TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Sự thật về huyết lình huyền bí

14:36 14/05/2020
Logo header Người ta phải lên non, xuống vực, đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình để tìm ra nó, chính vì lẽ đó nên đôi khi người ta quý huyết lình còn hơn cả sinh mạng của mình. Có anh bạn luật sư ngay sau chuyến công tác dài ngày ở Hà Giang về đã gọi ngay tôi và bạn bè đến để thưởng thức “thần dược” mà theo anh quý hiếm và khó tìm nhất trên đời này.

Hang khỉ hoàn toàn không có đường vào, muốn vào được, có chăng phải là khỉ

Cầm trên tay một thỏi bằng ngón tay, màu đen sì trông chẳng khác gì nhựa đường, anh bạn khoe: “để sở hữu được món này, tôi đã phải nhờ tất cả bạn bè thân quen săn lùng cả nửa năm mới có đấy, tất nhiên phải là đồ xịn rồi. Đây là thứ thần dược một thời đã gần như thất truyền nhưng số anh nó hay gặp hên, nên giờ mới có để mời các chú cùng chung vui”. Khi đã giới thiệu hàng loạt công dụng nào là bổ thận tráng dương; chồng uống vợ khen hay, gái già uống vào thì trẻ như con gái đôi mươi… cùng hàng chục thứ công dụng khác, anh bạn tôi lấy ra một chai rượu, bẻ một tí cho vào, trong nháy mắt, chai rượu trắng biến thành màu đen đỏ. Rượu rót vào chén, tôi tò mò cầm lên định nhấp môi thì một mùi tanh nồng nặc xông lên, khiến tôi suýt… ói. Còn anh bạn tôi cười khà, dốc chén nuốt ực. 

Trong tiệc rượu, từ những thông tin của anh bạn xoay quanh thứ “thần dược” huyết lình đầy kỳ bí này, tôi quyết đi một chuyến để giải đáp thắc mắc, huyết lình là gì?

Gian nan đi săn huyết lình

Giữa mùa nắng nóng đầu mùa, cao nguyên đá Hà Giang như dịu lại sau cơn mưa, con đường đất tìm vào thôn Lùng Trang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên lầy lội, trơn trượt khiến chúng tôi phải bỏ lại xe, gửi bớt hành lý và những thứ máy móc không cần thiết ở lại nhà dân ven đường để tiếp tục cuộc hành trình vào bản. Sẩm tối ngày hôm đó, vượt qua gần 10km đường rừng, chúng tôi mới đặt chân được đến thôn Lùng Trang - là một thôn nghèo lắm, nằm hút sâu dưới thung lũng, giữa bạt ngàn núi đá nguyên sơ, lác đác vài nóc nhà, leo lét ánh đèn, im tịch như tờ khi chúng tôi đằng hắng tiếng hỏi thăm. Địa chỉ đầu tiên chúng tôi buộc phải tìm đến cho kỳ được là nhà anh Phùng Quý Thành, người được mệnh danh là “ông Vua huyết lình” của miền rừng núi này mà trên dọc đường đi chúng tôi phải liên tục dò hỏi. “Vua huyết lình” không già nua, bí hiểm như tưởng tượng của chúng tôi. Đó là một người đàn ông trung niên trạc 45 tuổi, vóc người nhỏ thó, gầy gò nhưng có một dáng vẻ cực kỳ nhanh nhẹn, toát lên qua đôi mắt sắc lẹm, sáng rực.

Vài bát rượu ngô làm quen, một chút chuyện huyên thuyên về gia cảnh, chủ nhà giục chúng tôi đi ngủ hòng giữ sức nếu muốn ngày mai lên đường. “Trước tiên, phải biến các cậu thành khỉ đã”, anh Thành cười rồi thủng thẳng lên giường đắp chăn. Phòng nghỉ của chúng tôi thực chất là một kho đựng củi gỗ, được dọn dẹp qua loa, sực mùi ẩm mốc. Thêm tấm mền và chăn màn, chúng tôi cũng đã thiếp ngay vào giấc ngủ sau một ngày mệt mỏi… Sáng hôm sau, chúng tôi bị đánh thức từ sáng sớm. Anh Thành bảo: “Qua một đêm trong kho củi, giờ thì các cậu hết mùi thành phố rồi, chỉ toàn là mùi khỉ. Như thế, khỉ sẽ không thể đánh hơi thấy hơi người mà chạy mất”. Tôi bắt đầu thấy chột dạ, hoang mang.

