TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Thời cơ, thách thức với Công đoàn Việt Nam góc nhìn từ sự hội nhập quốc tế về kinh tế

08:36 24/05/2022
Logo header Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế về kinh tế một cách mạnh mẽ, điều đó được thể hiện thông qua các hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định này, bên cạnh các quy định về hoạt động kinh tế còn bao hàm nhiều quy định, nguyên tắc về lao động, môi trường, quyền con người, các khía cạnh xã hội…trong đó có những quy định về tổ chức đại diện cho người lao động.

Tóm tắt: Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế về kinh tế một cách mạnh mẽ, điều đó được thể hiện thông qua các hiệp định thương mại tự do. Các Hiệp định này, bên cạnh các quy định về hoạt động kinh tế còn bao hàm nhiều quy định, nguyên tắc về lao động, môi trường, quyền con người, các khía cạnh xã hội…trong đó có những quy định về tổ chức đại diện cho người lao động. Những quy định mới này đã đặt Công đoàn trước những yêu cầu cần phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; kiện toàn cơ cấu tổ chức nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh mới. 
Từ khoá: Công đoàn, công nhân, người lao động, hiệp định thương mại, quyền con người …
1.    Định hướng xây dựng tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới
Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn đã có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện trách nhiệm cao cả “ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn. Đồng thời, trước những thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội những định hướng xây dựng, phát triển Công đoàn cũng được Đảng, Nhà nước ta thay đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn chung của thế giới cũng như trong nước.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 20/NQ- TW ngày 20/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Trong đó khẳng định, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ quan điểm chỉ đạo để  phát triển đất nước trong giai đoạn tới trong đó khẳng định cần phải “phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng” cho thấy vai trò, tầm quan trọng của giai cấp công nhân cũng như của tổ chức Công Đoàn. 
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” là một trong những minh chứng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam, là sự khích lệ to lớn đối với đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên cả nước. 
Nghị quyết đã khẳng định đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn là nhiệm vụ mang tính cấp bách, là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mục tiêu hướng đến là nâng cao năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề của Công đoàn; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động. Đây chính là tiền đề, động lực để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Từ những mục tiêu chung đó, cụ thể hoá thành những mục tiêu cụ thể, theo từng giai đoạn cụ thể trong đó tập trung vào việc nâng cao số lượng đoàn viên công đoàn; số tổ chức công đoàn cơ sở cũng như các thoả ước lao động tập thể giữa công đoàn với doanh nghiệp. 
Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Đảng cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; hoàn thiện tổ chức cũng như nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ công đoàn; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới; Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn; 
Từ những quan điểm chỉ đạo trên, ngày 20/7/2021, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thông qua chương trình hành động số 02 với việc xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, quan trọng trong đó nhấn mạnh:
Một là, Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. 
Hai là, Chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. 
Ba là, tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho công nhân.
Bốn là, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Năm là, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.
Sáu là, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thi đua học tập, lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bảy là, xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
2. Hội nhập quốc tế về kinh tế - thách thức cho Công đoàn Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đẩy nhanh quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế về kinh tế. Cùng với đó cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu rộng không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn tác động sâu sắc đến lao động, việc làm, cuộc sống của đoàn viên, người lao động. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm nhiều quy định, nguyên tắc liên quan đến môi trường lao động, quan hệ lao động, quyền lợi của người lao động…mà mới nhất là việc người lao động được thành lập tổ chức đại diện của mình tại doanh nghiệp và tổ chức này có quyền lựa chọn: Hoặc tham gia vào hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc sẽ tồn tại độc lập bằng cách đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này cơ hội để hình thành thêm những tổ chức đại diện của người lao động, giúp bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đồng thời cũng tạo điều kiện để chúng ta tuân thủ theo các điều ước quốc tế cơ bản, đáp ứng yêu cầu về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập quốc tế. Tất cả các yêu tố kể trên đã tác động, làm thay đổi một cách sâu sắc từ mô hình tổ chức đến nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn. 
