TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

"Nới lỏng" với học sinh (?!)

13:36 24/09/2020
Logo header Vừa rồi, ngành Giáo dục công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (HS) phổ thông theo hướng “nới lỏng” để nhằm tạo cho các em một môi trường học tập, phấn đấu dễ chịu, thoải mái nhất. Đó là: Từ nay trở đi, bãi bỏ hình thức kỷ luật nặng nhất là đuổi học. Không ghi lỗi của học sinh vào học bạ. Không phê bình học sinh trước toàn trường. Không kỷ luật đối với học sinh cấp tiểu học. Nghe nói còn cho các em đem điện thoại di động vào lớp mà không cấm như trước.

Mới nghe qua, tưởng như chủ trương trên là rất tiến bộ, nhân văn. Vậy nên mới được học sinh và một bộ phận giáo viên cùng gia đình học sinh đồng tình. Đương nhiên, học sinh nào cũng sẽ rất vui mừng trước thông tin này. Nói là chỉ một bộ phận giáo viên và phụ huynh đồng tình vì lại có nhiều người trong hai đối tượng trên không tán đồng. Vậy nên như thế nào? Thứ gì, lĩnh vực nào cũng vậy, tiến bộ nhất, nhân văn nhất luôn phải là đạt hiệu quả, đem lại lợi ích lâu dài, bền vững nhất cho chủ thể là con người mà không phải bất cứ thứ gì khác. Một nền giáo dục văn minh, tiến bộ, nhân văn nhất là nền giáo dục ấy phải sản sinh ra được những thế hệ có tài đức song toàn, hoặc ít nhất cũng là những công dân tốt góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Không đạt được tiêu chí đó thì mọi biện pháp gắn với những nhãn, mác, những mỹ từ cũng vô nghĩa. Nhớ lại quá khứ, những năm sau hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), rồi kế tiếp là những thập niên 60 -70 của thế kỷ trước, nhiều thế hệ học sinh lần lượt trưởng thành, là những công dân hữu ích, trong đó có nhiều người tài, trở nên nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Sau năm 1975, nhất là từ những năm 1990, giáo dục không còn được nhiều mặt như trước, cứ dần phát triển theo đồ thị đi không hàng lối. Đã diễn ra rất nhiều đợt gọi là cải cách giáo dục, từ chữ viết đến chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, thi cử, tuyển sinh... và nhiều nội dung khác, nhưng vẫn có vẻ như đang lúng túng, luẩn quẩn. Và mươi năm trở lại đây, thực trạng đã có một số vấn đề khiến xã hội kêu ca, phản ứng mạnh mẽ. Đỉnh cao của sự thoái trào tồi tệ này có lẽ là vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La. Và cái “quái thai giáo dục” kỳ lạ, kinh dị nhất - nếu có thể gọi được như thế - là vụ ấn định 23 cuốn sách phải tham khảo dành cho học sinh lớp 1 đang bị dư luận lên án rầm rộ khắp nơi. Chỉ riêng việc này thôi đã khó có thể gọi là nền giáo dục của một đất nước gọi là văn minh, tiến bộ được. 

Vậy thì, Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh nói trên liệu có ích gì trong một nền giáo dục ở nước ta hiện nay? Chưa nói, những chủ trương tưởng như rất nhân văn trên sẽ có nhiều nguy cơ dẫn tới hệ quả là tạo thêm điều kiện để học sinh phạm lỗi. Đúng là sẽ rất nhân văn, rất tốt, rất có lợi cho sự phát triển toàn diện của học sinh nếu cách trên được thực thi trong một nền giáo dục lành mạnh, tích cực và tiên tiến. Trong khi giáo dục của chúng ta chưa đạt được những điểm này. Rất dễ hiểu khi đặt ra câu hỏi: Một vài hiện tượng học sinh ngang nhiên đánh vùi dập bạn mình rất nhẫn tâm giữa lớp, ngang nhiên chống đối, đánh chửi giáo viên, sau nhiều lần giáo dục bằng các biện pháp khác vẫn không sửa, nếu không đuổi học, tình hình sẽ thế nào? Tất nhiên, có vấn đề phải đặt ra: Đuổi học sinh vi phạm khỏi nhà trường thì ra xã hội, và bản thân học sinh đó sẽ dễ trở nên tội phạm. Vậy trong trường hợp này, thay vì đuổi học, phải đưa chúng vào trường giáo dưỡng chứ không thể không kỷ luật như Dự định đưa ra. Và còn một sự thật nữa: Hiện nay, có không ít cha mẹ học sinh ngộ nhận về con, em mình, không chịu thừa nhận chúng hư, vẫn luôn nói với giáo viên mỗi khi họ phản ánh về con mình là: “Ở nhà, chúng tôi thấy cháu không có vấn đề gì”. Không ít người tỏ ra bênh con mình mà đổ lỗi cho nhà trường. Với Dự định mới, chắc chắn sẽ khuyến khích thêm cái thói ngộ nhận về con của họ.

Thời chúng tôi đi học, mọi hình thức kỷ luật, trong đó có đuổi học vẫn duy trì bình thường. Có khen thưởng, có kỷ luật là biện pháp đương nhiên trong giáo dục con người ở mọi lứa tuổi. Bị kỷ luật, học sinh lo sợ bị lưu ban, trượt và thất học nên phải nỗ lực. Được khen, chúng tôi càng phát huy. Đã có nhiều người giỏi dang cống hiến tài năng cho đất nước. Hầu như không có tội phạm từ mái trường. Còn thời nay, tình hình không được như trước. Vậy có nên xem xét lại Bản Dự thảo này ?

TS Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0