TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam

16:21 01/07/2021
Logo header Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội của Việt Nam một cách toàn diện. Nền kinh tế Việt Nam đã duy trì tăng trưởng suốt ba thập kỷ, đứng vững qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tiến tới một quốc gia thu nhập trung bình từ một đất nước nghèo. Và ngay cả cuộc suy thoái toàn cầu trong bối cảnh đại dịch cũng không thể cản nổi kỳ tích Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, nhưng thể hiện tập trung ở hai yếu tố “cầu và cung”. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19” để phòng chống dịch bệnh và giảm khả năng lây lan của bệnh tật. Điều này đã làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, khi dịch COVID-19  bùng phát phát lần thứ ba vào đầu tháng 01/2021 đã làm nhu cầu tiêu dùng càng sụt giảm khi Tết đang cận kề. Đồng thời, sự phong tỏa và giãn cách xã hội ở những tỉnh, thành phố bị dịch bệnh lại giáng thêm một “cú sốc” vào nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I và quý II năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh so với năm 2019. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa của 2 quý đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, nhu cầu về những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như lương thực, thực phẩm tăng, nhưng nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng khác như may mặc, văn hóa phẩm… sụt giảm mạnh do giãn cách xã hội. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, doanh thu du lịch lữ hành giảm mạnh đồng loạt. Kinh tế du lịch là lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 do nhu cầu du lịch giảm để tránh lây lan. Cùng với lệnh giãn cách xã hội làm cho những khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa.Trong nhu cầu đầu tư, vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với cùng kỳ năm trước kể cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, vốn đầu tư FDI giảm nhiều so với năm 2019. Như vậy, nhu cầu đầu tư của hai khu vực sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn và tổng cầu suy giảm, Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế sự suy giảm của tổng cầu.

Nhu cầu bên ngoài: cũng có sự suy giảm khi kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm. Trong đó khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng; khu vực FDI (kể cả dầu thô) lại giảm mạnh. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019. Khu vực kinh tế trong nước tăng và khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng. Điều này khẳng định, khu vực kinh tế trong nước vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu tăng, khu vực FDI có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 giảm. Thực trạng này cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào khu vực FDI, đồng thời đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đầu tư và chuỗi giá trị toàn cầu cũng đang tác động đến xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam.

Đối với yếu tố cung, đại dịch COVID-19 làm cho nguồn cung ứng lao động bị đứt gãy. Khi mà giãn cách xã hội diễn ra buộc các doanh nghiệp phải đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia người nước ngoài và người lao động nước ngoài chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 khi nguồn lao động bị thiếu. Chi phí sử dụng lao động trong thời kỳ này cũng cao hơn khi các doanh nghiệp phải đầu tư thêm khẩu trang, nước sát khuẩn, thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Đồng thời, đại dịch COVID-19 đã làm sụt giảm thu nhập của người lao động, làm tăng thêm tỷ lệ nghèo và cận nghèo. Theo kết quả khảo sát của UNDP và UN WOMEN (2020), tháng 4/2020, tỷ lệ nghèo đã tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng tăng so với năm 2019. Đại dịch COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động. Tác động của nó thể hiện qua một số ngành chủ yếu sau:

Lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản: Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp. Theo HSE, giá cổ phiếu ngành thủy sản giảm ở quý I/ 2020 so với đầu năm. Nhiều mặt hàng nông nghiệp, chủ yếu là nông - thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn trong quý I/2020 vì đại dịch COVID-19. Bởi thị trường xuất khẩu chính của nước ta là Trung  Quốc, sau đó là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến đầu tháng 3/2020, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là thị trường Mỹ, EU và ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm sản, thủy sản đều giảm trong quý I/2020 so với cùng kỳ. Những mặt hàng giảm mạnh như rau quả, cà phê, cao su. Mặt khác, các  doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thường không phải là những doanh nghiệp mạnh, phát triển bền vững. Ngành phụ trợ nông nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp, thể hiện qua sản lượng của ngành hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2019 và so với đầu năm 2020. Khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, 247 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: Giai đoạn này, các ngành sản xuất với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy và ngành xây dựng sụt giảm do bất động sản khó khăn. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rõ nét tới nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở nước ta. Việt Nam đang trong xu thế hội nhập, các ngành sản xuất theo mô hình cung ứng nên chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Đồng thời, các đại lý cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực sản xuất chỉ tập trung vào khâu gia công xuất khẩu. Khi dịch bệnh xảy ra đã gây ra nhiều khó khăn làm giảm nhu cầu tiêu thụ đầu ra.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo: Chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng ít trong quý I/2020, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2019. Những ngành khác như sản xuất giấy và xây dựng chịu tác động ở mức độ vừa. Trong đó, các ngành chịu tác động tiêu cực khá mạnh như dệt may, da giày với kim ngạch xuất - nhập khẩu (XNK) giảm so với cùng kỳ, giá cổ phiếu dệt may và da giày giảm so với đầu năm. Ngành sản xuất, kinh doanh thép với doanh thu và giá cổ phiếu giảm khá mạnh.

