Những tác động của đại dịch COVID-19 tới một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội
Nhiều người khuyết tật đã mất việc hoặc thu nhập bị giảm đáng kể do ảnh hưởng của COVID-19. Các doanh nghiệp xã hội thường là các đơn vị tuyển dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật. Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy phần lớn các doanh nghiệp xã hội này có thể phải dừng hoạt động hoặc phá sản nếu đại dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài đến tháng 8. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến người khuyết tật. Cuối cùng, 80% người khuyết tật hiện sống ở khu vực nông thôn, và họ có thể phải đối mặt với những khó khăn còn lớn hơn nữa trong việc tiếp cận những dịch vụ y tế và xã hội cơ bản, hay duy trì việc làm. Những thách thức người khuyết tật phải đối mặt càng trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ COVID-19.
COVID-19 đã gây ra những tác động đáng kể tới nền kinh tế và các hoạt động kinh doanh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ lệ tăng trưởng GDP trong Quý I/2020 chỉ còn 3,82%, con số thấp nhất kể từ năm 2010. Theo ước tính, đến giữa tháng 4, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới gần 5 triệu người lao động và gần 85% các doanh nghiệp của Việt Nam. Trong số những người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, 13% bị mất việc, 28% phải luân phiên đi làm và 59% tạm thời nghỉ làm việc. Đầu tháng 4/2020, Chính phủ đã thông báo nhiều biện pháp hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Theo Khảo sát quốc gia về Người khuyết tật thực hiện năm 2016, 9 người khuyết tật chiếm 7% dân số ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật và con số này đang gia tăng do tình trạng già hóa dân số và hậu quả của tai nạn giao thông. Khảo sát này cũng cho thấy hộ gia đình có người khuyết tật có nguy cơ nghèo cao gấp hai lần so với hộ gia đình không có người khuyết tật. Trên thực tế, khoảng 18% người khuyết tật hiện đang sống ở các hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam.
Như đã đề cập, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người khuyết tật gặp nhiều thách thức. Nhiều người trong số họ do đang có có các bệnh lý nền nên sẽ có nguy cơ cao bởi đại dịch COVID-19. Nhiều người trong số họ thuộc nhóm người cao tuổi, là nhóm rất dễ bị lây nhiễm. Người khuyết tật bị hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ và trang bị y tế cần thiết. Họ cũng có mức độ đảm bảo về tài chính hoặc công việc thấp hơn cũng như đối mặt với khó khăn trong việc nhận thông tin cần thiết qua các hình thức có thể tiếp cận được. Họ cũng khó khăn hơn trong việc thực hành biện pháp dự phòng lây nhiễm được khuyến cáo, chẳng hạn như giãn cách xã hội và rửa tay.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới ký Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CPRD). Việt Nam đã phê chuẩn Công ước vào ngày 05/02/2015. Đánh giá nhanh này cũng sẽ cung cấp thông tin về các hỗ trợ cần thiết nhất cho việc thực hiện các quyền được quy định trong Công ước và xác định các lĩnh vực cần tăng cường của Luật Người khuyết tật phù hợp với các quy định trong Công ước.
Kết quả đánh giá cho thấy 82% người trả lời đề cập đến quan tâm bảo vệ sức khỏe của mình trong đại dịch COVID-19. Cụ thể, 70% người trả lời cho rằng có khó khăn trong tiếp cận chăm sóc y tế như khám bệnh, thuốc chữa bệnh, dụng cụ trợ giúp và dịch vụ phục hồi chức năng. Khoảng 25% người trả lời nói có khó khăn trong việc có được khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay. 22% người trả lời phải chịu tác động từ bệnh lý nền sẵn có, vì vậy làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe vì đại dịch COVID-19, đặc biệt đối với 41% của nhóm này là những người trên 60 tuổi. 24% người trả lời chưa có giấy chứng nhận khuyết tật và điều này có thể hạn chế họ trong việc tiếp cận các dịch vụ và trợ giúp khi cần thiết.
Rất nhiều người khuyết tật thuộc vào nhóm nghèo nhất trong xã hội. Khảo sát quốc gia về người khuyết tật năm 2016 đề cập đến ở trên cho biết “nguy cơ nghèo của các hộ gia đình có người khuyết tật cao gấp 2 lần so với hộ gia đình không có người khuyết tật”. Trong đánh giá này, đại bộ phận người trả lời (96%) đề cập lo lắng về an toàn tài chính. 28% người trả lời cho biết thu nhập của họ giảm trong tháng 3 năm 2020. Hậu quả là, 72% người trả lời có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu đồng, đồng nghĩa với việc thêm 21% người khuyết tật ở mức thu nhập này so với giai đoạn trước đó từ tháng 02/2019 đến tháng 2 năm 2020. Vì vậy, nhiều người khuyết tật đã rơi vào cảnh đói nghèo. 28% người trả lời cho biết họ đang sử dụng tiền tiết kiệm trong thời gian khó khăn này.
