TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Thanh Oai - Hà Nội: Quy định pháp luật đã rõ, tại sao đến nay vẫn còn tình trạng “mòn mỏi” đi tìm “công lý” cho thửa đất đã sử dụng nhiều năm. Liệu rằng có sự làm ngơ của chính quyền địa phương hay không?

23:36 09/07/2020
Logo header Như Tri thức Xanh đã đề cập từ những bài viết về sự việc xảy ra tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, cụ thể trong quá trình trao đổi, chuyển đổi đất đai giữa gia đình bà Nguyễn Thị Xuất và ông Quang Văn Thỉnh, thì ông Thỉnh cho rằng mình đã cung cấp Giấy biên nhận nộp tiền lệ phí đất ở giãn dân (đây là giấy viết tay, không có xác nhận hợp pháp của cấp có thẩm quyền). Không chỉ vậy, ông Thỉnh đã khẳng định với gia đình bà Xuất, thửa đất mà ông đem ra giao dịch đã được con gái ông là chị Quang Thu Hương “mua vo” của thôn.

Thế nhưng theo xác minh của chúng tôi Giấy biên nhận đó lại được ký sau thời gian chuyển quyền sử dụng gần chục năm. Cũng theo sổ mục kê tại xã Thanh Văn thì đến thời điểm hiện tại, thửa đất mà ông Thỉnh đem ra trao đổi vẫn là đất công. Vậy ông Quang Văn Thỉnh đã dựa vào đâu để đứng ra trao đổi một thửa đất mà đến nay vẫn thuộc quyền sử dụng của Nhà nước?

Gia đình bà Xuất vẫn đang “mòn mỏi” đi tìm công lý cho thửa đất gia đình đã trót trao đổi với ông Quang Văn Thỉnh.

Theo Luật Đất đai năm 1993 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 14 tháng 7 năm 1993. Tại Điều 30 quy định: “Không được chuyển quyền sử dụng đất trong những trường hợp sau đây: 1) Đất sử dụng không có giấy tờ hợp pháp; 2) Đất giao cho các tổ chức mà pháp luật quy định không được chuyển quyền sử dụng; 3) Đất đang có tranh chấp.” Vậy với giấy tờ hợp pháp ở đây gồm những gì? Được biết: Để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất người ta thường nhắc đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường được gọi là sổ đỏ). Thế nhưng thực tế có rất nhiều loại giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương với “sổ đỏ” có ý nghĩa chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cụ thể: Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật; các Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất được quy định tại Điều 15 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT và Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ (Căn cứ Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và  Khoản 17 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP). Nhưng trong sự việc này, ông Quang Văn Thỉnh đã không đưa ra những giấy tờ có thể chứng minh quyền sử dụng trên thửa đất số 392, tờ bản đồ số 04 mà ông đem ra để trao đổi với gia đình bà Xuất. Vậy có thể thấy việc chuyển đổi này là hoàn toàn không hợp pháp.

Giấy tờ trao đổi nhà đất của gia đình bà Xuất với ông Thỉnh không được sự công nhận của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Còn xét về góc độ của Bộ Luật Dân sự, ta có thể hiểu việc thực hiện trao đổi, chuyển quyền sử dụng đất của gia đình bà Xuất và ông Thỉnh hoàn toàn là giao dịch dân sự. Tại Điều 116 Bộ Luật Dân sự 2015 xác định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Từ quy định này ta thấy giao dịch dân sự được xác định là kết quả của việc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý (hành vi pháp lý đơn phương hoặc đa phương - một bên hoặc nhiều bên) làm phát sinh hậu quả pháp lý. Giao dịch là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm đạt được mục đích nhất định, cho nên giao dịch dân sự là hành vi mang tính ý chí của chủ thể tham gia giao dịch, với những mục đích và động cơ nhất định. Giao dịch dân sự là một trong những vấn đề phổ biến và quan trọng trong lĩnh vực dân sự bởi đây là phương tiện hữu hiệu để thỏa mãn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia giao dịch. Điều 117 Bộ Luật Dân sự quy định: “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự 1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. 2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”. Vậy với một thửa đất đang thuộc quyền sở hữu của Nhà nước mà các cá nhân đem ra giao dịch liệu đã đúng hay chưa? Chưa kể đến thỏa thuận giao dịch này giữa ông Quang Văn Thỉnh và gia đình bà Xuất cũng không có sự xác nhận nào của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, ông Thỉnh vẫn thực hiện việc giao dịch chuyển quyền sử dụng đất với gia đình bà Xuất (trong khi gia đình bà Xuất vẫn cung cấp đầy đủ giấy tờ thể hiện sự sở hữu của mình với thửa đất đã đem ra trao đổi, còn ông Thỉnh thì không) (?). Chắc hẳn với sự hiểu biết về pháp luật của một người như ông Thỉnh làm Bí thư Đảng bộ xã từ 1987 đến tháng 6/2015 thì liệu có phải là “cố ý làm trái quy định pháp luật” trong việc trao đổi đất của Nhà nước với đất thuộc quyền sử dụng cá nhân hay không? Có việc lợi dụng chức vụ, sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng, Nhà nước để chiếm đoạt tài sản hay không? Vì sao những biểu hiện sai phạm kéo dài hàng chục năm không được chính quyền xã Thanh Văn xử lý một cách triệt để giúp gia đình bà Xuất có thể ổn định cuộc sống? Hay phải chăng năng lực của những lãnh đạo tại xã Thanh Văn không đủ để tìm ra các sai phạm? Hay đã có sự làm ngơ cho một sự việc xảy ra đối với một cán bộ “lão thành” của một bộ phận cán bộ tại xã? 

Sự việc này rất cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc một cách nghiêm túc để đưa ra trước pháp luật những sai phạm (nếu có) nhằm xử lý dứt điểm những tồn tại ở đây. Ai cần phải chịu trách nhiệm cũng nên được đưa ra trước pháp luật để chịu hình thức xử lý thích đáng cho hàng loạt sai phạm kéo dài gây bức xúc trong dư luận nhân dân tại địa phương nhiều năm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để tìm hiểu, điều tra thông tin và biện luận những vấn đề bất cập của xã hội và kiên quyết chống những biểu hiện “ tự diễn biến” “ tự chuyển hóa” nhằm thực hiện tốt mục tiêu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

Nguyễn Hân – Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 18 - 20

Bình luận: 0