Lĩnh vực dịch vụ: Du lịch chịu tác động mạnh mẽ do tổng cầu giảm. Ảnh hưởng trực tiếp và mạnh so với đầu năm. Trong khi đó, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống quý I/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, sự bùng phát dịch lần thứ ba đầu tháng I/2021 làm ngành du lịch lâm vào tình trạng suy kiệt sau khi chưa kịp phục hồi.

Ngành vận tải, kho bãi: Vận tải, kho bãi cũng chịu tác động rất mạnh bởi dịch bệnh COVID-19. Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Chính phủ đã hạn chế các chuyến bay quốc tế cũng như các chuyến bay nội địa. Việc dừng các chặng bay của các hãng hàng không Việt Nam gây thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng doanh thu, (tương đương giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019), doanh thu ngành đường sắt, đường bộ giảm khá mạnh. Đồng thời, giá cổ phiếu của nhóm vận tải, kho bãi giảm rất mạnh so với đầu năm; và số doanh nghiệp vận tải - kho bãi tạm ngừng hoạt động trong quý I/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019.

Lĩnh vực bán lẻ: Đây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, chủ yếu do tổng cầu giảm. Tuy nhiên, ưu thế trong mùa dịch COVID-19 là ngành mua bán thương mại điện tử phát triển, do người tiêu dùng không phải trực tiếp đến nơi mua sắm, hàng hóa vận chuyển nhanh chóng và thanh toán dễ dàng. Cơ cấu tiêu dùng cũng có sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng mua sắm hàng hóa thiết yếu. Doanh thu bán lẻ tăng nhẹ (tăng nếu loại trừ yếu tố giá, thấp hơn nhiều so với mức tăng trong quý I/2019). Chính vì vậy, cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ giảm rất mạnh so với đầu năm và số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ tạm ngừng hoạt động tăng trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm: Đây là ngành chứng kiến doanh thu giảm không nhiều trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019, bởi vì đây là lĩnh vực chịu tác động gián tiếp nhiều hơn và có độ trễ (khách hàng khi khó khăn, bắt đầu giảm sử dụng các dịch vụ, hấp thụ vốn kém và nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh) và được nhà đầu tư đánh giá tiềm ẩn rủi ro cao, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh so với đầu năm.

Đối với ngành ngân hàng: Khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tín dụng của khách hàng làm sụt giảm doanh thu. Đồng thời tăng rủi ro về nợ xấu do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giảm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng khiến giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh so với đầu năm.

Đối với thị trường chứng khoán: Những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã phản ánh rõ nét trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm so với đầu năm.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm: Lĩnh vực bảo hiểm cũng chịu tác động kép khi nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm (kể cả nhân thọ và phi nhân thọ) đều bị cắt giảm do người mua khó khăn về kinh tế, thu nhập; và tỷ lệ chi trả bảo hiểm (nhất là bảo hiểm y tế tăng) khiến doanh thu của ngành giảm. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm mạnh so với đầu năm. Tuy nhiên, đây là ngành ít chịu tác động nhất của đại dịch COVID-19.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản: Lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nét nhất trong kinh doanh bất động sản là lĩnh vực cho thuê mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ. Tình trạng dịch bệnh làm cho người dân giảm mua sắm tại các khu trung tâm thương mại. Các khách sạn hầu như vắng khách do lệnh giãn cách của Chính phủ và du khách hủy tour hàng loạt. Khách du lịch giảm đã kéo theo công suất tiêu thụ phòng của các khách sạn cao cấp giảm gấp đôi trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Theo đánh giá của Hiệp hội Môi giới bất động sản, phân khúc căn hộ gặp khó khăn khi nhu cầu mua để ở, mua để đầu tư và nhóm khách nước ngoài đều giảm, lượng giao dịch trong quý I/2020 giảm đến 2/3 so với cùng kỳ năm 2019. Giá cổ phiếu nhóm ngành này giảm mạnh trong quý I/2020 so với đầu năm. Đặc biệt, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động tăng mạnh nhất gần như kịch sàn trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Lĩnh vực dịch vụ y tế: Đây là lĩnh vực chịu tác động hai chiều nhưng tiêu cực nhiều hơn. Điểm tích cực là đầu tư và chi ngân sách cho lĩnh vực này đã và đang tăng so với cùng kỳ năm 2019, tiềm năng phát triển lâu dài sáng sủa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này (nhất là các bệnh viện tư) lại chịu giảm doanh thu do nhu cầu chữa các bệnh khác giảm đáng kể, trong khi phải tăng chi để trang trải các biện pháp phòng ngừa rủi ro dịch bệnh. Vì lẽ đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ y tế giảm nhẹ so với đầu năm 2020 và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng lên trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Giáo dục và đào tạo cũng chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19. Khi diễn biến của dịch bệnh càng phức tạp. Các tỉnh, thành phố quyết định đóng cửa các trường học để phòng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng xã hội. Đặc biệt, khối các trường dân lập, tư thục bị giảm doanh thu trong khi vẫn phải chi trả các chi phí về mặt bằng, lương cho giáo viên, nhân viên… Theo đó, cổ phiếu lĩnh vực đào tạo và việc làm giảm mạnh so với đầu năm và số doanh nghiệp kinh doanh giáo dục - đào tạo tạm ngừng hoạt động trong quý I/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019. Cùng sự bùng dịch đầu tháng 01/2021, một lần nữa các trường học phải đóng cửa để tránh nguy cơ lây nhiễm virus COVID-19. Điều này không những ảnh hưởng đến ngân sách chi tiêu của các trường trong toàn ngành giáo dục. Đồng thời, nó ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giáo dục khi tiến độ giảng dạy cũng bị đẩy lùi từ năm 2020.

