TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Quản lý và phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

00:06 23/10/2020
Logo header Trong những năm vừa qua, để khắc phục tình trạng thiếu hụt quỹ nhà ở công nhân (NƠCN), Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm gắn trách nhiệm phát triển NƠXH cho công nhân đối với chính quyền địa phương có khu công nghiệp (KCN) và các chủ đầu tư phát triển KCN, coi việc xác định rõ phương án bố trí nhà ở cho công nhân là yêu cầu nội dung bắt buộc trong quá trình quy hoạch và đầu tư xây dựng các KCN tập trung.

Ảnh minh họa

Tại nghị Quyết số 18/NQ-CP ngày 31/3/2009, Chính phủ đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng các KCN mới phải tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt “Quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân gắn với khu công nghiệp” cũng như đưa ra một số chỉ tiêu cơ bản về thiết kế, quy hoạch. Tại Nghị định Chính phủ số 164/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, khu chế xuất và khu kinh tế, đã bổ sung điều 21c: về Phát triển nhà ở cho người lao động KCN, khu kinh tế. Trong đó quy định rõ: Quy hoạch nhà ở cho người lao động gắn liền với quy hoạch các KCN trên địa bàn. UBND cấp tỉnh quy hoạch và bố trí quỹ đất ở vị trí phù hợp để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN; Đối với các KCN có khó khăn về nhà ở cho người lao động, căn cứ vào điều kiện cụ thể, trên cơ sở kiến nghị của nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, UBND cấp tỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCN để dành một phần diện tích đất KCN đã được giải phóng mặt bằng cho việc đầu tư xây dựng khu NƠXH cho người lao động; Trong trường hợp khu vực quy hoạch phát triển nhà ở nằm cạnh KCN thì UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KCN gắn với quy hoạch xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người lao động.

Bên cạnh các yêu cầu bắt buộc trách nhiệm đối với chủ đầu tư hạ tầng KCN, doanh nghiệp sử dụng lao động, Chính phủ cũng đưa ra các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư, doanh nghiệp giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, lao động trong các KCN tập trung.

Mô hình đầu tư phát triển
Đầu tư phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay được thực hiện chủ yếu theo các mô hình: Đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố điển hình là dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố; Đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư xây mới, cải tạo quỹ nhà ở hiện có để cho công nhân thuê. Một số dự án đầu tư bởi doanh nghiệp như tại Dự án nhà ở công nhân KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Dự án Khu NƠCN Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam, Dự án NƠCN của Công ty TNHH Young Fast tại KCN Thạch Thất.

Công tác quy hoạch, thiết kế
Quỹ đất cho phát triển NƠCN chủ yếu từ nguồn Quỹ đất 20% dành cho NƠXH tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn đối với các dự án KCN đã hình thành và được xác định trong quy hoạch KCN đối với các dự án đang hình thành. Theo quy định, giải pháp bố trí NƠCN cần được xác định trong quá trình quy hoạch KCN. Các khu NƠCN có thể bố trí trong khuôn viên KCN hoặc bên ngoài KCN. Mật độ xây dựng được phép tăng tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn xây dựng hiện hành, không khống chế số tầng cao (phù hợp với quy hoạch xây dựng). Tiêu chuẩn tối thiểu 5m2/người. Theo quy hoạch được duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố có 33 khu công nghiệp với tổng diện tích ước khoảng 6.204ha. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 9 khu công nghiệp có tổng diện tích 1.776 ha đã đi vào hoạt động, thu hút 632 doanh nghiệp thứ phát và tạo việc làm cho 140.897 lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

Hiện nay, trong tổng số 9 khu công nghiệp đang hoạt động có 04 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã bố trí cho công nhân thuê được 12.760 chỗ.

Hiện trạng về các khu công nghiệp và các dự án nhà ở công nhân trong khu công nghiệp đang hoạt động.

