TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

18:28 13/05/2021
Logo header Tóm tắt: Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt địa bàn các tuyến sông Mã, sông Chu, sông Tào Xuyên, sông Lèn, tập trung tại các huyện Quan Hóa, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hoá, Tp. Thanh Hóa. Bài viết tập trung khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa. Từ khóa: khai thác khoáng sản, cát, Cảnh sát môi trường, Thanh Hóa Summary: In the past few years, there has been a significant increase in violations of Mining, especially in the areas of the Ma River, Chu River, Tao Xuyen, and Len River. , concentrated in districts Quan Hoa, Vinh Loc, Yen Dinh, Thieu Hoa, Hoang Hoa, Thanh Hoa City. This article focuses mainly on surveying, assessing the current situation and recommending solutions for Thanh Hoa Environmental Police to prevent those illegal activities. Keywords: mineral exploitation, sand, Environment police, Thanh Hoa

1. Đặt vấn đề

Thanh Hoá có diện tích tự nhiên 11.168km2, dân số gần 3,7 triệu người, bao gồm 01 thành phố, 02 thị xã, 24 huyện với tổng số 635 xã, phường, thị trấn; là tỉnh có đủ cả 03 vùng: đồng bằng, miền biển, trung du - miền núi; có 192 km biên giới quốc gia với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, 102 km đường bờ biển, đoạn quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh có chiều dài 138km, đường Hồ Chí Minh là 98km, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá từ Bắc vào Nam và ngược lại; Có 04 khu công nghiệp lớn, 01 khu kinh tế, trong đó khu kinh tế Nghi Sơn đang là một trong những trọng điểm thu hút các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều cảng sông, cảng biển, khu du lịch, có 04 Khu Bảo tồn thiên nhiên (Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, Rừng Sến Tam Quy), 01 Vườn quốc gia (Bến En) và một phần diện tích vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương với hơn 87 nghìn ha rừng đặc dụng, gần 94 nghìn ha rừng phòng hộ, có 19 loài động vật và 42 loại khoáng sản, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý, hiếm… được phân bố trên nhiều địa bàn trong tỉnh.

Thanh Hoá là một trong số ít các tỉnh ở Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Với trên 250 điểm khoáng sản và 42 loại khoáng sản khác nhau, nhiều loại có trữ lượng lớn so với cả nước như Cát (khoảng 23,9 triệu m3) Đá vôi (Khoảng 370 triệu tấn), Sét để sản xuất xi măng, gạch ngói (khoảng trên 100 triệu khối) Đá ốp lát (khoảng 3 tỉ khối), Crôm (khoảng 21.898 triệu tấn), Secpentin (15 triệu tấn), Đôlômit (4,7 triệu tấn), quặng Sắt (3 triệu tấn)…vv. Là tỉnh giàu về nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm gốm Ceramic, kim loại đen, vàng, đá quý, khoáng sản dùng làm nguyên liệu phân bón và hoá chất…vv.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có trên 220 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng hầu hết đều không chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về môi trường. Các hành vi vi phạm phổ biến là không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ báo cáo ĐTM, cam kết BVMT trong khai thác, chế biến khoáng sản; không phục hồi hoàn thổ sau khai thác... Đặc biệt là hoạt động khai thác trái phép khoáng sản (quặng Crom, sắt, đất, đá, cát...), khai thác không đúng thiết kế khai thác mỏ làm ô nhiễm môi trường, gây lãng phí nguồn tài nguyên, gây mất ổn định ANTT trong khu vực mỏ. Nhiều đơn vị được cấp mỏ buông lỏng quản lý, không tổ chức sản xuất kinh doanh đúng quy định, không đủ năng lực quản lý mỏ.

Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản không chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường. Sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền đối với hoạt động khai thác trái phép khoáng sản; do lợi nhuận các doanh nghiệp được cấp phép mỏ, nhưng hợp đồng dự án ở xa mỏ nên bằng mọi cách tìm địa điểm có khoáng sản gần dự án để khai thác trái phép nhằm giảm chi phí vận chuyển và trốn thuế...

Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực khoáng sản diễn ra khá phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này đã ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

2. Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Thanh Hóa

Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp. Theo tổng kết của Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa, tổng số vụ việc vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản được phát hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến tháng 6/2020 là 280 vụ, chiếm hơn 56% số vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Trong đó, số vụ phát hiện, xử lý các năm đều có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước, cụ thể: năm 2015 tăng 7%, năm 2016 tăng 9%, năm 2017 tăng 10%, năm 2018 tăng 25%, năm 2019 tăng 25.1% so với năm trước đó. Số vụ vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng liên tục trong những năm trở lại đây. Các hành vi vi phạm tập trung vào các nhóm sau: khai thác trái phép khoáng sản (cát) làm vật liệu xây dựng diễn ra phức tạp trên các tuyến sông Mã, sông Chu, sông Tào Xuyên, sông Lèn, tập trung tại các huyện Quan Hóa, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hoá ( chiếm 63,7% các vụ vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản); Khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp các dự án xây dựng diễn ra chủ yếu trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Hà Trung, Bỉm Sơn, Nông Cống, Như Thanh, Triệu Sơn, Ngọc Lặc... Vi phạm chủ yếu là các đơn vị được cấp phép mỏ khai thác không đúng thiết kế mỏ, ngoài khu vực mỏ; một số đối tượng sử dụng phương tiện máy xúc khai thác đất trái phép hoặc lợi dụng việc hạ thấp độ cao đất đồi, đất ở, cải tạo ao vườn để khai thác đất trái phép (chiếm 36,3 %).

