TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Phòng bệnh sốt xuất huyết để hạn chế tình trạng “dịch chồng dịch”

22:41 10/09/2020
Logo header Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính chung cả Việt Nam từ đầu năm 2020 đến ngày 12/7/2020 đã ghi nhận 36.253 ca mắc sốt xuất huyết. Tại một số địa phương đã có ca tử vong như Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ, Tây Ninh và Hà Nội. So cùng kỳ năm 2019, số ca mắc giảm 58,6%, số tử vong giảm 10 ca, nhưng hiện số ca mắc bắt đầu gia tăng theo diễn biến mùa dịch hàng năm và đã tăng hơn so với trung bình 5 năm trước.

Ao tù nước đọng trong khu dân cư là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh do virus Dengue gây ra. Đây là một căn bệnh rất nguy hiểm, người mắc thường có triệu chứng sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Đau họng và đau bụng là những triệu chứng nổi trội thường gặp ở trẻ em khi bị mắc bệnh. Ở trẻ, hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng đến tay chân. Một số trường hợp có thể bệnh tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc. Người mắc nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong. Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời đối với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời. Ở các vùng nhiệt đới như Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết có khả năng lây nhiễm rất nhanh do vật trung gian là muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn sau khi đốt, hút máu người bệnh sốt xuất huyết nhưng không biểu hiện triệu chứng, rồi sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ đưa virus Dengue vào cơ thể khỏe mạnh thông qua vết đốt đó. Muỗi thường sinh sản nhanh ở cả vùng thành thị và nông thôn vào mùa mưa tháng 7, 8, 9, 10 và đẻ trứng vào nước ngọt (bể, lu, chum, vại nước ngọt, các ao hồ, lốp xe hỏng, chai, lọ chứa nước mưa…). Chúng hoạt động cả ban ngày, ban đêm và nhất là sáng sớm, chiều tối và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh sốt xuất huyết. 

Trong thời gian qua, đã có trường hợp tử vong do chủ quan trong việc điều trị sốt xuất huyết. Ngày 01/9/2020 một nam bệnh nhân 57 tuổi ở Hà Nội đã tử vong sau hơn 01 tuần mắc bệnh sốt xuất huyết. Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, từ 23/8/2020 bệnh nhân đã có những biểu hiện rét run, sốt, mệt mỏi và đã tự mua paracetamol (thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt) về uống. Ngày 26/8, bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các lý do dẫn đến tử vong là do sốt xuất huyết và ngộ độc paracetamol. Theo đánh giá của các bác sĩ y tế, lý do là vào bệnh viện muộn, chủ quan và tự dùng thuốc. Trước đó, vào đầu tháng 8/2020, khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 01 bệnh nhân sốt xuất huyết là nam thanh niên 17 tuổi ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm bị ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà. Khi đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được 2 lần hồi sức tim thành công và được áp dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo), nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng. 

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội, đặc biệt là tới tâm lý của người dân - họ thường không muốn đến đến những nơi tập trung đông người (nhà ga, bến tàu, bệnh viện,...), nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết (sốt, đau mỏi người,..) đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị trừ khi bệnh tình chuyển biến xấu. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay trước nguy cơ “dịch chồng dịch” và cũng là một trong số những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Trong bối cảnh nguy cơ cao như vậy, việc phòng bệnh sốt xuất huyết là một việc làm cấp bách để có thể đảm bảo được sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến hết tháng 8/2020, chỉ riêng thành phố Hà Nội đã ghi nhận tới 1.360 ca mắc sốt xuất huyết. Đáng lo, người mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những tháng gần đây mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực tuyên truyền và ngăn chặn căn bệnh này. Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, để kiểm soát tốt tình hình, không để dịch lan rộng và kéo dài, vào ngày 03/7/2020 Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3608/BYT-DP đề nghị các UBND tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giao UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động phòng chống sốt xuất huyết. Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Đối với những khu vực đang xuất hiện dịch sốt xuất huyết Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diện rộng. Người dân cũng cần chủ động có những biện pháp để phòng bệnh sốt xuất huyết đối với bản thân và gia đình bao gồm nằm màn, mặc quần áo tránh muỗi đốt, bôi kem chống côn trùng cắn, phun thuốc diệt muỗi, cải tạo môi trường, tiêu diệt loăng quăng bọ gậy, hạn chế nơi đẻ trứng của muỗi ở những vật đựng nước trong nhà hay quanh nhà. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị kịp thời. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh thành, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. 

Hiện tại, ở Việt Nam đang là mùa thuận lợi cho muỗi sinh sản nên nguy cơ xảy ra dịch sốt xuất huyết là khá lớn. Vì vậy, ngoài nỗ lực của các cơ quan Nhà nước thì người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để ngăn chặn khả năng dịch bệnh lây lan. Những cách làm đơn giản nhất như loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...), thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, ống bơ, lốp/vỏ xe cũ,.., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến,.. là người dân đã có thể tự bảo vệ được sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 27 - 20

Bình luận: 0