TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Những vấn đề đặt ra về an ninh trật tự trong quản lý xã hội tại các khu công nghiệp

17:20 08/10/2020
Logo header Việc đảm bảo an ninh trật tự đối với các khu công nghiệp có vai trò rất quan trọng; góp phần đảm bảo tính mạng, sức khỏe nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển. Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng công tác quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp ở Việt Nam hiện nay, bài viết đã nêu ra một số vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự đã và đang đặt ra cho công tác quản lý xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, từ đó, kiến nghị một số định hướng, giải pháp trong thời gian tới.

Theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế thì: Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục pháp luật quy định. Như vậy, KCN là khu vực dành cho phát triển công nghiệp theo một quy hoạch cụ thể nào đó nhằm đảm bảo được sự hài hòa và cân bằng tương đối giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. 

Thực tiễn quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam cho thấy, các KCN ra đời đã góp phần hình thành các khu đô thị, tăng cường tiếp thu công nghệ tiên tiến, giải quyết việc làm, đóng góp vào tăng thu ngân sách… góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước và của các địa phương. Các KCN đã và đang thể hiện rõ vai trò của mình trên các phương diện cơ bản như sau: Là một kênh quan trọng để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tập trung các doanh nghiệp công nghiệp vào một khu vực xác định; Góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, thực hiện đô thị hóa, hình thành các trung tâm công nghiệp; Góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động và người dân địa phương; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả; Góp phần đào tạo cán bộ quản lý, công nhân lành nghề; Tạo điều kiện để xử lý các tác động tới môi trường một cách tập trung…

Nghiên cứu dưới góc độ quản lý xã hội tại các KCN cho thấy, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động tại các KCN. Tiền lương, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện. Vấn đề bình đẳng giới, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động đã được quan tâm, hệ thống an toàn vệ sinh lao động ngày càng phát triển. Ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ được nâng lên, giảm thiểu tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần phòng ngừa các sự cố về cháy, nổ. Các quy định về chính sách đặc thù đối với lao động nữ cơ bản được tuân thủ. Việc khám sức khỏe định kỳ, chế độ ốm đau, thai sản… đã được thực hiện tương đối tốt. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, được đông đảo người lao động hưởng ứng tham gia, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động sau giờ làm việc. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Quản lý các KCN đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đúng quy định nhiều vụ việc khiếu kiện của quần chúng nhân dân liên quan đến việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện các dự án tại các KCN. Giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc công nhân nghỉ việc tập thể đòi tăng lương, thưởng, phụ cấp tăng ca, cải thiện chế độ làm việc... không để kéo dài, diễn biến phức tạp trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Nhận thức, tinh thần, trách nhiệm, ý thức tự giác của quần chúng nhân dân, cán bộ, công nhân, người lao động trong và ngoài KCN về công tác đảm bảo an ninh trật tự được nâng lên. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các KCN được đẩy mạnh thông qua việc mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Cùng với đó, nhiều KCN đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Khu công nghiệp an toàn về phòng cháy chữa cháy”. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, trong công tác quản lý xã hội tại các KCN cho thấy, tại các KCN ở Việt Nam hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, đó là:

Một là: Tại các KCN thường thu hút hàng nghìn người đến làm việc, trong đó chủ yếu là người ngoài tỉnh với nhiều thành phần xuất thân khác nhau. Người lao động tại các KCN dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu truyền thống cũng dẫn đến những sinh hoạt tự do, thoải mái, tùy tiện, dễ dẫn đến tình trạng sống chung, sống thử, vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình và pháp luật về cư trú. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội tại các KCN ở nhiều nơi, nhiều thời điểm diễn ra khá phức tạp. Đáng chú ý, một số nhóm tội phạm có biểu hiện hoạt động bảo kê, chèn ép các doanh nghiệp; các vụ việc cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, đánh người gây thương tích, giết người do mâu thuẫn giữa công nhân với công nhân và với thanh niên các xã, thị trấn vùng giáp ranh với các KCN có chiều hướng gia tăng, làm xáo trộn tình hình an ninh trật tự tại nhiều KCN. Đây là thách thức rất lớn đối với việc quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại các KCN. 

Hai là: Quá trình thực hiện chủ trương thu hồi ruộng đất phục vụ triển khai các dự án kinh tế, xã hội đã phát sinh một số vụ khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng gây mất an ninh trật tự tại các KCN. Cùng với đó, việc một lượng lớn người lao động trong và ngoài tỉnh tập trung về địa bàn các KCN kéo theo sự phát triển mạnh của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, hiệu cầm đồ, quán karaoke, tẩm quất, mát xa... Tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng tại các KCN cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý trật tự an toàn giao thông, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các KCN của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. 

Ba là: Công tác an toàn vệ sinh lao động, hệ thống xử lý chất thải, nước thải, tiếng ồn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư đúng mức đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của công nhân và nhân dân xung quanh các KCN. Nhìn chung, tại các KCN, chỗ ở của người lao động còn rất “tạm bợ”, chật chội; các điều kiện về điện, nước sạch, vệ sinh… không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân. Cũng từ đây, nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội có mầm mống nảy sinh, hình thành và phát triển. 