Khu công nghiệp Thăng Long có tổng diện tích: 274 ha, đã thu hút 101 doanh nghiệp thứ phát đầu tư vào khu công nghiệp và lấp đầy 100% khu công nghiệp đã tạo được việc làm cho 59.713 lao động. Thành phố đã bố trí được khu nhà ở công nhân với quy mô diện tích 20ha, bao gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng và 03 khối nhà (gồm 4 đơn nguyên) diện quy mô 15 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là 119.714 m2 đáp ứng được khoảng 10.552 chỗ ở cho công nhân lao động tại KCN Thăng Long. Đến nay, công nhân đã thuê 5.874 chỗ ở, Số lượng công nhân đã thuê đạt khoảng 92%.

Khu công nghiệp Phú Nghĩa có tổng diện tích: 170 ha, đã thu hút 73 doanh nghiệp thứ phát đầu tư vào khu công nghiệp và lấp đầy 85% khu công nghiệp đã tạo được việc làm cho 9.167 lao động. Công ty kinh doanh hạ tầng (Công ty CP tập đoàn Phú Mỹ) đã bố trí được khu nhà ở công nhân với quy mô diện tích: 3,97 ha, bao gồm 05 khu nhà với 10 đơn nguyên nhà quy mô 6 tầng (gồm 1.144 phòng với tổng diện tích sàn xây dựng là 54.588 m2, đáp ứng được khoảng 7.900 chỗ ở). Đến nay, tòa nhà B đã hoàn thiện với tổng diện tích sàn là 4.822 m2 tương ứng 106 phòng đáp ứng cho khoảng 800 lao động. Số lượng công nhân đã thuê đạt khoảng 70%. Hiện Công ty đang tiếp tục thuê đơn vị tư vấn thiết kế các tòa nhà tiếp theo và sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới.

Khu Thạch Thất - Quốc Oai có tổng diện tích: 155ha, đã thu hút 101 doanh nghiệp thứ phát đầu tư vào khu công nghiệp và lấp đầy 95% khu công nghiệp, tạo được việc làm cho 12.060 lao động. Hiện nay, Khu công nghiệp chưa bố trí được nhà ở công nhân tập trung. Tuy nhiên, do nhu cầu cần có nhà ở cho công nhân của 1 số doanh nghiệp lớn, UBND thành phố đã cho phép đầu tư xây dựng nhà ở công nhân như: Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam và Công ty Young Fast Optoelectronics Việt Nam cụ thể:

Dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam: Địa điểm: Lô NO1 - KCN Thạch Thất - Quốc Oai; diện tích: 2,07 ha; gồm 03 đơn nguyên nhà ở 6 tầng; Tổng diện tích sàn xây dựng của dự án 38.170 m2 (đã xây dựng xong 02 đơn nguyên/03 đơn nguyên với tổng diện tích 24.668,42 m2 tương ứng 490 căn hộ và đưa vào sử dụng 330 căn hộ đáp ứng 2.290 chỗ ở). Hiện tại, số lượng công nhân đã thuê khoảng 69%. Hiện Công ty đang tiếp tục thuê đơn vị tư vấn thiết kế các tòa nhà tiếp theo và sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới.

Dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast: Địa điểm : Lô đất NHA-1, KCN Thạch Thất - Quốc Oai ; diện tích : 4.410,8 m2, gồm 03 đơn nguyên nhà 6 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 14.868 m2 gồm 257 căn hộ. Hiện nay, Công ty đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng 49 căn hộ, phục vụ cho chuyên gia và công nhân của Công ty, số lượng công nhân đã thuê khoảng 19,1%.

Hiện tại, 02 dự án trên mới chỉ bố trí và đáp ứng cho công nhân và chuyên gia của công ty.