Thứ nhất, phải kể đến những tác động của nền kinh tế thị trường đến tư duy, định hướng xây dựng cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động của tổ chức Công đoàn. Chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức Công đoàn là nhằm thỏa mãn nhu cầu về lợi ích của người lao động, bảo vệ được người lao động trong quan hệ lao động. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, cần phải đảm bảo ngoài lợi ích của người lao động, Công đoàn cũng phải mang lại lợi ích cho chủ sử dụng lao động để các hoạt động công đoàn có tính bền vững, nhận được sự ủng hộ từ phía các doanh nghiệp.
Ngoài ra một điểm cũng cần lưu ý đó là Công đoàn mặc dù là một đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị nước ta, tuy nhiên lại mang nhiều đặc thù về chức năng, nhiệm vụ, về thu - chi tài chính, về tham gia các quan hệ pháp luật, về tính quốc tế và tính pháp lý rộng rãi. Hoạt động công đoàn là hoạt động đoàn thể tuy nhiên lại phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động do pháp luật quy định, yêu cầu cao về tính thiết thực, hiệu quả hoạt động phụ thuộc vào nhiều chủ thể. Do đó cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật về Công đoàn mà cụ thể là Luật Công Đoàn để phù hợp với các yếu tố trên. 
Thứ hai, Công đoàn sẽ phải đối mặt với áp lực về việc kết nạp đoàn viên Công đoàn cũng như việc thành lập các tổ chức Công đoàn cấp cơ sở bởi các người lao động có quyền tự nguyện tham gia hoặc không tham gia vào tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ngoài ra trong các hiệp định thương mại (như trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP) đã quy định người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn làm đại diện, tức là Công đoàn sẽ không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho cho người lao động.
Thứ ba, việc có thể có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề liên đới như nguồn thu của Quỹ công đoàn, thoả ước lao động tập thể, đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; … Những điều này đặt ra một số thách thức như: Thứ nhất, các tổ chức đại diện cho người lao động mới được thành lập dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, tìm cách lôi kéo người lao động; Thứ hai, việc quản lý các tổ chức ngoài công đoàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Thứ ba dễ gây ra những xung đột trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, sản xuất, an ninh, trật tự xã hội; Thứ tư có thể xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức công đoàn trong cùng một doanh nghiệp, làm suy giảm sức mạnh tập thể của người lao động, của tổ chức Công đoàn.
Thứ tư, những hạn chế trong cơ cấu tổ chức Công đoàn sở trở thành những thách thức trong tình hình mới.
Tổ chức bộ máy của cơ quan công đoàn các cấp trong điều kiện trước đây là tương đối phù hợp. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như một bộ phận cán bộ công đoàn chưa được đào tạo chuyên nghiệp dẫn đến hạn chế về năng lực chuyên môn, hơn thế cán bộ Công đoàn chủ yếu là kiêm nhiệm, dễ biến động, thiếu tính gắn kết; với khu vực kinh tế ngoài nhà nước, thiếu hụt đội ngũ cán bộ được đào tạo, trưởng thành từ hoạt động thực tiễn….Chính những hạn chế đó đã tạo ra những thức thức về cơ cấu tổ chức khi mà số lượng các công ty, doanh nghiệp ngày một tăng nhanh; số lượng các tổ chức của công nhân khác sẽ tăng theo thời gian; quan hệ lao động trong tình hình mới sẽ tồn tại nhiều mâu thuẫn hơn, phức tạp hơn đòi hỏi người cán bộ công đoàn cơ sở phải có nhiệt huyết, có trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao hơn mới có thể giải quyết tốt công việc được giao.
3. Các giải pháp để Công đoàn hoạt động hiệu quả hơn
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh mới chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức để Công đoàn hoạt động hiệu quả hơn cần có sự thay đổi trong cả nhận thức, tư duy và hành động thực tiễn. Một số nhóm giải pháp cần chú ý đó là:
Thứ nhất, thay đổi trong nhận thức, tư duy
Việc thay đổi trong nhận thức, tư duy trước hết được thể hiện ở phương thức lãnh đạo của Đảng với tổ chức Công đoàn đặc biệt là tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI thông qua công tác cán bộ, thông qua định hướng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ban hành các quy định cụ thể về thành lập tổ chức đảng, tổ chức công đoàn, tổ chức của công nhân ngoài Công đoàn. Tiếp đó cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường; rút ra những bài học kinh nghiệm về hoạt động công đoàn trong các loại hình cơ sở ở bối cảnh mới. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc thành lập, quản lý  các tổ chức của công nhân ngoài Công đoàn .