Giải pháp góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Thứ nhất, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, cụ thể:  thực hiện các biện pháp tuyên truyền làm cho người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch; có những biện pháp xử lý những người trốn tránh cách ly khi nghi ngờ bị lây nhiễm COVID-19. Khi dịch bệnh bùng phát, các địa phương cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa nếu việc đó cần thiết cho việc dập dịch. Điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19. Bởi vì khi chúng ta phòng chống dịch tốt, các vấn đề ngân sách chi cho phòng, chống dịch bệnh sẽ giảm, nhờ đó mà có thể tập trung nguồn lực vào việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ hai, khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nhà tài trợ song phương nhằm có thêm nguồn lực hỗ trợ khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Khi dịch bệnh diễn ra, các gói ngân sách dự trữ đều tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh và chữa trị bệnh. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tái sản xuất cũng như ổn định phát triển kinh tế. Do đó, có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh. Những sự hỗ trợ này sẽ ổn định các ngành sản xuất bị thiệt hại nặng và ổn định lại môi trường nền kinh tế.

Thứ ba, Chính phủ cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ. Bởi vì, sự tác động vào ngành nghề kinh tế cũng như hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với mỗi ngành nghề là khác nhau.

Thứ tư, do tính chất và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tác động và dự báo sự phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong một khoảng thời gian cụ thể là rất khó khăn vì còn chịu sự tác động của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, cần có những chính sách cụ thể để ổn định và định hướng lâu dài cho nền kinh tế.

Thứ năm, ưu tiên việc đảm bảo an ninh lương thực và phòng, chống sự lây lan của bệnh dịch trên diện rộng. Khi dịch bệnh đang diễn phức tạp, việc đảm bảo lương thực sẽ là yếu tố bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân. Việc hạn chế xuất khẩu gạo sang các quốc gia khác trong tình hình dịch bệnh khiến cho ngành nông nghiệp cũng chịu những tác động nhất định. Ngoài ra, sự tác động chéo giữa các ngành kinh tế với nhau cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các ngành.

Thứ sáu, Chính phủ cần ban hành các chính sách nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu sự phá sản của các doanh nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực. Vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến GDP, tổng thu nhập ngành nghề và sự phục hồi cơ bản của nền kinh tế, đặc biệt là những ngành trọng yếu và then chốt tác động đến kinh tế lâu dài.

Thứ bảy, Chính phủ cần đưa ra các chính sách kích cầu tiêu dùng và ổn định thị trường tiêu dùng trong nước. Ổn định giá cả thị trường, bình ổn nhu cầu tiêu dùng trên các phương diện tổng thể. Vì khi dịch bệnh xảy ra, người dân chỉ có nhu cầu mua những hàng hóa, đồ dùng thiết yếu, còn lại cắt giảm nhu cầu tiêu dùng đối với những hàng hóa, đồ dùng không thiết yếu. Đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất, căng thẳng thương mại toàn cầu. Từ đó, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài. Tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục ở mức thấp bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm.

Mặc dù chịu sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tăng trưởng GDP trong năm 2020. Đây là tiền đề quan trọng để nền kinh tế và các ngành nghề, lĩnh vực nói riêng vượt qua tác động dịch bệnh, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2021. Trên cơ sở đó, Nhà nước và Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa, tập trung thực hiện các giải pháp quan trọng và linh hoạt nhằm phát huy lợi thế của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam chủ trương vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; từ đó, vừa phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế, vừa tạo những tiền đề, cơ hội để các doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế có điều kiện tái sản xuất và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà

Khoa Khoa học cơ bản - CMC, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 68 -21 

Bình luận: 0