Bốn là: Trình độ dân trí của người lao động tại các KCN cơ bản là thấp đã dẫn đến ý thức kỷ luật lao động, kỹ năng sống còn kém, việc tuân thủ nội quy, quy định của doanh nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động chưa cao. Bên cạnh đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận lao động mà doanh nghiệp đã vi phạm giải quyết quyền lợi, cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động, đặc biệt là việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để... dễ dẫn đến nảy sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự tại các KCN.

Năm là: Việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người lao động tại các KCN vẫn còn những khoảng trống và rào cản lớn. Phần lớn các KCN chưa có thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người lao động. Nhiều người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca nên không có thời gian để thư giãn, giải trí, tập luyện thể dục, thể thao. Đời sống vật chất của người lao động còn nhiều khó khăn cũng đã tác động, cản trở họ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, đa phần công nhân khu công nghiệp là lao động trẻ, trong độ tuổi lập gia đình và sinh con cái. Nhưng tại các KCN chưa xây dựng được nhà trẻ riêng, điều này đã dẫn đến rất nhiều nhà trẻ tư nhân hình thành xung quanh các KCN. Tuy nhiên, nhiều nhà trẻ không đảm bảo các điều kiện theo quy định; nhiều vụ bạo hành trẻ em tại các nhà trẻ tư nhân đã diễn ra nghiêm trọng trong thời gian qua.

Sáu là: Về công tác phòng cháy chữa cháy: Theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ thì các cơ sở thuộc KCN đều có tính chất, quy mô thuộc loại hình cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, đặt ra các yêu cầu cao về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong khi đó, các cơ sở vẫn còn nhiều vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dễ dẫn đến cháy, nổ lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: Tận dụng tối đa diện tích sử dụng để làm kho chứa nguyên liệu và kho thành phẩm; đặt trạm biến áp ở trong nhà, gần với nhiều hạng mục sản xuất; không đảm bảo giao thông, khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy theo QCVN 06:2010/BXD Quy chuẩn Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; xây dựng khu vực để xe ngay cạnh khu vực sản xuất; chưa quan tâm đến việc đầu tư thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy; không thực hiện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy...

Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó, chú trọng phát triển các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì số lượng các KCN ở nước ta sẽ ngày càng tăng và được mở rộng về quy mô. Dự kiến đến năm 2020, tổng số người lao động tại các KCN ở Việt Nam đạt khoảng 7,2 triệu người. Do đó, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự trong quản lý xã hội tại các KCN là vấn đề rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Để đảm bảo an ninh trật tự tại các KCN nhằm tăng cường quản lý xã hội, góp phần tạo môi trường ổn định phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương, theo chúng tôi cần quan tâm, chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

Một là: Duy trì có hiệu quả sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN để chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự tại các KCN. Tích cực tuyên truyền các văn bản pháp lý cần thiết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến các khu công nghiệp nhằm giúp người lao động và người sử dụng lao động nắm rõ quy định về đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm... Các cấp công đoàn phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để phản ánh kịp thời với chủ doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của công nhân. 

Hai là: Tăng cường, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động tại các KCN đảm bảo đúng tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc xây dựng các nhà trẻ, trường học, siêu thị, đồn công an, trung tâm y tế… tại các khu công nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất cuộc sống, điều kiện sinh hoạt hàng ngày của người lao động. Chú trọng cải thiện điều kiện làm việc; xây dựng đội ngũ những người lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ, kỷ luật lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hội thi nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Ba là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng, vận hành các công trình bảo vệ môi trường trong KCN, nhất là nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống chống ồn của khu công nghiệp. Thực hiện nghiêm túc các quy định về lập thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Giám sát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn trong khu công nghiệp để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kế, thi công và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống chống ồn.

Bốn là: Lực lượng Công an nhân dân phải chủ động nắm chắc tình hình an ninh trật tự tại các KCN, nhất là các KCN có vốn đầu tư nước ngoài, để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra. Thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền về tình hình tội phạm, ma túy, an toàn giao thông, Luật An ninh mạng, vấn đề an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo, an ninh biển đảo… cho công nhân ở các KCN nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về các vấn đề trên. Đặc biệt, chú trọng đến việc tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội của các loại tội phạm như: cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp, cho vay nặng lãi, ghi số đề... để qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong các KCN. Xây dựng và nhân rộng mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự - không có tệ nạn xã hội” tại các KCN. Thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự tại các KCN. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, quản lý tạm trú, tạm vắng, nhắc nhở những cơ sở kinh doanh lưu trú tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự; tăng cường các kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, cơ sở cầm đồ. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Thiếu tướng TS Lê Quang Bốn
Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy
Thiếu tá TS Phạm Khắc Lịch
Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0