TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Quản trị thông minh - xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp

20:49 05/11/2020
Logo header Sự lây lan nhanh và khó lường của COVID-19 dẫn đến những bất ổn về kinh tế đã mang đến nhiều thách thức cho xã hội và các doanh nghiệp. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp đóng cửa sau đại dịch, đã có những doanh nghiệp đã có bước đi táo bạo trong việc áp dụng công nghệ và quản trị thông minh, điều này giúp doanh nghiệp không chỉ trụ vững sau khủng hoảng mà còn mở ra các chiến lược phát triển mới ứng phó trước các cuộc khủng hoảng và cạnh tranh trong tương lai. Vậy quản trị thông minh là gì? Liệu đây có phải xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp?

Những khó khăn của quản trị truyền thống
Covid – 19 và giãn cách xã hội tạo sức ép chưa từng có lên tất cả các phương diện của cuộc sống, dịch bệnh cũng gây ra sự dịch chuyển của xu hướng tiêu dùng và cách vận hành của tất cả các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Đại dịch đã thay đổi đáng kể hành vi của khách hàng và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới, và vì vậy, đã có những tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bán lẻ. Tại Việt Nam, theo báo cáo từ S&P Global Market Intelligence, tính tới tháng 7/2020, đã có 40 nhà bán lẻ nộp đơn xin phá sản trong năm 2020 với những khoản nợ rất lớn.

PGS.TS Hoàng Văn Hải – Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cho rằng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là vấn đề văn hóa

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và dịch vụ được đánh giá là nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Theo ông Vũ Xuân Hợi – Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu Nam Á, Covid - 19 khiến cho doanh nghiệp bị đóng băng khi hàng hóa không thể xuất khẩu và nhập khẩu trong khi doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản chi phí mặt bằng, chi phí nhân công, trả lãi ngân hàng…"Nợ nần ngày càng lớn là nỗi lo lớn nhất của chúng tôi, lợi nhuận thặng dư năm 2019 đã không đủ để bù lỗ, chúng tôi không biết cần mất bao nhiêu thời gian sau Covid – 19 để có thể trở về trạng thái cân bằng trước đây”, ông Hợi chia sẻ. Có thể thấy rằng, với các doanh nghiệp không chịu thay đổi hoặc không kịp chuyển mình theo xu thế mới thì nguy cơ rất cao là chịu thua lỗ hoặc phá sản.

Ngược lại, những doanh nghiệp biết đón đầu xu hướng, áp dụng quản trị thông minh và công nghệ 4.0 có thể tạo nên những đột phá, thậm chí là các bước phát triển nhảy vọt. Chị Nguyễn Bích Hương, chủ một hệ thống trung tâm ngoại ngữ có trụ sở tại Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương chia sẻ về giai đoạn vượt qua khủng hoảng: “Chúng tôi gặp khó khăn bước đầu vì quan điểm truyền thống như đi học là phải đến trường, họp chuyên môn là phải gặp mặt trực tiếp thì mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên chúng tôi đã nhanh chóng sử dụng hình thức họp trực tuyến, giao việc thông qua google calendar và một số nền tảng ứng dụng khác. Bên cạnh đó việc nhanh chóng thiết kế chương trình dạy học online giúp chúng tôi vẫn duy trì được doanh thu. Sau khủng hoảng do Đại dịch Covid – 19, chúng tôi xác định đào tạo online là một trong những hướng đi tiềm năng cần đầu tư phát triển”.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Hải – Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là vấn đề văn hóa, khi các thói quen của quản trị truyền thống vốn đã ăn sâu và vẫn có hiệu quả nhất định. Do đó, để thay đổi và thuyết phục đội ngũ nhân lực chuyển mình theo hướng quản trị thông minh cần hao tốn nhiều thời gian, công sức và cần những nhân tố mới trong ban quản trị của các doanh nghiệp. Mặt khác, theo quan điểm của nhiều người, khủng hoảng do đại dịch Covid – 19 vừa qua chỉ là nhất thời, và điều kiện, môi trường làm việc sẽ quay trở lại như cũ sau khi đại dịch biến mất, điều này dẫn đến tâm lý chờ đợi.

Cần những bước đi dài
PGS. TS Hoàng Văn Hải cho rằng, việc áp dụng quản trị thông minh là xu hướng tất yếu, nhất là trong môi trường phức hợp khi chúng ta không thể dự đoán được các rủi ro có thể gặp phải trong tương lai. Các doanh nghiệp cần thực hiện từng bước, từ ngắn hạn đến dài hạn và có sự kiên định, nhất quán trong tư duy lẫn hành động của các nhà quản trị cấp cao. Ông đưa ra một số gợi ý cho các doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể sử dụng ngay các công cụ quản trị thông minh như kết nối internet, các nền tảng ứng dụng trực tuyến trong các cuộc họp, chia sẻ thông tin, giao và kiểm soát công việc, v.v…giảm các chi phí gặp gỡ trực tiếp mà quản trị truyền thông đang thực hiện, đây là phương thức đơn giản và ít gây xáo trộn nhất cho hoạt động quản trị của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, các doanh nghiệp có thể chủ động trong vấn đề tập hợp, chuẩn hóa và đồng bộ dữ liệu để có thể tương tác và sử dụng một cách dễ dàng thông qua kết nối mạng nội bộ. Áp dụng các phương thức giao tiếp thông minh với khách hàng qua hệ thống quản lý thông tin khách hàng (CRM) để nâng cao hiệu quả bán hàng. Các doanh nghiệp cũng cần dần dần xóa bỏ các hoạt động quản trị nặng tính giấy tờ, sử dụng văn phòng không giấy, ví dụ như văn bản điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số, v.v… để tiết kiệm thời gian và hạn chế rủi ro trong quá trình tác nghiệp.

Cuối cùng, để bài bản hơn, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn để chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại và quản trị thông minh. Đại dịch Covid – 19 vừa qua đã cho thấy, năng lực quản trị quốc gia, quản trị tổ chức và hành xử cá nhân đã giúp Việt Nam thoát khỏi những tổn thất không đáng có, trở thành hình mẫu về cách phòng chống đại dịch Covid – 19. Vì vậy, ngay cả trong khủng hoảng vẫn luôn có cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển nếu có được những phản ứng kịp thời và ứng xử thông minh. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng cho mình một lộ trình áp dụng quản trị thông minh để có thể làm chủ mọi tình huống bất ngờ, phức hợp trong tương lai.

Cẩm Thủy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 35 - 21

Bình luận: 0