những năm qua đã có đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Việc phát triển các khu công nghiệp đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trên cả nước. Các khu công nghiệp phát triển cũng đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương và cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp đã có đóng góp lớn trong việc giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động; góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành phát triển, bên cạnh những đóng góp tích cực, khu công nghiệp cũng gặp phải không ít những khó khăn hạn chế, vướng mắc về chất lượng quy hoạch, chất lượng đầu tư, hiệu quả sử dụng đất, huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Ngoài ra còn có rất nhiều các vấn đề khác liên quan đến ô nhiễm môi trường, vấn đề tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, đời sống văn hóa giải trí, nhà ở, an sinh xã hội của công nhân lao động,... trong đó vấn đề đời sống văn hóa giải trí của công nhân lao động tại các khu công nghiệp là một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 2/2021, trên phạm vi cả nước có 370 khu công nghiệp được thành lập (bao gồm 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế), 34 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn ha. Trong số 370 KCN đã được thành lập, có 284 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 84,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 55,9 nghìn ha và 86 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Các khu công nghiệp được thành lập đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động tham gia.

Sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp đã tạo ra sự gia tăng về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo ra một đội ngũ công nhân lao động không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành đời sống công nhân lao động các khu công nghiệp đã ngày càng được nâng cao. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đã được ban hành và tổ chức thực hiện đạt kết quả ban đầu. Công tác xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của công nhân ở các khu công nghiệp đã được quan tâm hơn. Hệ thống thiết chế văn hóa giải trí ngày càng được tăng cường, các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí của công nhân phong phú, đa dạng. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chỉ ở bước đầu, đa số các doanh nghiệp hầu như chỉ chú trọng tập trung cho hoạt động sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động, việc cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân chưa được quan tâm đầu tư nhiều. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao gần như không có hoặc có thì phần lớn do các tổ chức, cá nhân xây dựng, mang nặng tính chất dịch vụ, dành cho đối tượng có thu nhập cao khiến cho công nhân không thể tham gia hưởng thụ và hoạt động thường xuyên.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, mới chỉ có 7 Nhà Văn hóa Lao động cấp tỉnh được xây mới và đi vào hoạt động; 01 Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Hậu Giang được phê duyệt đang xây dựng; 01 Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Vĩnh Long được phê duyệt chưa xây dựng; 03 Nhà văn hoá công nhân Khu công nghiệp được xây dựng đã đi vào hoạt động; 03 đơn vị đã được phê duyệt chủ trương; 29 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp do Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức.

Có thể thấy, mặc dù các hoạt động văn hóa giải trí đã được quan tâm, tuy nhiên vấn đề này hiện nay vẫn còn rất nhiều bức xúc bởi các thiết chế văn hóa, các công trình phục vụ văn hóa giải trí cho công nhân lao động hiện vẫn còn rất ít. Nguyên nhân có thể thấy được ngay từ việc xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp ban đầu, các nhà đầu tư đã chưa thực sự quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi tập thể, nên ở hầu hết các khu công nghiệp các điều kiện phục vụ đời sống tinh thần của công nhân như nhà văn hóa, thể thao, thư viện, công viên, khu vui chơi giải trí, hội họp sau giờ làm việc của công nhân còn rất thiếu thốn. Các cơ sở bệnh viện, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo,... đều bị quá tải hoặc xuống cấp. Bên cạnh đó đời sống vật chất của công nhân chưa thực sự cải thiện, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn xảy ra tình trạng chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động và các cam kết đã thỏa thuận với người lao động như: không nâng lương hàng năm cho người lao động, hoặc nâng lương với mức quá thấp; thời gian làm thêm giờ của người lao động quá nhiều, việc trả lương làm thêm giờ cho người lao động không đầy đủ; doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động không đúng loại, vô cớ sa thải người lao động, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý “hà khắc”, hay điều kiện làm việc của người lao động chưa đảm bảo,... Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho công nhân. Một thực tế cho thấy, khi xin giấy phép đầu tư các chủ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phải có cam kết về các quy định bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, nhưng đây mới chỉ là hình thức và việc họ thực hiện cam kết đến đâu thì cũng không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Mặc dù, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa giải trí ở doanh nghiệp trong các khu công nghiệp từ nhiều năm nay đã được quan tâm, đặc biệt là vai trò của các tổ chức công đoàn đã được phát huy, bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đời sống văn hóa giải trí của người lao động đến nay vẫn còn rất thấp kém, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến nhân cách người lao động. Sức ép quá lớn về việc làm, thu nhập và điều kiện ăn ở tạm bợ trong các khu nhà trọ của đại đa số công nhân lao động trong các khu công nghiệp đang là một nguy cơ dẫn đến tha hóa một bộ phận không nhỏ công nhân. Phần lớn số công nhân lao động này trình độ văn hóa, tay nghề còn thấp, tác phong công nghiệp và ý thức kỷ luật còn hạn chế, trong khi đó, việc xây dựng các khu công nghiệp chưa gắn với quy hoạch đô thị, đặc biệt là xây dựng nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng và hình thành các thiết chế văn hóa đi kèm... Điều này khiến cho đa phần người lao động buộc phải sống, sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, nhếch nhác mọc lên tự phát xung quanh các khu công nghiệp. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm rình rập lôi kéo người lao động.

