TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Phú Thượng – Tây Hồ: Tự hào ba lần đón Bác Hồ về thăm

18:11 03/09/2020
Logo header Xã Phú Thượng thời kỳ trước năm 1995 thuộc huyện Từ Liêm được chia thành 03 làng gồm Thượng Thụy, Phú Gia và Phú Xá (có tên nôm lần lượt là làng Bạc, làng Gạ và làng Sù). Đất Thượng Thụy xưa có nghề trồng hoa lay ơn và buôn chuối, làng Phú Xá giáp đất Nhật Tân, có nghề trồng đào và làm bún, riêng làng Phú Gia thì có nghề truyền thống là nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi và bánh đa kê. Phú Gia còn đặc biệt nổi bật khi nơi đây còn gìn giữ ngôi mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (vì đây là quê ông Nguyễn Kiều - chồng của nữ sĩ) và là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân lên đất Hà Nội trước khi đọc bản tuyên ngôn Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình năm 1945.

Bác Hồ về Phú Thượng chúc Tết nhân dân ngày 31/01/1957

Xã Phú Thượng trải qua bao thăng trầm lịch sử, nay đã trở thành phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đang trên đà phát triển để từng bước thay đổi diện mạo, góp phần phát triển xã hội. Tuy nhiên, những dấu ấn lịch sử nơi đây vẫn được chính quyền và nhân dân ngày ngày góp công gìn giữ như một trách nhiệm truyền lại cho bao thế hệ noi theo.

Nơi Bác Hồ và các đồng chí Việt Minh hoạt động trước ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nói về phường Phú Thượng, người dân làng vẫn thường rất tự hào về những di tích lịch sử còn được bảo tồn nơi đây, nhất là điểm dừng chân của vị Cha già dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người xưa kể rằng: Vào ngày 23/8/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội thì làng Phú Gia là nơi dừng chân đầu tiên của Người. Người đã đi dọc bờ đê đến nhà cụ Nguyễn Thị An (mẹ của ông Công Ngọc Kha (Trần Lộc) - cán bộ Việt Minh thời kỳ năm 1945). Theo cuốn sách 75 năm ngày Bác Hồ đã ở và làm việc tại Phú Gia (23/8/1945 - 23/8/2020), rồi ở đó chờ các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp tới đón vào nội thành để chuẩn bị cho buổi đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Sau này, vào năm 1946, Bác lại một lần nữa trở lại thăm ngôi nhà ở của ông Kha và cũng ở đây, Bác có buổi làm việc với cán bộ xã Phú Thượng và cán bộ quận Lãng Bạc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Trong cuốn sách 75 năm ngày Bác Hồ về ở và làm việc tại Phú Gia (23/8/1945 - 23/8/2020) có miêu tả về ba lần Phú Gia được đón Bác như sau: “Lần thứ nhất vào khoảng 8h tối ngày 23/8/1945, tôi (ông Công Ngọc Kha - theo PV) cùng một số đồng chí trong UBND lâm thời xã Phú Gia đang dự cuộc họp của phụ nữ thì Sự (cô em gái tôi) đến gọi tôi phải về ngay vì nhà có khách… nghe nói có người ở chiến khu về nên tôi mừng lắm vì hai chữ “chiến khu” đối với chúng tôi hồi đó nghe rất thiêng liêng và háo hức… Rồi tôi được giới thiệu đồng chí ở chiến khu về là một thượng cấp, sẽ ở nhà tôi và tôi có nhiệm vụ gần gũi phục vụ và bảo vệ đồng chí ấy. Đồng chí mà tôi đoán chắc là thượng cấp đang ngồi trong nhà tôi là một ông cụ đã có tuổi, mặc bộ quần áo chàm, tóc hoa râm, chòm râu thưa, chân đi đôi giầy vải người dân tộc, vóc người gầy yếu, nước da ngăm đen hình như mới vừa qua một trận ốm. Đồng chí đó xem ra bận lắm, đang chăm chú ghi chép điều gì đó vào cuốn sổ tay nhỏ…; Lần thứ hai Bác về thăm Phú Gia là vào ngày 24/11/1946 sau khi Người trở về từ Hội nghị văn hóa toàn quốc. Khác với lần trước, lần này chúng tôi được báo trước, tuy vậy nhưng gia đình tôi vẫn bất ngờ. Còn nhớ hôm đấy, tôi và anh tôi đang ngồi lợp lại mái nhà ngang bỗng nghe có tiếng xe ô tô ở ngoài đê, tiếp theo là tiếng cười nói ríu rít, mọi người reo to: “Bác Hồ về, Bác Hồ về!”. Anh em tôi tụt vội từ trên nóc nhà xuống, chạy vội ra cổng đón Bác…; Lần thứ ba Bác Hồ về Phú Gia đúng vào dịp Tết Nguyên đán sau khi nhân dân nửa nước ta đã có hòa bình và nông dân miền Bắc đã trải qua những thay đổi lớn sau khi tiến hành thắng lợi cuộc cải cách ruộng đất, mọi người đã có trâu cày, ruộng cấy… Lần này, Bác về thăm nhiều nơi, chúc Tết nhiều gia đình cơ sở cách mạng… Bác thăm hỏi ân cần, động viên mọi người thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất để tiến tới đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà…

Ông Nguyễn Công Dũng đang kể lại câu chuyện của gia đình khi được gặp Bác Hồ và giới thiệu những hoạt động kỷ niệm tại di tích lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An.

Chia sẻ về mảnh đất có nhiều dấu ấn của Bác Hồ, đồng chí Bùi Tuấn Dương - Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết: “Với vai trò như một “bảo tàng kí ức” lưu giữ những kỉ niệm quý báu về Bác Hồ, hiện nay ngôi nhà của cụ An vẫn được lưu giữ nguyên vẹn với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Bác đã lưu lại nơi đây. Ngôi nhà đã được công nhận là Nhà Lưu niệm Bác Hồ và mở cửa đón khách thăm quan từ năm 1996. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9), cán bộ, lãnh đạo chúng tôi cũng về đây dâng hương để tưởng nhớ về Người. Đây là niềm tự hào của địa phương. Thời gian qua, nhiều du khách thập phương và một số trường học đã đưa học sinh tới đây thăm quan, học tập, qua đó góp phần giáo dục, bồi đắp về tinh thần cách mạng và tình yêu quê hương đất nước đối với nhiều thế hệ con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Chính vì thế mà mỗi nơi Bác đặt chân đến đều được Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Phú Thượng gìn giữ, phát huy giá trị của di tích.

Sau nhiều năm, đến nay cảnh quan và hiện trạng của di tích vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Ông Công Ngọc Dũng - cháu nội cụ An, người trực tiếp trông coi di tích tự hào chia sẻ: “Những người trong gia đình tôi đều một lòng mong muốn được lưu giữ lại những kỉ niệm về một giai đoạn lịch sử đáng tự hào về Bác, chính vì thế mà gia đình tôi luôn cố gắng cùng nhau duy trì và gìn giữ di tích này. Tôi tự hào vì bố mình là chiến sĩ cách mạng và tôi rất vui mỗi khi được chia sẻ niềm tự hào của mình với du khách đến thăm quan nơi đây”. Ông Dũng còn cho biết: “Trung bình mỗi tháng, ngôi nhà đón khoảng 100 lượt khách thăm quan, học tập, nghiên cứu và là nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm, dâng hương, báo công của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn”. 

Trung Tâm - Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 26 - 20

Bình luận: 0