TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Quy hoạch các bến xe khách tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội

20:41 19/11/2020
Logo header Được hình thành vào những năm đầu thế kỷ 20, đến nay cơ sở hạ tầng, hệ thống bến xe ở Hà Nội đã ngày một khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại đường dài của người dân bằng xe ô tô. Tuy nhiên với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, lượng hành khách ở các bến xe đang ngày một tăng, tạo ra sức ép lớn tới mỹ quan đô thị đồng thời gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông cho Thủ đô.

Các bến xe được xây dựng khang trang hơn, thuận tiện hơn sẽ đáp ứng tốt nhu cấp đi lại của người dân

Xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, bến xe có tên Bến Nứa - là nơi đặt bến xe buýt đầu tiên của Hà Nội (đây là điểm giao nhau của đường Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Hàng Muối, Nguyễn Hữu Huân hiện nay nằm gần đầu cầu Long Biên). Lúc mới hình thành, bến xe chỉ có 4 chiếc xe buýt hiệu GM (của Mỹ) chuyên chở khách đi Hưng Yên qua cầu Long Biên. Nhưng do cầu còn nhỏ hẹp chưa được mở rộng hai bên nên các xe này không thể qua cầu, phải đi phà sang bên kia sông. Mãi đến năm 1923, khi việc mở rộng cầu được hoàn thành các xe này mới không cần phải qua phà nữa. Ngoài Bến Nứa, tại phía nam Hà Nội, vào cuối những năm 1920, Bến Kim Liên cũng được hình thành. Bến này có xe tuyến dài đi Nam Định, Thái Bình, tuyến ngắn đi Phủ Lý, Thường Tín, Văn Điển và Ngọc Hồi. Chếch về phía tây Thủ đô, vốn là hồ ao, sau vào cuối những năm 1920 cũng được thành phố mở mang và cho lấp hồ từ đó hình thành Bến Kim Mã chuyên chở khách đi Sơn Tây, Hòa Bình, tuyến ngắn đi Hà Đông và Ba La. Với sự phát triển đó, trước khi Hà Nội tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh vào năm 1959 thì Hà Nội đã có gần 800 xe lớn nhỏ được sử dụng để phục vụ chở khách và chở hàng hóa. Xe buýt hay ô tô buýt là mượn từ tiếng Pháp autobus chỉ xe chở mọi người. Trong thời Pháp thuộc loại xe này vẫn gọi là xe buýt dù xe tuyến ngắn hay tuyến dài, nhưng đến chế độ mới thì xe đường dài và khách được mang theo hàng hóa gọi là xe khách còn xe chạy tuyến ngắn và khách chỉ được mang đồ đạc gọn nhẹ gọi là xe buýt. 

Nhưng cùng với thời gian, do sự phát triển, đô thị hóa ngày một nhanh của Thủ đô, các bến xe này đã đi vào lịch sử như một mốc khởi đầu cho sự phát triển giao thông vận tải xe khách của Hà Nội nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đến nay Hà Nội đã có 9 bến xe với nhiều tuyến xe chạy đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện nay, các tuyến vận tải hành khách cố định đi và đến Hà Nội chủ yếu được tập trung vào 5 bến xe là bến xe Nước Ngầm, bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát và bến xe Yên Nghĩa. Chỉ tính các tuyến xe khách có nốt giờ xuất bến trong khoảng thời gian từ 19 giờ (tối hôm trước) đến 6 giờ (sáng hôm sau) chưa tính các xe xuất bến từ các tỉnh, thành phố từ đêm hôm trước tới 6 bến xe của Hà Nội trong khung giờ ban ngày đã là 980 chuyến. Riêng bến xe khách Mỹ Đình với diện tích lên đến 3,5 ha, mỗi ngày bến xe này đã đón nhận hơn 1.000 lượt khách với khoảng hơn 500 lượt xe ra vào. Các bến xe hiện nay đều được trang bị đầy đủ hệ thống phòng vé, khu vực chờ xe và khu vực vệ sinh, ăn uống để phục vụ khách đi lại. Tuy nhiên trong khi một số bến xe đang quá tải thì một số bến xe vẫn đang chưa khai thác hết năng lực của mình. Việc tổ chức, bố trí phương tiện hoạt động tại một số bến xe chưa hợp lý nên chưa tận dụng được hết cơ sở vật chất và mặt bằng của bến. Ngoài ra, việc tổ chức giao thông trong bến cho các phương tiện xe máy, taxi, xe buýt vào đón trả khách ở nhiều bến xe trung tâm còn lộn xộn, tình trạng tranh giành, co kéo hành khách vẫn diễn ra dẫn đến nhiều hành khách ngại vào bến đi xe. Tình trạng xe “dù” bến “cóc” vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý, hiện vẫn còn phổ biến thậm chí hiện tượng cò mồi, môi giới bán vé, chèo kéo khách vẫn xảy ra phổ biến ở một số bến xe trên địa bàn. Công tác kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các phương tiện hoạt động tại các bến xe được triển khai nhưng còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới nhiều phương tiện hoạt động tại bến mặc dù không đủ điều kiện như không có phù hiệu chạy tuyến cố định, thiếu các thiết bị an toàn, dụng cụ thoát hiểm… nhưng vẫn được xuất bến.

