TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Thúc đẩy năng lực hệ thống giao thông tạo bàn đạp vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội

16:42 01/10/2020
Logo header Theo xu thế hội nhập, Việt Nam đã và đang trở thành thành viên của nhiều tổ chức, hiệp hội quốc tế. Trong bối cảnh đó, các thách thức lớn đối với sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng rõ ràng, đặc biệt khi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nền kinh tế khác có hiệu lực. Một trong những yếu tố then chốt để tăng sức cạnh tranh là kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước. Với hạ tầng giao thông nước ta dù đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt trong những năm qua nhưng vẫn còn đó nhiều nhiều thách thức trước mắt để có thể đáp ứng được yêu cầu về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa.

Hạ tầng giao thông nước ta đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực trong những năm qua

Xác định hệ thống kết cấu hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cần phải đẩy nhanh sự thay đổi hơn nữa, tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhấn mạnh vai trò của hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trong công cuộc sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó đặc biệt chú trọng tới đầu tư phát triển hệ thống giao thông. Với quan điểm, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phải hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan toả lớn. Tăng cường công tác quản lý trong khai thác sử dụng công trình. Có thể thấy rằng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta đã có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Trên cả nước, chỉ riêng về hệ thống đường bộ, đã đưa vào khai thác 1.041 km đường cao tốc, đang đầu tư xây dựng hơn 160km, tiếp tục triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng thêm 654 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (theo Nghị quyết số 52/2017/QH14, ngày 22/11/2017, của Quốc hội), 40km đường cao tốc đoạn thành phố Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị (Đồng Đăng) và 92 km đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Hàng không và hệ thống cảng biển, đường sắt cũng ngày một phát triển nhanh chóng trên cả nước. Hệ thống giao thông đô thị từng bước được nâng cấp, cải tạo góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa. Một số công trình giao thông hiện đại được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước. Dù có quy mô nền kinh tế chưa lớn, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ chi đầu tư phát triển hạ tầng cao nhất châu Á với nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng lớn và đa dạng, ngoài nguồn của Nhà nước còn là sự mở rộng, tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp, khu đô thị mới và đặc biệt là trong các dự án giao thông. Từ năm 2014, với hệ thống đường giao thông ngày càng phát triển, đồng bộ đã và đang góp phần quan trọng nâng cao chỉ số cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Và xu hướng này được cải thiện mạnh mẽ và có xu hướng cải thiện và đi lên ổn định theo thời gian, đồng thời cũng giúp tăng năng lực cạnh tranh của đất nước ngày một mạnh mẽ. Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều địa phương trong cả nước đã có hệ thống cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư phát triển rất mạnh. Trong số đó, Bình Dương là tỉnh đứng đầu chỉ số Cơ sở Hạ tầng năm 2019, và cũng là tỉnh liên tục dẫn đầu chỉ số này trên cả nước từ nhiều năm nay. Với việc ngay từ khi tái lập vào năm 1997 đến nay, Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Với 29 KCN, trong đó, nhiều KCN có chất lượng tốt, Bình Dương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Một số tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Đồng Nai, Thái Nguyên và Bắc Giang cũng nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt nhất năm vừa qua, cũng là những trung tâm công nghiệp lớn trên cả nước. Nhưng còn đó vẫn còn một số tỉnh thành nằm trong nhóm có chất lượng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đó là Sóc Trăng, Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Bình và Bạc Liêu. 

Theo đà phát triển mạnh mẽ đó, dù hiện nay Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm ở mức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao và thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, Chính phủ đã thông qua đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để triển khai 03 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thống nhất đồng ý chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang phương thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Khi ba dự án này khởi công sẽ tăng năng lực vận tải trục Bắc - Nam thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. 

Song song với nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khác, các dự án xây dựng hạ tầng giao thông càng ngày thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình khi đã và đang góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, thu hẹp khoảng cách vùng, miền, khi đang dần bảo đảm tính kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đang được đồng bộ hóa ngày càng cao.

Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20

Bình luận: 0