TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Những quy định mới để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính

16:00 22/10/2020
Logo header Ở Việt Nam hiện nay đang rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, đến hôn nhân và gia đình, đến trật tự an toàn xã hội nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình dự tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ phải đối mặt với tương lai dư thừa khoảng gần 4 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Thông tin được đưa ra từ kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra về tỉ số giới tính khi sinh - SRB (Chỉ số SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra, thường là 104 -106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống). Theo đó, chỉ số SRB của Việt Nam có xu hướng cao hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay cho thấy sự mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Cụ thể, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). Tổng cục Thống kê nhận định cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài. Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Tình trạng thiếu nữ giới kết hôn sẽ dẫn đến xu hướng nam giới kết hôn muộn hoặc không kết hôn sẽ làm cho tỷ lệ dân số chưa kết hôn cũng sẽ tăng lên… Việt Nam cũng giống như một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… bị ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng Nho giáo truyền thống với quan niệm con trai nối dõi tông đường… Quan niệm này từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, vợ chồng, gia đình và dòng họ. Chỉ cần nhấn nút tìm kiếm trên internet về chủ đề những cách để lựa chọn giới tính của con theo ý muốn lập tức có hàng triệu kết quả được đưa ra. Những biện pháp can thiệp bằng y tế đã góp phần không nhỏ để những bậc làm cha làm mẹ có thêm cơ hội lựa chọn được giới tính của con mình. Không hiếm gặp những trường hợp khi mang thai những ông bố, bà mẹ đã phá, nạo hút thai vì những đứa con khi sinh ra mang giới tính mà họ không mong muốn.  

Đây thực sự là vấn đề rất đáng quan tâm của cả xã hội hiện nay, khá nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã được đưa ra để giảm thiểu tình trạng này. Tại Hội nghị lần thứ 6, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Trong Nghị quyết nêu rõ: “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”. Trước đây, năm 2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế  đã có mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính về lựa chọn giới tính thai nhi. Chính phủ đã quy định mức xử phạt về các hành vi vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 15 triệu đồng cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả. Mới đây nhất, vào ngày 28/9/2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhằm thay thế cho Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Nghị định mới này có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Những điểm mới của Nghị định 117/2020/NĐ-CP rất đáng chú ý, tại đây, quy định về những hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi, hành vi bắt mạch hoặc siêu âm, xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán, tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi,.. sẽ bị xử phạt rất nặng (tùy từng trường hợp mà mức xử phạt có thể lên đến 10 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề từ 01 đến 03 tháng). Những hành vi ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn (kể cả dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần) cũng là hành vi bị xử lý nghiêm. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu. Ngoài ra, các hành vi ép buộc người khác mang thai, sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái sẽ bị phạt lên đến 10 triệu đồng… 

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu sự mất cân bằng này, bên cạnh các chính sách của Đảng, Nhà nước thì rất cần tập trung vào công tác truyền thông nhằm thay đổi tư duy cũ của người dân (tư tưởng trọng nam khinh nữ). Bên cạnh đó là việc xây dựng những chuẩn mực về giới mới trong gia đình (con có thể mang họ mẹ, con gái hoặc phụ nữ có thể thờ cúng tổ tiên, đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mẹ, người thân khi qua đời, vợ và chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ, con trai con gái cùng có quyền thừa kế ngang nhau...) cũng cần phải được coi trọng và triển khai nhiều hơn nữa.

Huy Thịnh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 33 - 20

Bình luận: 0