Từ những bất cập của tình trạng này trong nhiều năm qua, Thủ Đô đang nỗ lực nhanh chóng đổi mới và hiện đại hóa hệ thống các bến xe. Từ đó, xác định muốn thực hiện được thì phải phát huy nhiều nguồn lực và thành phần kinh tế, trong đó phát triển xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến xe là nhiệm vụ quan trọng. Cùng với sự phát triển không ngừng nghỉ của Thủ đô trong thời gian tới, theo quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì chỉ sau năm 2020, 4 bến xe khách liên tỉnh tại Hà Nội là Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát và Nước Ngầm cũng sẽ dần được di dời và thay thế vào đó là những bến xe mới như Đông Anh, Cổ Bi, Nội Bài... với quy mô lớn, khang trang hơn, thuận tiện hơn sẽ đáp ứng tốt nhu cấp đi lại của người dân. Đồng thời, khi các bến xe lớn từ nội đô được di dời cũng sẽ giúp giảm tải một phần lưu lượng vận tải của các tuyến xe liên tỉnh vào nội đô Hà Nội. Trong đó bến xe khách Đông Anh được xây dựng tại khu vực nút giao giữa quốc lộ 3 và đường Vành đai 3 thuộc xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, có quy mô nghiên cứu lập quy hoạch là 74.239m2. Trong đó, bến xe khách và điểm đầu cuối xe buýt có diện tích 54.129m2. Bến xe sẽ được tổ chức không gian cảnh quan kiến trúc gồm nhà điều hành được bố trí ở khu vực trung tâm bến xe, nhà chờ cho xe khách và bãi đỗ các loại phương tiện giao thông công cộng cùng với đó sẽ là điểm đầu cuối xe buýt cao 1 tầng. Đồng thời bến xe cũng bố trí mái che tại khu vực đón trả khách, đan xen các tuyến cây xanh trong từng khu vực của bãi đỗ... Bến xe cũng được bố trí 148 chỗ đỗ xe, đảm nhận vai trò vận tải hành khách các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn vào trung tâm Hà Nội.

Việc xây dựng các bến xe mới từng bước thay thế toàn bộ các bến xe hiện có đang khai thác sử dụng nằm sâu trong khu vực nội đô, từ đó xóa bỏ các bên xe trong nội đô sẽ góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trong giai đoạn trung hạn cho thủ đô. Không chỉ vậy, việc thay thế các bến xe này cũng giúp các tuyến đường nằm bao quanh những bến xe lớn như các tuyến đường Giải Phóng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, đại lộ Thăng Long,... bỏ đi được sự nhếch nhác, thiếu văn minh như hiện nay. Khi mà, hiện nay trên những tuyến đường này hầu như ngày nào tình trạng “xe dù, bến cóc” cũng vô tư xảy ra. Các cơ quan chức năng thường xuyên phải túc trực tại đây để điều tiết, xử phạt các phương tiện vi phạm vì dừng đỗ, đón khách không đúng nơi quy định nhưng cũng không thể ngăn chặn được sự “lộng hành” này của các nhà xe. Quy hoạch, xây dựng các bến xe mới khang trang, rộng rãi sẽ không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu của những hành khách đi xe, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô mà còn từng bước đưa Thủ đô trở thành một thành phố văn minh, hiện đại.  

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 37-20

Bình luận: 0