Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục
Cần tăng cường rà soát, kiểm tra việc bảo đảm nguồn chứa nước phục vụ các mục tiêu cấp nước sinh hoạt, sản xuất.
Với 70% bề mặt trái đất là nước thế nhưng lại có khoảng 97% lượng nước trên thế giới nằm ở đại dương, còn các đại dương chiếm gần 2/3 bề mặt Trái đất với tổng lượng nước dự trữ trên toàn cầu là gần 1,4 tỷ km3. Phần lớn lượng nước này đều là nước biển, có độ mặn cao không phù hợp để sử dụng trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt thường ngày của con người. Đối với con người, nước là một phần không thể thiếu, nước chiếm tới 75% thành phần của não bộ, 83% thành phần trong máu, 75% thành phần cấu tạo nên cơ bắp của chúng ta. Nước sạch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người, vì đối với một người trưởng thành, họ có thể nhịn ăn trong vòng vài ngày, thậm chí vài tuần nhưng không thể không uống nước trong 3 - 4 ngày. Nước sạch không chỉ có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể, tạo ra môi trường dung môi sống giúp các tế bào có thể hoạt động và thực hiện các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đổi chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Ngoài ra, nước còn giúp đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu và được đưa ra ngoài cơ thể, giúp ổn định nhiệt độ cơ thể, phân phối hơi nóng của cơ thể và bôi trơn nơi tiếp xúc với các đầu nối, bao hoạt dịch và màng bao, làm cho các khớp xương của chúng ta linh động hơn.
Ở nước ta, tầm quan trọng của nước luôn được chú trọng, đề cao. Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém vệ sinh. Mặt khác, có khoảng 21% dân số nước ta đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm độc Asen (Asen vô cơ (hay còn gọi là thạch tín) được coi là chất độc đối với con người. Ăn hoặc uống phải thực phẩm và nước có chứa asen vô cơ có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe). Điều rất đáng lo ngại là, trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư vẫn đang phải bất chấp những con số báo động đỏ này mà sử dựng nguồn nước ô nhiễm này trong sinh hoạt hàng ngày. Bộ TN&MT cũng cho rằng vẫn có đến 30% dân số nước ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước một cách an toàn.
Từ đó có thể thấy nước - đặc biệt là nước sạch là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với con người chúng ta, nhưng đây không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Nước sạch không thể thiếu trong đời sống của con người, hàng ngày chúng ta sinh hoạt đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ việc ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh,… Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch trong các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để tạo ra các thực phẩm sạch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người. Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt tại Việt Nam tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay, cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do đang bị khai thác quá mức. Ngay cả nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo, ví dụ như dùng mái lợp fibroxi măng để hứng nước mưa, hoặc nước mưa bị ô nhiễm ngay trước khi rơi xuống đất do mang theo những bụi bẩn lơ lửng trong không trung, ngay cả việc cấp nước trong sinh hoạt và sản xuất hàng ngày nếu không được tuân thủ và đảm bảo các quy định chặt chẽ về vệ sinh an toàn cũng có thể khiến nguồn nước cung cấp tới người sử dụng cũng bị nhiễm bẩn. Các yếu tố trên là một trong những bước trung gian gây nên các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm như viêm dạ dày ruột, viêm gan A, Crypto tiêu hóa, bệnh Legionnaires (là một dạng viêm phổi do Legionella gây ra), bệnh lỵ, thương hàn, tả,... Mặc dù vậy, việc kiểm soát, giám sát, quản lý phát triển cấp nước sạch ở nước ta vẫn còn một số hạn chế về mặt chính sách như về cấp nước sạch còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tầm quan trọng đặc biệt của nước sạch. Công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, có nơi còn buông lỏng dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn về nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục trong cấp nước,... Một số sự cố cấp nước ở các đô thị lớn chưa được kiểm soát, xử lý kịp thời, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Trước thực tế đó, để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch an toàn, liên tục cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cùng với đó chủ động ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngày 28/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân cần quán triệt và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nguồn nước, công trình cấp nước và quy trình sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được giám sát nghiêm ngặt, liên tục để bảo đảm nước sạch được cung cấp phục vụ đời sống. Chú trọng hơn nữa việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản để huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là các khu vực khô hạn thiếu nước, nhiễm mặn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo,... Và mới đây, Bộ TN&MT cũng đã có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nước sạch theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các địa phương cũng cần xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn trên địa bàn. Kịp thời chỉ đạo, kiểm tra việc lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro và có phương án sẵn sàng ứng phó với các sự cố, thảm họa gây ô nhiễm nguồn nước và mất an ninh, an toàn cấp nước.
Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 37-20
Tin tức liên quan
- Ô nhiễm nhựa đại dương - cuộc khủng hoảng hành tinh (06:30 17/05/2022)
- Kinh tế du lịch phải gắn với phát triển du lịch bền vững (01:43 18/04/2022)
- Việt Nam chủ động ứng phó với rác thải nhựa (02:02 09/04/2022)
- Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam trong chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 (03:14 12/10/2021)
- Đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia để xây dựng hệ thống thực phẩm nông nghiệp nhằm làm con người khỏe mạnh hơn và nền kinh tế vững mạnh hơn (05:47 30/04/2021)