Khu công nghiệp Quang Minh I có tổng diện tích: 407 ha, đã thu hút 213 doanh nghiệp thứ phát đầu tư vào khu công nghiệp và lấp đầy 85% khu công nghiệp, đã tạo được việc làm cho 32.641 lao động. Khu công nghiệp chưa có nhà ở công nhân. Hiện nay, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương cho phép Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức (chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Quang Minh I) điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, sử dụng 41ha tại xã Kim Hoa, thị trấn Chi Đông (thuộc phần diện tích 63 ha đất quy hoạch KCN Quang Minh mở rộng) tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân lao động trong khu công nghiệp. Hiện tại, Công ty TNHH đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức đang lập đồ án quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Quang Minh I theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Khu công nghiệp Quang Minh II có tổng diện tích: 159,29ha. Hiện nay, có 35 doanh nghiệp thứ phát đã được UBND tỉnh Vĩnh phúc chấp thuận chủ trương đầu tư vào khu công nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo được việc làm cho 254 lao động. Khu công nghiệp chưa có nhà ở công nhân. Ngày 04/11/2009, UBND Thành phố đã có Công văn số 10625/UBND-XD giao công ty TNHH Đầu tư Hợp Quần tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch một phần khu công nghiệp Quang Minh II (dưới 10% tổng diện tích khu công nghiệp khoảng 14 ha) dành cho xây dựng nhà ở công nhân và giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc hướng dẫn Công ty TNHH Đầu tư Hợp Quần điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp nhằm phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch phân khu. Ngày 18/3/2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có Công văn số 1046/QHKT-P3 hướng dẫn Công ty TNHH đầu tư Hợp Quần tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ 1/500 khu công nghiệp Quang Minh II và khu nhà ở công nhân. Hiện tại, Công ty TNHH đầu tư Hợp Quần đang lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ 1/500 khu công nghiệp Quang Minh II theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Và 03 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động tỷ lệ lấp đầy gần 100% nhưng chưa bố trí được nhà ở công nhân cụ thể:

Khu công nghiệp Nội Bài có diện tích 115 ha, đã thu hút 44 doanh nghiệp thứ phát đầu tư vào khu công nghiệp và lấp đầy 90% khu công nghiệp đã tạo được việc làm cho 18.626 lao động. Ngoài ra, tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn có dự án nhà ở công nhân thuê và các công trình dịch vụ công cộng đã được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 3898/QĐ-UBND ngày 31/7/2009. Diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 323.430m2, trong đó bố trí nhóm nhà ở công nhân khoảng 38.700 m2. Tuy nhiên, đến nay Chủ đầu tư không triển khai dự án.

Khu công nghiệp Sài đồng B có diện tích 45 ha, đã thu hút 29 doanh nghiệp thứ phát đầu tư vào khu công nghiệp và lấp đầy 100% khu công nghiệp đã tạo được việc làm cho 8.778 lao động.

Khu công nghiệp Nam Thăng Long có diện tích 30 ha, đã thu hút 36 doanh nghiệp thứ phát đầu tư vào khu công nghiệp và lấp đầy 100% khu công nghiệp đã tạo được việc làm cho 1.458 lao động.

Quy hoạch phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thành phố Hà Nội.
Các KCN mới đã phê duyệt QHCT có quỹ đất làm nhà ở công nhân: Các dự án nhà ở công nhân trong KCN đã có quy hoạch và đã triển khai, hiện nay một số KCN mới phê duyệt QHCT đều có nhà ở công nhân như:

KCN sạch Sóc Sơn: Đã được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 2735/QĐ-QHKT ngày 27/8/2013, trong đó có 197.046 m2 đất sử dụng xây dựng nhà ở cho công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân.

KCN hỗ trợ Nam Hà Nội: Giai đoạn I đã được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 30/3/2012 và Quyết định số 2305/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trong đó: Phần diện tích 72 ha triển khai giai đoạn I của khu công nghiệp hiện nay chủ đầu tư đã trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp trong đó có 0,9ha xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; Đối với phần diện tích trên 400 ha cho giai đoạn tiếp theo của khu công nghiệp, chủ đầu tư trong quá trình lập quy hoạch sẽ quy hoạch một phần quỹ đất của dự án để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân theo quy định hiện hành của việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp.