Những trái núi khổng lồ, vời vợi chạm vào mây trắng kia quả thực là một bí ẩn thực sự khi người thợ săn phải xác định vết huyết lình nhỏ có khi chỉ bằng bàn tay, ở đâu đó. Với những người có thâm niên “rừng rú” như anh Thành thì công việc này có phần đơn giản hơn. Anh kể: “Cách phổ thông nhất người ta thường làm là bỏ ra nhiều tháng liền để theo dõi dấu vết của đàn khỉ trên núi để xác định được khu vực hang khỉ sinh sống. Khỉ leo trèo giữa rừng già bên miệng vực thì thoắt ẩn thoắt hiện mà người thì chỉ có thể đi được bằng mỗi đôi chân mình thôi. Thế nên, mỗi ngày tớ phải lần tìm một chút, đánh dấu khu vực rồi ngày mai lại lần tìm tiếp, cứ thế đến khi nào xác định chắc chắn được khu vực hang khỉ thì mới có thể tổ chức đoàn đi săn huyết lình”.

Mùa sinh sản của khỉ thường vào giữa thời gian tháng 5 đến tháng 7 dương lịch, nên đây cũng là mùa mà các anh đi săn lùng huyết lình nhiều nhất. Đặc tính của khỉ thường chui vào các mỏm đá có khe nứt để đẻ và chúng chùi máu tiết ra tử cung lên mặt đá, chính vì vậy việc săn lùng huyết lình khá vất vả, thậm chí là đánh đổi cả mạng sống nếu không “có nghề”…

Sinh tử với nghề

Từ tinh mơ, khi tiếng chim rừng hót líu lo cũng là lúc tôi và đội săn lên đường. Dụng cụ cần thiết nhất mang theo trong đoàn săn là con dao mác sắc lịm. Những chuyến đi xa thì họ còn phải mang thêm gạo, củi, xoong nồi cùng chăn chiếu. Chân trần trên đá trắng ởn như muốn xòe tõe từng ngón trên những vách đá tai mèo, bàn tay cũng thật dẻo dai, uyển chuyển nắm đu vào dây rừng vách núi. Họ lầm lũi leo núi, không hề nói chuyện để kiệm hơi và tập trung. “Hít bằng mũi, thở bằng miệng, không được nhìn xuống”, là yếu quyết được người đội trưởng loắt choắt dặn đi dặn lại mỗi lần qua vực hiểm. Thật không thể hiểu được, sức vóc từ đâu mà chúng tôi đã có thể leo được lên tận mỏm núi để chạm được đầu vào mây, để được ù đặc đôi tai, tức ngực không kịp thở vì không khí loãng. Đến đầu mỏm núi, anh Thành ra hiệu cho mọi người dừng lại, tập kết đồ đoàn trên một phiến đá nhẵn. Trước mặt tôi, là một miệng vực sâu hoắm không nhìn thấy đáy bởi mây mù. Mỏm đá bên này cách bên kia khoảng 4 mét, dài chừng 15 mét sâu vào trong lòng núi. Tôi rùng mình thầm nghĩ, nếu chẳng may rơi xuống bờ vực này, có lẽ vĩnh viễn, người ta sẽ không bao giờ có thể tìm thấy xác.

Để kiếm được huyết lình, cả đoàn đi săn phải đặt cược tính mạng của mình trên những vách núi đá dựng đứng

