TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang tạo đà cho nền kinh tế

06:02 08/10/2020
Logo header Với những thành công của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế trong thời gian qua, tăng trưởng GDP quý III đã khởi sắc so với quý II năm 2020 với mức tăng 2,62%. Điều này có được do xu hướng tích cực ở một số ngành kinh tế quan trọng. Với một số sản phẩm tăng trưởng cao nhờ chuyển dịch cơ cấu sản phẩm tốt, đồng thời tận dụng tốt cơ hội khi Hiệp định tự do thương mại EVFTA có hiệu lực từ đâu tháng 8, ngành nông nghiệp nước ta hiện được coi là một điểm sáng của nền kinh tế.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm

Dù gặp nhiều khó khăn do những tác động xấu đến từ môi trường như hạn hán, xâm nhập mặn, từ dịch tả lợn châu Phi và đặc biệt là dịch Covid-19 trên toàn cầu đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản. Với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả sản xuất đạt khá, lúa đông xuân và hè thu được mùa, được giá. Sản lượng các loại cây lâu năm có mức tăng trưởng khá, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, đàn lợn đang dần khôi phục; xuất khẩu tôm bước đầu khởi sắc. Toàn ngành đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống nên năng suất lúa đông xuân của cả nước năm nay đạt 66,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2019. Cùng với đó, từ đầu năm khu vực lâm nghiệp và thủy sản cũng đã gặp vô số khó khăn, nhưng toàn ngành nông nghiệp cũng đã kịp đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Để có được các kết quả tốt đẹp như trên, không chỉ là cố gắng của toàn ngành mà còn là việc thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam cũng đã dần có những bước tiến vững chắc với năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, nhờ việc áp dụng khoa học công nghệ, trong đó tập trung chính vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ở nước ta, dù còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ tương đương với 0.2% GDP nông nghiệp, con số này thực sự còn khá khiêm tốn khi so sánh với những nước phát triển nhưng đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Một đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước hiện có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được công nhận. Ngoài 3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang đã được thành lập, hiện Chính phủ cũng đang xem xét thành lập 3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng. Song song với đó, gói tín dụng thương mại phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã thu hút hơn 16.800 doanh nghiệp tham gia với khoản đầu tư hơn 39.000 tỷ đồng. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp những năm tiếp theo, góp phần đưa ngành nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc.

Sản xuất nông nghiệp hiện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, đồng thời ứng dụng khoa học và công nghệ sau thu hoạch đã tạo ra giá trị mới cho nông sản góp phần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng tại các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản,… kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng vì thế mà đang có mức tăng nhanh. Có thể thấy rằng, với sự góp sức của khoa học kỹ thuật, toàn ngành nông nghiệp nước nhà nói chung và đời sống của người nông dân nói riêng đang ngày càng có những thay đổi rõ rệt, bộ mặt nông thôn Việt Nam cũng ngày một khởi sắc theo hướng bền vững.

Xuân Linh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0