3. Những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân

Với tình hình trên, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác để tiến hành phòng ngừa hiệu quả như: Tham mưu kịp thời với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng trong quản lý về khai thác khoáng sản, phòng, chống vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản; tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khai thác khoáng sản và vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm; tích cực tham gia các đoàn liên ngành, phối hợp với các cơ quan chức năng, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý các vi phạm; triển khai một cách đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trên địa bàn, tuyến do mình quản lý, kịp thời phát hiện các đối tượng có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Chính vì vậy, đến tháng 6/2020 trên địa bàn tỉnh số vụ việc liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản đã giảm đáng kể, mới phát hiện 03 vụ việc liên quan đến lĩnh vực khai thác cát trái phép.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản còn có những hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về khai thác khoáng sản còn chưa được thực hiện thường xuyên, đối tượng được tuyên truyền, tiếp cận còn hạn chế, hình thức và phương pháp sử dụng còn chưa đa dạng, nội dung đơn giản, chưa có sự tác động mạnh vào tâm lý người dân và dư luận xã hội; công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chưa đánh giá đúng, khách quan tình hình thực tế. Số lượng đối tượng đưa vào quản lý khi có điều kiện khả năng, biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản còn hạn chế. Lực lượng cộng tác viên bí mật còn mỏng, cung cấp thông tin còn mang tính chung chung, thiếu giá trị chuyển hóa thành vụ việc cụ thể. Công tác nghiệp vụ cơ bản còn mang tính hình thức. Số vụ việc phát hiện, xử lý còn thấp, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Mức xử lý hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng có tâm lý chủ quan coi thường pháp luật. Hiệu quả công tác phòng ngừa chưa cao, trên địa bàn vẫn còn xảy ra một số vụ khai thác cát sỏi lòng sông diễn biến phức tạp, lén lút vào ban đêm gây khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý. Một số tàu thuyền sử dụng vòi hút sâu dưới lòng sông từ 10 -15m, ngoài ra nhiều tàu thuyền không có đăng ký, đăng kiểm tham gia hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép, gây sạt lở hệ thống đê điều và đất canh tác của người dân, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Hệ thống pháp luật trong phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường chưa đồng bộ và thống nhất; tại Chương XVII Bộ luật Hình sự phần lớn các tội danh chưa xử lý được. Nguyên nhân là do văn bản hướng dẫn chưa được cụ thể hóa, rất khó để xác định chủ thể phạm tội, hậu quả và mức độ phạm tội.

Thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát Cảnh sát phòng chống tội phạm và vi phạm về môi trường quy định trong một số điều của Nghị định 179 còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.

Nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của một số lãnh đạo ngành, các địa phương, đơn vị… còn hạn chế. Chưa đánh giá đúng tình hình cũng như các nguy cơ, hậu quả của việc ô nhiễm môi trường. Các đoàn thể, tổ chức xã hội, đơn vị doanh nghiệp chưa thể hiện được vai trò tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, chỉ huy còn hạn chế; chưa tổng hợp, đánh giá được tình hình nổi cộm về môi trường trong từng thời điểm để chỉ đạo, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm dẫn đến hiệu quả phát hiện, đấu tranh xử lý vi phạm chưa cao, còn chạy theo vụ việc.

Một số loại thiết bị thu, đo phân tích mẫu môi trường đã được trang bị, nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao, cán bộ được đào tạo về kiểm định chưa đáp ứng được yêu cầu; do chưa có phòng để phân tích, bảo quản các thiết bị theo tiêu chuẩn nên một số thiết bị đã bị hỏng, kinh phí sửa chữa còn hạn chế.

Trình độ CBCS không đồng đều, phần lớn chưa có kiến thức chuyên môn kỹ thuật, ít am hiểu về lĩnh vực, chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ Cảnh sát môi trường. Hơn nữa lực lượng cảnh sát môi trường cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm nên trách nhiệm, hiệu quả công tác còn thấp.

4. Một số giải pháp nhằm giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản

Với xu thế phát triển ngày càng phức tạp cả về số lượng, quy mô và tính chất của tình hình vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, trong thời gian tới, để phòng ngừa hiệu quả những vi phạm này, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa cần chú ý thực hiện tốt các mặt công tác sau đây:

Một là: Lực lượng Cảnh sát Môi trường phải kịp thời tham mưu, tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản kế hoạch, chỉ thị của Bộ ngành về công tác bảo vệ môi trường và phải bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát Môi trường trong quá trình công tác.

Hai là: Phải chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phải tạo được lòng tin và tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Ba là: Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch công tác với tinh thần trách nhiệm cao; Đặc biệt phải coi trọng công tác nghiệp vụ cơ bản, trong đó tập trung tổ chức tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, xây dựng sử dụng CTVBM.

Bốn là: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tiễn để dự báo tình hình nổi cộm, kịp thời đưa ra những giải pháp cụ thể để phòng ngừa, phát hiện, kiểm tra xử lý các vi phạm khai thác khoáng sản

Năm là: Xây dựng đội ngũ cán bộ của lực lượng Cảnh sát môi trường phải vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thượng úy, Nguyễn Thanh Tùng

Ths, Khoa Cảnh sát Môi trường, Học viện CSND

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 61 - 21

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Công an tỉnh Thanh Hóa, 2016, Báo cáo Tổng kết 10 năm công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2006 - 2016

Công an tỉnh Thanh Hóa, 2019, Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015 đến năm 2019

Công an tỉnh Thanh Hóa, 2020, Sơ kết công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2020.

Quốc hội, 2010, Luật Khoáng sản.

Bình luận: 0