TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Tây Tựu (Bắc Từ Liêm - Hà Nội): Cần đầu tư khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế nghề trồng hoa

19:28 30/04/2020
Logo header Trong những năm gần đây, cùng với sự đi lên của đất nước, sự phát triển của các ngành kinh tế, đời sống tinh thần của người dân dần được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng về hoa cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Để thúc đẩy nghề trồng hoa phát triển, không chỉ dừng lại là một trào lưu làm kinh tế ngắn hạn và hiệu quả kinh tế thấp, cần đánh giá đúng tiềm năng và đưa ra những định hướng, giải pháp phù hợp.

Làng hoa Nhật Tân những ngày giáp Tết Cổ truyền

Việt Nam có diện tích đất tự nhiên rộng lớn, khí hậu và các vùng tiểu khí hậu đa dạng từ ôn đới, á nhiệt đới, đến nhiệt đới nên có thể phát triển được rất nhiều các chủng loại hoa cây cảnh đa dạng về màu sắc, hình dáng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức quanh năm của người dân. Các giống hoa nội địa ngày nay đang dần được người chơi hoa thay thế bởi nhiều loài khác, như những năm trước đây một số địa phương Vĩnh Tuy, Mê Linh trồng nhiều hoa hồng Đà Lạt, nhưng sau một thời gian giống hoa hồng này bị thoái hóa, cho hoa nhỏ, chóng tàn, màu sắc không đẹp, nên nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng những giống hoa hồng nhập ngoại từ các nước  Pháp, Italia. Thay đổi này đã đem lại giá trị thu nhập cao hơn so với trồng hoa hồng Đà Lạt, vì hoa hồng giống nhập từ các nước hàn đới rất thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây, nên hoa hồng ngoại vừa to, vừa thắm màu và lâu tàn hơn so với giống hoa hồng Đà Lạt. Hay có thể kể đến như giống hoa đồng tiền nhập khẩu từ Trung Quốc thì bông to, cánh kép, đa dạng sắc màu nên khách hàng chơi hoa ở Thủ đô và nhiều đô thị lân cận ưa chuộng.

Các loài hoa như Cúc Đông, Cúc Hè và Cúc Đại đóa hiện nay là giống hoa được trồng phổ biến ở phường Tây Tựu.