Ngó nghiêng một hồi, anh Thành bắt đầu rút dao mác bên hông, chặt lấy những thân gỗ thật thẳng, to bằng đầu cổ chân rồi tỉ mỉ đo đạc, đẽo thành gờ ở hai đầu. Một công việc chậm rãi, tưởng như bình thường mà mãi sau tôi mới hiểu được tầm quan trọng của nó. Là bởi, trong đoàn đi, chỉ có người thực sự có kinh nghiệm mới dám cầm dao chặt gỗ bắc cầu qua vực. Họ dùng dây rừng, bện những thân gỗ thành một tấm phên đều tắp, ướm chừng địa hình của mỏm đá bên kia để gọt đầu phên gỗ sao cho thật khít, thật vừa vặn. Chỉ cần phên gỗ kênh trượt là thợ săn huyết lình có thể mất mạng trong tích tắc. Anh Thành kể: “Tôi đi rừng từ hồi tóc còn để chỏm, 25 tuổi đã có thể làm cầu qua vực, đến giờ cũng không nhớ mình đã từng làm bao chiếc cầu gỗ rồi, nhưng đến giờ mỗi lần hạ cầu xuống cho anh em đi qua vẫn thấy… nghẹn thở”. Luồn rừng sang đến ngày hôm sau, chúng tôi mới tiếp cận được gần nhất một hang khỉ mới. Khu vực mà anh Thành và đoàn thợ săn đã đánh dấu từ mấy tháng nay. Và bây giờ, thách thức của đại ngàn hùng vĩ, thách thức của tạo hóa với lòng can đảm của con người mới thực sự bắt đầu. Hang khỉ cao chừng 2 mét, xùm xòa dây leo nhưng lại nằm ở lưng chừng núi. Từ mỏm núi xuống đến cửa hang là một vách đá thẳng đứng, cao khoảng 20 mét, có nghĩa là, hang khỉ hoàn toàn không có đường vào, muốn vào được, có chăng phải là khỉ. Thế nhưng, chúng tôi đã được chứng kiến màn “nhập hang” tài tình, có một không hai của đám thợ săn “trót ăn gan hùm”. Nhìn qua địa hình, hít thở một hơi thật sâu, anh Thành giục mọi người lấy dây thừng từ túi đồ nghề ra. Họ chọn một gốc cây to trên mỏm đá, buộc dây thật chặt vào gốc cây. Thế rồi, lần lượt từng người một, không hề có trang thiết bị bảo hộ, không găng tay, không mũ bảo hiểm, cứ thế lạnh lùng đu dây, từ từ tụt xuống. Đến cửa hang, mọi người không thể buông dây thừng mà nhảy ngay vào trong hang được vì không có đà. Mỗi người rút một cây gậy gỗ dài chừng một sải tay đã chuẩn bị sẵn, sau đó dùng gậy gỗ chọc thẳng vào vách đá đẩy cho thân mình bật văng ra không trung. Thế rồi, lực văng trở lại đã hất vèo người thợ săn vào trong hang một cách gọn gẽ. Màn “nhập hang” rợn người quả thực là một cuộc đánh đu với thần chết, cá cược đời mình trong canh bạc một mất, một còn.

Huyết lình tốt, nhưng không như đồn thổi

Đi săn huyết lình khó khăn là vậy, tuy nhiên, về công dụng thực của nó thì từ trước đến nay, cũng chỉ qua những kinh nghiệm như giai thoại từ nhiều đời trước để lại. Ông Triệu Văn Pàn, 93 tuổi, người già nhất trong thôn Lùng Trang kể lại: “Các cụ đời trước có truyền lại rằng, huyết lình rất bổ dưỡng cho cơ thể, đặc biệt với trẻ em còi cọc hay phụ nữ sau sinh mất máu, người mới ốm dậy. Huyết lình có thể trộn vào nấu cháo, hoặc pha ra nước để uống theo liều lượng nhất định”. Khi tôi hỏi liệu huyết lình có chức năng tăng cường chức năng sinh lý cho đàn ông hay không, ông Pàn lắc đầu lia lịa: “Tôi cũng đã uống thứ này nhiều năm, chỉ cải thiện được sức khỏe thôi chứ chức năng đó thì không có. Trong vùng này, cũng chưa ai nói huyết lình có chức năng như vậy”. Huyết lình là một bài thuốc tốt, bổ máu cho phụ nữ sau khi sinh, người ốm yếu, xanh xao hay trẻ biếng ăn, gầy gò. Còn về chức năng “cải thiện sinh lý” cho đàn ông và “cãi lão hoàn đồng” cho chị em phụ nữ thì chỉ là lời đồn thổi mà thôi.

Tại các phiên chợ ở một số tỉnh vùng Tây bắc như Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La… thỉnh thoảng huyết lình được bày bán dưới dạng những viên, cục nhỏ bằng đầu đũa, đầu ngón tay hoặc lắm khi chỉ là dạng hạt nhỏ (giọt máu đông lại). Huyết lình được bán như bán vàng, tính theo chỉ. Mỗi chỉ huyết lình hiện nay có giá bán đắt ngang với vàng, khoảng 3,8 triệu đồng/chỉ. Do việc săn huyết lình khó khăn nên hàng này thuộc diện rất hiếm. 

Như vậy, huyết lình là có thật, nghề săn huyết lình cũng hiển nhiên là có thật nơi miền thâm sơn heo hút xa xôi. Thế nhưng, nguồn gốc cũng như chức năng của phương thuốc bổ dưỡng này có thể đã bị dân gian đồn thổi, thêm nếm làm cho huyết lình huyền bí lại càng huyền bí hơn.

Huy Thịnh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 10 - 20

Bình luận: 0