Các KCN đã phê duyệt QHCT cần điều chỉnh để có quỹ đất làm nhà ở công nhân:
Khu công nghiệp bắc Thường Tín: Có diện tích 112ha. Theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Thường Tín đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5516/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 và Quy hoạch phân khu đô thị GS (A) tỷ lệ 1/5000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6633/QĐ-UBND ngày 02/12/2015. Theo đó KCN Bắc Thường Tín bao gồm toàn bộ diện tích 80,4ha thuộc KCN Bắc Thường Tín đã được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao cho công ty Đầu tư và phát triển DIA-Hà Tây và 1 phần diện tích đất ở phía Nam Vành đai IV giao cho công ty Xây dựng và phát triển (HSDC) đang triển khai công tác lập điều chỉnh quy hoạch, quy mô, diện tích đất công nghiệp và diện tích nhà ở công nhân… sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập điều chỉnh quy hoạch. Đối với phần diện tích 80,4 ha giao cho công ty Đầu tư và phát triển DIA-Hà Tây hiện nay công ty đã chấm dứt hoạt động đến việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Bắc Thường Tín.

Khu công nghiệp Phụng Hiệp: Đã được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 1975/QĐ-UBND ngày 29/10/2007. Hiện nay, chủ đầu tư đang lập điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với Quy hoạch chung do bị ảnh hưởng bởi tuyến đường Ngọc Hồi- Phú Xuyên. Quy mô, diện tích đất công nghiệp và diện tích nhà ở công nhân sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập điều chỉnh quy hoạch.

Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội: Đã được UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Nam Thăng Long thành khu công nghệ cao sinh học Hà Nội. Hiện tại, chủ đầu tư đang lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ 1/500 theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch Kiến trúc và trong đồ án đã bố trí khu nhà ở công nhân, chuyên gia, ký túc xá…

Nhu cầu về nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội (đối với 19 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng đến năm 2020).

Phương pháp xác định: Theo ước tính đối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước khoảng 116 công nhân/ 01 ha đất công nghiệp. Theo QCXDVN 01/2008/BXD: Diện tích đơn vị ở tối thiểu: 5,7m2/người; Đất cây xanh tối thiểu: 1,0 m2/người; Đất công trình phúc lợi tối thiểu: 2,7 -  5,7m2/người.

Số lượng công nhân có nhu cầu nhà ở: Thông qua khảo sát Phòng chuyên môn tạm tính khoảng 75% số công nhân trong các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở.

Nhu cầu nhà ở của công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố:

Nhu cầu nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tại dự thảo Chương trình tính đến năm 2020 đối với các khu công nghiệp của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ ghi vào danh mục các khu công nghiệp Việt Nam phát triển đến năm 2020. Đối với các khu công nghiệp dự kiến phát triển đến năm 2030 trong quá trình lập quy hoạch chi tiết chủ đầu tư hạ tầng phải có phần diện tích xây dựng nhà ở công nhân theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “phát triển và quản lý nhà ở xã hội”.

Một số giải pháp thực hiện.
Kêu gọi đầu tư: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi chủ trương, những ưu đãi của Nhà nước và Thành phố để tạo bước đột phá vào lĩnh vực xây dựng nhà ở công nhân; khuyến khích xã hội hoá đầu tư.

Xây dựng cơ chế, chính sách: Xây dựng và ban hành quy định cụ thể của Thành phố về phân công, phân cấp quản lý Nhà nước, về quy trình cụ thể thực hiện dự án, và các cơ chế chính sách cụ thể nhằm thống nhất quản lý, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Tạo các nguồn lực để thực hiện các ưu đãi đầu tư: Thành phố, Quận, Huyện căn cứ Chương trình xây dựng nhà ở công nhân, tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chung TL 1/2000 các khu vực được chọn để làm nhà ở công nhân. Sử dụng quỹ đất của Thành phố và các quận, huyện, thị xã bên cạnh khu công nghiệp hoặc quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại cho các dự án nhà ở công nhân. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho xây dựng hạ tầng xã hội bao gồm các công trình phúc lợi công cộng, đồng thời tiếp nhận có hiệu quả vốn hỗ trợ từ Trung ương và quốc tế, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thuận tiện.

Lê Quang Long
Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 33 - 20

Bình luận: 0