TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Pháp luật và thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật

03:08 08/01/2021
Logo header Trong bối cảnh thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật là vấn đề tất yếu nhằm đảm bảo nguyên tắc dân chủ của hoạt động của nhà nước. Hiến pháp năm 2013 được xem như là một bước tiến lớn đáp ứng cơ bản các nghĩa vụ về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật. Hiện thực hóa tư tưởng công khai, minh bạch trong Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã xây dựng và ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật BHVBQPPL). Luật năm 2015 có nhiều quy định mới mang tính đột phá so với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004. Thông qua việc quy định chặt chẽ trách nhiệm công khai, minh bạch ngay trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật BHVBQPPL 2015 đã cơ bản hình thành quy trình xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả. Bên cạnh việc quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, Luật BHVBQPPL 2015 cũng bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quyền tiếp cận của người dân sau khi văn bản được ban hành.

Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức Tọa đàm và tham vấn với Cục Điều tra chống tham nhũng Singapore - CPIB

1. Quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật

Hiện nay, việc xây dựng văn VBQPPL theo quy định của Luật ban hành VBQPPL 2015 được thực hiện theo hai quy trình: đề nghị xây dựng và soạn thảo văn bản. Trong đó, quy trình đề nghị xây dựng (hay còn gọi là đề nghị chính sách) là quy trình mới hoàn toàn và được xem là một trong những thay đổi quan trọng nhất so với trước đó. Hoạch định chính sách trong xây dựng VBQPPL là “việc xác định những chủ trương, tư tưởng cốt lõi đối với vấn đề mà văn bản dự định điều chỉnh”[1]. Luật ban hành VBQPPL 2015 có một số yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể như sau:

a) Về nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL (Điều 5 Luật ban hành VBQPPL 2015): kế thừa quy định của Luật ban hành VBQPPL 2008 về nguyên tắc bảo đảm tính minh bạch, khả thi của VBQPPL, Luật ban hành VBQPPL 2015  bổ sung yêu cầu về tính tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản (khoản 3, khoản 4 Điều 5 Luật ban hành VBQPPL 2015).

b) về quy trình, Luật ban hành VBQPPL 2015 đã dành 09 chương (Chương III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X và XI) để quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền từ Quốc hội, Chính phủ đến chính quyền địa phương. Căn cứ vào tính chất quan trọng và phức tạp của mỗi loại văn bản quy phạm pháp luật mà trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành mỗi loại văn bản có những điểm đặc thù riêng. Tuy nhiên, đều được quy định rõ ràng, cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, thời hạn, hồ sơ, cách thức tiến hành xây dựng, xem xét, thông qua văn bản. Theo đó, bảo đảm tính công khai được coi là một trong những yêu cầu xuyên suốt trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể hóa Luật ban hành VBQPPL 2015, ngày 14/5/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình ban hành VBQPPL.

Việc đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật theo Luật ban hành VBQPPL 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, bảo đảm sự tham gia các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức lập đề nghị có thể huy động sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, hội, hiệp hội, tổ chức khác có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học vào các hoạt động như: (1) Tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; rà soát đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; (2) Khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội có liên quan đến các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (3) Tập hợp, nghiên cứu, so sánh tài liệu, điều ước quốc tế có liên quan đến các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (4) Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trong giai đoạn soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học được quy định là thành phần bắt buộc trong Ban soạn thảo, trong Hội đồng thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế huy động chuyên gia, nhà khoa học; Điều 175 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm cho việc sử dụng chuyên gia trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản.

Thứ hai, bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua việc cho ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc lấy ý kiến Nhân dân là căn cứ thực tiễn quan trọng giúp bảo đảm tính khả thi của văn bản khi thi hành, bảo đảm pháp luật sát dân, gần dân, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo quần chúng Nhân dân góp phần bảo đảm hài hòa các quyền, lợi ích trong xã hội. Luật BHVBQPPL năm 2015 đã có nhiều quy định cụ thể việc lấy ý kiến và tạo điều kiện để Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất, hiệu quả như:

- Quy định việc lấy ý kiến là thủ tục bắt buộc trong cả giai đoạn xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo đối với tất cả các luật, pháp lệnh, một số loại nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Đối với các loại văn bản pháp luật còn lại thì việc lấy ý kiến được thực hiện khi đã có dự thảo văn bản.

- Việc lấy ý kiến được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng và trong các giai đoạn khác nhau giúp có cái nhìn toàn diện, khách quan và chính xác nhất về những chính sách trong đề nghị và dự thảo văn bản. Chẳng hạn: dự thảo Luật quy định cần phải đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trên Trang thông tin về xây dựng pháp luật của Chính phủ trong thời gian ít nhất là 30 ngày. Đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, trong trường hợp cần thiết thì tổ chức họp báo thông tin về những chính sách cơ bản trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để thu hút hơn nữa sự quan tâm của các đối tượng chịu sự tác động. Đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết.