Về việc làm, có tới 30% người trả lời cho biết họ đang thất nghiệp vì đại dịch COVID-19. 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Trong số những người vẫn đang làm việc, 59% bị giảm thu nhập. Chỉ 3% người trả lời đã chủ động tìm kiếm những công việc khác và 19% người trả lời phỏng vấn tìm thêm cách để tạo thu nhập. 71% người trả lời đang làm việc là các công việc mùa vụ/không chính thức hoặc họ đang kinh doanh trong khu vực không chính thức, vì vậy có nguy cơ không thuộc nhóm được nhận các hỗ trợ từ gói phúc lợi xã hội của Chính phủ. Hiện nay, chỉ những người có giấy chứng nhận khuyết tật là đặc biệt nặng và nặng mới đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ này của Chính phủ, và nhiều người khuyết tật nhẹ không nằm trong số này.
Khi được hỏi về nhu cầu của họ, nhu cầu hỗ trợ trước mắt của họ là lương thực thực phẩm,và hỗ trợ tiền hoặc hỗ trợ tài chính khác. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có đáp ứng dịch đảm bảo sự hòa nhập của người khuyết tật bởi vì họ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, bị mất việc làm và không thể tìm được việc làm tạo thu nhập thay thế.
Kết quả đánh giá nhanh cũng chỉ ra rằng những đáp ứng với dịch hiện chưa hoàn toàn đảm bảo sự hòa nhập của người khuyết tật. Một phát hiện tích cực của đánh giá là mức độ nhận thức của người khuyết tật về COVID-19 là khá cao với 67% người trả lời cho biết nhận được thông tin đầy đủ và kịp thời về các hoạt động ứng phó nói chung. Tuy nhiên, chỉ có 16% người trả lời được hỗ trợ thực phẩm và 13% hỗ trợ tài chính khác. 20% đã được nhận những vật phẩm bảo vệ cá nhân như khẩu trang và nước rửa tay và chỉ 3% nhận được hướng dẫn về các biện pháp dự phòng lây nhiễm virus chẳng hạn như rửa tay đúng cách, đây thực sự là một tỷ lệ rất thấp trong nhóm nguy cơ cao này.
Trên cơ sở các phát hiện của đánh giá nhanh, một số khuyến nghị được đề xuất như sau:
1. Hỗ trợ khẩn cấp đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của người khuyết tật.
Ưu tiên hỗ trợ người khuyết tật có nhu cầu về chăm sóc y tế và dịch vụ, cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe qua điện thoại nếu phù hợp để đảm bảo theo dõi y tế tại nhà.
Cung cấp thực phẩm, vật phẩm bảo vệ cá nhân, trợ cấp tài chính, giảm tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước để đảm bảo an ninh tài chính cho người khuyết tật.
2. Đảm bảo khoản hỗ trợ của Chính phủ bao trùm người khuyết tật bằng việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ bao gồm NKT làm việc trong khu vực phi chính thức và cung cấp thông tin về gói hỗ trợ của Chính phủ dưới hình thức NKT có thể tiếp cận được, đơn giản hóa các thủ tục quy trình nhận hỗ trợ.
3. Đảm bảo an ninh tài chính và giáo dục thường xuyên cho NKT bằng việc:
Xây dựng kỹ năng mới cho người khuyết tật để tìm kiếm cơ hội việc làm mới trong thời đại công nghệ 4.0, trong đó việc làm tại nhà và các hình thức kinh doanh trực tuyến mới.
Cung cấp các nền tảng giáo dục và việc làm trực tuyến dễ dàng tiếp cận được với người khuyết tật
Tăng cường cơ hội việc làm trực tuyến mới cho người khuyết tật tại khu vực kinh tế tư nhân.
4. Mở rộng độ bao phủ của cấp Giấy chứng nhận khuyết tật với tất cả những người khuyết tật
5. Tiến hành một đánh giá toàn diện về tác động của đại dịch COVID-19 với người khuyết tật, trong đó có sự tham gia đầy đủ của người khuyết tật, nhằm xây dựng và triển khai các chương trình ứng phó và phục hồi hậu COVID-19.
Để đạt được mục tiêu này, khuyến nghị rằng cần có các hình thức thông tin dễ dàng tiếp cận được với tất cả các nhóm người khuyết tật. Thêm vào đó, các tổ chức của người khuyết tật và các đối tác trong nước khác ở nông thôn và hẻo lánh xa xôi cần được tham gia đầy đủ vào cuộc đánh giá này; đồng thời thực hiện phỏng vấn trực tiếp với những người khuyết tật không thể tiếp cận với Internet. Kết quả của cuộc đánh giá sâu và toàn diện này sẽ cung cấp những bằng chứng có giá trị cho việc sửa đổi Luật về Người khuyết tật.
Anh Quân
(Tóm lược từ Báo cáo đánh giá nhanh về tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật tại VIỆT NAM của UNDP)
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 72 - 21
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)