Nỗ lực vượt khó đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Nỗ lực vượt khó đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 giảm 0,17% so với tháng 1, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân giảm và do tác động của dịch Covid- 19 làm cho giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, vui chơi giải trí giảm và do điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong tháng. CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,91%.
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạm thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ... Trong 2 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định so với cùng kỳ năm 2019. Tổng phương tiện thanh toán tăng 13,06%, huy động vốn tăng 14,15%. Tín dụng toàn hệ thống giảm nhẹ, khoảng 0,18% so với cuối năm 2019. Về việc thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ. Tổng thu cân đối NSNN ước đạt 276,74 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán năm, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 220,625 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán năm, tăng 11,5% so với cùng kỳ, trong đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường, các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch. Đối với đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) đạt thấp, ước khoảng 6,47 tỷ USD, chỉ bằng 76,4% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI ước đạt 2,45 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết và tác động của dịch Covid-19 làm hạn chế việc di chuyển và làm trì hoãn các quyết định đầu tư mới, mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư nước nước ngoài. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến rất tích cực, thể hiện hiệu quả của sự thay đổi quy định pháp luật về đầu tư công và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, ước đạt 34.750 tỷ đồng, bằng 7,38% kế hoạch Thủ tướng đề ra.
Ở phía Bắc, sản xuất nông nghiệp chịu tác động bởi diễn biến thời tiết bất thường, mưa đá, mưa rào. Còn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và xâm lấn sâu. Ngành chăn nuôi dần phục hồi, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục được kiểm soát, một số địa phương đã công bố hết dịch, nguồn cung dần ổn định, giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm. Ngành thủy sản duy trì đà tăng trưởng, sản lượng ước đạt trên 1 triệu tấn. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu một số nông sản như thủy sản, trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid- 19, nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút so với thời điểm trước khi có dịch. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ tăng 6,2%, riêng ngành chế biến chế tạo chỉ tăng 7,4%. Chịu ảnh hưởng nhất từ dịch Covid-19 là khu vực dịch vụ, các hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 863,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Trong 2 tháng đầu năm, xuất, nhập khẩu cũng bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid -19. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 36,9 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 37,1 tỷ USD, đều chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ, nhập siêu khoảng 1,76 triệu USD. Tính chung trên toàn quốc không có biến động lớn về lao động, việc làm. Ngành lao động đang theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đồng thời rà soát, nắm bắt số lượng người lao động Việt Nam làm việc tại các nước đã có dịch. Tổ chức đón người lao động và yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam khi nhập cảnh. Đối với công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được Đảng và Nhà nước cùng toàn thể hệ thống chính trị quan tâm, thực hiện tốt. Các ban, ngành và địa phương đã chủ động, quyết liệt phòng chống dịch bệnh và tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh kịp thời. Ngành y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn quốc triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch; thường trực chống dịch 24/24 giờ, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị dự phòng, chẩn đoán, điều trị.
Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 giảm, các nền kinh tế chủ chốt đều đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, IMF dự báo dịch Covid-19 có thể đe dọa đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, làm giảm tăng trưởng đối với cả Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương phải nỗ lực để hoàn thành mục tiêu kép không những chống dịch thành công mà còn bảo đảm phát triển, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Xuân Kiên - Vũ Thắng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 03 - 20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)