TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Tháo gỡ vướng mắc trong quá trình vận chuyển để tránh làm hư hao chất lượng, giảm giá trị nông sản

22:37 10/06/2021
Logo header Hiện nhiều loại nông sản của Việt Nam đang trong vụ mùa thu hoạch với sản lượng lớn. Nhưng do dịch bệnh, cách xử lý tại nhiều địa phương lại không đồng nhất nên đã gây ra khó khăn trong vận chuyển nông sản.

Những ngày qua, đại dịch COVID - 19 đã bùng phát, diễn biến nhanh và hết sức phức tạp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại tỉnh Bắc Giang, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội và an toàn sức khỏe Nhân dân. Bắc Giang xuất hiện ca F0 đầu tiên vào ngày 7/5. Đến hết ngày 2/6, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp F0; hơn 17.000 trường hợp F1 và hơn 80.000 trường hợp F2. Trong số các ca F0 đã có một số trường hợp phải điều trị tích cực, một trường hợp tử vong. Từ 0h ngày 31/5, toàn Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đã  phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15+, tức là thực hiện đầy đủ chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp như không tụ tập quá 5 người nơi công cộng; tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Người dân (nhất là người trên 60 tuổi) chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh, trừ trường hợp thật sự cấp bách. Doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn và các quy định phòng chống dịch bệnh khi hoạt động. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày cũng từ 0h ngày 31/5. Việc giãn cách thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu dân phố cách ly khu dân phố, phường cách ly phường. Sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, tính đến ngày 7/6, TPHCM ghi nhận 640 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố… Việc bùng phát dịch bệnh trở lại, đi theo đó là các lệnh giãn cách, lệnh cấm tại nhiều địa phương trên cả nước đã và đang tạo ra rất nhiều ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, buôn bán của bà con nhiều ở các địa phương này. Tại cuộc họp ngày 7/6 vừa qua Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết: “Nông sản có tính thời vụ, ngắn ngày nên bị chậm vận chuyển không chỉ phát sinh chi phí mà còn làm hư hao chất lượng, giảm giá trị nông sản. Tôi có trao đổi với các bộ trưởng trong phiên họp Chính phủ vừa rồi, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì tổ chức cuộc họp để các bộ, ngành cùng ngồi thống nhất quy trình tháo gỡ nút thắt này”.

Giãn cách nhưng không làm dòng chảy hàng hóa bị ngưng trệ

Thời gian qua, các địa phương phản ánh đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nông sản trong vùng dịch an toàn khi tiêu thụ, khó khăn khi vận chuyển nông sản ra ngoài vùng dịch. Cùng với đó là những khó khăn về con người khi bị cách ly trong vùng dịch, thiếu lao động duy trì sản xuất, việc kiểm dịch của đơn vị chuyên môn tại các vùng dịch bị cách ly y tế rất khó khăn... Đồng thời việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương cũng đang gặp rất nhiều trở ngại. Các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID - 19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép xe vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với tài xế và hàng hóa. Không chỉ vậy, các địa phương cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng. Tiêu biểu như tại Bắc Giang, năm nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, trong đó, vải chín sớm 6.050ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến: Vải thiều chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ từ ngày 20/5 đến 10/6/2021; vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ ngày 10/6 đến 20/7.  Ngoài ra còn có gần triệu con lợn, sản lượng thịt 44.000 tấn; gần 20 triệu gia cầm, sản lượng gần 10.000 tấn; trên 12 ngàn ha diện tích nuôi thủy sản, sản lượng gần 17.000 tấn; có trên 1.100 ha rau các loại, sản lượng khoảng 20.000 tấn; có 600 ha dứa, sản lượng 15.000 tấn; trên 33.000 ha nhãn, sản lượng khoảng 20.000 tấn; 22.000 ha na, sản lượng khoảng 15 ngàn tấn cho thu hoạch từ tháng 7 đến hết tháng 8/2021 và các sản phẩm nông sản khác như cam, bưởi, táo... cho thu hoạch từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, với tình hình dịch COVID - 19 đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động của địa phương dẫn đến hàng trăm nghìn tấn nông sản của tỉnh đang bị nghẽn.

Để tháo gỡ các khó khăn trên, tại cuộc họp với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các tỉnh. Bộ NN&PTNT đã đề xuất nhiều kiến nghị với các bộ, ngành liên quan. Với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ chủ trì phối hợp với các bộ Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh; chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải… Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa giữa địa phương có dịch và các địa phương khác. Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét việc cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm nông sản địa phương đã thực hiện đúng quy trình kiểm soát an toàn dịch COVID - 19 theo hướng dẫn. Có cơ chế ưu tiên tiêm vắc-xin sớm cho đối tượng lái xe vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Theo Bộ NN&PTNT, qua thực tế, một số địa phương biên giới phía Bắc đã có sáng kiến thành lập đội tài xế chuyên trách để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho đội tài xế là giải pháp hữu hiệu nhất trong phòng chống dịch, do vậy Bộ đề nghị ban chỉ đạo xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi với cả hai địa phương biên giới cùng nghiên cứu thực hiện. Trước mắt cho phép đội tài xế chuyên trách vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới được tiêm vắc-xin đủ theo quy định y tế, test nhanh để đảm bảo an toàn vận chuyển. Bộ cũng đề xuất ban chỉ đạo thống nhất hình thức cấp, sử dụng sổ thông hành (hộ chiếu vắc-xin) cho tài xế đảm bảo tối ưu trong phương án vận chuyển hàng hóa giữa hai bên an toàn, thuận lợi hóa thông quan, tiết giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân hai nước. Việc này sẽ được giao cho UBND các địa phương thực hiện.

Hỗ trợ người dân vùng dịch tiêu thụ nông sản trong gian đoạn khó khăn khi dịch bệnh bùng phát, ngay từ giữa tháng 5/2021 đến nay, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức tiêu thụ gần 280 tấn vải Bắc Giang thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đa số vải đều được Bưu điện Việt Nam ưu tiên chuyển phát đến người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất và an toàn nhất. Bưu điện Việt Nam cũng cam kết có chính sách đổi trả hàng nếu vải bị hỏng do quá trình vận chuyển. Tại tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, Bưu điện Việt Nam đều bố trí container lạnh, kho lạnh trong suốt mùa vải Bắc Giang nhằm bảo đảm điều kiện bảo quản vải tốt nhất khi đưa đến tay người tiêu dùng trên cả nước. Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cũng đã bắt đầu tiếp cận vùng vải thiều sớm của huyện Tân Yên. Năm nay, chuỗi hệ thống các siêu thị Big C, Go, Go Market của tập đoàn dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng trên 700 tấn vải thiều cho tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều theo phương án tỉnh Bắc Giang đã đề xuất. Đến nay công tác phòng chống dịch bệnh để đón các thương lái này đang được triển khai. Những thương nhân này phải cách ly đủ 21 ngày, không có ngoại lệ.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0