Mặt khác, với mức thu nhập thấp, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, hầu hết công nhân đều không dám mơ tới chuyện mua sắm những phương tiện giải trí hàng ngày như tivi, radio, sách báo hay đến rạp xem phim, mua vé đi xem ca nhạc, đi giao lưu bạn bè, đi du lịch, dã ngoại, vui chơi thể dục thể thao... Nhiều ý kiến cho rằng rất nhiều người đang phải sống trong tình trạng 5 không: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao... Đời sống vật chất khó khăn và cường độ lao động cao khiến mức hưởng thụ văn hóa của công nhân hầu như không có gì đáng kể. Phần lớn công nhân không được tiếp nhận thường xuyên và đầy đủ thông tin, chính trị - xã hội và chính sách, pháp luật, trong đó có cả những quy định về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến mình. Mặt khác, cũng có một phần nguyên nhân là do xuất phát điểm của công nhân lao động, bởi đa số công nhân lao động xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo, trình độ học vấn thấp, trình độ và nhu cầu hưởng thụ văn hóa không cao do đó nhiều người không quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội, các vấn đề về văn hóa-giải trí,... Chính vì thế mà tranh chấp và xung đột lao động tăng lên, cùng với đó là các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng trong các khu vực này.

Những vấn đề đặt ra nhằm nâng cao đời sống văn hóa giải trí của công nhân trong các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, cần thực hiện triệt để chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa nâng cao chất lượng cuộc sống của giai cấp công nhân. Trong các dự án quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp, phải chú ý đến việc xây dựng và phát triển dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa,… Để làm được việc này, các cấp, các ngành trung ương và địa phương cần dành nhiều kinh phí, quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao phục vụ cho công nhân lao động sau những ngày làm việc căng thẳng.

Thứ hai, phát huy vai trò của Liên đoàn lao động tỉnh, tổ chức Công đoàn trong việc đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp một cách thường xuyên, chất lượng, hiệu quả. Tổ chức công đoàn doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương nơi có khu công nghiệp, nên chủ động đứng ra tổ chức các buổi giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, tạo sự gắn kết giữa chính quyền, nhân dân địa phương với tổ chức doanh nghiệp và công nhân.

Ngoài ra, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và công đoàn doanh nghiệp cần kết hợp trong việc tổ chức phong trào xây dựng nếp sống văn minh văn minh đô thị, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ thực tiễn cho thấy, đại đa số công nhân tham gia lao động trong các khu công nghiệp là xuất thân từ nông thôn. Bên cạnh những thói quen, phong tục tốt đẹp mà họ mang theo ra chốn thị thành, cũng còn không ít những tập quán lạc hậu. Đó chính là lối sống tự do, vô kỷ luật, nhất là các hành vi tham gia hoạt động giao thông, môi trường nơi công cộng… Vì vậy, việc xây dựng nếp sống văn minh công nghiệp và văn minh đô thị là một trong những vấn đề bức thiết, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho đội ngũ công nhân lao động, phát huy vai trò tích cực của họ trong việc phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa trong thời kỳ hội nhập mới. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội: cờ bạc, ma tuý, mại dâm…

Thứ ba, tăng cường tổ chức thường xuyên, có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động, tập trung vào các nội dung về pháp luật lao động; an toàn giao thông, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình công nhân lao động văn hóa,... đồng thời đầu tư hỗ trợ trang bị một số thiết chế văn hóa như: Hệ thống truyền thanh phục vụ cho công tác tuyên truyền tại các khu công nghiệp, phát hành đĩa phát thanh, đĩa VCD, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật, sổ tay văn hóa, hỗ trợ tủ sách pháp luật tại một số doanh nghiệp và khu nhà trọ, xây dựng pano áp phích tuyên truyền tại các điểm trong khu, cụm công nghiệp.

Thứ tư, tăng cường công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho người lao động, nhất là công nhân lao động nhập cư, tạo những điều kiện bình đẳng để đối tượng này có đủ điều kiện hưởng thụ văn hóa tinh thần và các chế độ phúc lợi xã hội khác; giải quyết tình trạng cách biệt giữa nông thôn và thành thị, lao động chân tay và lao động trí óc; đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa có chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức và am hiểu sâu rộng về phong tục tập quán của các đối tượng công nhân, từ đó xây dựng các chương trình và lên kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình sinh hoạt văn hóa.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa giải trí cho người lao động. Cần có những quy định cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và chủ sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa của công nhân, người lao động ở khu công nghiệp, ở các doanh nghiệp. Theo đó, công nhân được quyền có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; được quyền tiếp cận thông tin giải trí; được tổ chức các sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thỏa mãn nhu cầu giải trí và các hoạt động xã hội,... các quyền của công nhân cần phải được quy định một cách cụ thể, đảm bảo các kế hoạch được thực hiện trên thực tế có sự kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành.

Thứ sáu, cần rà soát những chính sách hợp lý, hiệu quả hơn các hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở, đảm bảo cho công đoàn tại các khu công nghiệp đủ mạnh để có thể đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhất là chủ sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc công nhân được quyền có thời gian để tham gia các hoạt động về văn hóa, thể dục thể thao, được quyền tiếp cận thông tin giải trí, được tổ chức các cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nhằm thỏa mãn các nhu cầu giải trí, hoạt động xã hội.

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp thì vai trò và vị trí của đội ngũ công nhân cần phải được khẳng định hơn nữa, đặc biệt là việc nâng cao đời sống văn hóa vật chất và tinh thần cho họ. Các cấp lãnh đạo cần đề ra đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật phù hợp hướng tới sự bình đẳng trong lao động, không chỉ ở vấn đề nâng cao đời sống văn hóa giải trí mà còn cả các vấn đề về lao động, việc làm, thu nhập, các dịch vụ xã hội cơ bản,... đảm bảo đời sống công nhân lao động ngày càng được cải thiện, thúc đẩy sự phát triển bền vững./

PGS.TS Lương Quỳnh Khuê

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161-5/2022

Bình luận: 0