- Quy định trách nhiệm bắt buộc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp các chính sách (cơ quan, tổ chức, cá nhân) trong đề nghị và dự thảo văn bản (Điều 6, Điều 36, Điều 57… Luật ban hành VBQPPL năm 2015).

- Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được yêu cầu góp ý kiến như quy định trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến và trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản về nguồn tài chính, nguồn nhân lực, tác động đối với môi trường, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, bảo đảm quyền tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau khi văn bản được ban hành. Sau khi văn bản quy phạm pháp luật được thông qua hoặc ký ban hành, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện một số hoạt động như: công bố văn bản quy phạm pháp luật; đăng Công báo; đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động nêu trên là hết sức quan trọng, để bảo đảm công khai văn bản với người dân, giúp mọi người biết được quyền, nghĩa vụ của mình để thực hiện cho đúng pháp luật. Cụ thể như sau:

- Luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua phải được Chủ tịch nước công bố (chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua). Đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, để bảo đảm tính công khai, minh bạch, Luật ban hành VBQPPL năm 2015 bổ sung quy định: Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nghị quyết được thông qua, trừ nghị quyết được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn;

- Đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật (trừ văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã). Theo đó, Điều 150 Luật ban hành VBQPPL năm 2015 quy định các văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương phải được đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh và ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phải được đăng Công báo cấp tỉnh. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công báo để đăng Công báo.

- Đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Với mục tiêu tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền được thông tin và tiếp cận thông tin của công dân, trong đó có thông tin pháp luật theo quy định của Hiến pháp, ngoài việc công bố và đăng Công báo, Luật ban hành VBQPPL năm 2015 còn quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và đưa tin trên các phương tin thông tin đại chúng.

Như vậy, việc luật hóa quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL đã chú trọng hai nguyên tắc liên quan đến công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đó là “Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật” và “Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Kết quả rà soát các quy định, nghĩa vụ về công khai, minh bạch trong các công ước, hiệp định mà Việt Nam đã ký kết cho thấy, công khai, minh bạch là vấn đề được nhấn mạnh trong nhiều cam kết ở hầu hết các quy định của các công ước, hiệp định. Việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong các công ước, hiệp định mà Việt Nam đã ký kết tập trung nhiều ở các nguyên tắc chung (về dự thảo và ban hành quy phạm pháp luật, chính sách, quy định và quy tắc hành chính) cũng như các quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào kỹ thuật, thông lệ, hải quan và tố tụng. Với việc ban hành Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Việt Nam đã đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong các công ước, hiệp định ngay trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật[2].

2. Thực trạng thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật

2.1. Về công khai minh bạch trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội năm 2019, trong số 1.090 cán bộ, công chức, viên chức được hỏi về thực trạng công khai, minh bạch các ý tưởng, đề xuất hoạch định chính sách trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, có 76,88% ý kiến cho biết cơ quan hành chính nhà nước đã công khai các ý tưởng, đề xuất hoạch định chính sách trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, mức độ công khai, minh bạch các đề xuất hoạch định chính sách ở cấp trung ương (chính phủ và các bộ, ngành) là cao nhất với 98,01% số người trả lời cho biết cơ quan thực hiện công khai (Hình 2.1). Điều này cho thấy, về cơ bản các cơ quan quản lý nhà nước đã nhận thức được tầm quan trọng về hiện công khai, minh bạch trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Và sau 05 năm ban hành Luật ban hành VBQPPL 2015 và sau 04 năm Luật có hiệu lực thi hành, việc tổ chức thực thi nguyên tắc công khai, minh bạch trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cơ bản được thực hiện nghiêm túc, tạo được sự thống nhất trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

Hình 1: Thực trạng công khai, minh bạch các ý tưởng, đề xuất hoạch định chính sách