Nghề trồng hoa ở Việt Nam trong thời gian trở lại đây đã có những thay đổi đáng kể, điều này đã làm thay đổi đời sống kinh tế của nông dân trồng hoa. Theo Viện Nghiên cứu Rau - Quả thì hiện nay lợi nhuận thu được từ 01 ha trồng hoa cao hơn 10 đến 15 lần so với trồng lúa và 7 đến 8 lần so với trồng hoa màu. Gần 90% các loài hoa được trồng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở trong nước, thị trường xuất khẩu phát triển với một số loài hoa khó trồng ở các nước ôn đới như hoa hồng, hoa cúc… Trong những năm gần đây công nghệ và kỹ thuật sản xuất hoa của Việt Nam đã và đang tiếp cận với thế giới, từ đó giúp cho các doanh nghiệp và người nông dân có điều kiện để phát triển nghề trồng hoa. Ngoài ra, nhiều bộ giống hoa mới và các quy trình công nghệ sản xuất đã được các cơ quan khoa học nghiên cứu, chuyển giao tạo lợi thế nhân giống cây trồng, lai tạo để phát triển ra nhiều chủng loại, đa dạng và phong phú theo các màu, mùa và thị hiếu tiêu dùng. Hiện nay hoa được sử dụng vào rất nhiều mục đích như trang trí nhà cửa hoặc trong các dịp lễ, Tết, hiếu, hỷ và ở những đô thị lớn thì việc thưởng thức hương hoa trong nhà, nơi làm việc đã trở thành một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Nước ta có nguồn tài nguyên đất, khí hậu đa dạng nên cũng có rất nhiều các loại thực vật quý hiếm nói chung và các loại hoa có giá trị nói riêng, rất nhiều các loài cây trồng có thể cải tiến trở thành những loài cây cảnh. Không chỉ vậy, chúng ta còn sở hữu một nguồn lực lao động dồi dào, cần cù tuy nhiên vẫn tồn tại một tỷ lệ người chưa có việc làm không nhỏ. Cùng với đó, áp dụng mạnh công nghệ và khoa học kỹ thuật mở rộng diện tích trồng hoa, nâng cấp cơ sở trồng hoa nhằm đa dạng hóa các loại hoa phục vụ nhu cầu trong nước. Mặt khác, cần chú trọng các loại hoa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Cũng cần phải tăng cường nhập nội, chọn tạo và nhân nhanh các giống hoa chất lượng cao, nhất là hoa cúc, hồng, lay ơn, đồng tiền, hoa hồng môn, hoa phăng, phong lan và ly, đồng thời tăng cường tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch và phân phối hoa để tăng hiệu quả, giá trị sản phẩm. Vấn đề giống, kỹ thuật canh tác là yếu lố quan trọng cần được quan tâm, đầu tư thích đáng. Người làm nghề cũng cần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất trồng hoa như hoàn chỉnh phương thức xử lý đất, xử lý côn trùng, sâu bệnh và muội gây hai, hệ thống tưới, tiêu, hệ thống nhà lưới, nhà kính và các kỹ thuật chăm sóc cây hoa theo chu kỳ phát triển từng loại, rồi khi ra sản phẩm thì bao bì bảo quản, vận chuyển, nhất là vận chuyển từ nơi sản xuất đến các sân bay đối với hoa xuất khẩu… Kết hợp với tham khảo hoạt động thị trường hoa cả trong nước và quốc tế về thương hiệu và công tác tiếp thị và phân phối sản phẩm hoa, nhằm đảm bảo dòng lưu chuyển sản phẩm nhanh từ các hộ làm nghề đến người tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế chính sách khuyến khích các cơ sở trồng hoa quy mô lớn, chất lượng cao theo quy hoạch và với hệ thống lưu thông sản phẩm để sản lượng hoa đáp ứng không chỉ nhu cầu trong nước mà còn có thể trở thành kênh xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới về hoa.

Đa phần nông dân Tây Tựu vẫn trồng hoa theo phương pháp tự học

Có thể thấy, số lượng diện tích đất trồng hoa hiện nay ở Việt Nam là chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Ngoài ra, tiềm năng phát triển nghề trồng hoa chưa được khai thác thật sự triệt để. Tuy nhiên, theo Viện Di truyền Nông nghiệp, tại một số địa phương, hoa là loại cây trồng đem lại thu nhập khá tốt. Một số người dân làm nghề trồng hoa ở Tây Tựu, thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, so với trồng lúa, hoa màu thì nghề này mang lại lợi ích kinh tế khoảng 30 triệu đồng một sào đất Bắc Bộ (360 m2), đáp ứng được nhu cầu lao động của nông dân. Nghề trồng hoa tại Tây Tựu đã hình thành từ lâu. Làng hoa Tây Tựu có tổng diện tích trồng hoa gần 200 ha. Hoa ở đây được trồng xen canh, gối vụ quanh năm, nhưng vụ hoa phải dồn nhiều công sức và được mong chờ nhất là mỗi dịp Tết đến. Trước Tết khoảng 3 tháng, người dân đã bắt đầu lên kế hoạch chăm sóc, theo dõi thời tiết và hy vọng một mùa bội thu. Nơi đây không chỉ trồng những loài hoa truyền thống như cúc, hoa hồng... mà còn đan xen thêm những loài hoa khác như hoa ly, đồng tiền, violet, cúc họa mi, loa kèn... để không chỉ phục vụ cho các cửa hàng, chợ đầu mối mà còn định hướng phát triển thành các điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu không áp dụng kiến thức cơ bản hoặc công nghệ trong cải tạo đất, chọn giống, đầu tư khoa học kỹ thuật và thương hiệu thì nguy cơ mai một nghề trồng hoa giống như Vĩnh Tuy là rất lớn. Thiết nghĩ: UBND phường Tây Tựu nên phát động những chương trình học nghề và ứng dụng công nghệ cao để người nông dân có thêm hành trang vững bước, mạnh dạn đầu tư tạo nên những vườn hoa, vựa hoa xứng tầm của Thủ đô.

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 08 - 20

Bình luận: 0