Để Công đoàn hoạt động tốt, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động về tổ chức Công đoàn, để người lao động tin tưởng, lựa chọn Công đoàn làm đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quan hệ lao động. 
Nghiên cứu, phát triển cơ sở lý luận làm tiền đề cho việc thành lập các tổ chức của công nhân ngoài Công đoàn, xác định rõ bản chất, mục tiêu, phương thức hoạt động, quản lý các tổ chức này sao cho phù hợp với chế độ chính trị, chính sách pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, thay đổi, hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước với lao động, công đoàn
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý lao động, quan hệ lao động, công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động ngoài công đoàn nhằm đảm bảo các tổ chức này hoạt động đúng trong khuôn khổ pháp luật; xử lý, hoá giải các mâu thuẫn  trong quan hệ lao động; đảm bảo sự phù hợp giữa pháp luật trong nước với các tiêu chuẩn, quy định pháp lý quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn một cách thực chất hơn
Cần quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn ở các cấp đặc biệt là công đoàn cơ sở; tập trung hơn nữa vào các quy định liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động, đảm bảo tính hữu ích, hữu hiệu của Công đoàn, đồng thời lược bớt một số nhiệm vụ không liên quan. Có chế tài đủ mạnh xử lý các vi phạm về pháp luật lao động và công đoàn.
Thứ tư, nghiên cứu các mô hình Công đoàn phù hợp với các thành phần kinh tế ngoài nhà nước
Sự khác biệt giữa vai trò, vị thế  của người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước với khu vực tư nhân, FDI từ vị thế làm chủ, được tham gia vào quản lý đơn vị, lợi ích bản thân gắn với lợi ích cơ quan, doanh nghiệp sang vị thế đi làm thuê, chỉ gắn với lợi ích kinh tế. Chính sự khác biệt này đã dẫn đến cần có sự thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí và phương thức tổ chức, hoạt động của tổ chức công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước vào các doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân và FDI. Cần khẩn trương nghiên cứu để sớm có mô hình tổ chức công đoàn thích hợp, hiệu quả cho khu vực này. 
Với khu vực kinh tế tư nhân, FDI nhà nước sẽ trực tiếp quản lý công đoàn tại doanh nghiệp, Công đoàn doanh nghiệp chỉ tổ chức, hỗ trợ về nghiệp vụ công đoàn; Đảm bảo các hoạt động Công đoàn có tính độc lập nhằm tách khỏi sự khống chế, kiểm soát của chủ doanh nghiệp sử dụng lao động. Còn với các tổ chức của công nhân ngoài công đoàn, ở cấp doanh nghiệp thì chỉ được hoạt động trong phạm vi của doanh nghiệp đó, chỉ thực hiện một số chức năng nhất định như đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể và đình công theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả của Công đoàn cấp cơ sở 
Để phát triển tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, nên tận dụng uy tín, tiếng nói của các tổ chức xã hội để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập công đoàn tại các doanh nghiệp; Nâng cao sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở trên tiêu chí thực chất hơn, sát sao hơn, bớt hành chính – thủ tục hơn; Hỗ trợ, giám sát việc thành lập công đoàn cơ sở để tránh tình trạng chủ sử dụng lao động can thiệp về mặt nhân sự trong các tổ chức công đoàn cơ sở; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ của công đoàn cơ sở đảm bảo có kiến thức chuyên sâu về quan hệ lao động, có đủ các kỹ năng cần thiết để tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn, có đủ khả năng hoạt động độc lập trong việc hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

PGS.TS Nguyễn Đức Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Bình luận: 0