2.2. Về công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Theo kết quả khảo sát của đề tài, việc công khai, minh bạch các nội dung trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã được thực hiện khá tốt, bước đầu thu hút được sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua việc cho ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bả quy phạm pháp luật. Kết quả khảo sát 1090 đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức về thực trạng công khai, minh bạch các nội dung trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, bao gồm (1) công khai dự thảo chính sách, pháp luật, (2) công khai báo cáo tổng hợp, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân, (3) công khai báo cáo đánh giá tác động của chính sách trước khi ban hành văn bản cho thấy: tỷ lệ cơ quan quản lý nhà nước công khai dự thảo chính sách, pháp luật là 86,70%; tỷ lệ cơ quan hành chính nhà nước công khai báo cáo tổng hợp, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân là 92,84%; tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai báo cáo đánh giá tác động của chính sách trước khi ban hành văn bản là 81,47%. Trong đó, mức độ công khai, minh bạch cao nhất ở cấp trung ương (chính phủ và các bộ ngành), thấp hơn ở cấp tỉnh, cấp huyện, và cấp xã là thấp nhất (tuy nhiên mức độ công khai cũng trên 60%) (Hình 2.2). Việc thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật ở các cấp thời gian qua đã tăng cường tính dân chủ, phát huy trách nhiệm của công dân cũng như bảo đảm tốt hơn sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật.

Hình 2: Công khai dự thảo và báo cáo tổng hợp, đánh giá trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ở các cấp

Một trong những điểm sáng trong việc công khai, minh bạch quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là Quốc hội đã có một website thống nhất để công bố, công khai các sáng kiến lập pháp, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết tại địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn. Kết quả rà soát sơ bộ trên website http://duthaoonline.quochoi.vn cho thấy, tất cả hồ sơ trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đều được công khai để xin ý kiến, bao gồm toàn văn dự thảo, hồ sơ dự án, ý kiến người dân, thảo luận chính sách, tài liệu tham khảo. Việc này nhìn chung đáp ứng được yêu cầu của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 cũng như cam kết của Việt Nam trong các hiệp định, công ước quốc tế về công khai và minh bạch hóa.

2.3. Công khai, minh bạch tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Trong thời gian qua, các cơ quan hành chính nhà nước đã tích cực chủ động thực hiện công khai, minh bạch việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua việc thục hiện các hình thức công khai, minh bạch đã giúp cho người dân tiếp cận được toàn bộ hồ sơ dự án xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, thu hút được sự quan tâm của người dân đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao tránh được bệnh chủ quan duy ý chí áp đặt từ một phía, tạo điều kiện thuận lợi để văn bản đi vào cuộc sống khi được chính thức ban hành. Đồng thời, những ý kiến đóng góp của cơ quan, đơn vị, cá nhân cũng được công khai tạo một diễn đàn trao đổi, phản biện sôi nổi, tích cực, chủ động nhằm đưa ra những ý kiến, kiến nghị thiết thực đến các cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, các cơ quan hành chính nhà nước còn đăng tải báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến trên các trang thông tin điện tử giúp người dân hiểu rõ những ý kiến nào được tiếp thu, tiếp thu như thế nào, vì sao không được tiếp thu. Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội năm 2019 cho thấy, trong tổng số 1090 cán bộ, công chức được hỏi, có đến 1012 cán bộ, công chức (chiếm 92,85) cho rằng đã công khai, minh bạch báo cáo tổng hợp, lấy ý kiến về dự thảo chính sách, pháp luật. Điều này cho thấy, hoạt động tổ chức thực hiện công khai, minh bạch việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cơ quan, đơn vị, tổ chức trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật tương đối tốt.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức (chiếm 7,2%) cho rằng không công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi để văn bản đi vào cuộc sống khi được chính thức ban hành. Thực trạng này chủ yếu là do cán bộ, công chức vẫn chưa nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của việc công khai, minh bạch nội dung hoạt động này, cũng không nắm chắc và hiểu rõ các quy định pháp luật cần phải công khai, minh bạch. Việc tổ chức thực hiện công khai, minh bạch việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị là một quy trình quan trọng và có ý nghĩa nhưng dường như chưa được một số cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức. Việc thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn. Cách thức lấy ý kiến chỉ chủ yếu được thực hiện thông qua việc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, ít khi thông qua hình thức hội thảo hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng nên hạn chế lấy được những ý kiến, kiến nghị mang tính thiết thực cao của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân

2.4. Về công khai văn bản quy phạm pháp luật sau khi văn bản được ban hành:

Kết quả khảo sát của đề tài năm 2019 với 1.090 đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước cho thấy, có 86,61% người trả lời cho biết cơ quan có công khai, minh bạch nội dung chính sách, pháp luật sau khi ban hành. Trong đó, việc công khai, minh bạch nội dung chính sách pháp luật được thực hiện tốt nhất ở cấp trung ương (chính phủ và các bộ, ngành) với 97,35% người được hỏi cho rằng có công khai; mức độ công khai tốt xếp theo thứ tự là cơ quan hành chính cấp tỉnh (85,77% người được hỏi trả lời có công khai), cơ quan hành chính cấp huyện (84,95% người được hỏi trả lời có công khai), cơ quan hành chính cấp xã (80,67% người được hỏi trả lời có công khai) (Hình 2.3).

