Sài Gòn cảm xúc và trăn trở từ đại dịch COVID-19 lần thứ tư
Đại dịch COVID-19 lần thứ tư tràn qua đã làm cho thành phố hơn 10 triệu dân này quá nhiều mất mát, nhất là về sức khỏe, tính mạng của nhân dân và kinh tế giờ đây chưa đong đếm được về số người mất việc làm, doanh nghiệp đóng cửa,.. và nhiều hệ lụy khác. Đau đớn nhất là cảnh chia ly người thân đột ngột, cảnh tan nát nhiều gia đình và cũng có nhiều câu chuyện chảy nước mắt khi chống chọi vượt qua bệnh và trở về, giành giật sự sống trong gang tấc.
Từ những đổi thay chưa từng có
Đó là việc kẹt xe dường như mất hẳn, vỉa hè thông thoáng, điều mà từ trước đến nay chưa có nhiệm kỳ lãnh đạo nào của thành phố làm được. Việc khó nữa là nạn dạy thêm học thêm không thể nào dẹp hết được cho đến những ngày này. Sự khó khăn về kinh tế đã khiến một cuộc di dân khổng lồ chưa từng xảy ra từ Sài Gòn đi ngược về các địa phương cũng gây ra bao hệ lụy khó lường. Cũng nhờ sự vi hành sâu sát của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mới phát hiện ra một lượng người cơ nhỡ lớn, khắp các nẻo đường của Sài Gòn mà Thành phố chưa bao giờ có giải pháp căn cơ để giải quyết. Và ngay lập tức là chiến dịch thu gom, lo về bệnh dịch sinh nhai rất nhân văn được thực triển khai, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Cũng chưa bao giờ thấy một Sài Gòn đầy nghĩa tình với hàng trăm đội tình nguyện phát hàng, tiền, quà cứu trợ, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Có cả những đội, nhóm cung cấp oxy, máy thở và các dịch vụ liên quan miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Qua cái khó của một Sài Gòn chưa một lần gặp phải, cũng thấy được tình đoàn kết tương thân, nghĩa đồng bào cả nước đối với thành phố với những đoàn xe nối đuôi nhau đầy ắp lương thực thực phẩm khẩn trương tiến về Sài Gòn. Đây là tấm lòng của bà con cả nước, họ gom góp mớ rau, cân gạo, ký cá... từ những giọt mồ hôi vất vả mới có được gửi vào cho nhân dân Sài Gòn. Rồi những đoàn quân tình nguyện ở các địa phương sẵn sàng tạm chia tay người thân, chồng và con nhỏ vô cùng xúc động gia nhập lực lượng tuyến đầu chống dịch cho thành phố thân yêu này mà chưa biết ngày trở lại.
Đến những kiến nghị cần phát huy để không phụ lòng cả nước
Thứ nhất, đối với các bệnh viện, tất cả nên thực hiện chủ trương khám bệnh và bốc thuốc qua điện thoại như bệnh viện Chợ Rẫy đang triển khai trong mùa dịch này, rất hiệu quả. Nếu quyết tâm làm được việc này thì tiết kiệm đáng kể cho người dân và nhà nước. Nhìn những bãi gửi xe trong và quanh khu vực các bệnh viện như hiện nay thì cũng hình dung được lượng người phải tham gia giao thông trên đường như thế nào.
Thứ hai, việc làm của công chức nhà nước tại các sở ban ngành. Khi trở lại cuộc sống bình thường cần rà soát cho kỹ việc nào thực sự cần thiết mới đến cơ quan, còn lại phải làm việc tại nhà. Trao đổi hay chỉ đạo, thậm chí hội họp đều trực tuyến và qua điện thoại. Rút kinh nghiệm đợt dịch này (cần có một tổng kết, nghiên cứu) đánh giá nghiêm túc, khách quan về hoạt động của hệ thống chính quyền từ thành phố xuống đến quận (huyện), phường (xã) và tổ dân phố để khắc phục những hạn chế để áp dụng phương pháp điều hành này. Đưa tiêu chí % nhân lực làm việc tại cơ quan thấp vào việc đánh giá thi đua và thành tích của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện tốt việc này thành phố cũng tiết kiệm không nhỏ và số người tham gia giao thông cũng giảm. Từng có ý kiến đòi dẹp bỏ xe máy tại thành phố này không biết qua đại dịch chúng ta cần nhìn nhận vai trò của đội quân Shipper là không thể phủ nhận với cuộc an sinh của nhân dân.
Thứ ba, qua các đợt dịch tại thành phố việc học trực tuyến cũng cho thấy hiệu quả thực tế không còn bàn cãi. Do đó ngành giáo dục thành phố cũng lên phương án kế hoạch cụ thể cho từng cấp học, môn học nào thực sự cần thiết mới đến trường, qua đó nêu lên được con số cụ thể một tuần có thể đến trường bao nhiêu buổi, việc học trực tuyến như thế nào thì phù hợp. Cấm tuyệt đối các buổi học thêm ngoài giờ học chính, chỉ cho dạy thêm học thêm trực tuyến ở bất cứ cấp độ nào phụ huynh và thầy cô cho là hiệu quả. Làm tốt việc này ngành giáo dục góp công sức đáng kể vào việc giảm kẹt xe và tai nạn giao thông cho thành phố. Ai từng là phụ huynh đưa đón con đi học chính và đi học thêm đều hiểu.
Qua đại dịch cũng cần rút được điều gì. Dù đã nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính quyền Thành phố nhưng thời gian qua đã bộc lộ những lúng túng và hạn chế nhất định, như lời xin lỗi nhân dân của Bí thư thành ủy TP.HCM vừa qua.
Giờ đây nhân dân Sài Gòn và cả nước rất mong chính quyền các cấp của thành phố, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, suy nghĩ thấu đáo, với cái tâm và trách nhiệm của mình, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, người dân, phát huy mọi sức lực cùng nhân dân vượt qua đại dịch đưa cuộc sống trở lại bình thường. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng đặt sức khỏe người dân trên hết, chăm lo đời sống người dân thực sự không ai bị bỏ lại phía sau. Chắt chiu nguồn lực tự có và sự đóng góp của cả nước để phân bố đồng đều minh bạch đúng đối tượng để vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có này.
Gia Tuệ
Theo Tạp chi Tri thức Xanh - Số: 77 - 21
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)