Kết quả rà soát việc công khai văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước (ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện) cho thấy, tỷ lệ công khai gần như trùng khớp với kết quả khảo sát cán bộ, công chức, viên chức nêu trên. Tuy vậy, khảo sát về công khai văn bản pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật tại địa chỉ: http://vbpl.vn (do Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp quản lý) cho thấy, mặc dù đây được kỳ vọng là kênh công khai tập trung, thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp sau khi ban hành, tuy nhiên, việc công khai chưa được thực hiện đầy đủ (đặc biệt là Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND).

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Môi trường và xã hội với đối tượng người dân, trong tổng số 1.810 người được hỏi, chỉ có 965 người (53,31%) cho biết tiếp cận được các văn bản chính sách, pháp luật sau khi nhà nước ban hành. Trong số đó, chủ yếu người dân chỉ tiếp cận được với các chính sách, pháp luật do trung ương quản lý (qua trang thông tin điện tử của chính phủ và các bộ ngành). Đối với các quyết định, nghị quyết cấp tỉnh, huyện và xã thì tỷ lệ công khai của các cơ quan hành chính nhà nước là rất thấp. Kết quả rà soát của nhóm nghiên cứu trên các trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện cũng cho thấy kết quả tương tự.

Hình 3: Công khai, minh bạch văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành

Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện công khai, minh bạch chưa đầy đủ và đồng bộ, vẫn còn những hạn chế: Theo PAPI, tổng hợp chỉ số về công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách qua các năm không có sự cải thiện đáng kể (năm 2016: 5,55 điểm, năm 2018: 5,19 điểm, năm 2019: 5,28 điểm), tổng hợp chỉ số về TNGT của các cơ quan nhà nước cũng ở tình trạng tương tự (2011: 5,08, 2015: 5,04, 2018: 4,89 điểm, 2019: 4,87 điểm (trên thang điểm 10)[3]. Đó là cơ quan nhà nước chưa thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ toàn bộ chu trình của chính sách; chưa quy định cụ thể về giám sát cơ quan chủ trì trong việc tổ chức lấy ý kiến, tiếp nhận, phản hồi đối với những góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; quy định về thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết chưa phù hợp; Những bất cập đã tác động tới chất lượng xây dựng pháp luật, dẫn tới làm giảm tính kịp thời của chính sách; nhiều VBQPPL được ban hành trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, không khả thi, không hợp lý. Trên thực tế, về nội dung hệ thống VBQPPL do UBND ban hành thường có nhiều văn bản không phù hợp với Hiến pháp, luật hoặc cơ quan nhà nước cấp trên. Có thể thấy được điều này thông qua việc kiểm tra VBQPPL và phát hiện có rất nhiều VBQPPL trái pháp luật. Theo PAR INDEX 2018, có 51/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL” trên 80%, trong đó có 5 địa phương đạt kết quả trên 90%, đánh giá kết quả trên dựa theo các tiêu chí theo dõi thi hành pháp luật, xử lý văn bản phát hiện sai phạm qua kiểm tra, xử lý VBQPPL sau rà soát, theo thống kế có 51/63 địa phương đã thực hiện đầy đủ 3 hoạt động theo dõi thi hành pháp luật tại Nghị định 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời số đơn vị này đã kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với 100% vấn đề hạn chế, bất cập phát hiện trong quá trình tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn[4]. Về mức độ dễ hiểu, dễ áp dụng thông tin đòi hỏi cơ quan ban hành VBQPPL phải nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp và phổ biến thông tin hoạt động của mình.

Những hạn chế, bất cập đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những vấn đề thuộc về quy trình xây dựng và ban hành luật; có những vấn đề thuộc về khâu soạn thảo; có những vấn đề thuộc về chính sách thể chế vào luật... Và đặc biệt là những yêu cầu về công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật chưa được bảo đảm. Đây có thể coi là yêu cầu nền tảng mang tính chính trị, là yêu cầu đặt ra phải đảm bảo công khai, minh bạch trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật.

Nguyễn Đình Phúc, Tạp chí Tri thức Xanh - Số 44 - 21


[1] PGS,TS. Hoàng Thế Liên (chủ biên), Sổ tay kỹ thuật soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động của VBQPPL, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2011, tr. 43

[2] Phan Trung Lý, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Đình Phúc (2020), CK, MB - cam kết của Việt Nam thời hội nhập, Tạp chí Việt Nam hội nhập, số tháng 7/2020.


[3] Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) (2018), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018

[4] Báo cáo chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX 2018,

Bình luận: 0